Bàn tròn chứng khoán: Có nên mạo hiểm với nhóm cổ phiếu nhỏ?
Dù thanh khoản chung của thị trường sụt giảm, nhưng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục giao dịch mạnh, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Liệu nhà đầu tư có nên tiếp tục mạo hiểm với nhóm cổ phiếu này? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần mới.
Ảnh Shutterstock
Thị trường cổ phiếu có tuần khởi đầu năm 2020 khá cân bằng, nhưng VN-Index vẫn có mức tăng nhẹ nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường được dự báo sẽ lạc quan hơn khi VN-Index vượt qua vùng cản 970 điểm. Nhưng điều này có diễn ra trong tuần tới, theo các ông?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, CTCK VNDIRECT
Tuần giao dịch khởi đầu năm tài chính mới 2020 diễn ra tích cực như cá nhân tôi kỳ vọng. Động lực tăng giá đến từ sự hỗ trợ tâm lý của thị trường chứng khoán toàn cầu và dòng tiền tổ chức giải ngân trở lại cho kỳ đầu tư mới. Hơn nữa, bước sang năm tài chính mới, định giá của nhiều doanh nghiệp sẽ được nâng lên nhờ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và điều này tạo ra kỳ vọng mới mang tính tích cực.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp khi dòng tiền chưa đồng loạt tham gia trở lại và những lo ngại về rủi ro địa chính trị giữa Mỹ và Iran có thể tạo ra rào cản tâm lý mới cho tuần giao dịch sau.
Hơn nữa, sau hai tuần tăng giá nhẹ thì áp lực điều chỉnh cũng xuất hiện trở lại khi gần mức cản 970 điểm. Do đó, theo tôi xu hướng tuần giao dịch tới thiên về hướng tích lũy và điều chỉnh nhưng với cách vận động tích cực của dòng tiền thì khả năng vượt qua 970 điểm sẽ sớm xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Cố thể thấy, 2 phiên đầu tiên của năm mới khá tích cực ngay cả khi thị trường điều chỉnh ở phiên cuối tuần. Dòng tiền vẫn có sự tích cực nhất định, ngược lại nhiều cổ phiếu đã không bị áp lực bán quá mạnh cho thấy bên bán lựa chọn vùng giá hơn là cố gắng bán mạnh ra.
Nhìn từ điểm đáy 950 có thể thấy, VN-Index vẫn đan xen giữa tăng và giảm, nhưng tựu chung là xu thế đi lên. Vì thế, nói về tâm lý, nó cho thấy sự tích ực và kỳ vọng nhất định của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Dòng tiền tuần vừa qua được tập trung mạnh hơn ở nhóm ngân hàng và nếu như điều đó diễn ra, thì việc vượt qua 970 điểm là có thể.
Tuy vậy, VN-Index vẫn chịu áp lực bán và tăng giảm đan xen. Do đó, tôi thận trọng cho rằng, thị trường sẽ loanh quanh vùng 960 – 980 điểm trong tuần tới.
Sở dĩ tôi thận trọng là bởi TTCK Mỹ tăng quá mạnh có thể chịu áp lực điều chỉnh đặc biệt liên quan đến quan hệ giữa Mỹ – Iran. Điều này có thể tác động đến dòng tiền của khối ngoại, tác nhân quan trọng cho việc thị trường đi lên.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Thị trường gặp tin xấu vào phiên cuối tuần, đó là việc Mỹ không kích tướng Iran. Cho dù VN-Index đến cuối phiên thứ Sáu chỉ giảm nhẹ 1,5 điểm, nhưng tôi nghĩ, có lẽ nhà đầu tư vẫn còn lạc quan, cho rằng tác động của cuộc không kích đó nhỏ.
Ở góc độ thận trọng, còn phải xem phản ứng của chính quyền Iran lẫn các quốc gia lớn trên thế giới với sự việc này như thế nào, cũng như tác động của nó lên các thị trường chứng khoán.
Như vậy, thông tin trên nếu dẫn tới suy giảm mạnh trên các TTCK, thì chắc Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, nó là loại tin có thể bẻ gãy trend của VN-Index, vốn có thể tăng tích cực ngay trong tuần đầu tiên của năm mới. Phiên thứ Hai (6/1) chắc chắn là rất quan trọng khi xem phản ứng từ thị trường.
