‘Bản sao của ông Trump’ nổi lên trong chiến dịch tranh cử TT Mỹ
Con trai cả của Tổng thống Donald Trump đang tích cực vận động cử tri bỏ phiếu cho cha mình và trở thành tiếng nói quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2020.
Tiếng hô “2024!” từ đám đông không phải nhầm lẫn. Nó khiến Donald Trump Jr. giật mình.
Con trai cả của Tổng thống Donald Trump đã quen với sự hài hước chính trị. Anh từng chỉ trích Joe Biden quá già, Elizabeth Warren quá tự do và khẳng định chiến dịch 2016 của cha mình quá vô tổ chức để có thể thông đồng với người Nga.
Khi nhiều khán giả trong đám đông hàng trăm người bật cười, Trump Jr. đã tạm dừng họ lại trước khi giải thích phản ứng của mình:
“Hãy lo lắng về 2020 trước đã!”, anh hét lên.
Con trai cả của ông Trump đã trở thành nhân vật mở màn cho cha tại các cuộc mít-tinh. Anh thường xuất hiện hơn một giờ trước khi tổng thống lên tiếng, người có khả năng khuấy động đám đông và kêu gọi lòng trung thành của những người ủng hộ ông Trump. Đó là lời hiệu triệu đám đông phấn khích và Donald Jr. đã trở thành nhà thuyết giáo bậc thầy.
Nổi bật trong chiến dịch tranh cử của cha
Theo AP, lời kêu gọi “2024″ từ khán giả tại phòng hội nghị San Antonio hôm 15/10 cho thấy sự nổi lên của con trai cả của tổng thống, người đã trở thành hiện thân hào nhoáng của tôn chỉ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Donald Trump Jr. ném mũ cho những người ủng hộ tại cuộc vận động cho Tổng thống Donald Trump ở Orlando, Florida, ngày 18/6. Ảnh: AP.
Là con tổng thống với mối quan hệ gần gũi nhất với các cử tri bảo thủ, đến nay, Trump Jr. đã trở thành nhân vật chủ chốt trong nỗ lực tái tranh cử của cha, đặc biệt ở các khu vực Cộng hòa đỏ thẫm.
Tuy nhiên, vì từng chịu sự giám sát của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Trump Jr. hiện bị chỉ trích vì các cuộc công kích có vẻ đạo đức giả với con trai một chính trị gia nổi tiếng khác.
Và anh ấy dường như không quan tâm chút nào.
Tại các buổi vận động, Trump Jr. lập luận rằng người Mỹ sẽ mất rất nhiều nếu không cho ông Donald Trump cơ hội trở thành tổng thống nhiệm kỳ hai. Anh cũng không ngại chỉ trích thẳng thừng một trong những kẻ thù của tổng thống, Joe Biden.
Trump Jr. là một trong những công cụ mạnh mẽ trong chiến dịch năm 2016. Anh thường được gửi đến các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn nơi ứng viên đảng Cộng hòa tìm cách lôi kéo các cử tri lãnh đạm, những người đã không bỏ phiếu bầu trong nhiều năm. Một lịch trình chiến dịch gắt gao hơn đang được thực hiện cho năm 2020.
Là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất trong các thành viên gia đình, Trump Jr. chưa bao giờ trốn tránh một cuộc chiến chính trị, ngay cả khi điều đó khiến một số người đặt câu hỏi về nhận thức của anh về chính mình.
Video đang HOT
Anh là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất của Hunter, con trai Biden, cho rằng Hunter Biden chỉ có cơ hội ở các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine, vì mối liên hệ gia đình.
“Khi bạn là một người cha và toàn bộ sự nghiệp của con trai bạn phụ thuộc vào điều đó, họ sẽ coi thường bạn”, Trump Jr. nói với Fox News.
Donald Trump Jr. phát biểu trước khi Tổng thống Donald Trump xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử ở Cincinnati, ngày 1/8. Ảnh: AP.
Một số nhà phê bình không thể không nhấn mạnh việc Donald Trump Jr. chia sẻ cả tên và họ của một người đàn ông đã cho anh ta công việc lương cao và nâng cao vị thế của anh trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Chính việc tổng thống thúc ép Ukraine điều tra nhà Biden đã khiến Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát mở cuộc điều tra luận tội.
Trump Jr. phản đối, cho rằng sự chỉ trích của anh đối với Hunter Biden không phải vì có một người cha nổi tiếng mà vì anh ta dùng quyền tiếp cận với cha mình để đổi chác, làm lợi cho bản thân.
