Bánh đúc Đồng Quan
Nhìn tấm bánh tròn to, trắng tinh lấm tấm điểm những sợi dừa hay hạt lạc béo ngậy, khiến thực khách không thể kìm được cảm giác thèm. Bẻ miếng bánh đúc mà không bị dính tay, chấm với tương bần hoặc mắm tôm hay ăn kèm với đậu phụ rán thì thật thú vị.
“ Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua”.
Bánh đúc là loại bánh dân dã của người Việt Nam có từ miền Bắc vào đến miền Nam. Bánh đúc thuần túy rất giản dị được nấu từ bột gạo pha với ít vôi tôi. Bánh có vị lạt, nồng nhẹ mùi vôi, khi ăn cắt miếng nhỏ hay cắt sợi và được ăn kèm với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau… từ riêu cua cho đến mắm tôm, tương bần, từ mật ong, mật mía, mứt trái cây cho đến cá kho, thịt kho… nếu thích.
Và bánh đúc cũng có ít nhiều biến tấu khi người ta cho vào đó màu xanh của lá dứa để làm thành món bánh đúc cẩm thạch của miền Nam, rồi thêm đậu phụng trên mặt bánh để gọi là bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, làm bằng bột bắp để có bánh đúc ngô…
Làng Đồng Quan (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cũng có nghề làm bánh đúc rất tinh tế. Bánh có hương vị đặc biệt khiến những người sành ăn ưa thích. Cũng làm từ gạo tẻ, nước vôi nhưng bánh có tiếng khắp vùng ăn vừa dẻo, vừa mát.
Video đang HOT
Để làm bánh, người Đồng Quan chọn gạo tẻ loại ngon, gạo không xay làm bột ngay mà vo sạch cho vào nước trong ngâm liền 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước một lần, đến khi bóp hạt gạo di trên đầu ngón tay thấy nhuyễn mới mang xay.
Vôi dùng để quấy bánh không dùng vôi đã tôi ở thùng, ở bình mà đem vôi cục nướng lên, hòa vào nước rồi gạn lấy nước trong, đem gạo đã xay hòa với nước vôi này để nấu bánh đúc.
Theo những người dân làng Đồng Quan thì khâu quan trọng nhất vẫn là khâu nấu và quấy bánh.
Trước hết phải chuẩn bị một cái nồi được tráng mỡ, đoạn đổ bột vào, bắc lên bếp, phải điều chỉnh ngọn lửa sao cho đều, lấy đũa cả quấy liên tục sao cho bột không vón, không khê, không sát nồi. Tùy theo kinh nghiệm và sự cảm nhận của người nấu sẽ biết khi nào nồi bánh gần được thì đậy vung, tắt lửa và để om trên bếp một lúc, rồi cho lạc rang (đã xát hết vỏ), dừa xát mỏng, thái bé.
Lại đánh tiếp tới lúc bột quánh dẻo, cầm đũa cả nhắc lên thấy bánh chảy xuống dóc đũa là được. Bánh đúc chín đổ ra mẹt lót lá chuối tươi sẽ được tấm bánh tròn to, đổ vào bát sẽ được bánh nhỏ, xâu lạt được.
Nhìn tấm bánh tròn to, trắng tinh lấm tấm điểm những sợi dừa hay hạt lạc béo ngậy, khiến thực khách không thể kìm được cảm giác thèm. Bẻ miếng bánh đúc mà không bị dính tay, chấm với tương bần hoặc mắm tôm hay ăn kèm với đậu phụ rán thì thật thú vị.
Vị ngọt của bột gạo, vị nồng của vôi, vị béo của dừa và lạc sẽ khiến bạn không thể nào quên. Và nếu được thưởng thức bánh đúc trên chiếc chõng tre, trong không gian thoang thoảng hương thơm của dàn hoa thiên lý, cùng âm thanh vi vu của sáo thì càng làm cho tình quê và hồn người thêm say đắm, hòa quện.
Theo VNE
Bánh đúc đồng bằng
Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng thời khốn khó của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung với một số biến tấu khác với nơi bánh ra đời. Và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê.
Là dân miền châu thổ, chắc không ai xa lạ với món bánh đúc lá dứa chan nước cốt dừa.
Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng thời khốn khó của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung với một số biến tấu khác với nơi bánh ra đời. Và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê.
Theo dì Hồng, người đã có thâm niên hai mươi bảy năm bán bánh đúc dạo ở thành phố Cần Thơ, món bánh đúc không có gì phức tạp. Nguyên liệu làm bánh toàn từ những sản vật quê nhà. Chỉ cần gạo ngon, lá dứa, dừa nạo, đường, đậu phộng là có thể làm được món bánh đúc thơm ngon. Cách làm bánh cũng khá đơn giản. Gạo được ngâm kĩ trước khi cho vào cối, xay thành bột. Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, đổ bột gạo và nước lá dứa vào nồi nấu sôi. Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu, phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay. "Làm bánh đúc quậy bột mỏi tay lắm con ơi!"- Dì Hồng thiệt thà chia sẻ khi được hỏi về kinh nghiệm làm bánh. Nếu muốn tăng độ dai của bánh thì bỏ thêm chút nước tro tàu. Bánh đúc được ăn kèm với hai thứ nước chan. Dừa khô nạo vắt lấy nước, bỏ thêm chút bột năng, thắng lên thành nước cốt dừa. Nước đường cũng được thắng cho kẹo lại. Kèm theo là đậu phộng rang giã nhỏ để rắc lên trên bánh.
Bánh đúc được coi là thứ quà vặt, thường không kén người ăn. Nếm một miếng bánh, người ăn sẽ cảm thấy độ dai của bánh quyện với vị béo của nước cốt, vị ngọt của đường, vị bùi bùi của đậu phộng cộng với mùi thơm thoang thoảng toả ra từ lá dứa. Ngồi thưởng thức dĩa bánh đúc giữa lòng thành phố, dễ gợi ta nhớ đến thuở còn bé, mỗi lần được ăn bánh đúc là cả một niềm vui. Ở quê, bánh thường được ăn vào bữa sáng hay lúc xế xế, khi kiến đã bò bụng mà bữa cơm chiều vẫn chưa tới.
Dì Hồng ngày ngày đẩy xe bánh đúc đi bán khắp các con đường lớn nhỏ của thành phố Cần Thơ. Món bánh đúc và tiếng rao của dì riết đã trở thành quen thuộc. Rất nhiều người ghiền bánh đúc của dì. Khách phương xa nghe giới thiệu là phải kiếm ăn thử một lần. Nhiều người quan niệm khi đến miền Tây phải nếm qua bánh đúc lá dứa chan nước cốt dừa. Thậm chí có những gia đình Việt kiều lâu lắm mới về thăm quê cũng ghé qua, mua hết cả xe bánh của dì.
Không khó để hiểu vì sao bánh đúc lại hấp dẫn người ăn đến vậy. Bánh đúc là thứ đặc sản thôn quê, nó ẩn chứa nét tinh tế trong ẩm thực và cả cái tình của người dân xứ đồng bằng.
Theo TNO
Quán bánh đúc nổi tiếng ở Hà Nội Món ăn dân dã đã gắn bó với nhiều người dân Việt từ khi còn là trẻ nhỏ có rất nhiều kiểu khác nhau như bánh đúc chấm tương, bánh đúc thịt, bánh đúc nộm, riêu, cốt dừa... Bánh đúc bày biện đẹp mắt ở quán 1946. Đã có một thời, Hà Nội phổ biến hình thức đổi dép nhựa, lông gà lông...