Bánh canh ghẹ
Phải nói ngay rằng, bánh canh thì nơi nào cũng có, thời khắc trong ngày lúc nào cũng có với nhiều loại như bánh canh xương giò, bánh canh chả cá, bánh canh tôm thịt… Nhưng với lũ trẻ chúng tôi, món bánh canh vừa túi tiền vừa ngon thì chỉ có bánh canh ghẹ của dì Tư trong xóm chài quê nhà.
Để có được nồi bánh canh ghẹ, mỗi sớm mai, dì Tư thường dạo quanh bờ biển, chờ những thuyền chài về bến để mua được ghẹ tươi. Những con ghẹ có kích cỡ lớn, đắt tiền đều được các chủ quán nhậu ven biển mua hết, dì Tư chỉ mua những mớ ghẹ nhỏ bò rào rạo trong thúng, bề ngang bằng hai lóng tay với giá rẻ về chế biến, vì thế giá của mỗi tô bánh canh, lũ trẻ chúng tôi có thể tiếp cận được. Không chỉ trẻ con, những cặp đôi đi dạo trên biển cũng rất mê nồi bánh canh của dì Tư và cũng khoái cái cảm giác ngồi bệt xuống đất, thả lỏng người và cùng thưởng thức tô bánh canh ngon ngọt với với giá rẻ bất ngờ.
Mỗi tô bánh canh của dì Tư đều có vài ba thân ghẹ đã tách đôi màu hồng tươi trông rất đẹp mắt, điểm lên mặt ít hành ngò, một ít tiêu bột, một muỗng mắm ớt tỏi. Và rồi, trong ánh nắng vàng nhạt lấp lóa trên mặt biển, trong âm thanh rì rào của sóng, chúng tôi húp soàn soạt từng muỗng, cảm nhận được cái vị ngọt thanh của ghẹ đem lại cảm giác âm ấm cho dạ dày. Tô bánh canh ghẹ tiếp sức cho chúng tôi tiếp tục ngụp lặn trên sóng nước cho đến khi hoàng hôn khép dần trên biển…
Nguyễn Văn Học
Theo thanh niên
Bánh canh vịt xiêm ngon xuyến xao
Mỗi vùng miền, bánh canh lại có những "biến tấu" khác nhau: bánh canh cua, bánh canh chả cá, bánh canh cá lóc... Ở miền Tây, phải kể tới đặc sản bánh canh vịt xiêm nước cốt dừa.
Hồi xưa, bánh canh vịt xiêm là món khoái khẩu của cả nhà. Lâu lâu, bà ngoại lại "trổ tài", nấu một nồi bánh canh bự cho con cháu ăn một bữa đã đời. Từ hồi hôm ngoại đã lựa gạo ngon, ngâm sẵn. Sáng, ngoại bỏ gạo vô cối đá xay nhuyễn rồi lược, nhào, cán bột để làm sợi bánh canh.
Ngoài chợ bán nhiều nhưng ngoại thích tự tay làm bởi theo ngoại, bánh canh làm sẵn sợi không dai và ngon bằng. Món này không thể thiếu dừa khô. Ngoại phân công mấy đứa cháu nạo dừa để vắt lấy phần nước nhứt, thắng cho kẹo làm nước cốt dừa còn phần nước dão để dành nấu nước dùng.
Vịt xiêm ngoại thường chọn con mái, còn tơ để thịt mềm. Vịt làm sạch, lóc bỏ xương, một phần bằm nhuyễn, một phần phần xắt mỏng rồi xào chín. Phần cổ cánh, xương vịt có thể tận dụng để nấu nước dùng cho nồi bánh canh thêm ngon ngọt. Đổ phần nước dão và nước hầm xương vịt vào nồi, nấu sôi, sau đó thả bánh canh vào. Cho thêm phần thịt vịt bằm nhuyễn, đợi sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bắc xuống.
Có lẽ chính nhờ nước cốt dừa mà mùi vị của món bánh canh vịt xiêm thơm ngon, hấp dẫn và có nhiều khác biệt so với các loại bánh canh mặn khác
Nồi bánh canh vừa nấu xong, con cháu đã đủ mặt trên bàn ăn. Bà ngoại múc bánh canh ra từng tô, chan nước cốt dừa ngập mặt, để thịt vịt lên trên và rắc thêm hành, ngò xắt nhỏ. Tô bánh canh đưa tới bàn còn nóng hổi, thơm nức mũi.
Gắp một đũa, húp thêm chút nước cảm nhận được cái dai của sợi bánh quyện với vị mặn mặn của thịt vịt, vị ngọt béo của nước cốt, mùi thơm của hành ngò. Mấy đứa cháu vừa ăn vừa tranh thủ quẹt mồ hôi. Mới hết tô đã thấy bà ngoại chuẩn bị múc thêm cho tô khác. Ăn hoài mà không thấy ngán, tới lúc buông đũa đứa nào cũng thấy bụng đã no căng.
Từ hồi bà ngoại mất, nhà ít khi nấu món bánh canh vịt xiêm. Nhiều khi về thăm nhà, thấy cối đá, cái bàn nạo dừa của ngoại nằm buồn hiu bên chái bếp. Nhớ ngoại, cả nhà lại nấu món bánh canh vịt xiêm nước cốt dừa để vừa có một tô dâng lên bàn thờ cúng ngoại, vừa cùng nhau quây quần nấu ăn trong không khí ấp cúng sum họp gia đình.
Theo ihay
8 loại bánh canh hấp dẫn của Sài Gòn Nếu bánh canh giò, bánh canh cua được xếp vào hạng dễ tìm, dễ thấy thì bánh canh mực hoặc cá lóc chỉ được bán tại một vài địa điểm nhất định. Bánh canh mực Bánh canh mực gây ấn tượng với thực khách với nước dùng hơi sệt, có màu vàng nhạt, cọng bánh trong veo được đặt làm riêng và những...