Bánh canh, món ăn vừa là bánh vừa canh!
Tôi có thể khẳng định dứt khoát: cái món bánh canh không thể của người xứ Quảng Nam; bởi Quảng Nam và cả Đà Nẵng nữa không có xuất phát điểm món bánh canh mà bánh canh được du nhập vào đất Đà Nẵng từ khi hình hài thành phố manh nha.
Kiểu như món bún chả cá thì tôi cũng dứt khoát là nó được xuất phát từ Đà Nẵng của những năm sau 1975 đến 1980. Đây là thời kỳ mà cá biển mùa nào cũng có, các mẹ các chị xứ Đà Nẵng đã làm ra món chả cá ngon vị từ con cá nằm trong danh bất hư truyền “cá thu, cá ngứa, cá rựa bình thiên” cho chí loại cá vụn như cá sọc nhung, cá lầm, cá lỡ, cá trích nhiều xương,…
Món bún chả cá sinh ra trong thời còn tem phiếu và thịt còn được tập trung ở các cửa hàng trung tâm thương nghiệp. Món bún chả cá đã làm thay đổi diện mạo buổi ăn sáng của người Đà Nẵng vào những năm khó khăn đó.
Món bánh canh từ đàng ngoài vào đến xứ Quảng.
Riêng món bánh canh thì là xuất phát từ Huế hay từ những người đàng ngoài xa hơn xứ Huế như Quảng Trị, Quảng Bình đem vào xứ Quảng từ ngày hình thành đất phố Đà Nẵng vậy.
Bởi món bánh canh bắt đầu bằng nấu với bột lọc của sắn và khi tem phiếu cấp bột mì thì biến thể qua bột mì rồi sau có thêm bột gạo. Nay chợ ở Đà Nẵng có đủ ba loại bột đã nhồi cắt thành sợi cho người mua tha hồ lựa chọn gồm bột lọc (tinh bột sắn), bột mì, bột gạo hoặc các loại sợi khô…dùng để nấu bánh canh.
Nhớ trong xóm nhỏ ven biển của tôi ngày bao cấp. Sáng đi xếp hàng được nghe thông báo là có bột mì thôi thì cả xóm trưa sẽ có món bánh canh bột mì ăn thay cơm.
Video đang HOT
Để làm món bánh canh bột mì thời đó thì chúng tôi phải đi nhồi bột; nhồi bột mì thì dễ, dễ hơn nhồi bột lọc nhiều, chỉ việc pha nước lạnh và nhồi chừng chừng làm thế nào bột không còn dính tay và dẻo thành một khối đồng nhất. Trải ít bột khô áo trên mặt phẳng và dùng cái chai cán miếng bột mỏng thành những miếng dài vừa vừa rồi xắt chỉ sợi vuông vuông, vừa xắt vừa rải chút bột áo lên mớ bột xắt cho đỡ dính.
Đó là phần bột, còn nhân bánh canh thì có gì dùng nấy, ngày đó chỉ mỗi cá biển là nhiều. Món bánh canh cá bả trầu là thường xuyên nhất; rồi thì có cả chả cá, tôm, ghẹ, cua, thịt nạc heo,… đều có thể dùng nếu muốn.
Cá bả trầu, nguyên liệu nấu món bánh canh xịn nhất
Cá bả trầu là loại cá thịt nạc nhiều, ít xương, da màu hồng; luộc cá lên gỡ nạc um dầu phi nén, xương và đầu cá giã nát ray lại trong nước dùng. Món bánh canh cá bả trầu dể nấu và hợp cho bà già và trẻ nhỏ; thịt cá bã trầu hiền hợp cho người ốm đau. Xưa, tôi hay nhớ mẹ mình nói vậy mỗi lần đi chợ mua được cá bã trầu.
Đà Nẵng có món bánh canh nghe cũng nức tiếng thời du lịch còn nhiều; ừ mới mà nghe như xa lắc bởi thời COVID theo chúng ta dài quá; hai năm của thời công nghệ số nghe chừng cấp số nhân của sự mất mát là quá to lớn thật.
Đó là những quán bánh canh “ruộng” bên đường Hà Thị Thân đông khách như nêm; bởi cái sáng kiến bánh canh ngoài xương, giò, chả cá, ghẹ thông thường thì còn có cá ngừ kho! Một món rất là đặc biệt về mùi vị nếu chưa ăn thì khó tưởng tượng ra.
Thì như đã nói, bánh canh có nhiều biến tấu không kém gì món nhân của mì quảng xứ quảng; chớ mà độ biến tấu nghe còn “king kong” hơn bởi ẩm thực ngày càng phong phú và bởi người trẻ hôm nay đâu chịu đứng yên như người lớp cũ.
Bánh canh cá ngừ là bên cạnh tất cả các món phụ liệu trong nồi bánh canh thì có thêm nồi cá ngừ kho thấm để bên cạnh. Cá ngừ rất hay, là loại cá càng kho lâu thì thịt càng chắc mà không bở và có mùi thơm đặc biệt. Khác với cá sông kho lâu thì nhừ, cá ngừ kho lâu với lửa riu thì thịt càng chắc và thơm.
Người bán hàng bánh canh sau khi cho vào bát đủ phụ liệu nào bột nào xương, tôm, nước dùng thì cho một lát cá ngừ vào tô là kết thúc. Khách ăn sẽ chấn miếng cá ngừ trong tô, miếng cá vỡ ra là mùi thơm đặc trưng của cá ngừ bay khắp gian nhà nhỏ ám khói được cất bên những con đường mới mở của quận ba ngày mới mở đường.
