Bánh cóng Sóc Trăng: Món đặc sản ngon “nức nở” trong lòng du khách
Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với đặc sản bánh pía lừng danh cả nước mà còn có rất nhiều món ăn ngon nổi tiếng khác khiến thực khách phải khen nức nở.
Trong số những món ngon đó phải kể đến món “bánh cống” nổi tiếng của Sóc Trăng và đây cũng là món ăn truyền thống của người Khmer.
Bánh cóng – Đặc sản Sóc Trăng (Ảnh nguồn Internet)
Bánh cống Sóc Trăng có mùi thơm nức mũi, cái giòn giòn hòa với vị beo béo, bùi bùi của đậu xanh, tôm, thịt khiến cho người ăn có cảm giác ngon ngay trên đầu lưỡi. Ở Sóc Trăng, bánh cống là món ăn quen thuộc nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh cống ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Bánh cóng được chiên trong chảo dầu ngập mỡ (Ảnh nguồn Internet)
Cho tất cả nguyên liệu vào cóng rồi đem chiên trong chảo dầu (Ảnh nguồn Internet)
Nguyên liệu làm ra chiếc bánh cống bao gồm bột gạo, đậu nành, đậu xanh, tôm, thịt heo, hành tím cùng các loại gia vị. Dụng cụ đặc biệt cần có là cái cống để chiên bánh. Các bước thực hiện cũng vô cùng đơn giản.
Đậu nành đãi sạch vỏ, xay nhuyễn, trộn với bột gạo để làm bột chiên bánh. Đậu xanh ngâm trong nước khoảng một đêm, không đãi vỏ, sau đó nấu mềm. Chú ý không nên nấu đậu xanh quá nhừ sẽ làm hạt đậu bị nát, không ngon.
Thịt heo băm nhuyễn, xào nhanh trên bếp. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh thì thịt heo xào nên trộn thêm một ít hành tím băm, mùi thơm của hành sẽ hòa quyện vào chiếc bánh sau khi chiên, khiến bánh có mùi vị thơm ngon đặc trưng.
Dụng cụ đặc biệt cần có là cái cống để chiên bánh (Ảnh nguồn Internet)
Video đang HOT
Để làm bánh cóng Sóc Trăng, người ta thường dùng một loại khuôn làm bằng nhôm, hình tròn, đáy bằng, đường kính chừng 5cm, cao khoảng 4cm, có tay cầm dài 30cm. Loại dụng cụ này dân địa phương gọi là “cóng” , có lẽ vì thế mà bánh cũng có tên là “bánh cóng” hoặc “bánh cống”. Cách chế biến bánh cóng khá cầu kì từ khâu pha bột, kĩ thuật chiên bánh cho đến nghệ thuật pha nước chấm… nhưng bù lại sẽ cho những chiếc bánh cóng chiên vàng, ăn giòn tan, thơm ngậy mùi mỡ và ngọt lừ vị tôm tươi. Cho nguyên liệu vào cống theo thứ tự lần lượt: hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào, thêm lớp bột nữa và cuối cùng là phủ một, hai con tôm lên mặt. Nhúng chiếc cóng vào chảo dầu đang sôi, chừng 2-3 phút, bánh chín và tự tuột ra khỏi cóng. Tất cả hương vị, màu sắc của chiếc bánh cóng hòa quyện vào nhau tạo thành món ăn đặc sản truyền thống lừng danh đất Sóc Trăng.
Bánh cóng thường ăn kèm với rau sống và nước mắm (Ảnh nguồn Internet)
Bánh cóng ăn kèm với các loại rau sống và nước mắm. Bạn có thể cầm nguyên cái to hoặc chia bánh thành từng miếng nhỏ cho dễ ăn. Cách ăn này cũng tựa tựa cách ăn bánh xèo vậy. Cho miếng bánh vào lớp rau, cuốn lại, chấm nước mắm, cái vị giòn giòn, béo béo, bùi bùi sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi không thôi.
Những thức quà quê đậm chất Sóc Trăng
Sự giao thoa giữa ba nền văn hóa của dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, đã góp phần tạo nên những đặc sản, những món quà vặt rất riêng của Sóc Trăng.