“Ngôi sao”đang lên
Trên Twitter, Trump Jr. hoạt động tích cực để đả kích các đối thủ chính trị. Nội dung đăng tải tràn ngập thuyết âm mưu, thông điệp cứng rắn về nhập cư và kiểm soát súng. Anh từng đăng tải bài viết so sánh người tị nạn Syria với bát kẹo Skittles có chứa một số thứ “sẽ khiến bạn chết khiếp”.
Anh không chịu cúi đầu và không xin lỗi. Cách tiếp cận của anh phản chiếu lối hành xử hung hăng của cha mình đối với những tranh cãi xoay quanh Nhà Trắng và gia đình Trump.
Mặc dù Trump Jr. điều hành Trump Organization cùng em trai Eric, nghĩa vụ chính trị thường xuyên khiến anh rời xa văn phòng trên tầng 25 của Tháp Trump.
Là người có thiên hướng chính trị trong hai anh em, Trump Jr. theo đuổi vai trò sứ giả cho cha mình, tới khắp đất nước trong các chuyến đi vận động và nổi lên trong các nhà gây quỹ đảng Cộng hòa.
Mặc dù lớn lên ở khu vực thượng lưu của Manhattan và Florida, Trump Jr. đã thiết lập quan hệ thân thiết giữa các đảng viên Cộng hòa vùng nông thôn và là người bảo vệ mạnh mẽ cho Tu chính án Thứ hai.
Donald Trump Jr. và bạn gái Kimberly Guilfoyle, nghe Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, ngày 11/7. Ảnh: AP.
Anh được nhiều người thân cận với tổng thống coi là người thừa kế chính trị hợp lý hơn so với em gái Ivanka Trump. Năm 2018, anh đã thực hiện hơn 70 sự kiện cho các ứng viên đảng Cộng hòa và sẽ dễ dàng tạo ảnh hưởng khi tên của cha mình xuất hiện trên lá phiếu.
Vai trò trung tâm của anh cho chiến dịch này là tương đối bất thường đối với con cháu tổng thống. Con cái của Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton quá nhỏ để tham gia vận động. Những người con trưởng thành của Tổng thống George H.W. Bush, bao gồm cả tổng thống tương lai, không nổi lên như một ngôi sao giống Trump Jr.
Anh không ngại trở thành tâm điểm của sự chú ý hay chỉ trích, vượt qua áp lực trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về khả năng thông đồng với Nga.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump Jr. chế nhạo cuộc điều tra luận tội và tin tưởng các kỹ năng kinh doanh của cha mình sẽ đem lại lợi ích kinh tế. Anh tuyên bố ở San Antonio trước sự tán thưởng của đám đông: “Thật tuyệt khi có người điều hành đất nước đã ký vào mặt trước của tờ chi phiếu chứ không chỉ mặt sau”.
Sau buổi vận động, con trai cả của ông Trump đã tổ chức bữa tối hoành tráng ở Texas và vài ngày sau, anh tiếp tục tới Tây Virginia cho nhiều ứng viên Cộng hòa hơn nữa.
Người ta đã bắt đầu bàn luận về triều đại chính trị của nhà Trump, điều có thể trở thành hiện thực một ngày nào đó.
“Tôi kỳ vọng Don (tên gọi tắt của Donald Trump Jr.) sẽ trở thành nhân vật nổi bật của phong trào bảo thủ trong nhiều năm tới”, Andrew Surabian, chiến lược gia đảng Cộng hòa, cố vấn cho Trump Jr., nói.
Tuyết Mai
Theo Zing.vn/AP
Vì sao Mỹ dự trữ dầu trong các mỏ muối sâu 1 km dưới lòng đất?
Sau khi các cơ sở dầu trọng yếu của Saudi Arabia bị tấn công, Mỹ để ngỏ khả năng mở kho dầu dự trữ chiến lược. Đó là 640 triệu thùng dầu dưới lòng đất ở Texas ở Louisiana.
Để trấn an thị trường trước nguy cơ giá cả tăng cao, Tổng thống Trump tuyên bố có thể dùng dầu dự trữ "để ổn định nguồn cung cho thị trường".
Ông đang nói đến 640 triệu thùng dầu cất giữ trong các hang động thuộc mỏ muối dưới lòng đất ở bang Texas và Louisiana.
Xuất phát từ khủng hoảng dầu lửa 1973
Ýtưởng "dự trữ chiến lược" này bắt nguồn từ thập niên 1970. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bao gồm Iran, Iraq, Kuwait, Qatar và Saudi Arabia, cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ, làm giá dầu tăng gấp bốn lần từ 3 USD lên 12 USD một thùng, vì Mỹ ủng hộ Israel trong chiến tranh Arab - Israel năm 1973.
Cuộc chiến kéo dài ba tuần, nhưng lệnh cấm vận kéo dài tới tháng 3/1974. Người dân nhiều nước phải xếp hàng dài để đổ xăng.
