Bánh chưng, hoa đào, hoa mai ở Nam Sudan
Mặc dù xa quê hương, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, những bác sĩ quân y Việt Nam tại Bệnh viện dã chiến cấp II số 1 tại Nam Sudan vẫn có được một cái tết ấm cúng với bánh chưng và hoa mai, hoa đào.
Các bác sĩ quân y Bệnh viện dã chiến cấp II số 1 đón Tết sớm tại Nam Sudan
Là một trong 13 người được về nước ăn Tết Kỷ Hợi 2019 sau 4 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết, sang Nam Sudan từ tháng 10/2018, các quân nhân Việt Nam vẫn quyết định mang theo hoa mai, hoa đào… bằng vải.
Trước khi các thành viên được về phép 24 ngày, Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 đã tổ chức buổi đón tết sớm vào ngày 21/1/2019.
Những bông mai, bông đào bằng vải mang từ Việt Nam sang được gắn lên những cành cây khô kiếm được ở quanh bệnh viện. Những bóng đèn điện nhấp nháy được trang trí trên những cành mai, cành đào khiến ai cũng có cảm giác như đang ăn tết ở Việt Nam.
Ngày tết không thể thiếu bánh chưng, giữa đất nước khô hạn đó, các quân nhân Việt Nam đã gói bánh chưng trên những chiếc khuôn gỗ với lá chuối thay cho lá dong. Lá chuối được xin từ đơn vị gìn giữ hòa bình Campuchia đóng quân cạnh bên.
Video đang HOT
Trang trí hoa cho ngày tết
Tết sớm của những quân nhân Việt Nam xa quê còn có sự chung vui của các nhân viên của Phái bộ Liên hiệp quốc và của lực lượng gìn giữ hòa bình các nước khác đóng quân cạnh bên.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công cho biết, trong các đơn vị đóng quân ở Bentiu, Nam Sudan, chỉ có Việt Nam và Mông Cổ tổ chức đón tết Nguyên đán.
Kể về những ngày công tác tại Nam Sudan, các bác sĩ Việt Nam mặc dù đã được tập huấn kỹ lưỡng nhưng vẫn gặp phải không ít bất ngờ. Đó là hình ảnh những em bé trần truồng dưới cái nắng gay gắt Phi châu, là gió to và bụi mù trời với nhiệt độ có thể lên tới 50oC.
Thời tiết khô hạn của vùng đất Nam Sudan kéo dài đến 9 tháng khiến những chiếc giếng khoan của các đơn vị gìn giữ hòa bình trú quân ở khu vực Bentiu, Nam Sudan nhanh chóng khô hạn.
Tất cả đơn vị của các nước đều phải xếp hàng chờ lấy nước ở một chiếc giếng khoan khác. Phải chờ đến 22h đêm, khi những hàng dài chờ lấy nước không còn nữa, quân nhân Việt Nam mới đến lấy nước. Để tiết kiệm , mỗi người chỉ được dùng giới hạn 2 xô nước mỗi ngày. Lượng nước thải ra được dùng để tưới rau.
Mặc dù được cung cấp đủ thịt cá nhưng rất khan hiếm rau xanh, các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã “ra tay” trồng những khóm rau xanh mát ngay trên vùng đất khô hạn này. Chỉ sau 2 tháng, các luống rau dền, rau muống; những giàn mướp, giàn bầu, dây dưa hấu đã lên xanh mơn mởn.
Thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh tại Nam Sudan
Lần đóng quân ở Nam Sudan là lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trong vai trò là một đơn vị quân đội độc lập. Việt Nam tham gia với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 của Việt Nam đóng quân bên cạnh các lực lượng của công binh Anh, công binh Ấn Độ, xung quanh đó là các trại tị nạn với khoảng 120.000 dân.
Được thành lập vào năm 2011, Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất thế giới, nằm ở giữa châu Phi, có biên giới với 6 quốc gia khác. Nước này rất giàu dầu mỏ, nhưng qua nhiều năm nội chiến, nơi đây trở thành một trong những vùng kém phát triển nhất thế giới. Chỉ 2 năm sau khi thành lập, nội chiến đã nổ ra khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người chạy khỏi quốc gia này.
Gần 4 tháng thực hiện nhiệm vụ y tế (chính thức nhận bàn giao vào ngày 27/10/2018), các quân nhân Việt Nam tại Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 đã khám, chữa bệnh ngoại trú cho 400 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho 21 bệnh nhân, thực hiện 10 ca phẫu thuật chữa viêm ruột thừa, thoát vị rốn, bẹn, xử lý các ca sốt rét nặng.