Bánh ống
Những chiếc bánh có hình ống, to bằng cổ tay trẻ em với màu xanh hấp dẫn là món quà vặt và đặc sản của người Khmer.
Bánh ống được chế biến từ bột gạo xay nhuyễn, trộn với nước cốt lá dứa, đường và nước cốt dừa, sau đó hấp cách thủy trong những chiếc ống tre hoặc ống nhôm. Khi chín tạo thành chiếc bánh có hình trụ, nên được gọi là bánh ống.
Bánh có màu xanh của lá dứa trông rất bắt mắt, phía trên rắc thêm chút dừa nạo, chút lạc giã nhỏ. Khi ăn, hương thơm béo ngậy của nước cốt dừa kết hợp với mùi thơm thơm của lá dứa làm cho du khách khó mà quên được hương vị này.
Bánh ống à thức quà vặt tuổi thơ của những đứa trẻ Sóc Trăng. Vào một buổi chiều se lạnh, được ngồi bên những gánh hàng rong thưởng thức những chếc bánh ống nóng hổi thật không gì thú vị hơn.
Bánh cóng
Thức quà quê hút hồn lữ khách. Ảnh: ngaynay.vn
Bánh cóng hay còn gọi là bánh cống hoặc theo tiếng Khmer là sài cá nại. Đây là một món ăn dân dã của người Khmer ở Sóc Trăng.
Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo, củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Khi chiên, từng chiếc bánh vàng ruộm, nổi lên hình con tôm đỏ, màu thơm cực kỳ hấp dẫn. Bánh cóng ăn kèm với các loại rau thơm, thêm bát nước chấm chua ngọt với gừng thái nhỏ, củ cải đỏ, củ cải trắng, thật khó mà kiềm chế được.
Vào buổi chiều, dạo quanh trên mảnh đất Mỹ Xuyên ở Sóc Trăng với chiếc bụng đói đang kêu gào, phải ghé ngay vào quán vỉa hè thưởng thức những chiếc bánh giòn giòn có mùi thơm, bùi ngậy của đậu xanh, hòa quyện với tôm, thịt, vị ngon của bánh sẽ khiến bạn ăn một lần nhớ mãi.
Bánh in
Bánh in là đặc sản ở Sóc Trăng, bánh được dùng nhiều nhất vào dịp rằm tháng Tám và lễ hội Ok Om Bok hàng năm trong ngày lễ cúng mặt Trăng của đồng bào Khmer.
Bánh được làm chủ yếu từ gạo nếp, đường cát, nước cốt dừa. Gạo nếp làm bánh phải là nếp mới, hạt trắng thì bánh mới trắng dẻo và ngon được.
Những chiếc bánh in trắng ngần. Ảnh: tuhaoviet.vn
Bánh in thường có hình tròn màu trắng, phía trên mặt bánh có in chữ nổi hoặc hoa văn. Qua bàn tay sáng tạo của các nghệ nhân làm bánh, ngày nay, bánh in đa dạng hơn với nhiều mẫu mã và loại nhân khác nhau như: bánh in cacao, bánh in mè đen, bánh in dứa ....
Thưởng thức miếng bánh in, cảm nhận hương thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn vị ngọt của đường, ngồi nhâm nhi bên tách trà nóng thì thật tuyệt.
Mè láo
Thoạt nhìn qua, nếu ai không biết đến món bánh mè láo sẽ nghĩ ngay đây là bánh rán truyền thống, nhưng đây là đặc sản của Sóc Trăng. Món ăn mang đậm hương vị thôn quê của Việt Nam nhưng lại có xuất xứ từ người Hoa.
Theo lời kể, cái tên mè láo được gọi như vậy là do khi ăn bánh, người ta bị lầm tưởng bởi thoạt nhìn thì chiếc bánh tròn, chắc nịch mà lúc ăn lại chỉ thấy bột xốp mịn, phồng phọt, cảm giác như bị đánh lừa nên gọi là bánh láo hay bánh nói láo.
