Bánh cốm Hà Nội hương vị truyền thống đong đầy hồn Việt
Vị ngọt dịu nhẹ cùng hương thơm thoang thoảng hương hoa bưởi đã tạo lên thức bánh truyền thống đong đầy hồn Việt – Bánh cốm Hà Nội.
63 tỉnh thành trên cả nước với sự đa dạng trong nền ẩm thực vô cùng độc đáo và riêng biệt. Mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa riêng về ẩm thực, đặc trưng nhất chính là những món ngon đặc sản mỗi vùng. Và nhắc đến Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua thức quà đầy tinh tế – bánh cốm – đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hà Nội.
Bánh cốm – Món quà Hà Nội đầy tinh tế
Nếu để chọn một món quà Hà Nội gửi tới bạn bè, người thân hay để mang một chút gì đó thật Hà Nội gửi đến phương xa, thì có lẽ không gì hợp hơn là bánh cốm Hà Nội. Bánh cốm thường được đóng trong những chiếc hộp vuông nhỏ xinh, là món quà Hà Nội vô cùng tinh tế.
Gọi là đặc sản làm quà không phải vì chỉ có Hà Nội mới có loại bánh này, nhưng mà phải là bánh cốm Hà Nội thì mới ngon, mới đúng vị, mới đậm hương cốm non Hà Thành.
Nguyên liệu làm bánh cốm cũng vô cùng đơn giản. Vỏ bánh được làm hoàn toàn từ cốm dẻo dai xào đường kính trắng để giữ độ thơm của cốm mới, dẻo dính, mịn mượt không vón cục. Phần nhân là đậu xanh sánh mịn, thơm lừng, cùng dừa tươi vị thanh, ngậy, hòa quyện thêm chút hương nước hoa bưởi thơm “đưa hương gọi vị” đong đầy truyền thống.
Cốm ngon nhất để làm bánh cốm phải là cốm làng Vòng. Cốm không xanh ngắt mà hơi ngả màu vàng ngà ngà, không thơm phức mà dịu nhẹ, mùi thơm của lúa nếp non đặc trưng. Do đó, bánh cốm chuẩn sẽ có màu xanh nhạt ngả vàng chứ không xanh ngắt. Nếu bánh cốm màu xanh ngắt thì chắc hẳn ít nhiều đã có thêm phẩm màu. Ngoài ra, ngày nay cũng có một số nguyên liệu khác đang được sử dụng để làm bánh cốm xanh màu tự nhiên không hóa chất đó chính là lá dứa, lá riềng.
Hương vị của bánh cốm, bạn có thể hình dung giống như mùi thơm của lúa nếp non được rang chín rất đặc trưng. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận thấy mùi thơm dịu rất dễ chịu, khác hẳn với mùi vani ngào ngạt hay mùi phẩm màu nhuộm gạo thành cốm. Bánh dậy mùi thơm của cốm, ăn dẻo dai, vị ngọt thanh do có thêm nhân đậu xanh cùng dừa tươi béo ngậy, tăng phần mĩ vị.
Nếu trước đây, người ta thường gói bánh cốm bằng lá chuối buộc lạt đỏ, xào cốm thủ công bằng tay thì ngày nay có phần hiện đại hơn. Bánh cốm được xào bằng máy tự động, gói trong lớp nilon mỏng, bên ngoài đóng hộp vuông nhỏ xinh xắn trông rất bắt mắt.
Nét hấp dẫn ở những chiếc bánh cốm Hà Nội là khi đến tay thượng khách vẫn có mùi của cốm mới, dẻo mềm và thơm. Khi thưởng thức, bạn sẽ vẫn cảm nhận được những hạt cốm non còn đâu đó trong phần vỏ bánh xanh màu cốm tươi. Hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh tượng trưng cho hương đồng cỏ nội, nhân đậu xanh ngọt ngào như chính tình cảm của người dân Hà Nội gửi đến thực khách vậy.
Video đang HOT
Hương vị không thể thiếu trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt
“Hồng cốm tốt đôi”, khi màu đỏ thạch lựu của những quả hồng chín tới cùng với màu xanh ngọc nõn nà của cốm mới, đó chính là báo hiệu mùa trai gái thành đôi. Mùa thu – mùa của cốm mới, mùa của sự lãng mạn cũng là vì thế.
Lễ ăn hỏi là khi nhà trai mang sính lễ đến nhà gái để bàn chuyện hôn nhân chính thức, xác nhận ngày làm lễ cưới cho đôi trẻ. Theo phong tục truyền thống của người Hà Nội xưa, lễ ăn hỏi rất được coi trọng, được coi là khởi đầu cho một cuộc hôn nhân suôn sẻ. Chính vì vậy, mỗi tráp cưới đều là sự gửi gắm ý tứ của gia đình dành cho đôi uyên ương. Trong số các tráp cưới, bên cạnh những chiếc bánh phu thê thì không thể thiếu đi tráp bánh cốm đầy ý nghĩa.