Được sự đồng ý của chỉ huy Phái bộ Liên hiệp quốc, Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 của Việt Nam cũng đã nhận điều trị cho một số trường hợp là người dân Nam Sudan, đồng thời hỗ trợ cho các bệnh viện khác trong xử trí cấp cứu.
Trong 63 quân nhân Việt Nam tại Bệnh viện dã chiến cấp II Số 1 tại Nam Sudan, có 15 bác sĩ, 11 nhân viên hậu cần kỹ thuật, 2 nhân viên hành chính, 2 nhân viên trang thiết bị y tế, 33 người là điều dưỡng và dược sĩ. Trong 63 người, có 10 người là quân nhân nữ. Tháng 10/2019, 63 quân nhân Việt Nam này sẽ được thay thế bằng 70 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp II Số 2.
An Nhiên
Theo Infornet
Lực lượng gìn giữ hòa bình VN xuất quân đi Nam Sudan
Sau lễ xuất quân, đoàn BV 2.1 với 63 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cùng hàng hóa, trang thiết bị đã lên đường sang Nam Sudan để thay thế bệnh viện dã chiến của Vương quốc Anh tại Bentiu.
Lực lượng gìn giữ hòa bình VN xuất quân ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ngày 1.10, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN, đã lệnh xuất quân và giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BV 2.1) lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Sau lễ xuất quân, đoàn BV 2.1 với 63 cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ cùng hàng hóa, trang thiết bị đã lên đường sang Nam Sudan để thay thế bệnh viện dã chiến của Vương quốc Anh tại Bentiu.
Chủ trì buổi lễ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về VN tham gia lực lượng GGHB LHQ, nhắc nhở các cán bộ, nhân viên BV 2.1 hoạt động xa Tổ quốc, trong môi trường đa quốc gia, có nhiều khó khăn và thử thách, đòi hỏi phải luôn đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội và niềm tin yêu của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ là những đại sứ hòa bình, thực hiện nhiệm vụ mang tính nhân văn, thể hiện con người VN luôn yêu chuộng hòa bình; quá trình thực hiện nhiệm vụ phải phối hợp, hiệp đồng tốt với các sĩ quan và đơn vị các nước hoạt động tại phái bộ...
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB VN, cho biết BV 2.1 được thành lập vào tháng 11.2014 trên cơ sở lực lượng của BV Quân y 175, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Trung tâm GGHB VN (nay là Cục GGHB) và một số cơ quan, đơn vị khác gồm 70 người.
BV 2.1 đã được tổ chức huấn luyện chuyên môn và tiền triển khai theo hướng dẫn chuẩn của LHQ; tiếng Anh; kiến thức về tình hình phái bộ nơi BV 2.1 triển khai; các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi; sử dụng hệ thống thông tin liên lạc, nhận diện bom, mìn, vật liệu nổ; luật giao tranh của LHQ, luật nhân đạo theo công ước quốc tế; các chuẩn mực hành xử trong chống lạm dụng tình dục và các khoa mục quân sự khác phục vụ cho hoạt động ở môi trường độc lập. Bên cạnh đó, các thành viên BV 2.1 còn được trang bị những kiến thức GGHB LHQ cơ bản đảm bảo đủ năng lực để tiếp nhận khám và điều trị bệnh. Hiện mỗi ngày BV có thể tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú, 3 - 4 ca phẫu thuật gây mê; chụp X-quang 10 ca, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca; nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân/tuần. Đồng thời BV đảm bảo 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện và đảm bảo đủ trang thiết bị, con người để vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên (BV dã chiến cấp 3 của LHQ ở Kenya).
Nhiều nước, tổ chức đã viện trợ VN trong việc thành lập BV 2.1. Đặc biệt, Tổng cục Kỹ thuật đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho phép hoán cải xe thiết giáp BTR-152 thành xe cứu thương bọc thép, có đầy đủ các tính năng hoạt động phù hợp khí hậu và địa hình châu Phi, đảm bảo an toàn cho lực lượng VN khi cấp cứu bên ngoài khu vực BV.
Theo TNO
Xe khách Phương Trang xuất bến hơn 2100 chuyến/ngày Những ngày cao điểm trong Tết Nguyên đán, xe khách Phương Trang đã có hơn 2100 chuyến xuất bến trong ngày. Ông Đặng Trọng Hiền, Tổng GĐ Công ty Phương Trang - FUTA Bus Lines cho biết, trong những ngày cao điểm này, mỗi ngày có hơn 2.100 chuyến xuất bến. Tại Bến xe Miền Tây trung bình mỗi ngày tăng cường thêm...