Những chiếc bánh mè láo thơm ngon, bắt mắt. Ảnh: laodong.vn
Mè láo được làm từ khoai môn, bột nếp, vừng và đường mạch nha. Bột bánh được chia thành các phần nhỏ như quả nhãn, rồi cho lên chiên vàng, sau đó nhúng ngập những viên bánh vào mạch nha, cuối cùng rắc vừng bao quanh phủ kín mặt bánh.
Nếm một miếng mè láo, bạn sẽ cảm nhận ngay từ vỏ bánh có độ cứng, chắc, vị giòn xốp, bùi bùi của vừng. Ruột bánh ngọt thơm, xốp tơi, ngồi nhâm nhi bên ly trà nóng, lai rai đôi ba câu chuyện thì không còn gì bằng.
Bánh phồng tôm
Bánh phồng tôm là đặc sản hàng đầu ở Sóc Trăng, được làm từ tôm đất tươi và gia vị gia truyền nên có hương vị rất đặc biệt. Đây là món ăn khai vị không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Tây.
Bánh phồng tôm là đặc sản khai vị trong mâm cỗ của người miền Tây. Ảnh danviet.vn
Bánh có hình chữ nhật rất khác lạ so với các loại bánh phồng tôm thường thấy. Bánh được làm từ bột năng hoặc bột sắn lấy từ củ của cây sắn rồi trộn thêm một ít bột nở kết hợp với thịt tôm, tép mòng hoặc tép ròng xay nhuyễn, thêm vào ít hạt tiêu giã nhỏ.
Bánh chín sẽ nở to ra gấp 3-4 lần, ngả màu vàng, hương cay nồng, thơm nức. Miếng bánh phồng giòn tan trong miệng cùng vị the the nơi đầu lưỡi của tiêu, thêm vị mằn mặn của tôm và gia vị, làm nên món ăn hương vị đậm đà, hấp dẫn mọi lứa tuổi. Ai đến thăm vùng đất này cũng muốn chọn vài gói đem về làm quà bởi vị thơm ngon khó cưỡng của bánh.
Bưởi năm roi - da xanh Kế Thành
Đặc sản Kế Thành - Sóc Trăng. Ảnh thoibaokinhdoanh.vn
Bưởi năm roi - da xanh Kế Thành từ lâu đã nổi tiếng là trái cây đặc sản của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, còn được cấp chứng nhận là "Sản phẩm tiêu biểu" do người tiêu dùng bình chọn.
Bưởi năm roi có vỏ màu xanh, cùi vỏ mỏng, múi vàng óng, thì bưởi da xanh có múi màu hồng rất bắt mắt. Hai trái cây này khi ăn đều có vị ngọt thanh, ăn không the, không hạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ngày nay, bưởi năm roi - da xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Vú sữa Đại Tâm
Trái ngọt căng tròn thơm vị sữa như dòng sữa mẹ. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Xã Đại Tâm thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ" của quả vú sữa vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Khi chín, vỏ ngả màu tím, căng mọng rất đẹp mắt. Mùa vú sữa chín bắt đầu giữa tháng 11 âm lịch kéo dài đến tháng Giêng năm sau.
Vú sữa tím là cây truyền thống tại địa phương nên hầu như nhà nào cũng có vài cây. Hàng năm, cây vú sữa cho năng suất khá cao, khoảng 30 tấn/ha/năm.
Du khách đến xã Đại Tâm sẽ được thưởng thức trái ngọt này ngay tại vườn, dưới tán cây vú sữa, cảm nhận vị thơm ngon của những dòng sữa trắng ào ạt chảy ra ngọt mát. Đây còn là món quà đầy ý nghĩa mua về tặng người thân.
Bánh cóng Sóc Trăng: Món ăn lạ mang hương vị "gây nghiện" Về Sóc Trăng nếm thử món bánh cóng độc lạ chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được vị giòn rụm, nóng sốt, hương thơm béo béo bùi bùi bởi sự hòa quyện của đậu xanh với nước chấm chua ngọt. Tất cả tạo nên một cuộc trải nghiệm ẩm thực đầy quyến rũ, khó ai có thể chối từ. Bánh cóng...