Kể từ đó, các nước thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế phải có kho dự trữ dầu bằng lượng nhập khẩu 90 ngày. Mỹ có kho dự trữ lớn nhất thế giới.
Dầu được cất giữ trong các hang động muối nhân tạo ở độ sâu 1 km. Ảnh: Getty Images.
Quốc hội Mỹ thông qua Luật Chính sách và Tiết kiệm Năng lượng năm 1975, từ đó lập ra bốn điểm dự trữ dầu: gần Freeport và Winnie ở bang Texas, bên ngoài hồ Charles và Baton Rouge ở bang Louisiana.
Các hang muối ở độ sâu 1 km
Dầu được cất giữ trong các hang động muối nhân tạo ở độ sâu 1 km. Cách thức này rẻ hơn nhiều so với dự trữ dầu trên mặt đất và an toàn hơn. Muối và các điều kiện địa chất ở dưới đó đảm bảo rằng dầu sẽ không rò rỉ.
Trang web của cơ quan dự trữ dầu Mỹ cho biết có 644,8 triệu thùng dầu trong kho tính đến ngày 13/9. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của nước này, người Mỹ dùng 20,5 triệu thùng dầu trung bình mỗi ngày năm 2018, như vậy kho dự trữ đủ dùng cho 31 ngày.
Theo bộ luật năm 1975, tổng thống Mỹ có thể cho phép mở kho dự trữ dầu nếu "có gián đoạn nghiêm trọng đối với nguồn cung dầu".
Khủng hoảng dầu lửa 1973 cũng xuất phát từ căng thẳng ở Trung Đông sau chiến tranh Yom Kippur giữa Israel với liên minh các nước Arab. Ảnh: Getty.
Điều kiện giới hạn ở dưới mỏ chỉ cho phép lấy ra lượng nhỏ dầu mỗi ngày. Như vậy, phải mất gần hai tuần dầu mới ra đến thị trường. Đó là dầu thô, cần phải được chế biến thành xăng để dùng cho xe hơi, máy bay, tàu bè.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói với kênh CNBC ngày 16/9 rằng "vẫn còn sớm" để bàn việc lấy dầu từ kho dự trữ sau vụ tấn công ở Saudi Arabia.
Lần cuối dầu được lấy ra là năm 2011, khi hỗn loạn từ biểu tình ở Trung Đông buộc các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế lấy ra tổng cộng 60 triệu thùng dầu để ổn định nguồn cung năng lượng.
Mỹ cũng một số lần bán dầu từ kho. Tổng thống George H. W. Bush cho phép dùng dầu dự trữ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, trong khi con trai ông, Tổng thống George W. Bush cho phép bán 11 triệu thùng dầu sau bão Katrina.
Vị trí các kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ. Ảnh: BBC.
Trong bối cảnh sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt những năm gần đây, một số ý kiến đặt dấu hỏi về sự cần thiết của kho dự trữ dầu mỏ khổng lồ dưới lòng đất. Một báo cáo từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ của Quốc hội Mỹ đề nghị từ bỏ kho dự trữ này.
Năm 2017, Tổng thống Trump từng nhắc đến việc bán nửa số dầu dự trữ để đối phó với thâm hụt ngân sách. Tổng thống Bill clinton năm 1997 đã làm tương tự, bán ra 28 triệu thùng dầu để giảm thâm hụt.
Không chỉ Mỹ, các nước phát triển khác hiện nay cũng có kho dự trữ dầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các nước này có đủ dầu dự trữ để đáp ứng hai tháng tiêu thụ, với tổng cộng 3 tỷ thùng trong kho.
Con số này đã tăng 50 triệu thùng so với một năm trước, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ ngăn cản khả năng xuất khẩu của Iran và Venezuela, và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Hai mục tiêu bị tấn công ngày 14/9 bao gồm mỏ dầu lớn thứ hai Saudi Arabia ở Khurais, sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày và cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới ở Abqaiq, có công suất 7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu của Saudi Arabia có thể mất đi hơn một nửa, tức 5,7 triệu thùng/ngày, khoảng 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới, theo thông cáo của Công ty Dầu Saudi Arabia (Aramco).
Theo Zing.vn
Tuyên bố sửng sốt của Tổng thống Donald Trump Hôm 25/8, Tổng thống Donald Trump đã nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng nước Anh khi rời khỏi châu Âu sẽ có một thỏa thuận thương mại lớn mới Mỹ, và bình luận thêm rằng nước Anh đã chọn đúng người để đưa nước này ra khỏi EU. "Chúng ta sẽ có một thỏa thuận rất lớn với Anh về vấn...