Bánh canh 10.000 đồng của cụ bà U90
Bán bánh canh giá 10.000 đồng một tô, quán ăn nhỏ của mệ Dư 82 tuổi, bên cạnh đình làng Nam Phổ luôn đông khách ra vào.
Với người dân làng Nam Phổ, dường như không còn ai xa lạ với hình ảnh bà Dư với mái tóc búi gọn sau gáy, tay thoăn thoắt múc bánh canh ra tô bán cho khách. Hơn 60 năm làm nghề, bà là một trong những người có thâm niên bán bánh canh – món hàng rong đặc sản của làng lâu đời nhất.
“Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình bán bánh canh, bắt đầu bán từ lúc 16 tuổi, mặc áo dài gánh hàng rong trên từng con phố. Thời đó còn đi chân đất, không có dép giày mà mưa nắng gì cũng bán”, bà cười và nói. Đến khi sức khoẻ không còn cho phép, cách đây khoảng 30 năm, bà thuê một mảnh sân ở gần nhà, cạnh đình làng để mở quán. Quán của bà có khoảng 7 – 8 chiếc bàn nhựa và những chiếc ghế thấp. Dù con cái muốn bà nghỉ ngơi nhưng bà muốn bán cho khỏi nhớ nghề.
Dù lớn tuổi, bà vẫn rất khéo léo và nhanh tay làm bánh canh. Ảnh: Bảo Ngân
Mỗi ngày, bà Dư dậy từ 4h để trộn bột làm bánh canh. Thay vì nhồi và cắt sợi như các loại bánh canh khác, bà cho bột vào túi ni-lông sạch, cắt lỗ nhỏ rồi cho nước bột chảy thành sợi xuống nồi nước đang sôi. Đây là công đoạn khó nhất khi nấu bánh canh Nam Phổ, bột phải sệt vừa phải, khi chín có độ dai nhẹ.
Bà cho biết, hương vị đặc trưng của bánh canh Nam Phổ là nước dùng làm từ nước luộc vỏ tôm tươi, thêm nước mắm và ruốc để tạo mùi vị đặc trưng của xứ Huế. Khi nước sôi thì cho thêm bột gạo để tạo nên độ sệt, đổ nước dùng vào nồi sợi bánh canh vừa làm rồi khuấy đều tay.
Video đang HOT
Bánh canh là món hàng rong đặc sản của làng Nam Phổ, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Không ai biết món ăn có từ bao giờ nhưng ở làng có nhiều gia đình đã gắn bó với nghề bán bánh canh 3-4 đời. Ảnh: Bảo Ngân.
Bánh canh ăn kèm thêm chả được làm từ tôm, thịt ba chỉ xay, hạt tiêu, hành tím, muối. Tất cả trộn đều, giã nhuyễn sau đó vo tròn thành viên nhỏ. Tôm làm chả là tôm gân ở vùng nước lợ, có thịt ngọt, chắc, không tanh. Nồi nhân bánh canh sánh đặc, được thêm chút dầu điều để tạo màu đỏ tươi và hành lá để tăng thêm mùi vị. Khi múc bánh canh ra tô, du khách chan thêm chút nước mắm ruốc với những lát ớt xanh (ớt cao sản) cay để món thêm tròn vị.
Mặc dù có nhiều hàng quán bán bánh canh Nam Phổ trong thành phố Huế, nhưng nhiều thực khách vẫn tìm xuống tận làng Nam Phổ để thưởng thức đặc sản chính gốc. Thuỷ Phan (25 tuổi), một du khách cho biết: “Đây là món ăn tuổi thơ của mình. Ngày trước mình hay thấy mẹ mua bánh canh gánh của các cô, các dì, sau này lớn mới có dịp về tận làng để thưởng thức chính gốc. Bánh canh ngon, vừa miệng, bột mềm không vữa. Tuy nhiên có một điểm có thể cải thiện là bà nên đeo bao tay để đảm bảo vệ sinh”.
Chén nước mắm cao sản đặc trưng của Huế. Ảnh: Bảo Ngân
Quán của bà Dư bắt đầu bán từ 13h đến khi hết hàng. Thông thường, bán đến 17h là nồi bánh canh đã cạn. Giá bán là 10.000 đồng một tô bình thường, tô nhỏ 5.000 đồng. Bên cạnh bánh canh, quán còn bán thêm bánh ram ít, bánh nậm, bánh lọc với giá 10.000 đồng một phần. Để đến quán, từ thành phố, du khách men theo con đường Phạm Văn Đồng (Quốc lộ 49 hay đường về biển Thuận An) rồi rẽ trái ở ngã ba, đi thẳng thấy đình làng Nam Phổ là đến nơi.
Bánh canh: Thưởng thức món ăn thơm ngon xứ Việt
Hương vị ẩm thực Việt Nam chưa bao giờ khiến chúng ta thất vọng và bánh canh là món ăn bạn không bao giờ quên được. Vậy hãy cùng Wanderlust Tips điểm danh đặc sản nổi tiếng này khắp dọc miền đất nước nhé!
