Băng Di được hay mất khi đóng vai vợ lẽ trong ‘Cậu Vàng’?
Gây ấn tượng bằng những vai phản diện trên màn ảnh nhỏ, Băng Di mang đến hình ảnh mới khi thủ vai mợ ba trong “Cậu Vàng”.
Băng Di bước chân vào ngành giải trí với vai trò mẫu ảnh, rồi ca sĩ nhưng không mấy thành công. Từ năm 2009, cô theo đuổi lĩnh vực điện ảnh, truyền hình.
Đi lên từ loạt vai phụ, sự nghiệp diễn xuất của người đẹp 31 tuổi thăng hoa khi cô đảm nhận vai tiểu thư Nhi trong Gạo nếp gạo tẻ (2018).
“Ác nữ giật chồng” trên màn ảnh nhỏ
Trong Gạo nếp gạo tẻ , Băng Di vào vai một cô tiểu thư ghê gớm. Nhi là con gái chủ sở hữu khách sạn nơi Công (Nguyễn Hoàng Anh), người chồng vô công rồi nghề của Hương (Lê Phương), làm việc.
Bằng tiền bạc và nhan sắc, Nhi đã quyến rũ Công, khiến gã phản bội, ruồng rẫy người vợ tảo tần. Trong cuộc hôn nhân của Công, Nhi là người thứ ba. Nhưng thực tế, cô tiểu thư chỉ coi Công như món đồ chơi trong tay.
Băng Di và Nguyễn Hoàng Anh trong vai nhân tình ở Gạo nếp gạo tẻ. Ảnh: HTV.
Qua diễn xuất của Băng Di, nhân vật Nhi trong Gạo nếp gạo tẻ hiện ra với đầy đủ sự đỏng đảnh, hống hách của một cô tiểu thư được nuông chiều, tin rằng cả thế giới đều xoay quanh mình. Nhi lên mặt dạy dỗ Hương khi cô xin nhân tình buông tha cho chồng, ngang ngược thách thức khi em Hương (Thúy Ngân) tới đòi công bằng cho chị gái.
Cũng vì vai Nhi, đặc biệt là cảnh phim với Thúy Ngân, Băng Di từng bị cư dân mạng buông lời khó nghe vì bất bình với nhân vật. Từ đây, Băng Di được truyền thông đặt biệt danh “ác nữ giật chồng”.
Năm 2020, chuỗi ngày thủ vai phản diện trên màn ảnh nhỏ của Băng Di tiếp tục với Kim Chi trong Đường về có nhau . Trên phim, nhân vật của Băng Di ở thế đối đầu với vai chính Nguyệt Lam (Trương Quỳnh Anh).
Không chỉ hết lần này đến lần khác hãm hại Nguyệt Lam trong cuộc cạnh tranh tình trường, Kim Chi còn sống trong nỗi lo sợ bí mật về thân thế hai người bại lộ.
Thử thách khi vào vai chính diện
Ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng những vai phản diện, Băng Di đã có màn lột xác khi vào vai mợ ba trong bộ phim điện ảnh Cậu Vàng lấy cảm hứng từ di sản văn học của Nam Cao.
Mợ ba được cưới về nhà Bá Kiến ( Hữu Châu) khi lão phú hộ đã qua tuổi sung mãn. Dù lấy nhau đã lâu, người phụ nữ vẫn chưa thụ thai. Áp lực chưa tròn bổn phận sinh con nối dõi cho nhà chồng, kèm sự chèn ép từ vợ cả, vợ hai khiến bà ba ngày một héo hon.
Băng Di đã thể hiện được sự âu sầu của một người phụ nữ vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ sinh con nối dõi. Ảnh: BuiCuong Film.