Video đang HOT
Hai phiên giao dịch đầu năm đã cho thấy trạng thái đối lập giữa khối nội vài khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng mua ròng tích cực với gần 140 tỷ đồng trong phiên 3/1, trong khi khối nội bán khá mạnh. Tình trạng này đã diễn ra trong năm 2019. Liệu sự tương phản giữa hai khối có tiếp diễn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, CTCK VNDIRECT
Trong năm 2019, dòng vốn của các quỹ đầu tư thụ động (quỹ chỉ số) vẫn gia tăng giải ngân ở thị trường Việt Nam, trong khi đó các quỹ đầu tư chủ động lại có xu hướng bán ròng.
Các phiên giao dịch đầu năm 2020, dòng tiền giải ngân trở lại mang dấu ấn của các quỹ đầu tư chủ động và điều này mang hàm ý tích cực, bởi dòng tiền này mang tính đầu tư lâu dài và kèm theo kỳ vọng cơ bản thay vì đơn thuần đầu tư chỉ số.
Ông Nguyễn Trung Du
Ở khía cạnh phân định dòng vốn nội và ngoại, thì nó vốn có tính đối lập nhau bởi khi khối ngoại mua ròng người bán ra chắc chắn là khối nội và ngược lại. Do đó, điều này là hoàn toàn bình thường và xét trong nhiều năm qua dòng vốn ngoại vẫn mang tính chủ động và dẫn dắt hơn nên sự giải ngân trở lại của dòng vốn ngoại theo tôi là rất tích cực.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Nhìn về 1 năm thì có thể nhiều vấn đề xảy ra khó đoán trước được. Tuy nhiên, có 1 điểm là dòng vốn ngoại thường chảy mạnh vào TTCK Việt Nam ở quý đầu năm thông qua cá quỹ ETF. Việc khối ngoại đang có xu hướng mua ròng mạnh gần đây càng củng cố điều này.
Vì thế, nhà đầu tư cần thận trọng khi bán ra, bởi lực mua của dòng tiền này thường rất mạnh và điều đó giúp thị trường tích cực hơn. Tôi đặc biệt lưu ý những cổ phiếu thuộc những nhóm chỉ số ETF, hay VN30, Diamond Index, Financial Index …, bởi dòng vốn ngoại có thể tập trung mạnh ở đây.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ khối ngoại vẫn đang ở xu thế bán ròng. Nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá vì họ bán ra mạnh, nhưng tôi chưa thấy điểm dừng bán. Điều mà tôi kỳ vọng nhất lúc này là cổ phiếu Việt Nam đủ rẻ để kích thích họ mua trở lại, và việc tái cơ cấu danh mục đầu tư đầu năm sớm đưa lại kết quả là gia tăng lượng mua.
Còn khối nội, tôi nghĩ đang có một tâm lý khá tích cực, đó là do yếu tố “đầu năm”.
Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục giao dịch mạnh, thu hút sự chú ý của các thành viên thị rường. Dù vậy, đa số đang ở vào thế bất lợi cho người mua, vì dòng tiền lớn thể hiện ý đồ rút lui. Có nên “mạo hiểm” đầu tư vào nhóm cổ phiếu này?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, CTCK VNDIRECT
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường giao dịch sôi động khi thị trường thiếu vắng cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa.
Giai đoạn tháng 12/2019, hoạt động đầu cơ ở nhóm cổ phiếu này diễn ra mạnh mẽ và rất nhiều cổ phiếu đã có dấu hiệu tạo đỉnh, cũng như cho thấy sự rút lui của dòng tiền đầu cơ lớn.
Cá nhân tôi luôn coi nhóm cổ phiếu này ở nhóm rất rủi ro và thường đem lại mất mát cho nhà đầu tư cá nhân hơn là mang lại lợi nhuận. Vì thế, tôi luôn mong rằng nhà đầu tư cá nhân nên từ bỏ các “thói quen đầu tư độc hại” để tránh gánh thêm thua lỗ khi bị cuốn vào các trò chơi mạo hiểm thiếu công bằng này.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Thời điêm này không nên quan tâm tới những cổ phiếu đầu cơ, bởi xu hướng chung sẽ tập trung vào dòng cổ phiếu nào đó. Nhiều khả năng sẽ hình thành một nhóm ngành tạo ra sự dẫn dắt với thị trường.
Hơn nữa, với xu hướng 2019 như vừa qua, thì dòng tiền sẽ có hướng nhắm tới những cổ phiếu cơ bản, tiềm năng và tăng trưởng. Những cổ phiếu đầu cơ, nếu như bạn không phải là người am hiểu thì không nên mua, bởi không mấy nhà đầu tư nào có lãi từ những cổ phiếu dạng này. Mua vào rồi thì yếu tố nào sẽ giúp cho khoản đầu tư đó sinh lời là không có câu trả lời.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi không rõ dòng tiền có ý đồ rút lui ở nhóm cmallcap hay không, cái này khó thống kê. Ở một vài mã đang có giao dịch mạnh, kiểu như FIT, HAI, HQC… thì cũng không đại diện cho cả nhóm.