Nếu chiếc bánh phu thê được làm thành hình tròn với màu đỏ, là biểu tượng của mặt trời, đại diện cho cực âm, thì những chiếc bánh cốm màu xanh, được làm thành hình vuông tượng trưng cho đất, đại diện cho cực dương, thể hiện sự thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Ngày cưới quan trọng có âm có dương đầy đủ sẽ tạo nên sự hài hòa, cân bằng cũng như gửi gắm hy vọng về một cuộc sống thuận hòa, đủ đầy, hạnh phúc viên mãn.
Thời gian trôi đi, những cổ lệ xưa ít nhiều cũng có phần phai mờ. Bây giờ, người ta thêm vào sính lễ cưới hỏi đủ loại khác nhau: nào rượu ngoại, nước ngọt, bánh trung thu, hoa quả, bánh ngọt,… Nhưng dù có những thay đổi hiện đại đến đâu, bánh cốm và bánh phu thê vẫn là những cặp đôi truyền thống bền bỉ, song hành cùng nhau trong những mâm sính lễ của người Hà Nội và rất “được lòng” mọi người.
Không chỉ thế, bánh cốm còn được sử dụng trong các dịp lễ Tết như một nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hương vị bánh cốm thơm ngon cùng với sự hòa quyện trong ý nghĩa của nó rất xứng đáng được xếp hạng là một trong những đặc sản Hà Nội – nét đẹp truyền thống của người Việt, đáng được trân trọng và giữ gìn. Nếu bạn là một người yêu thích những giá trị truyền thống thì hãy thử qua thức quà tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng này nhé!
3 loại bánh cổ truyền lâu đời nhất Hà Nội này một khi đã ăn thì nhớ mãi không quên
Hà Nội được nhiều người gọi là đất của các loại bánh bởi không thể nào đếm xuể hết những tên bánh truyền thống có ở đất này. Những 3 loại bánh như bánh cốm, bánh đúc, bánh đa kê,...quen thuộc được người dân nhắc đến nhiều nhất.
Bánh cốm - Đặc sản mùa thu Hà Nội
Đến Hà Nội mà không ăn bánh cốm, không mua chục hộp bánh cốm mang về làm quà thì chắc chắn bạn chưa thưởng thức hết ẩm thực phong nhã của Hà Nội. Chỉ có ở Thủ đô, thực khách mới được ăn bánh cốm ngon, chính hiệu và nổi tiếng như thế. Ở Hà Nội có nhiều nơi làm bánh cốm ngon với mức giá chỉ từ 4.000 đồng/cái như làng Cốm Vòng, làng Cốm Mễ Trì, phố cổ Hà Nội,...Tất cả những nơi này đều là nơi làm bánh cốm truyền thống lâu đời và hương vị thơm ngon, đặc trưng của mùi cốm Thủ đô.
Bánh cốm truyền thống của Hà Nội
Bánh cốm từ khi là hạt thóc xanh còn sữa qua bàn tay khéo léo và mất rất nhiều công sức mới làm ra đc hạt cốm thơm dẻo thơm ngon, qua nhiều công đoạn làm tinh tế, tỉ mẩn mới cho ra những chiếc bánh thơm phức, xanh mướt.
Nhiều câu chuyện lưu truyền để lại, bánh cốm đã có lịch sử gần 200 năm nay, xuất phát từ làng Yên Ninh, Yên Thành. Vốn là thức quà để những người con đi xa nhớ về Hà Nội nhưng rồi thứ bánh truyền thống này lại gắn bó với đời sống người dân, qua năm tháng lại trở thành đặc sản nổi bật của Hà Nội.
Bánh cốm xanh dẻo, nhân đậu xanh ngọt thơm
Theo bà Đỗ Thị Khà - người làm bánh cốm có tiếng ở làng Cốm Vòng cho biết, để làm được bánh cốm ngon cần phải có hạt cốm chuẩn: "Những hạt nếp được rang nóng để tăng tính dẻo của nếp non, hạt nếp không bị nát trong quá trình giã mà chỉ bẹp lại nhưng vẫn chắc mẩy. Cứ rang được 30 phút thì lại phải kiểm tra độ chín của hạt cốm".
Thức quà mùa thu của Hà Nội
Anh Trần Văn Ninh - chủ hàng bánh cốm Hàng Than cho biết: "Bánh cốm là đặc sản của Hà Nội, không chỉ khách địa phương, khách nước ngoài yêu thích mà ngay cả những người dân Hà Nội gốc cũng rất thích ăn bánh này. Ăn bánh cốm và thưởng thức trà sen vào mùa thu là nét đẹp của người Hà Nội".