Bà ba trong Cậu Vàng đặt Băng Di vào bối cảnh những năm giữa thế kỷ XX. Cô hóa thân thành một người phụ nữ xinh đẹp, còn trẻ nhưng đã sớm không còn tương lai. Bà ba sống như một cái bóng giữa gia đình chồng, giá trị chỉ đong đếm bằng khả năng sinh đẻ…
Hình ảnh bà ba nhân hậu nhưng thụ động trong Cậu Vàng trái ngược với kiểu nhân vật không từ thủ đoạn để đạt được mục đích mà Băng Di đã quen diễn. Trả lời báo chí, Băng Di cho biết cô không muốn đóng đinh diễn xuất của mình với một kiểu vai phản diện mà luôn tìm kiếm cơ hội hóa thân vào những số phận khác nhau.
Nữ diễn viên nhận xét bà ba là vai diễn đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật diễn xuất. Băng Di từng trải qua tâm trạng căng thẳng, chịu nhiều áp lực trước khi Cậu Vàng bấm máy vì lần đầu đảm nhận kiểu vai mới mẻ.
Video đang HOT
Trong cảnh đầu tiên xuất hiện, khoảnh khắc bà ba đổ bỏ chén trà mà mợ cả, mợ hai gửi biếu khiến khán giả chớm liên tưởng tới những vai diễn ghê gớm đã gắn liền với Băng Di. Tuy nhiên, nét diễn này này không còn xuất hiện trong phần sau phim, khi nữ diễn viên đã toàn tâm toàn ý vào vai thục nữ.
Bà ba của Băng Di toát ra sự bình thản của người đã chớm quen sống đủ đầy trong nhung lụa, không mảy may nỗi lo cơm áo. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy vẫn phảng phất nét mỏi mệt, ưu tư của người thường xuyên bị chèn ép, thân mang trọng trách nhưng không cách nào hoàn thành.
Băng Di cũng ít nhiều diễn được nét cam chịu, tủi hờn xen lẫn đau đớn của mợ ba trong hai phân đoạn quan trọng trên màn ảnh. Đầu tiên, là sự bẽ bàng khi bà ba nhìn thấy gương mặt tình cũ (Thanh Bình) trong gánh hát giữa sân nhà Bá Kiến. Tiếp đó, là trường đoạn trong nhà kho, khi bà liều hứa trao thân cho Lý Cường (Will) để đổi lấy bình an cho người yêu.
Nỗ lực có được đền đáp?
Trong Cậu Vàng , bà ba là nhân vật được sáng tạo mới gần như toàn bộ. Ngoài thân phận người vợ thứ ba của Bá Kiến, tính cách, quá khứ cũng như kết cục của nhân vậy được thể hiện trên phim hoàn toàn khác với nguyên tác hay bản phim chuyển thể Làng Vũ Đại ngày ấy (1982).
Băng Di trong sự kiện ra mắt phim Cậu Vàng.
Dưới ngòi bút Nam Cao, vợ ba của Bá Kiến là một phụ nữ trẻ, thường hay mượn cớ đau ốm để được anh Chí xoa bụng, bóp đầu. Trong Làng Vũ Đại ngày ấy , bà ba xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh đá đáp chua ngoa với bà cả nhà Bá Kiến. Không mô tả nào trong đó có nét tương đồng với hình ảnh người phụ nữ nhu mì trong Cậu Vàng .
Xây dựng người vợ ba theo hướng nhân vật chính diện, mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không tình yêu là câu chuyện giật gân thời thượng để Cậu Vàng tiếp cận nhóm khán giả trẻ. Câu chuyện người phụ nữ đấu tranh giành quyền tự do – lấy người mình yêu và sống cuộc đời mình khao khát – trong Cậu Vàng ít nhiều mang dấu ấn của từ khóa “nữ quyền”.
Tuy nhiên, việc đầu tư quá mức vào tuyến nhân vật xoay quanh bà ba đã khiến bộ phim mất trọng tâm. Từ đầu, chuyện lão Hạc (Viết Liên) ăn bả chó và chuyện bà ba bỏ trốn theo người tình đã không có bất kỳ liên hệ hợp lý nào, dù bộ phim cố gắng tạo ra chi tiết long mạch để kết nối.
Binh Tư (Phương Nam) cũng xuất hiện như một gạch nối nhân quả giữa họ: nhờ cậu Vàng và lão Hạc cứu Binh Tư, mà gã mới còn sống để giúp bà ba và người tình bỏ trốn. Binh Tư bỏ mạng trong nỗ lực ấy.