Ông Hoàng Thạch Lân
Ở giai đoạn này, tôi nghĩ đầu tư vào smallcap rủi ro hơn so với largecap hoặc nhiều (nhưng không phải đa số) midcap.
Vấn đề là thứ nhất, thanh khoản nhìn chung vẫn yếu, cho thấy kỳ vọng thị trường chưa cải thiên, thứ hai yếu tố tích cực “đầu năm” vẫn mang tính thăm dò và để đẩy thị trường lên, dòng tiền phải tụ vào largecap trước, thứ ba là sự kiện Mỹ không kích tướng Iran có tính chất bất ngờ nói trên.
Câu chuyện định giá rẻ hoặc cổ tức ổn định được dự báo không phải là điểm đến của dòng tiền trong 2020. Theo các ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ thu hút dòng tiền trong năm nay?
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ đầu tư, CTCK VNDIRECT
Năm 2018 và 2019, thị trường diễn biến khá khó khăn do lo ngại suy thoái toàn cần và các bất ổn thương mại khiến dòng tiền lớn rút ra tìm nơi trú ẩn ở các tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng.
Bước sang năm 2020, bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại nhiều bất ổn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu các năm gần đây đang giảm tốc và được nhiều tổ chức dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại với mức tăng có thể dưới 3% thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Ngoài ra, các bất ổn địa chính trị , thương mại vẫn tiếp diễn và khó lường nên xu hướng đầu tư an toàn ở các cổ phiếu có cổ tức ổn định để phòng thủ sẽ khá phổ biến. Tuy nhiên, những dòng tiền năng động vẫn sẽ muốn tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn và thông thường họ phải tập trung vào nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản duy trì đà tăng trưởng.
Điều này cho thấy, viễn cảnh phân hóa mạnh sẽ vẫn tái diễn trong năm 2020 và khi dòng tiền không đủ mạnh để tạo thành làn sóng tăng diện rộng thì chỉ tập trung vào những doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng nổi trội mới đem lại kết quả đầu tư tốt.
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Xu hướng chung năm nay tôi cho rằng, dòng tiền nội nương theo dòng tiền ngoại. Dòng vốn ngoại thường chỉ tập trung ở những nhóm cổ phiếu nằm trong các rổ chỉ số. Từ những rổ VN30, MCSI, ETF cho đến rổ mới là Diamond Index, Financial Index… thường vẫn tập trung vào nhóm cơ bản.
Hình thành lên 2 nhóm ngành là ngân hàng, tài chính và nhóm hết room. Theo dõi tình hình kinh doanh thì những nhóm ngành này hầu hết đều có kết quả kinh doanh tích cực và vì thế, việc mua vào có nhiều lợi thế. Từ định giá rẻ, cổ tức cho đến việc dòng tiền hướng đến sẽ mang cơ hội thu lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ, nếu có câu chuyện đó, thì áp dụng với nhà đầu tư cá nhân, nhưng dòng tiền lớn lại đến từ tổ chức, nhất là quỹ ngoại. Thống kê năm qua nhiều quỹ lớn thua thị trường, nhưng không có nghĩa là họ sẽ thay đổi tư duy đầu tư.
Cụ thể, họ vẫn sẽ ưu tiên cho largecap, cơ bản tốt, có cổ tức càng hay, và định giá rẻ. với diễn biến suy giảm cuối năm qua, TTCK Việt Nam lại tạo nhiều cơ hội đầu tư cho quỹ, như vậy tôi kỳ vọng họ sẽ sớm giải ngân vào đó, cũng tức là dòng tiền lớn sẽ vào đó.
Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, thống kê cho thấy đúng là có nhiều cổ phiếu cổ tức ổn định, EPS ổn định nhưng P/E cũng thấp ổn định luôn, tức là cổ phiếu đó không tăng giá mấy, ít khi có sóng. Loại này nhiều cá nhân không chơi, nhưng nếu những mã này năm nay được các quỹ chú ý để mắt, có khi lại sẽ có sóng, sẽ tăng giá mạnh.
