Bắn pháo hoa mừng tiệc tất niên, người phụ nữ bị bỏng nặng
Buổi tiệc tất niên của công ty chị V. H. A (26 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) được mở màn bằng màn bắn pháo hoa. Do pháo hoa nổ văng tia lửa vào người, chị A. bị bỏng chân và vài ngày sau không đi được.
Ngày 24/1, bác sĩ chuyên khoa 1 Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da Bệnh viện Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, chị A. đến bệnh viện trong tình trạng chân trái sưng phù, rộp nước, rỉ dịch vàng… không đi lại được, phải hỗ trợ di chuyển bằng xe lăn.
Sau gần một tuần điều trị, vết thương ở chân chị A đã lành dần. Ảnh: BV
Qua thăm khám, bệnh nhân V. H A. bị bỏng độ hai, bội nhiễm (có tình trạng nhiễm trùng kèm theo). Người bệnh được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc thoa; đồng thời, hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh và thay băng vết thương mỗi ngày.
Theo lời kể của chị A, buổi tiệc tất niên của công ty chị được mở màn với tiết mục bắn pháo hoa. Sau 4 phát đầu pháo hoa bắn lên cao, hộp pháo đã văng khỏi vị trí cũ và miệng pháo hướng thẳng về phía bàn tiệc. Trước tình thế này, nhiều người tham gia tiệc đã bỏ chạy nhưng một số người bị tia lửa bắn sượt qua mặt, tay chân hoặc bắn thủng quần áo. Còn chị A. không tránh kịp nên bị nặng nhất, tia lửa phụt thẳng vào mu bàn chân kéo dài lên giữa ống chân trái.
“Sau vài phút dàn pháo tắt, tôi phát hiện chân bị bỏng, nóng rát, có vệt bột màu trắng ngà trên da nên vội rửa với nước sạch, chườm đá lạnh. Tôi mua thuốc về bôi nhưng qua 5 ngày, vết thương không đỡ”, chị V. H. A cho biết.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Quách Thị Bích Vân, ngày đầu tiên bị bỏng, vết thương của người bệnh không quá nghiêm trọng nhưng dần diễn tiến nặng do các hóa chất có trong pháo hoa (phốt pho, lưu huỳnh, kali clorat…). Hóa chất không được loại bỏ hoàn toàn hoặc rửa sạch kịp thời sẽ thấm sâu hoặc lan rộng ra các vùng mô xung quanh, gây tổn thương cấu trúc và chức năng của da, mô dưới da. Phản ứng dị ứng hoặc kích ứng đối với hóa chất cũng gây ra hiện tượng viêm dẫn đến đỏ, ngứa, sưng, đau kéo dài.
“Nếu bệnh nhân đến bệnh viện trễ hơn hoặc tiếp tục điều trị không đúng cách, vết thương có thể ngày càng nặng hơn, nhiễm trùng lan rộng; dù lành thương vẫn dễ bị các di chứng sẹo xấu như sẹo lồi, sẹo co kéo gây đau hoặc ảnh hưởng đến việc đi lại. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp nặng do vết thương bị hoại tử, phải cắt lọc hoặc thậm chí mất cả đoạn chi, nguy cơ nhiễm trùng huyết”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.
Sau một tuần điều trị, vết thương của bệnh nhân đã lành dần, không còn đau nhức, đi lại bình thường nhưng nguy cơ bị sẹo nhỏ ở hai điểm tổn thương sâu nhất và tăng sắc tố da sau viêm ở các vùng khác.
Bác sĩ Vân cho biết, tai nạn do pháo dịp gần Tết rất thường gặp. Bỏng pháo được xem là một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất. Nếu bị tai nạn do pháo, cần nhanh chóng ngâm, rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch trong 30 phút. Người gặp nạn nên cởi bỏ quần áo chật, loại bỏ các dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt da. Che phủ bề mặt vết bỏng bằng gạc hoặc khăn sạch và đưa người gặp nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
“Không được sơ cứu vết bỏng bằng bôi nước vôi, kem đánh răng, mỡ trăn hoặc đắp các loại lá lên vùng bị thương để tránh nhiễm trùng, biến chứng nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Vân khuyến cáo.
Chơi pháo tự chế, 3 thiếu niên bị nổ nát tay
Ba thiếu niên đến viện trong tình trạng bàn tay dập nát, trật khớp, hở xương do bị pháo nổ.
Sáng 14/1, Ths.Bs. Lưu Danh Huy - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết, liên tục mấy ngày gần đây bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế.
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam ở Quảng Ninh, chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp bàn tay phải, vết thương bàn tay trái, vết thương thành bụng.
Bàn tay dập nát của bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhi nam 14 tuổi ở Bắc Giang bị tai nạn khi đang chơi pháo dẫn đến dập nát bàn tay. Bệnh nhân sơ cứu ở tuyến dưới, được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng ngày trong tình trạng tay phải có vết thương dập nát ngón 3, 5, vết thương phần mềm bàn tay.
Nam bệnh nhân thứ ba ở Nam Định gặp nạn khi cùng bạn sử dụng pháo, bị nổ khi cầm đốt trên tay. Bệnh nhân bị dập nát ngón tay 4, tụ máu phần mềm.
Theo bác sĩ Huy, các bệnh nhân đến viện trong tình trạng vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Bệnh nhân được bác sĩ tiến hành rửa, cắt lọc, làm sạch khối cơ bị dập nát, xử lý vết thương phần mềm, đặt và khâu phục hồi dây chằng khớp ngón cụt. " Các trường hợp này đều có vết thương bàn tay, tỷ lệ cụt ngón rất cao", bác sĩ Huy nói.
Vị bác sĩ chia sẻ, ở những người trẻ tuổi, tổn thương ở tay thuận sẽ ảnh hưởng chức năng sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời.
Bác sĩ Huy thăm khám cho bệnh nhân.
Cận Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do pháo nổ gia tăng. Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ.
Mọi người không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây nguy hiểm tính mạng của bản thân và người xung quanh, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh.
Các bậc phụ huynh, nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phạt du khách tổ chức sự kiện và đốt pháo trái phép tại Đà Lạt Ngày 21/11, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Hoàng Phúc (SN 1984, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) 7,5 triệu đồng về hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép. Tối 14/11, người dân TP Đà Lạt bất ngờ chứng kiến màn đốt pháo hoa quy mô với...