Bánh cuốn Phủ Lý giữa lòng phố cổ
Tiệm bánh cuốn này mở khá lâu rồi, chỉ bán từ sáng đến tầm 3h chiều. Diện tích rất nhỏ, chỗ ngồi cho khách vỏn vẹn 3 chiếc bàn nhựa xếp thẳng hàng trên cái vỉa hè khiêm tốn.
Không ai bảo ai nhưng như một thói quen nho nhỏ, bất kì chuyến xe nào đi qua Quốc lộ 1A, tài xế nhất định phải táp vào bên đường, dành cho du khách chừng mươi phút đến nửa tiếng. Chẳng phải việc cấp bách, chỉ đơn giản để họ có dịp thưởng thức một bữa bánh cuốn Phủ Lý. Thế nên, bánh cuốn Phủ Lý dù không có nguồn gốc Thủ đô nhưng vẫn nổi tiếng với người Hà Thành.
Bánh cuốn Phủ Lý chẳng bao giờ mọc lên nhan nhản như các tiệm bánh cuốn nóng quen thuộc ở Hà Nội, càng không “đại trà” như bánh cuốn Thanh Trì, có các gánh hàng rong lang thang khắp phố phường, ngõ xóm. Nơi bán bánh cuốn Phủ Lý lưa thưa đếm trên đầu ngon tay và phải những ai mê hương vị món ăn này lắm, chịu khó để ý thì mới biết. Trong số đó, có lẽ tiệm bánh cuốn Phủ Lý nằm trên phố Đào Duy Từ là “nổi” nhất.
Tiệm bánh cuốn này mở khá lâu rồi, chỉ bán từ sáng đến tầm 3h chiều. Diện tích rất nhỏ, chỗ ngồi cho khách vỏn vẹn 3 chiếc bàn nhựa xếp thẳng hàng trên cái vỉa hè khiêm tốn. Bánh cuốn vỉa hè tuềnh toàng là thế song không hề rẻ. Mỗi suất có giá 25.000 đồng, chắc chỉ đủ “tráng thành dạ dày” cho những thực khách phàm ăn.
Quả thật, nhìn cô chủ quán nhanh tay sắp đĩa bánh cuốn… chẳng đầy đặn lắm, rắc lên trên đó chút hành phi, rồi nhón thêm chừng 6-7 miếng thịt nướng cũng không “hoành tráng” hơn là bao, hẳn nhiều người sẽ lắc đầu chê quán bán đắt. Chỉ có các khách ruột hay ghé ăn nơi đây thì đồng ý rằng “đắt nhưng ngon là được!”.
Video đang HOT
Bánh cuốn Phủ Lý đơn giản lắm. Bánh tráng chay, không thịt cũng chẳng mộc nhĩ, ăn kèm chả nướng, chấm với nước mắm ngọt, bỏ thêm chút hành phi cho thơm. Không cầu kì, chẳng có gì độc đáo, ngẫm ra thì thấy giống như sự kết hợp của bánh cuốn Thanh Trì và bún chả Hà Nội. “Thế mà không hiểu sao khi ăn vẫn cảm giác ngon hơn, thú vị hơn” là nhận xét của nhiều người.
Có lẽ món ăn rất đơn giản nên nếu muốn chinh phục thực khách thì phải qui tụ cả 3 yếu tố: bánh cuốn tráng mỏng, trắng phau nhưng vẫn mềm mà dai, ăn không thấy ớn; chả phải mới còn nóng hổi nguyên, thịt ngậy thơm mùi nướng than hoa; nước chấm pha phải chuẩn, vừa miệng đưa đẩy người ăn.
Thưởng thức bánh cuốn Phủ Lý phố Đào Duy, hẳn nhiều người đã cảm nhận được đầy đủ những dư vị ấy. Thế nên dù trong thời bão giá, bán hơi “chát” so với một quán vỉa hè, tiệm này vẫn được nhiều khách ưu ái, thường xuyên lai vãng. Đến đây, để ấm bụng, người ta chấp nhận gọi đôi suất hoặc không thì cũng thêm bánh, thêm thịt. Bỏ hơn chút tiền nhưng đỡ “dở cái miệng”, khỏi phải thèm thuồng. Vả lại, bàn luận chuyện đắt rẻ vậy thôi chứ nếu tính chi ly, người “khổng lồ” mấy cũng khó lòng “đả” hết cả trăm nghìn tiền bánh cuốn. Nên so với nhiều món vỉa hè đắt đỏ một cách vô lý ở khu phố cổ, bánh cuốn Đào Duy Từ vẫn đáng để khách khám phá.
Địa Chỉ: 39 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
HOÀNG NHI
Theo Infonet
Ẩm thực vỉa hè
Có lẽ không nơi đâu có được sự phục vụ thân thiện như quán vỉa hè, nơi đó người ăn không khe khắt, người bán cũng chẳng đòi hỏi quá cao. Quán ngoài đường không cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn...
Từ gánh đến xe
Nói đến món ăn đường phố thì không thể nói hết một ngày một bữa, đó là một thế giới ẩm thực dân dã đặc biệt. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta có thói quen chọn ăn quà ngoài phố, dễ thường có cầu mới có cung. Đầu tiên có thể kể về hàng gánh. Với gánh hàng kĩu kịt trên vai, người bán vừa đi vừa rao dọc các con phố, luồn lách vào tận hẻm sâu. Hàng đem bán đôi khi chỉ là dăm củ khoai mì, vài quả cóc, bịch chuối khô hay vài ốp bánh tráng muối tôm, một nồi tào phớ, một xoong cháo sườn hoặc vài niêu cơm rượu... nhưng đó là những món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Người thường ăn quà vặt chỉ nhìn vào đôi quang gánh đầy ắp số hàng hóa kia là có thể nói lên được quê người bán ở đâu, người bán hàng ở khu phố nào, miền nào. Miền nào thức nấy, đó chính là sự hấp dẫn của các món ăn đường phố.