Cái chết khép lại trọn vẹn cuộc đời Binh Tư trong vai trò một công cụ. Hắn sống để làm công cụ của Bá Kiến, và chết sau khi hoàn thành vai trò “bôi trơn” cuộc chạy trốn của đôi tình nhân được biên kịch gán cho.
Trong cảnh cuối cùng xuất hiện, bà ba và người tình ngồi trên một chiếc xe ngựa đi giữa rừng. Đây là một chi tiết thừa thãi, khi đạo diễn cố gắng lồng ghép thông điệp về chiến thắng của tình yêu trước bạo lực, cường quyền.
Tuy nhiên, đây có lẽ là điều khán giả không thực sự quan tâm, hoặc họ đã nhìn thấy chiến thắng ấy trong cảnh hai người an toàn rời khỏi ngôi làng.
Cái kết khi những người yêu nhau tìm về bên nhau, bà ba từ vùng Nam Bộ ra đi nay lại trở về chốn cũ, vô tình vẽ ra quá nhiều khả năng bất trắc đi ngược lại cái kết có hậu. Từ việc chắc chắn đôi uyên ương phải sống kiếp lang bạt kỳ hồ, tới tình yêu của họ chắc chắn sẽ trải qua thử thách khi con của Bá Kiến ra đời…
Bà ba có thể đã là vai diễn mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của Băng Di. Tuy nhiên, việc được dành quá nhiều sự chú ý đã tạo ra hiệu ứng ngược, khiến nhân vật từ chỗ quan trọng trở thành thừa thãi.
Cùng với đó, phát ngôn bất cẩn của nữ diễn viên về bộ phim mới đây càng khiến tên tuổi Băng Di, gắn với nhân vật bà ba, nhuốm màu sắc tiêu cực.
NSƯT Hữu Châu: Làm diễn viên mà kiến thức không có là không ổn
Với NSƯT Hữu Châu, được vào vai Bá Kiến là một sự may mắn. Nam nghệ sĩ luôn hết mình với vai diễn cũng như không ngừng trau dồi những kiến thức về nghề.
Nghệ sĩ Hữu Châu tâm niệm trước khi muốn thành danh hãy làm người tử tế. ẢNH: FBNV
Cậu Vàng là câu chuyện có thật
* Xin chào NSƯT Hữu Châu, Bá Kiến là một nhân vật đã rất quen thuộc với người Việt Nam từ thời cắp sách đến trường. Vậy trước khi nhận nhân vật này, ông có từng đắn đo hay lo lắng rằng sẽ không làm vừa lòng khán giả?
- NSƯT Hữu Châu: Nếu mà nói lo lắng thì không. Vì tôi đã đi phim và đóng rất nhiều thể loại vai, ngay cả bên sân khấu tôi cũng đóng những nhân vật lịch sử có thật rồi. Khi tôi nhận vai diễn này, tôi lại mừng và hạnh phúc nhiều hơn. Dĩ nhiên khi nhận vai thì ai cũng phải lo, lo để làm tròn vai của mình chứ nếu nói là áp lực hay căng thẳng thì không.
* Nhân vật Bá Kiến mang đến cho ông cảm xúc đặc biệt gì?
- Mấy hôm nay tôi cảm thấy vui lắm. Tôi xem đây như một điều may mắn khi gặp được một vai diễn, một nhân vật mà hầu như tất cả người Việt Nam đều biết đến. Ngay cả trong trường phổ thông đều dạy những tác phẩm của Nam Cao.
* Ông đánh giá sự độc ác của nhân vật này có gì khác so với nhận vật mà mình từng thủ vai trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể ?
- Cái ác này khác hoàn toàn! Vì Tấm cám: Chuyện chưa kể là cổ tích, là hư cấu. Còn ở trong phim Cậu Vàng là câu chuyện có thật, là thời điểm đã từng xảy ra ở Việt Nam vào khoảng những năm trước 1945. Có những nhân vật như thế thì nhà văn Nam Cao mới viết được, chính vì thế, cách thể hiện sẽ rất khác nhau.