Bánh đa kê - ký ức theo những gánh hàng rong
Mùa đông Hà Nội đi dọc những con phố, tiếng gọi quen thuộc "Ai bánh đa kê nào" gợi lại cho người Hà Nội xưa những ký ức về một thức quà ăn vặt gắn bó với tuổi thơ. Những xe bán dạo, gánh hàng rong ấy đã tạo nên dáng hình Hà Nội truyền thống, tĩnh lặng, bình yên và đầy nét cổ kính.
Bánh đa kê gắn bó với tuổi thơ
Theo chị Nguyễn Thị Tình - xe bán bánh đa kê dạo dọc phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội): "Bánh đa kê chuẩn vị truyền thống là phải sử dụng loại bánh đa vừng giòn được phết hạt kê nếp nguyên vẹn, không pha tạp. Những hạt kê nếp ngâm nước vôi trong rất loãng trong 3 tiếng, khi nấu cần quấy đảo liên tục trên bếp nhỏ lửa".
Những mớ kê phết bánh thành phẩm đúng kiểu xưa phải có màu vàng ươm đặc trưng, dẻo và nhìn rõ hình hài từng hạt nhỏ quyện trong lớp nền đặc quánh. Mua kê rong mà nhìn vào chậu kê không thấy mắt hạt kê thì đó chỉ là là bánh bột ngô, bột khoai. Kê mới nấu chín vàng óng, dẻo mềm, đậu xanh bở tơi, cùng miếng bánh đa kê giòn rụm, nhớ rắc thêm chút đường mía hữu cơ để cho hương vị thêm ngọt ngào.
Bánh đa kê thơm ngon cho mùa đông
Món quà vặt này có nguồn gốc từ những tỉnh miền Bắc, phổ biến ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang,... Không rõ nguồn gốc chính xác từ bao giờ, chỉ biết bánh đa kê ở vùng nào cũng đều gắn liền với tuổi thơ thế hệ 7X, 8X, với những gánh hàng rong, phiên chợ quê mà bất cứ ai đi xa cũng nhớ về.
Bánh đúc nóng Hà Nội
Nếu ở những tỉnh miền Trung, bánh đúc thường được gói trong bọc lá chuối, kết cấu tương tự với những loại bánh như bánh gio, bánh da lợn,... thì bánh đúc Hà Nội lại đặc biệt hơn cả. Bánh đúc ở đây là một bát nóng hổi, gồm phần bột bánh đúc được nấu chín nóng, thêm phần nước dùng vị mặn ngọt, ăn kèm thịt băm mộc nhĩ, hành phi, rau mùi,... Tất cả kết hợp lại tạo thành bát bánh đúc nóng hấp dẫn cho những ngày trở gió.
Bát bánh đúc nóng hổi
Cũng chẳng biết từ bao giờ, món bánh đúc nóng ra đời và lưu giữ một nét tinh hoa của ẩm thực phố phường Hà Nội. Cách làm bánh đúc Hà Nội cũng rất khác biệt. Không như các loại bánh đúc truyền thống quánh đặc và mịn, mỗi bát bánh đúc nóng dẻo múc lên sẽ thấy bánh chảy xuống. Nguyên liệu chính làm nên cái hồn của món ăn là phần bột bánh, tùy theo công thức riêng mà mỗi gia đình bán bánh đúc nóng là có một bí quyết gia truyền riêng, tạo nên nét đặc trưng đa dạng ẩm thực của Hà Nội.
Bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân
Nổi tiếng nhất phải kể đến hàng bánh đúc nóng lâu đời nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Lê Ngọc Hân đã có tuổi đời gần 40 năm. Theo người bán hàng, thời mới ra đời nhiều người vẫn còn ngại thử món bánh ăn kèm nước mắm chua ngọt với phần thịt băm xào mộc nhĩ. Những tưởng món quà "cách tân" ấy sẽ sớm đi vào dĩ vãng, nhưng phải ăn thử mới thấy cái hài hòa và đưa miệng của món ăn được cải cách này. Đến nay, quán hàng này không lúc nào ngớt khách. Hương thơm bát bánh đúc nóng luôn phảng phất ra tận đầu ngõ như nhắc người đi đường nhớ về món ăn truyền thống ngon lành của Thủ đô.
Ngọt ngào, tinh khiết bánh cốm Hàng Than Từ lâu, bánh cốm Hàng Than đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương. Nghề bánh cốm làm quanh năm nhưng bận rộn nhất vào mùa cưới. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, các cửa hàng phải...