Bán sân bay Nội Bài: “Được quyền khai thác nhưng không được độc quyền!”
“Việc chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga hàng không các nước trên thế giới đã làm nhiều, để thu hút được nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng và giúp hành khách có sự lựa chọn tốt nhất khi đi máy bay”.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – ông Lại Xuân Thanh trao đổi với PV Dân trí về chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không và đề xuất “mua” lại nhà ga T1 Nội Bài của Vietnam Airlines và Vietjet Air mới đây.
Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hiện do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khai thác, nhưng Vietjet Air và Vietnam Airlines ngỏ ý muốn mua lại ga hàng không T1 tại cảng này. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc này?
Nhà ga T1 Nội Bài là nhà ga có thể đem lại lợi ích tài chính cho nhà khai thác. Nếu bỏ tiền vào T1, nhà đầu tư sẽ vừa có được nhà ga để phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình và vừa thu được lợi nhuận từ việc khai thác hạ tầng cảng hàng không.
Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang thực hiện Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, đây là cơ sở để thực hiện việc chuyển nhượng quyền khai thác thương mại cho các nhà đầu tư có nhu cầu “mua” lại hạ tầng từ ACV theo các trình tự thủ tục và các nguyên tắc pháp lý cụ thể. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, đưa ra cơ chế rõ ràng, công khai, minh bạch nhằm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Hiện tại đã có Vietjet Air và Vietnam Airlines đề xuất mua nhà ga T1.Bộ GTVT đã đồng ý chuyển nhượng toàn bộ sảnh E của nhà ga T1 Nội Bài cho Vietjet Air, và chuyển nhượng toàn bộ nhà ga quốc nội T1 (trừ sảnh E) cho Vietnam Airlines. Tôi cho rằng việc chuyển nhượng này hợp lí cả về chủ trương và nhu cầu khai thác của các hãng.
Việc định giá chuyển nhượng quyền khai thác thương mại nhà ga T1 Nội Bài cho Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có được con số cụ thể, thưa ông?
Video đang HOT
Phải nghiên cứu kỹ càng việc này. Giá chuyển nhượng sẽ tuỳ thuộc vào yếu tố khai thác cũng như các quy định hiện hành. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm (ngoài Vietnam Airlines và Vietjet Air) thì cơ quan quản lý có thể sẽ thực hiện đấu giá… Ngoài giá cả, chắc chắn còn có các điều khoản khác liên quan đến quản lý khai thác và phát triển.
Được biết chuyện “mua”, “bán” nhà ga hàng không không phải mới lạ ở các nước trên thế giới nhưng yếu tố nào đảm bảo việc này thực hiện thành công ở Việt Nam?
Mô hình chuyển nhượng này ở nước ngoài có nhiều. Theo khảo sát thì mô hình này diễn ra mạnh nhất ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), và có việc họ “bán” hạ tầng nhà ga cho một hãng hàng không thực hiện khai thác thương mại.
Nhà ga hành khách T1 Nội Bài
Trở lại với nhà ga T1 Nội Bài, sau khi “bán” cho Vietnam Airlines và Vietjet Air, cũng có nhiều ý kiến lo ngại khả năng xảy ra tình trạng độc quyền khai thác của hãng bỏ tiền “mua đứt”?
Việc chuyển nhượng nhà ga hàng không đầu tiên là để tạo điều kiện cho nhà khai thác chính trong việc hợp lý hóa hoạt động của mình, thêm nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đó. Như đề xuất “mua” cảng và sự phân chia mặt bằng chuyển nhượng quyền khai thác thương mại là sảnh E cho Vietjet Air và T1 cho Vietnam Airlines là hợp lí, vì thực tế thì đó cũng là những hãng hàng không chủ đạo đang khai thác trên các phần hạ tầng này.
Có thể nhiều người e ngại về tình trạng độc quyền khai thác cảng sẽ xảy ra, nhưng với vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành thì Cục Hàng không Việt Nam và cao hơn là Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác không lợi dụng vị thế độc quyền.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm gì để thể hiện vai trò của mình nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng, thưa ông?
Quản lý Nhà nước phải tăng cường hoạt động giám sát để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các hãng hàng không. Trong quá trình xây dựng hợp đồng nhượng quyền và trong các quy định của pháp luật phải có các biện pháp để đảm bảo tính bình đẳng và hoạt động bình thường của tất cả các nhà khai thác. Bộ GTVT đã yêu cầu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cần thiết phải bổ sung để kiểm soát chặt chẽ.
Sau khi nhượng quyền khai thác, thậm chí “bán đứt” cho nhà đầu tư, nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc này chứ không phải hãng nào “mua” được rồi có nghĩa là được độc quyền muốn cho hay không muốn cho hãng hàng không khác vào tham gia khai thác. Còn việc hãng khác khi vào cảng thì phải trả tiền là chuyện đương nhiên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh ( thực hiện)
Theo Dantri
Trí tuệ Hội Luật gia đóng góp vào công tác lập pháp, lập quy Nhà nước
60 năm trưởng thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp và hoạt động lập quy của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phát huy trí tuệ luật gia đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược lập pháp của Nhà nước cũng như Chiến lược Cải cách tư pháp...
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Hội Luật gia Việt Nam về dự án luật Trưng cầu ý dân (ngày 9/1/2015).
Được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Luật Trọng tài thương mại, Trung ương Hội đã huy động được các luật gia có trình độ cao, có kinh nghiệm và nhiệt tình tham gia vào quá trình xây dựng Dự án luật. Sau gần 2 năm soạn thảo, ngày 17/6/2010, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII Luật Trọng tài Thương mại đã được thông qua. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ được giao đã cho thấy Hội Luật gia Việt Nam có khả năng tổ chức, huy động lực lượng triển khai và hoàn thành tốt việc soạn thảo các dự án luật khi được Quốc hội giao.
Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Nghị quyết số 780/NQ-UBTVQH13 ngày 25/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết số 70/2011/QH13, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Trung ương Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động để xây dựng dự án luật, bảo đảm đúng quy trình, tiến độ và chất lượng để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội đã tổ chức 5 cuộc hội thảo khoa học chuyên sâu để lấy ý kiến Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội, các luật gia, các chuyên gia, các nhà khoa học và có Báo cáo góp ý của Hội Luật gia Việt Nam gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Văn phòng Chính phủ, bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các cơ quan hữu quan theo đúng tiến độ và được đánh giá cao.
Với vị trí và vai trò của mình, Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện tham gia Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ban soạn thảo và tổ biên tập 16 dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Luật sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở...
Nhiều chi Hội Luật gia ở các bộ, ngành và các cấp Hội Luật gia ở địa phương đã phát huy tốt vai trò, trực tiếp tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong các ban soạn thảo, tổ biên tập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương.
Ở địa phương, các cấp Hội Luật gia đã tích cực tham gia các hoạt động theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đồng thời đã chủ động tổ chức góp ý kiến cho nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của các cấp chính quyền.
Trong giai đoạn 2009-2014, các cấp hội địa phương đã tham gia xây dựng 43.722 văn bản quy phạm pháp luật và hàng nghìn quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước; tổ chức rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
TRẦN QUYẾT
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bán sân bay không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý an ninh Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với việc nhượng quyền khai thác, bán các sân bay để huy động vốn làm sân bay Long Thành. Việc bán không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý về an ninh, an toàn bay. Một thông tin thời sự được chuyển...