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết ông cảm thấy hạnh phúc khi được thể hiện một vai diễn đa chiều như Bá Kiến. ẢNH: FBNV
* Khi tham gia bộ phim này, Hữu Châu dự định nhấn nhá như thế nào để nhân vật của mình thêm phần ấn tượng?
- Khi tôi đọc kịch bản, tôi nhận thấy nhân vật con trai của Bá Kiến là Lý Cường đã bộc lộ cái ác ra ngoài rồi. Nhân vật đó là một người nóng nảy, hồ đồ, bạ đâu làm đó và hung dữ tàn ác, chính vì vậy, nhân vật của tôi là cha nó, tôi không thể làm giống vậy được. Tất cả mọi chuyện xảy ra ở mảnh đất của Lão Hạc đều do Bá Kiến điều khiển hết thì ông ấy phải thâm trầm hơn, cái ác của ông ấy phải ngầm ở bên trong. Bá Kiến phải là người "nắm đầu" Lý Cường, buộc con trai phải làm việc cho mình. Cho nên tôi không thể diễn la hét được.
Một trong những lý do đầu tiên khiến tôi gật đầu đồng ý nhận vai diễn này, đó là được đi ra miền Bắc. Tôi thấy những con đường đê và cánh đồng ngoài Bắc, tôi còn được đi đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, viếng mộ Ngô Quyền và lên Sóc Sơn thăm đền Gióng. Tôi thích lắm! Hơn thế nữa, ở phim trường tôi quay, ngay trước nhà Bá Kiến có những người dân bán đồ ăn, nước chè, hột gà ta... họ rất dễ thương. Tôi được mở mang đầu óc, đầu của tôi như được xả ra, không còn căng thẳng nữa.
* Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với nhân vật đóng vai Cậu Vàng không?
- Tôi thì không diễn với Cậu Vàng nhiều, chỉ có Will là tiếp xúc nhiều. Nhưng khi Cậu Vàng được cột ở một góc thì tôi cũng ngồi gần đó, tôi chỉ hay chọc nó rồi nó cũng hay gừ lại vậy thôi. Tôi nghĩ chắc là nó ghét tôi lắm (cười).
* Trong bộ phim, ông cảm thương cho nhân vật nào nhất?
- Trong phim có nhiều điều khiến người xem cảm động và những điều đó ai cũng nói hết rồi. Ví dụ như cuộc đời Lão Hạc, Cậu Vàng giúp người, Cò với Cải gặp nhau hay tình hàng xóm của Lão Hạc và ông giáo... Chúng ta đều cảm động ở những nhân vật chính diện. Tuy nhiên, riêng bản thân tôi, ngoài các chi tiết đã liệt kê thì có một điểm khiến tôi rất xúc động, đó là tôi rất thương cho bà Cả. Vì đến cuối cùng, bà vẫn một lòng với chồng dù có chuyện gì xảy ra. Tôi thấy tôi thương cho bà ấy, đúng là cái nhân, cái quả. Hình ảnh cuối cùng của nghệ sĩ Chiều Xuân khi nhìn bà Hai bỏ đi khiến tôi thương lắm.
Dù là một nghệ sĩ lớn, Hữu Châu vẫn tự nhận bản thân ở ngoài đời hay đùa giỡn như một đứa trẻ. Ông còn tận tình hướng dẫn cách diễn xuất cho các diễn viên trẻ. ẢNH: FBNV
Không có chuyện lấn át các diễn viên trẻ
* Hai diễn viên trẻ là Will và Băng Di có bị khớp khi diễn chung với nghệ sĩ lớn như Hữu Châu và ông đã trấn an họ như thế nào?
