Bánh ép, ăn vài chục cái mới thỏa
Thừa Thiên – Huế, nơi được mệnh danh là vùng đất cố đô không chỉ nổi tiếng bởi khung cảnh tuyệt đẹp của thành quách xưa nơi các đời vua ngự trị, thiên nhiên trong lành, mà còn được biết đến với “ kinh đô ẩm thực”, say đắm những ai thích khám phá những món ngon.
Nơi lưu luyến chúng tôi nhất chính là con đường dẫn đến cửa biển Thuận An, đi ngang một quán bán bánh ép – đặc sản chỉ có ở Thừa Thiên – Huế. Đó là quán Cây Xoài (số 75 Hoàng Quang, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang).
Bánh ép là món ăn dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ bởi cách chế biến, nhất là giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Bột sắn sau khi nhồi kỹ, vắt thành từng miếng mỏng hình tròn. Thịt nạc được cắt thành lát mỏng ướp gia vị rồi xào sơ, trộn cùng với một ít hành, ngò rí. Sau khi làm nóng khuôn bánh trên bếp than đỏ rực, cô chủ quán sẽ dùng bẹ chuối bôi lên khuôn ít dầu ăn để chống dính rồi đặt một miếng bột sắn và một ít thịt nạc lên trên, ép lại khoảng 7 đến 8 giây. Sau khi ép lần một, cô mở khuôn ra, tráng một lớp trứng gà đã quấy sẵn, tiếp tục ép thêm lần 2 trong 3-5 giây nữa.
Video đang HOT
Bánh sau khi được nướng có màu vàng của trứng, ăn kèm với rau sống. Nước chấm ngoài nước tương còn có nước mắm ớt. Nước chấm ở quán Cây Xoài mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có, nó được pha sền sệt cùng với loại ớt được trồng tại Huế, vừa đủ vị mặn khi chấm và vị cay khiến người ăn có cảm giác ngon miệng.
Giá một chiếc bánh ép hết sức bình dân, chỉ 2.000 đồng/cái, nên thu hút rất đông thực khách, từ người địa phương đến du khách cả trong và ngoài nước. Nơi đây còn có bánh ép khô, 5 chiếc bỏ vào một túi, có giá 10.000 đồng. Bánh ép khô có thể để 10 ngày không bị hư.
Đến đất cố đô, dù bận rộn đến đâu tôi cũng đều tranh thủ tìm đến quán Cây Xoài để ăn bánh ép và lần nào cũng phải ăn đến vài chục cái mới thỏa.
Theo NLD
Bánh ép - món ăn vặt bên dòng sông Hương
Bánh ép làm từ bột lọc và nhiều loại nhân khác nhau như bò khô, thịt, trứng... là món ăn chiều phổ biến ở cố đô Huế.
Không ai biết bánh ép có xuất xứ từ đâu nhưng vài năm trở lại đây khi đến Huế, du khách dễ dàng bắt gặp các quán bán món này. Đây là thức quà thích hợp lót dạ vào buổi chiều tối hay ăn khuya.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy món này giống bánh tráng nướng nhưng mùi vị và cách chế biến rất khác nhau với nhiều hương vị. Đi qua các quán bánh bạn sẽ cảm nhận mùi thơm nức, níu chân khách.
Thành phần của bánh ép là bột lọc, nhân gồm trứng, thịt, hành lá, dưa góp chua ngọt và nhiều nguyên liệu khác tùy thuộc vào sự biến tấu của mỗi quán. Để làm bánh ép mất nhiều công đoạn. Gạo sau khi ngâm được xay mịn, vắt kiệt nước rồi tán thành những miếng vuông hay tròn tùy sở thích. Thịt nạc được băm nhỏ, thêm gia vị cho vừa miệng, trứng gà ta được quấy đều cùng một chút hành, rau mùi.
Sau khi đặt khuôn bánh trên bếp than ở nhiệt độ thích hợp, người chế biến sẽ đặt một viên bột lọc ép chặt xuống cho đến khi cán thành lớp mỏng. Nhân thịt được đặt lên phía trên, thêm một lớp trứng mỏng rồi tiếp tục ép xuống. Nhiệt độ nóng từ khuôn sẽ khiến bánh chín đều, dậy mùi thơm và giòn rụm. Có lẽ chính bởi công đoạn làm bánh mà món có gọi tên là bánh ép.
Bánh được ăn khi còn nóng hổi mới ngon, kèm với dưa chuột thái mỏng, rau răm. Khi ăn, bạn sẽ cuốn bánh lại cùng các loại rau, chấm cùng nước chấm pha chua ngọt mới đúng điệu.
Người Huế thường pha nước chấm rất cay. Khi ăn vị giòn rụm của bánh, đậm đà của thịt, trứng, cay của ớt, chua ngọt của nước chấm hòa quyện rất hấp dẫn, ăn không ngán.
Du khách đến Huế khi đi ngang đường Bà Triệu, Lê Quý Đôn hay Hồ Xuân Hương nhớ ghé quán bánh ép, giá khoảng 5.000 đồng một chiếc. Không khí ồn ào của các quán ăn vỉa hè sẽ giúp bạn cảm nhận một góc Huế không hề trầm tư.
Theo TCDL
Khoái khẩu, bánh ướt tôm chua Bánh ướt tôm chua là món ăn khoái khẩu của người Huế. Điều đặc biệt nằm ở đôi tay kỳ diệu, biến những nguyên liệu đơn giản thành thức ngon cầu kỳ. Bánh ướt trong mịn, dai thơm với bột gạo, bột lọc pha chung. Lá bánh mướt, mỏng tang, dịu dàng. Tôm chua xứ Huế chỉ cần nhắc đến thì dạ dày...