BÁNH CANH CHẢ CÁ MIỀN TRUNG
Đặc biệt phổ biến tại các tỉnh ven biển miền Trung, bánh canh chả cá vẫn mang đậm hương vị đặc trưng của một món ăn truyền thống nhưng đồng thời lại mặn tươi vị biển cả. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo hoặc bột mì tạo thành sợi dài hấp dẫn khiến ta muốn thưởng thức mãi không ngừng. Điểm sáng của món ngon vùng biển còn ở phần chả cá được làm từ chính những con cá tươi từ biển khơi xay nhỏ, tẩm ướt đậm đà và chiên giòn hoặc hấp cùng lòng đỏ trứng. Từng miếng chả cá chấm đẫm trong phần nước mắm mặn mòi sẽ khiến thực khách mê đắm món ăn này.
NẾM TRỌN VỊ HUẾ
Xứ Huế nổi tiếng với nền ẩm thực tinh hoa và bánh canh Nam Phổ là một trong những điểm hấp dẫn không thể bỏ qua. Nguyên liệu làm nên món ăn nổi tiếng miền Trung này gồm: sợi bánh canh, tôm, chả cua... bình dị nhưng điểm thu hút lại nằm ở quá trình chế biến kỳ công. Để tạo phần nước lèo ngọt thanh, người Huế sẽ dùng nước luộc tôm, cua. Sợi bánh được làm theo công thức độc đáo: chưng cách thủy, đánh đều rồi cho vào nồi nước sôi khiến từng sợi bánh mềm dai và không hề nát. Bánh canh Nam Phổ nổi bật với màu đỏ gạch cùng hương vị mộc mạc, giản dị khiến mỗi lần đến Huế bạn đều chẳng thể kìm lòng.
HẤP DẪN BÁNH CANH HẸ
Bánh canh hẹ, đặc sản nổi tiếng xứ Nẫu (Phú Yên) không sử dụng bất kỳ nguyên liệu đắt tiền, đặc biệt nhưng vẫn hấp dẫn thực khách không thôi. Sợi bánh canh thơm ngon hệt như thưởng thức bánh bột lọc dùng kèm với chả cá, trứng cút và rất nhiều hẹ tạo nên màu xanh bắt mắt, đặc trưng của món ăn. Đặc biệt, nước dùng được nấu từ cá tươi tạo nên vị ngọt dịu và thanh hiếm thấy. Để nếm trọn vị ngon, thực khách hãy vắt thêm chút chanh tươi, ớt tươi rồi chấm cùng nước mắm đậm đà để tận hưởng trọn vị ẩm thực Phú Yên.
THƯỞNG THỨC HƯƠNG VỊ SÀI GÒN
Nhắc đến những món bánh canh nổi tiếng của ẩm thực Việt Nam, thật khó bỏ qua sức hấp dẫn của tô bánh canh cua đến từ Sài Gòn náo nhiệt. Ngay khi nhìn thấy quán ăn bên đường, mọi người đều không thể ngăn được cơn thèm thuồng khi thấy phần thịt cua, tôm, chả cá, thịt heo luộc, giò nạc hoặc giò gân, nấm rơm, huyết... và không thể thiếu từng sợi dài dai kết hợp cùng nước dùng đậm đà, sền sệt đặc trưng. Chỉ một lần nếm thử đặc sản của người Sài Gòn, thực khách sẽ mãi không quên ẩm thực của thành phố phồn hoa.
BÁNH CANH TRẢNG BÀNG TẠI TÂY NINH
Tây Ninh là mảnh đất ẩn chứa nhiều điều quyến rũ, từ cảnh quan xinh đẹp tới ẩm thực thơm ngon và bánh canh Trảng Bàng sẽ đưa bạn trải nghiệm hương vị đặc trưng của xứ đó. Bắt nguồn từ gánh hàng bình dị của người mẹ tần tảo chốn Tây Ninh từ chục năm về trước, đặc sản này là tổng hòa nét tinh tế từ nguyên liệu bình dị như khoanh móng giò heo luộc ngậy thơm cùng sợi bánh canh không hề nát, bở. Không chỉ được lòng người dân địa phương, bánh canh Trảng Bàng còn chinh phục thực khách từ khắp mọi nơi mỗi lần ghé thăm.
BÁNH CANH BẾN CÓ - ĐẶC SẢN TRÀ VINH
Đặc sản Trà Vinh nổi tiếng khắp cả nước nhờ vị ngọt thanh kết hợp cùng những nguyên liệu đặc trưng của người Việt. Mọi quy trình làm nên bánh canh Bến Có của Trà Vinh không khác biệt với những vùng miền khác nhưng điều tạo nên hương vị riêng lại ở bí quyết của người dân xứ này. Vị ngon của món bánh canh sẽ phụ thuộc lớn vào khâu chọn lòng heo tươi ngon và đảm bảo vệ sinh. Kết hợp cùng nước dùng ninh kỹ từ xương heo, món ăn được bày trí đẹp mắt cùng thịt nạc, huyết, gan, phèo, ruột... đã làm nên nét ẩm thực đặc trưng của vùng Nam Bộ dung dị.
Bánh canh Nam Phổ- Tinh tế như chính tâm hồn người Cố đô Món ăn ngon thường gắn liền với vùng đất sản sinh ra. Bánh canh Nam Phổ cũng vậy. Cho đến nay, cũng không đâu làm bánh canh Nam Phổ ngon như... người dân Nam Phổ, Huế. Dù có đi đâu về đâu, người Huế vẫn hết mực tự hào về món ngon nổi danh thiên hạ này và giới thiệu cho bạn bè...