- Tôi đều có giúp cả vì tôi coi mấy đứa như con cháu của mình. Về Will, cậu ấy quá thân với tôi từ hồi Tấm Cám: Chuyện chưa kể . Nhìn vậy thôi chứ Will là người vui vẻ, như một đứa con nít vậy. Dĩ nhiên, tôi cũng có hướng dẫn chỗ này hay chỗ kia nên làm như thế nào. Còn đối với Băng Di thì có khớp với tôi vì đóng vai vợ. Khi gặp vấn đề, tôi cũng cởi mở. Tôi nói rằng đây là đang đóng phim chứ không có gì hết. Băng Di và Will đã đóng nhiều phim với tôi nên cũng biết ngoài đời tôi đùa giỡn dữ lắm, như con nít vậy nên cả hai đều không sợ xa cách đâu.
* Là một người được đánh giá cao khi tham gia các dự án điện ảnh ông có sợ hào quang của mình sẽ lấn át các diễn viên trẻ?
- Không có đâu! Hồi đó, tôi đã được học hành tại trường lớp và sau đó khi ra làm nghề thì được học ở các sân khấu. Ở sân khấu có một điều rất hay, là không có hào quang gì, nhận vai nào thì diễn tròn vai đó. Lớp diễn đó là lớp của mấy đứa nhỏ thì người lớn như chúng tôi phải lùi xuống cho những bạn đó diễn. Không có chuyện lấn át các diễn viên trẻ, tôi chỉ làm tròn vai của mình thôi.
* Là một diễn viên với nhiều kinh nghiệm, ông có kén chọn vai không?
- Nếu nói chọn vai thì hơi quá đáng và cao ngạo quá. Tôi thường tính xem vai đó có hợp với bản thân hay không. Nhiều khi mình cứ nhận mà làm không được sẽ dẫn đến việc diễn xuất không đạt yêu cầu. Vai nào tôi cảm thấy hợp thì tôi mới nhận.
* Trong suốt quãng thời gian dịch bệnh, không đi diễn sân khấu, ông làm gì để cuộc sống trở nên tích cực hơn?
- Trong thời gian ở nhà, tôi đi mua sách về tâm linh của tác giả Nguyên Phong như Đường mây qua xứ tuyết, Muôn kiếp nhân sinh ... tôi đọc hết những quyển sách đó. Cũng nhờ có khoảng thời gian đó, tôi tập lại được thói quen đọc sách. Tôi nhìn lại bản thân nhiều hơn, có những điều tôi nên làm và có những điều tôi bắt đầu phải biết từ chối.
* Khi dịch bùng phát khiến sân khấu ngưng hoạt động, thầy Hữu Châu đã động viên các học trò của mình như thế nào?
- Những đứa đó tội lắm. Tôi cũng nói rằng bây giờ các sân khấu đóng cửa, trường cũng không có học, các con ở đây cũng không làm gì. Khi đó, chưa có cấm xe khách thì tôi khuyên học trò về quê, làm gì làm hãy ở bên gia đình. Ở quê, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối còn hơn sống lây lất trên này. Tôi chỉ có thể giúp các em một phần nào thôi, nếu như tình trạng này cứ kéo dài tháng này qua tháng nọ thì làm sao tôi giúp được.
* Cảm xúc của ông như thế nào khi ngày đầu tiên sân khấu sáng đèn trở lại sau thời gian dịch bệnh?
- Tôi mừng lắm! Cảm giác như được thi đêm tốt nghiệp vậy. Là diễn viên sân khấu, nghỉ khoảng 4-5 ngày đi du lịch còn được chứ nghỉ gần cả tháng, đã vậy còn bị nhốt trong nhà nữa, nó kinh khủng lắm. Cho nên khi hết lệnh giãn cách xã hội và cho phép diễn lại, tôi cảm giác như mình được tốt nghiệp. Nói gì thì nói, tôi luôn nhớ cảm giác được đứng trên sân khấu với những ánh đèn.
Với Hữu Châu, ngày sân khấu được sáng đèn trở lại sau một thời gian dài nghỉ dịch là một niềm hạnh phúc lớn. ẢNH: ĐPCC
Khán giả bây giờ cực kỳ thông minh chứ không hồ đồ
* Khi đứng lớp, ông muốn gửi gắm điều gì đến với những người học trò của mình?