Ngày đó bên kia đường vẫn là những bờ ruộng ngang dọc nên mới có thời kỳ các quán mang một tên chung ” bánh canh ruộng” gọi tắt của chữ những quán bánh canh bên bờ ruộng. Quán tạm bợ được dựng từ những người ngư dân vào ngày không đi biển; món ăn được chế biến từ những người phụ nữ miền biển chất phác lấy kinh nghiệm nấu ăn cho gia đình mà thành nên thật chẳng có sách vở gì ghi chép.
Vậy đó, nên mới phải đến để ăn thì mới biết nó ngon làm sao.
Bánh canh ngọt như chè ở miền Tây
Cách kết hợp của bún tươi, bột mì, đường thốt nốt và nước cốt dừa làm nên món ăn béo, ngọt thanh, phảng phất hương thơm nhẹ.
Bánh canh là món ăn có hơn chục loại với đủ kiểu hương vị mặn ngọt khắp ba miền. Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với bánh canh Bến Có ở Trà Vinh có nước lèo nấu từ thịt, xương, sợi bánh làm bằng bột gạo, đồ ăn kèm gồm tim, cật, lòng heo và thịt. Ở Bến Tre, Tiền Giang có bánh canh vịt, sợi bánh nấu với thịt vịt xiêm băm tẩm ướp gia vị, cho thêm nước cốt dừa, hành, tiêu ăn rất thơm và béo ngậy. Còn ở Đồng Tháp, đó là món bánh canh ngọt, món bánh canh ăn như chè dùng để tráng miệng hoặc lót dạ khi đói, ăn dặm vào buổi sáng hay đầu giờ chiều.
Món bánh canh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ngày nhỏ, mỗi năm tới tháng 4 Âm lịch là nhiều người cùng nhau vượt hàng trăm cây số bằng ghe trên sông để đến Châu Đốc vía Bà Chúa xứ. Chuyến đi dài cả ngày lẫn đêm, ông bà đem gạo và bếp để nấu cơm trên ghe. Khi về, cả nhà không quên mua đặc sản An Giang về dùng trong gia đình hoặc làm quà tặng bà con lối xóm, trong đó có món đường thốt nốt đem đi nấu chè, làm bánh, kho cá đều ngon. Má tôi chuyên nấu xôi, chè đem bán ở chợ nên món ăn vặt ngày nhỏ cũng gắn liền với những món má nấu, nhất là bánh canh ngọt.
Công đoạn nạo dừa làm nước cốt nấu chè bánh canh. Ảnh: Lê Hữu Tường
Món ăn bình dân với những nguyên liệu giản dị là bột gạo, nước cốt dừa và đường thốt nốt hòa quyện theo một tỉ lệ nhất định để có vị hài hòa, ngọt thanh, thơm dịu và béo. Sợi bánh canh nhà làm có thể khác với hàng quán hay làm trực tiếp từ bột gạo, nhồi bột từ sợi bún tươi cho mịn sau đó trộn thêm bột mì, làm theo cách này sợi bánh vừa dai vừa mềm.
Dừa chọn trái thật khô, lột sạch vỏ cứng bên ngoài, dùng dao cạo hết xơ để khi nạo thì cơm dừa trắng và sạch hơn. Má vẫn dùng bàn nạo dừa theo kiểu cũ, từng lớp cơm dừa dày được bào thật nhuyễn sau đó cùng khăn màn ép lấy nước cốt nhất thật sánh, nước cốt này đem nấu sôi và cho thêm tí muối để đằm vị.
Đường thốt nốt đem xắt nhỏ nấu chung với nước thật sôi thì cho cọng bánh canh đã luộc chín vào, nếu thích hương lá dứa cũng có thể bỏ thêm vài cọng lá dứa tươi vào nồi nấu cùng, nhưng tôi vẫn ghiền mùi thơm đặc trưng vốn có của đường thốt nốt hơn.
Chén bánh canh ngọt gợi nhiều ký ức tuổi thơ. Ảnh: Lê Hữu Tường
Khi cọng bánh canh đã trong và hơi ngả vàng vì thấm nước đường thì cho phần nước cốt dừa vào nồi, không đảo đều lên mà dành để múc từng theo từng phần ăn. Nhân nồi bánh canh còn nóng hổi thì múc ra chén, thêm miếng mè rang, mùi thơm ngọt của đường và béo của nước cốt xộc thẳng vào mũi làm những tính đồ hảo ngọt phải cầm muỗng múc ăn nóng, để lỡ một tí thì bánh nguội ăn không ngon và mùi thơm cũng bay xa.
Sợi bánh canh mịn và dai, vị ngọt thanh của đường thốt nốt thấm vào bên trong, kết hợp với cái béo dịu của nước cốt dừa và mùi thơm ngọt ngào của đường làm vị giác lẫn khứu giác bùng nổ. Mỗi lần ăn bánh canh ngọt, tôi lại nhớ đến những chuyến ghe ngược dòng Sông Hậu về Châu Đốc năm nào.
Cách làm bánh canh cá ngừ đậm đà lạ miệng cho cả nhà cùng đổi vị Bạn đã có dự định trổ tài gì vào cuối tuần này cho cả gia đình mình thưởng thức chưa? Nếu chưa thì hãy dành vài phút xem ngay qua món nước đổi vị mới lạ, hấp dẫn khiến ai cũng mê mẩn này nhé! Nào cùng bắt tay vào bếp thực hiện món bánh canh cá ngừ nóng hổi, thơm ngon thôi...