Bản sắc cộng đồng trong những điều nhỏ bé
Nhiều địa phương được biết đến từ lâu với những di tích đồ sộ, giàu giá trị văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, những thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch. Hệ thống đình cổ dày đặc ở khu vực Hà Nội đã phản ánh sinh động điều này.
Những danh thắng như chùa Hương, Yên Tử, núi Ba Vì… là điểm đến giúp những người đến hiểu thêm về những vùng đất. Cùng với đó, nhiều nơi “sở hữu” những lễ hội quy mô lớn hoặc có những nghi thức độc đáo như hội Lim ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh), lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ, hội Phủ Giày ở huyện Vụ Bản, Nam Định… Hay có những làng quê lưu giữ nghệ thuật ca trù, quan họ, hát xoan, ví giặm…
Chương trình Tết Việt tổ chức tại đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: PHAN HUY
Và để tìm hiểu, nghiên cứu đời sống văn hóa, lịch sử các địa phương, các cộng đồng, thường người ta khó lòng bỏ qua những giá trị độc đáo này.
Nhưng ngoài những di sản vật thể như hệ thống di tích – đình, chùa, đền, miếu, cầu, quán, nhà thờ họ, nhà thờ công giáo, cổng làng, giếng làng, cây cổ thụ…, các di sản phi vật thể được coi là có tầm quan trọng với cộng đồng – như lễ hội dân gian, dân ca, ca dao, nghệ thuật diễn xướng, thành ngữ, tục ngữ, nghề truyền thống…, ở nhiều làng quê còn tồn tại, còn được bảo lưu những di sản rất độc đáo. Đó là lời ăn tiếng nói, phương ngữ, âm điệu đặc trưng vùng miền, là các sản vật địa phương, cùng nhiều phong tục, tập quán độc đáo.
Đó là những nét đặc trưng khá riêng của mỗi địa bàn cơ sở, một cộng đồng dân cư, mà nếu thiếu đi, sẽ là một thiệt thòi cho việc nhận diện về cộng đồng đó, cũng như đời sống văn hóa địa phương sẽ phần nào giảm đi sự phong phú, sinh động. Như ở thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, giọng nói, ngôn ngữ của thôn này còn giữ được những nét đặc trưng của gốc gác ông cha là người dân miền Trung ra đây sinh sống nhiều thế kỷ trước. Hoặc tiếng nói của nhiều xã thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, Phúc Thọ… (Hà Nội) còn mang những nét “lạ” so với người vùng khác.
Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ở làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa (Hà Nội) quê ông, vào dịp lễ hội truyền thống 12 tháng Giêng, người dân thường làm món xôi oản chấm mật mía, nhiều nhà còn giữ nếp con cái mang lễ là những món ăn, đồ uống giản dị về biếu bố mẹ ngày tết.
Video đang HOT
Tại nhiều làng quan họ, ngoài những câu ca được biết đến rộng rãi, người dân thường có truyền thống mời bạn bè là người nơi khác về dự hội, vui sinh hoạt ca hát, liên hoan với gia đình…
Việc tuyên truyền để nâng cao ý thức gìn giữ, vận dụng các giá trị văn hóa, di sản vào hoạt động mới, và theo dõi, bám sát để có những tác động tích cực, có thể coi là cả một nghệ thuật mà chính quyền, người làm công tác văn hóa, xã hội… cần khéo léo thực hiện.
Giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền, địa phương, cần giữ gìn, bảo lưu chính những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của các đơn vị, địa bàn cấp thôn, làng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị đã và đang lung lay, mai một trong nhịp sống ồn ào, xô bồ cùng vòng quay làm ăn kinh tế, thì việc nhận ra, lưu giữ, gợi nhớ về chúng càng cấp thiết. Cố nhiên, khó lòng bắt mọi thứ phải bất di bất dịch trước thực tế vận động, tiếp biến, đổi thay của hàng loạt yếu tố văn hóa, xã hội. Những đổi thay này đến từ sự nhập cư của các công dân mới, sự pha trộn của giọng điệu và phát triển ngôn ngữ, sự xuất hiện những ngành nghề mới ở địa phương và sự nở rộ của các hoạt động dịch vụ, cùng với làn sóng giải trí, truyền hình và nhiều hoạt động văn hóa của đời sống mới hôm nay…
Tuy nhiên, giữ lấy những giá trị độc đáo, là nơi kết tụ quan niệm, nguyện vọng và tinh túy của nhiều thế hệ người mỗi cộng đồng, đó sẽ là nền tảng tốt đẹp, là “căn cước văn hóa” cho người dân trong cuộc hội nhập, giao thoa không chỉ với nước ngoài, mà với cả các vùng miền, địa phương khác trong một nước. Đồng thời với việc giữ, là tạo điều kiện để cũ – mới cùng tồn tại, hòa quyện trong một đời sống chung, không cản trở, không áp đặt lên nhau, vẫn khai thác được cái hay, cái đẹp của ngày hôm qua cho thực tại phát triển hôm nay.
Theo Danviet
Nơi nơi chăm lo tết cho người dân
Để có một cái tết ấm áp, trọn vẹn cho hàng triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách... trước tết vài tháng tất cả các tổ chức, đoàn thể, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành đã bắt tay vào thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể.
100% các tổ chức đoàn thể đều chăm lo tết
Từ 10.1 (ngày 13 tháng Chạp) T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức chương trình tặng quà tết cho người nghèo và các nạn nhân chất dộc màu da cam trong cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà cho người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam trong xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: TTVVN
Ngoài hoạt động thăm hỏi, tặng quà tết cho người dân, các tổ chức đoàn thể còn có nhiều hoạt động chăm lo tết cho người dân thiết thực như: Xây, sửa nhà, tặng vé tàu xe về quê ăn tết cho lao động xa quê, tổ chức các chương trình văn nghệ...
Trước đó, từ tháng 11.2016, Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã có công văn kêu gọi các đơn vị hỗ trợ kinh phí lo tết. Từ cuối tháng 12.2016, Hội đã tiếp nhận sự ủng hộ của 9 đơn vị, với số tiền gần 15 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, năm nay, chương trình đặt mục tiêu vận động ít nhất 1 triệu suất quà trao tặng 1 triệu hộ gia đình, ưu tiên cho những địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo bà Thu, năm nay chương trình được tổ chức quy mô hơn. Hiện đã có 15 đoàn gồm các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đăng ký tham gia thăm hỏi, tặng quà tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách (dự kiến trước đó chỉ có 7 đoàn). Năm nay Hội Chữ thập đỏ cũng đa dạng các loại hình trợ giúp như: Tặng quà, giúp xây sửa nhà cửa, tặng thẻ bảo hiểm y tế... Bắt đầu từ ngày 10.1.2017, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ có chuyến trao quà tặng đầu tiên, dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng 28 tháng Chạp.
Bên cạnh Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã gấp rút chuẩn bị lo tết cho người nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm nay Mặt trận sẽ dành khoảng 5.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tặng người nghèo vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng lòng
Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về việc lo tết cho người dân. Ngày 22.12.2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2017.
Theo đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương. Ngược lại, các địa phương không chúc tết Trung ương. Chỉ thị cũng nêu rõ nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Chính quyền cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển...
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi tờ trình về việc xem xét phương án tặng quà cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Theo đó, quà tết tặng đối tượng người có công dự kiến được chia thành 2 mức: 400.000 đồng/suất và 200.000 đồng/suất. Theo Bộ LĐTBXH, tổng kinh phí quà tặng cho các đối tượng nêu trên dự kiến hơn 431 tỷ đồng. Mức quà tặng năm nay dự kiến thấp hơn Tết năm 2016 là 6 tỷ đồng (Tết năm 2016 là 437 tỷ đồng).
Không chỉ T.Ư, tại nhiều địa phương, chính quyền cũng đã nhanh tay kêu gọi nguồn hỗ trợ lo tết cho người dân. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể mang lại một cái tết đầm ấm, đầy đủ cho người có công.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã chi gần 300 tỷ để tặng quà tết cho các đối tượng chính sách và người có công.
Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, UBND TP.HCM quyết định chi gần 760 tỷ đồng để tặng quà tết cho đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, cán bộ, công chức, viên chức... trên địa bàn. với mục tiêu "Tết đến mọi người, mọi nhà", trên tinh thần "Đoàn kết, an toàn, vui tươi và tiết kiệm"...
Theo Danviet
Tết, trên con đường về với quê hương Tết của người Việt trẻ đang dần dần hướng ngoại, người ta chỉ coi đó là một dịp nghỉ dài, để đi du lịch, đi thăm thú nơi nọ nơi kia. Không phải lo mua sắm, không phải lo hoa đào hoa mai, miến măng, giò chả, bánh chưng. Đóng gói đồ đạc và ra sân bay, lên đường. Tết của người Việt...