- Trước khi muốn thành danh và muốn làm nghề thì hãy làm một người tử tế trước đã. Có nghĩa là tôi muốn những học trò của mình phải trau dồi cách đối nhân xử thế, cách sống, cách nói, cách ăn mặc rồi hãy nghĩ đến chuyện thành danh. Khi mình đã sống tử tế và đàng hoàng thì đi đâu cũng sẽ được mọi người thương. Khi đã được mọi người thương mình thì lúc đó cơ hội có nhiều lắm.
* Ông đã khuyên học trò của mình như thế nào khi họ không may va vấp trong những ngày đầu hoạt động nghệ thuật?
- Tôi luôn khuyên học trò hãy đối diện với nó. Vì đã chấp nhận đi theo nghề thì phải chấp nhận điều đó xảy ra. Phải đối diện rồi ngày mai, ngày mốt sẽ quên chứ đừng bao giờ né tránh hay nản chí. Phải bình tĩnh và đối diện. Không lẽ bây giờ người ta đối xử với mình như thế rồi mình nản chí bỏ nghề. Không thể như thế được! Khi người đó đối xử như vậy thì mình né ra, không gặp nữa. Mình đi làm việc với một người khác. Hoặc thay vì đã nhận được vai đó nhưng cuối cùng bị mất vai thì lại buồn khổ, như vậy là không được, vì có thể mình diễn không đúng ý đạo diễn thì sao. Cứ nghĩ tích cực trước rồi tính. Phải biết đối diện với nỗi khổ, niềm đau trong ngành này rồi vượt qua thì mới vững được. Đã làm nghề diễn viên thì phải có những nỗi buồn và nỗi đau, phải thấm những điều đó thì nhân vật của mình mới hay.
* Nghệ sĩ Hữu Châu có cảm thấy sự nổi tiếng là một mối đe dọa với người nghệ sĩ trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay?
- Mỗi thời mỗi khác, các nghệ sĩ thời trước khác, các nghệ sĩ thời của tôi khác và đời sau của tôi cũng khác. Tất cả đều là cuộc sống, nó cứ xoay liên tục và càng ngày càng tiến lên. Cho nên không trách được mấy em, mấy cháu. Bây giờ diễn viên nhiều quá, ai cũng có thể làm diễn viên và ở đâu cũng có diễn viên cho nên các em, các cháu phải cố gắng làm việc để khẳng định bản thân để tồn tại. Chỉ có điều các diễn viên trẻ phải bình tĩnh lại, biết phân định cái nào đúng cái nào sai cũng như cái nào nên và không nên. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải trau dồi nghề nghiệp và kiến thức của mình. Làm diễn viên mà kiến thức không có là không ổn, phải đọc sách và quan sát cuộc sống nhiều hơn.
* Một vài khán giả nói rằng làm nghệ sĩ bây giờ dễ lắm, chỉ quay vài ba cái clip đăng lên mạng là được mời đóng phim, đi diễn. Ông có cảm thấy chạnh lòng khi họ nhìn người nghệ sĩ như vậy?
- Khán giả bây giờ cực kỳ thông minh chứ không hồ đồ đâu. Họ nói cũng đúng đó nhưng không hề quy chụp vì họ đang nói ở những vế khác, những diễn viên khác. Đối với bọn tôi, khán giả vẫn yêu vẫn quý chứ không hề quy chụp. Khán giả bây giờ tinh tế lắm, họ luôn biết phân định rạch ròi chứ không phải không biết gì đâu.
- Cảm ơn những chia sẻ của NSƯT Hữu Châu!
Băng Di: 'Tôi không thể sống thiếu bạn trai' Băng Di và bạn trai yêu nhau 4 năm nhưng chưa có kế hoạch kết hôn. Họ thường xuyên du lịch cùng nhau để hâm nóng tình cảm. Băng Di tâm sự bạn trai giúp cô quen biết nhiều người trong giới kinh doanh. Anh cũng là người luôn ở bên động viên khi cô trầm cảm và muốn buông xuôi. "Justin là...