Tóm lại, dòng tiền năm nay sẽ đến từ yếu tố quỹ ngoại. Ngoài ra, một số cổ phiếu có tiềm năng đột phá về giá cũng có nguyên do kết quả kinh doanh phục hồi mạnh hay bứt tốc. Còn những mã tăng giá nhờ thông tin mua vào bán ra của lãnh đạo, hay từ vài ngàn đồng đi lên thì tôi nghĩ vẫn là đầu cơ và năm ăn năm thua.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á với sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh.
Năm 2019, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt 4.659 tỷ đồng/phiên.
Tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng
Năm vừa qua, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế diễn biến phức tạp nhưng được hỗ trợ bởi sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kết thúc phiên giao dịch năm, chỉ số VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực. Quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh và đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP năm 2018 và 72,6% GDP năm 2019.
"Chỉ trong vòng 5 năm, từ con số 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD thì đến nay con số này đã trên 30 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán. Với quy mô vốn hóa như hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế", UBCKNN nhận định.
Thông kê cho thấy, năm 2019, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt 4.659 tỷ đồng/phiên, giảm 28,8% so với bình quân năm 2018. Thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp do những lo ngại về bất ổn thương mại quốc tế, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đã làm cho tâm lý các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc giao dịch trên thị trường cổ phiếu.
Cùng với đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt hơn 2,36 triệu tài khoản, tăng 8,1% so với cuối năm 2018, trong đó số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 12,8%.
Tính đến cuối tháng 11, tổng số lượng mã số giao dịch hiện đang hoạt động là 32.762 mã số giao dịch, trong đó, có 28.239 mã số giao dịch cho nhà đầu tư cá nhân và 4.523 mã số giao dịch cho nhà đầu tư tổ chức, tăng 11,2 % về số tổ chức và 14,2% về số cá nhân so với cùng kỳ năm 2018.
Về hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong 9 tháng đầu năm 2019 có sự cải thiện cả về doanh thu và lợi nhuận, tăng lần lượt 11,1% và 13,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong quý 3/2019 tăng 15% và chi phí tài chính tăng 2,1%, trong đó ngành Bất động sản có chi phí lãi vay và chi phí tài chính tăng cao nhất. Nhìn chung, kết quả kinh doanh của công ty giữa các ngành và trong cùng một ngành đang có sự khác biệt lớn về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, những doanh nghiệp đầu ngành thuộc nhóm bất động sản, Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đạt kết quả tốt hơn so với các công ty thuộc các ngành nghề khác. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang có dấu hiệu chững lại một phần do bị tác động bởi yếu tố bên ngoài như nền kinh thế giới suy giảm, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài.
Đáng chú ý, năm vừa qua, thị trường trái phiếu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho Chính phủ, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo UBCKNN, mặc dù thị trường chứng khoán phái sinh mới chính thức đi vào hoạt động được 2 năm nhưng đã có bước tăng trưởng rất tốt và ổn định. Đến nay, thị trường chứng khoán phái sinh đã có 2 sản phẩm là Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đến cuối năm 2019 đã đạt 90.860 tài khoản, tăng 58% so với cuối năm 2018.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật
Điểm sáng trong năm qua chính là việc cơ quan quản lý đã hoàn thiện đáng kể thể chế chính sách pháp luật. UBCKNN đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, tiêu biểu là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc Hội chính thức thông qua.
UBCKNN cũng đã trình Bộ trình Chính phủ Đề án tái trúc thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; trình Bộ đưa vào giao dịch 2 sản phẩm mới.
UBCKNN cũng tiếp tục triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng và các tổ chức trung gian. Hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh và nghiêm khắc hơn trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp...
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển, phát huy vị trí, vai trò của thị trường chứng khoán trong việc huy động và phân bổ nguồn vốn có hiệu quả trong nền kinh tế, UBCKNN mong muốn các đơn vị tăng cường phối hợp và hỗ trợ UBCKNN trong việc hoàn thiện các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật chứng khoán năm 2019; hoàn thiện phương án tổ chức hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh quá trình hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước...
Năm 2020, UBCKNN cũng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán; Thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Xây dựng một nền tảng cơ sở hạ tầng, hệ thống hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thùy Linh
Theo Haiquanonline.vn
LienVietPostBank có thực sự 'thay máu' khi giá cổ phiếu lẹt đẹt, nợ xấu ngày càng tăng? Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank bất ngờ "rời ghế" nóng trong bối cảnh nợ xấu nhà băng này tăng mạnh, giá cổ phiếu "trượt dốc"... Liệu, lần "thay tướng"này của LPB có "thay máu"?. Giữa lúc nợ xấu tăng, LienVietPostBank bất ngờ "thay tướng" Tại cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) định kỳ tháng 12/2019, HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt...