Bánh bỏng gạo – Quà quê về phố
Cầm miếng bánh bỏng trên tay, tuổi thơ chợt ùa về, giòn tan như những hạt gạo nếp nở bung, ngọt ngào như lớp mật đường màu hổ phách.
Những sáng mùa đông đi làm trên đường Thanh Niên (Hà Nội), tận hưởng cảm giác gió thổi từ hai mặt hồ, co ro ngắm nhìn mặt hồ trong sương mờ ảo, cuộc sống thanh bình đến lạ. Với tôi, đó cũng là cung đường chứa đựng rất nhiều ký ức tuổi thơ.
Đầu đường có những hàng chong chóng đủ màu sắc, kế đến là những hàng kem ốc quế mà trẻ con ngày bé đứa nào cũng mê. Hai bên đường là những chiếc xe đạp bán những món quà quê rất giản dị. Tôi vẫn thường nhìn ngắm một chị bán các loại bỏng, nào là bỏng ngô, bỏng gạo, kẹo bông… Rồi một chiều tôi dừng chân bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng của chị. Ký ức về vùng quê nghèo khó cũng ùa về theo chiếc bỏng tôi cầm trên tay. Ngày đó món bỏng gạo giòn thơm, vàng ruộm là niềm vui của tất cả bọn trẻ con chúng tôi. Mỗi lần đi chợ về, lần nào bà ngoại cũng mua quà cho tôi, khi thì bánh nếp, khi thì bánh tẻ, bánh rán… nhưng món bỏng gạo có cái ngòn ngọt của mật mía vẫn là được mong chờ nhất.
Ngày đó món bỏng gạo giòn thơm, vàng ruộm là niềm vui của tất cả bọn trẻ con chúng tôi
Bỏng gạo trên đường Thanh Niên bây giờ vẫn giống chiếc bánh bỏng ngày bé tôi thường ăn, tuy nhiên cái hương vị thấm đẫm mùi thơm của nếp mới không còn nhiều, vì ngày xưa các bà các mợ quê tôi thường chọn nếp cái hoa vàng mới để làm bỏng. Quy trình làm thì khá đơn giản. Từng hạt nếp sẽ bung nở ra, thơm phức mùi nếp mới. Nếu không thích bỏng đường, bạn có thể cứ thế mà vốc từng nắm bỏng gạo lên ăn cũng ngon vô cùng.
Video đang HOT
Để có được bỏng gạo vàng ươm, thơm lừng, người dân quê tôi thường lấy mật mía để nấu. Không có mật mía, người ta có thể dùng đường thay thế, thường là loại đường đỏ, thơm hơn đường cát trắng nhiều. Mật mía nấu lên óng ánh màu hổ phách, thêm một chút gừng, thế là mùi thơm tỏa ra thật quyến rũ. Chỉ việc đổ bỏng vào hỗn hợp mật đường vừa chưng xong, đảo đều đến khi hỗn hợp mật đường và bỏng quyện lại với nhau là món bỏng thơm ngon đã thành hình. Khuôn đổ bánh bỏng thường là hình chữ nhật, khi bánh đã sánh chặt lại với nhau, người ta chỉ việc cắt từng miếng bánh nhỏ ra, cho vào túi ni lông để bánh luôn giữ độ giòn thơm.
Cắn một miếng bánh bỏng, nghe hương thơm rất đỗi ngọt ngào của nếp sánh quyện với mật đường, cùng cái vị dẻo quẹo trong miệng, thấy lòng rộn rã hương quê.
Theo Linh Phong (ihay)
Ngọt thơm xôi chè bà cốt Hàng Bồ
Còn gì tuyệt hơn bưng bát chè nóng co ro giữa góc phố cổ trong cái lạnh Hà Nội.
Cứ mỗi khi gió mùa Đông Bắc bắt đầu ùa về trên những phố phường, người Hà Nội lại háo hức ghé phố Hàng Bồ để đợi chờ thưởng thức món xôi chè nóng hổi, thơm quyến rũ.
Có thể nói quán xôi chè Hàng Bồ này là một trong những quán hàng truyền thống nhỏ nhất Hà Nội. Bà chủ quán ngồi tựa vào một góc tường, cạnh con ngõ nhỏ đậm chất Hà Nội, xung quanh kê thêm vài chiếc ghế con, thế mà thành một địa chỉ bán xôi chè nổi tiếng có một không hai đất thủ đô.
Đến quán xôi chè Hàng Bồ là chấp nhận khó tìm chỗ để xe, có khi phải đợi chờ mới có ghế ngồi, và cũng chẳng dám ngồi nấn ná lại lâu, thế nhưng chẳng thấy một ai kêu, mà đều kiên nhẫn đợi.
Nhưng quả thật khi bát xôi chè bưng ra, mới thấy bõ cái công đợi chờ, chật chội. Xôi được đồ rất dẻo, thơm, có màu vàng thật ngon mắt. Gạo nếp được chọn là loại nếp cái hoa vàng hạt mẩy, có tiếng. Xôi ở hàng dẻo mà không nát, không dính bết cũng chẳng rời rạc, ăn miếng nào là thích mê miếng ấy.
Chè để ăn kèm thường là chè bà cốt, nấu bằng đường đỏ. Nhìn bát chẻ vàng óng điểm nâu như màu mật ong, trộn với miếng xôi vàng rộm, hít hà hương thơm ngòn ngọt của chè, có chút cay nồng của gừng thì chẳng ai kiềm lòng được.
Vì là món đặc sản nên chè bà cốt thường hết sớm nhất. Tuy nhiên, nếu không thích vị ngọt sắc, hoặc chẳng may đến vào lúc hết chè bà cốt, bạn có thể gọi chè hoa cau ngọt thanh, rắc chút đỗ xanh hay chè đỗ đen mịn, đặc quánh, ngọt vừa, ăn với xôi cũng được mà ăn riêng cũng thơm ngon tuyệt vời.
Muốn mua về nhà ăn vặt, bạn có thể chọn chè cốm và chè con ong, gói trong túi nilon trong, bày đầy trên khay. Giá mỗi bát chè chẳng đắt so với một quán hàng đặc sản Hà Nội. Chỉ với 15.000 đồng là bạn có thể bưng bát chè trên tay, xuýt xoa, co ro trong góc phố, tận hưởng cái lạnh mùa đông Hà Nội.
Theo Xzone/TTTĐ
[Chế biến] - Cá rô chưng tương bần Gian bếp của người Việt thường có một hũ tương để dùng dần. Tương Bần hay tương làng Bần được lưu truyền như là loại tương ngon nhất đất Việt là đặc sản xứ Hưng Yên. Nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương lại khá công phu. Để có bát tương vàng ươm, người làng Bần phải...