Bằng chứng Trung Quốc ‘thảm sát’ sinh vật ngoài Biển Đông?
Hàng loạt sinh vật từ to đến nhỏ ngoài Biển Đông chết bất thường là do ô nhiễm môi trường, Trung Quốc cải tạo đảo trái phép.
Đang ở mức báo động
Ngày 24/12, chia sẻ với Phunuonline, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong năm 2015, từ Bắc đến Nam của Việt Nam đều có hiện tượng các loài sinh vật trôi dạt vào bờ biển chết một cách bất thường. Bởi, ngoài đại dương có môi trường sống, nguồn thức ăn chắc chắn tốt hơn gần bờ nên không có lý do gì chúng lại phải tìm vào bờ để sinh tồn.
Những loài sinh vật được coi là “bá chủ” đại dương như cá voi, cá mập, cá mú… hay đến những loài nhỏ như nghêu, sò, ốc, hến, hải sâm cũng không thể chịu được sự ô nhiễm môi trường mà chết trôi dạt vào bờ biển. Như sáng ngày 18/12, một con cá mú nặng 70kg mắc vào lưới của ngư dân ở Q. Thanh Khê – TP. Đà Nẵng.
Người bắt được con cá này cho biết, việc đánh bắt được cá mú cỡ to như trên ở gần bờ là rất hiếm. Cá mú cỡ to chỉ sinh sống ở ngoài biển xa. Nhưng đây là lần thứ 2 ông bắt được con cá mú “khủng” trong năm 2015.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật.
Không những vậy, cuối tháng 7/2015, người dân ở TP. Tam Kỳ, Quảng Nam cũng chứng kiến con cá voi nặng 300kg trôi dạt vào bờ biển trong thể trạng yếu ớt. Đầu tháng 6/2015, người dân ở huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An phát hiện một con cá mập có kích thước “khổng lồ” chết dạt vào bờ biển.
Video đang HOT
Theo đó, rạng sáng ngày 2/6, một số người dân trú tại xã Tiến Thủy rủ nhau ra khu vực bãi biển Hang Trâu để bắt ốc. Khi những người này đang đi trên bãi biển thì phát hiện một con cá mập có kích thước “khổng lồ”, hình thù “kỳ quái” đang mắc cạn tại đây và đã chết. Con cá có chiều dài khoảng 5m, đường kính đoạn to nhất khoảng 1m, ước tính trọng lượng khoảng 1.000kg.
Rồi đến tháng 9/2015, hàng tấn Hải sâm chết dạt vào bờ biển ở Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Tháng 3/2015, nghêu – sò – ốc – hến chết hàng loạt ở vùng biển Hà Tĩnh.
Nguyên nhân của hàng loạt hiện tượng này được ông Huỳnh cho rằng: “Do môi trường sống của chúng bị thay đổi, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Biển Đông đang ở mức báo động. Mà ô nhiễm môi trường lại chính là do con người gây ra.
Hiện nay, các tàu thuyền lớn qua lại khiến một lượng lớn dầu thải ra. Đồng thời việc tàu lớn di chuyển làm cho các sinh vật sống ở biển có những tác động, từ đó các sinh vật có thể bị chết hoặc bị say để sóng đánh dạt vào bờ biển.
Việc kiểm soát về vấn đề ô nhiễm môi trường biển của Việt Nam cho đến nay vẫn còn lỏng lẻo. Từ cơ quan quản lý đến người dân đều cho rằng không quan trọng. Với những con vật thì nó hết sức nhạy cảm, vấn đề ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến cỏ biển, các rặng san hô, nơi cung cấp nguồn thức ăn của mọi loài sinh vật ở đại dương.
Các chương trình tuyên truyền của Nhà nước chỉ nói đến người dân phải trang bị phương tiện, điện lưới đánh sao cho được nhiều cá mà không nói gì đến ô nhiễm môi trường”.
Con cá mập dài hơn 5m trôi dạt vào vùng biển Nghệ An.
Rõ bằng chứng Trung Quốc đang gây “thảm sát”
PGS. TS Nguyễn Đình Hòe – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, hàng loạt sinh vật biển chết bất thường trong năm 2015 chắc chắn có liên quan đến môi trường Biển Đông bị biến động.
“Năm nay có 2 loại biến động được xác định ảnh hưởng tới môi trường ngoài Biển Đông là hiện tượng Elnino và Trung Quốc thay đổi vô tội vạ hệ sinh thái ở ngoài quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các hành động cải tạo đảo trái phép.
Tuy nhiên, Elnino không phải năm nay mới có mà trong lịch sử cũng đã xuất hiện rất nhiều lần, nhưng tại sao chỉ năm nay mới xảy ra tình trạng hàng loạt sinh vật biển từ to tới nhỏ chết bất thường? Vậy chắc chắn nguyên nhân do Trung Quốc cải tạo đảo trái phép khiến điều này xảy ra càng trở nên rõ rệt.
Việc Trung Quốc khai thác hàng triệu tấn cát ngoài Biển Đông để thực hiện việc san lấp đảo sẽ gây ra biến động môi trường biển rất lớn” – ông Hòe nói.
Ông cũng phân tích thêm: “Các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép đều là các rặng san hô sống – được coi là “rừng nhiệt đới” dưới nước, có nhiều loài sinh học sống dựa vào đấy. Vậy khi Trung Quốc tạo ra 12.000 hecta đảo mới, cũng đồng nghĩa với việc có tương đương diện tích biển chứa rặng san hô bị biến mất.
Từ đó tạo ra cuộc hủy diệt sinh thái ở Biển Đông. Một cuộc hội thảo ở TP. Hà Nội mới đây đưa ra con số 400 triệu USD thiệt hại từ việc Trung Quốc đang cải tạo đảo trái phép. Với riêng Việt Nam, sản lượng thủy sản trong những năm qua đã xuống rất thấp”.
Trung Quốc cải tạo trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: Jane.com).
Theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường), đại dương và khí quyển là hai hệ thống tự nhiên cấp hành tinh, luôn ảnh hưởng tương tác lẫn nhau và quyết định vòng tuần hoàn nước toàn cầu. Cho nên, biến đổi khí hậu (climate change) tác động vào đại dương, và ngược lại các biến đổi đại dương cũng sẽ tác động trở lại bầu khí quyển và làm thay đổi hệ thống khí hậu. Đây là hai mặt của một vấn đề khi ứng phó.
“Biến đổi đại dương gây ra các hậu quả môi trường tiêu cực trong chính đại dương và biển. Thí dụ như, làm thay đổi cấu trúc dòng chảy đại dương và biển; thay đổi xu hướng phân bố các quần đàn sinh vật biển (ra xa bờ hơn và mở rộng về hai cực nhiều hơn), trong đó có các loài thủy sản;
Tăng cường xâm nhập mặn vào nội địa; mở rộng diện xói lở bờ biển; hiện tượng thủy triều đỏ và phì dưỡng kéo theo dịch bệnh thủy sản xuất hiện ngày càng nhiều; bùng phát tảo độc hại; các rạn san hô bị tẩy trắng; tần suất xuất hiện El-Nino và La-Nina dày hơn và hậu quả là các pha lũ lụt và hạn hán nhiều hơn và phức tạp hơn” – ông Hồi cho biết.
Với những điều mà Trung Quốc đang gây ra cho môi trường biển, PGS. TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng:
“Chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc đề nghị tổ chức Liên Hợp Quốc vào cuộc điều tra. Chưa nói đến vấn đề chính trị trong việc Trung Quốc cải tạo đảo trái phép, chỉ riêng về khía cạnh tác động hệ sinh thái từ hoạt động phi pháp đó thì chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện. Các tổ chức khoa học hay Chính phủ Việt Nam đều có thể thực hiện được việc này”.
Chi Nam
Theo Báo Phụ nữ