"...Tâm lý người ăn đôi khi cũng mâu thuẫn, người thì chọn không gian yên tĩnh kẻ lại ưa thích sự náo nhiệt ồn ào, vì vậy mà hình thành thói quen ngồi quán cóc vỉa hè. Thêm vào đó có cảm tưởng rằng hình như chỉ ngồi quán vỉa hè, người ta mới cho phép mình trút bỏ hết mọi rào cản suy nghĩ, lối sống và vai vế trong xã hội... "
Không chỉ có những gánh hàng rong mang món ăn vặt đi khắp thị thành, những chiếc xe kéo, xe đạp, xe đẩy tự chế cũng làm phận sự mang hàng ăn đi khắp nơi. Quen thuộc đến nỗi người muốn ăn chỉ cần đứng đợi ở góc phố nào đó, đúng giờ đó hàng quán lưu động kia sẽ xuất hiện. Sự chờ đợi đôi khi lại chính là hạt nêm cho món ăn thêm đậm đà và giữ lại hoài trong ký ức. Chưa chắc các món ăn mong đợi đó đã ngon nhưng độc đáo và nhớ mãi lại là sự khao khát được nếm lại hương vị của quê nhà, của một thời đã qua.
Cũng không phải tình cờ mà thực khách duy trì thói quen ăn ngoài phố. Từ gánh hàng rong cho đến những quán ăn có đẳng cấp, thôi thì đủ các món, bao giờ cũng chọn những nơi có phố xá rộng rãi, vỉa hè thông thoáng tiện lợi cho thực khách tạt ngang vào hoặc chí ít vỉa hè cũng đặt được dăm chiếc bàn lộ thiên. Cái sự mát mẻ của khí trời, thoáng đãng của không gian, náo nhiệt của phố phường là ngọn lửa tiếp thêm cho các món ăn ấy.
Âm thanh cuộc sống
Một trong những thú ăn ngoài đường phải nói đến là sự thoải mái hưởng thụ mọi âm thanh cuộc sống. Có ngồi vỉa hè ăn tô cháo lòng, ngắm dòng người qua lại mới thấy hết cái sự thong thả của ẩm thực vỉa hè. Có phải vừa che đầu vừa bưng bê đĩa gỏi cuốn chạy vào hàng hiên trú mưa mới thấy hết cái sự vất vả mà... vui của món ăn đường phố. Còn nhiều lắm những điều thú vị của ngồi ăn ngoài đường. Một khu phố ăn uống quy mô bao giờ các bàn ăn ở phía ngoài đường cũng được thực khách chọn ngồi đầu tiên. Những quán ăn nào có nhiều không gian mở nhất đều được nhớ đến như một địa điểm thư giãn đặc sắc.
Tâm lý người ăn đôi khi cũng mâu thuẫn, người thì chọn không gian yên tĩnh kẻ lại ưa thích sự náo nhiệt ồn ào, vì vậy mà hình thành thói quen ngồi quán cóc vỉa hè. Thêm vào đó có cảm tưởng rằng hình như chỉ ngồi quán vỉa hè, người ta mới cho phép mình trút bỏ hết mọi rào cản suy nghĩ, lối sống và vai vế trong xã hội. Ai cũng như ai, thân thiện và bình dị như hàng xóm láng giềng.
Thương hiệu đặc biệt
Những người thích ăn hàng ở phố có lẽ sẽ quen thuộc với những hàng quán nổi tiếng như khu ẩm thực Nguyễn Thái Bình, khu ăn ốc chợ đêm Bến Thành, khu sủi cảo Ngô Quyền,... ở Sài Gòn hay khu bún ốc Hồ Tây, khu ốc cay - nghêu sò - nem chua Giảng Võ, bánh đa trộn Bà Triệu, hàng bún Lê Ngọc Hân, chè xoài Nguyễn Trường Tộ và gần đây có thêm bún chửi Ngô Sĩ Liên... ở Hà Nội. Ngẫm nghĩ không ở đâu có được sự phục vụ bình dị như quán vỉa hè, nơi đó người ăn không khe khắt, người bán cũng chẳng đòi hỏi quá cao. Quán ngoài đường cũng chẳng cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn, thực khách tuổi nào cũng đã không ít lần tự đặt tên cho hàng ăn đường phố.
Đôi khi hình dáng của người bán cũng làm nên thương hiệu, ví dụ như quán bà V. mập, quán ông T. râu, quán chú S. đầu bạc... Vỉa hè còn là nơi xuất phát những kiểu cách chạy bàn độc đáo hoặc những câu nói bất hủ kiểu "15 nghìn một bát ăn mấy bát thì tự tính ra tiền"! Người ta chọn ăn ngoài phố không chỉ vì ngon, bổ, rẻ trong thời giá đắt đỏ mà còn vì một thói quen không bỏ được của tình yêu cuộc sống: lắng nghe phố xá thị thành.
Theo Tạp chí làm đẹp
Cổ gà quay ngon tuyệt và 'siêu' rẻ phố Hàng Buồm Thứ tưởng như "đầu thừa đuôi thẹo" ấy lại được chế biến tài tình trở nên thơm ngon đến không ngờ, mà giá cũng rẻ đến giật mình. Cổ gà quay - cái tên nghe không lấy gì làm hấp dẫn nhưng lại là món tủ, rất "hot" của một quán ăn bình dân nằm trên phố Hàng Buồm. Quán này thực chất...