“Ban Nội chính là tai mắt của Đảng trong chống tham nhũng”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Ban Nội chính Trung ương là tai mắt, bộ óc của Đảng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sáng 23/1, tại Hà Nội,làm việc với Ban Nội chính Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban từ khi thành lập đến nay, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014; việc thực hiện các nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thuộc lĩnh vực nội chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh việc tái lập Ban Nội chính Trung ương là một chủ trương đúng đắn, kịp thời giúp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng; thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước tạo sự chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tổng Bí thư khẳng định Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đã đạt được của Ban Nội chính Trung ương trong năm 2013. Cán bộ, công chức, viên chức Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn những ngày đầu tái lập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương được khẳng định; dư luận xã hội đánh giá tốt, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.
Cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Tổng Bí thư đề nghị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng về công tác nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng; Ban Nội chính Trung ương là tai mắt, là bộ óc của Đảng về lĩnh vực này.
Tổng Bí thư yêu cầu cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất những chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính.
Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Ban Nội chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao; thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thiết lập các chế độ công tác, quan hệ công tác với các cơ quan liên quan, hướng dẫn, đôn đốc Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư lưu ý Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cần chú ý cả phòng và chống, cả ở Trung ương và địa phương; tiếp tục xem xét, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, trọng điểm; nghiên cứu, đề xuất, chủ trì và phối hợp xây dựng pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, giám sát thúc đẩy công tác nội chính; kiểm tra việc xây dựng luật; thẩm định các đề án, báo cáo bảo đảm có chất lượng; tích cực tham gia tổng kết 30 năm đổi mới, chuẩn bị các văn kiện Đại hội XII của Đảng về lĩnh vực nội chính, an ninh và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Video đang HOT
Ban Nội chính Trung ương cần chú ý công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; đồng thời thu hút, tổng hợp, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các cơ quan liên quan; công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục làm nhuần nhuyễn hơn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định.
Tổng Bí thư lưu ý, kế thừa kinh nghiệm của Ban Nội chính các thời kỳ trước, Ban Nội chính Trung ương cần làm tốt công tác xây dựng nội bộ về tổ chức và con người. Ban Nội chính Trung ương phải là cơ quan mẫu mực về các mặt, có quan điểm chính trị tư tưởng vững vàng, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức chặt chẽ, hoạt động nền nếp, đoàn kết thống nhất cao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.
Cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương phải gương mẫu đi đầu, giữ cho mình trong sạch, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt là phải có bản lĩnh, có dũng khí, bảo vệ cái đúng, phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng; có trình độ, hiểu biết toàn diện, nhất là về cơ chế, chính sách.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận một số kiến nghị của Ban Nội chính Trung ương; đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cụ thể để Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Nhân dịp năm mới và Xuân Giáp Ngọ sắp đến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung ương mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tình hình, kết quả công tác năm 2013, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh nêu rõ, mặc dù mới được thành lập, với sự chủ động, tích cực, Ban Nội chính Trung ương đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, hoạt động, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là Ban Nội chính đã tham mưu, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, chú trọng thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Bộ Chính trị kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương trực tiếp theo dõi, đôn đốc; giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Một số vụ án trọng điểm được Ban Nội chính Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, kiến nghị truy tố đúng tội danh theo quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ban, ngành đã thảo luận, làm rõ hơn những hoạt động nổi bật của Ban Nội chính Trung ương, những nội dung, công việc cần tiếp tục làm tốt hơn; đóng góp ý kiến về định hướng công tác năm 2014 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Sự – Hương Thủy
Theo Dantri
Nhiều án tham nhũng lớn "tắc" vì giám định tư pháp
Chiều 4/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Tư pháp cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để công tác giám định tư pháp ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Tham gia làm việc có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Ngày càng nhiều vụ án tham nhũng đề nghị giám định tư pháp.
Ngày càng nhiều vụ án tham nhũng đề nghị giám định tư pháp
Theo ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, về cơ bản hoạt động giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong các lĩnh vực như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.
Theo số liệu của các địa phương, từ ngày 1/10/2012 đến 30/9/2013, tổng số các vụ việc giám định là 114.185 vụ, trong đó giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng là 89.275 vụ và 24.910 vụ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo hình thức dịch vụ.
Tuy nhiên, một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực tài chính, xây dựng, đất đai, ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu giám định phục vụ công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng cơ bản, đất đai... ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của cơ quan điều tra, việc cử người làm giám định của các cơ quan quản lý chuyên ngành thường không kịp thời, nhiều vụ việc kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm, làm chậm quá trình giải quyết vụ án như vụ Vũ Quốc Hào lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng NNPTNT.
Việc xác định thiệt hại về tài sản trong một số vụ án tham nhũng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng công trình... Kết luận giám định trong những trường hợp này là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất. Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án tham nhũng bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành...) cần thiết phải có sự điều phối, hợp tác của nhiều ngành khác nhau.
Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu đặt ra, mà nêu "chỉ có giá trị tham khảo", không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Đình chỉ vụ án vì cơ quan tố tụng khác quan điểm
Một số trường hợp, nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, phức tạp, khối lượng lớn như vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ (Ngân hàng NNPTNT) đã kéo dài đến 5 năm do không thực hiện được yêu cầu giám định của Toà án Nhân dân Hà Nội.
Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng còn lúng túng, thiếu quyết đoán trong việc xem xét, đánh giá sử dụng kết luận giám định trong vụ việc có nhiều bản giám định khác nhau.
Các quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề có liên quan đến giám định tư pháp trong quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng. Ví như vụ án gian lận tài chính của Công ty xăng dầu Hàng không đã rút tiền hỗ trợ của Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thấy rằng đã đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can, không cần trưng cầu giám định nhưng Toà án Nhân dân Tối cao lại cho rằng phải trưng cầu giám định giấy tờ khống thì mới xét xử, khiến cho vụ án bị ách tắc và buộc phải đình chỉ.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cũng nêu ra những hạn chế của công tác giám định tư pháp hiện nay. Đáng lo ngại nhất là có hiện tượng "chạy" giám định tư pháp để thoát tội nên đã xảy ra chuyện kết luận giám định nhiều lần, nhận xét chung chung, né tránh, không rõ ràng, mỗi lần giám định lại cho kết quả khác nhau. Ông Thanh dẫn chứng, có vụ án trốn thuế đã 4 năm nay không xét xử được bởi mỗi lần trưng cầu giám định lại cho một kết quả khác nhau.
Khẩn trương ban hành kết luận giám định phục vụ các vụ án tham nhũng
Công tác giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho các hoạt động tố tụng
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Tư pháp cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để công tác giám định tư pháp ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Tư pháp và bộ, ngành, địa phương đã có nhiều thành tích trong việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì nhiều vụ việc trưng cầu giám định nhưng thời gian kéo dài, kết luận giám định "đá" nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tố tụng của vụ án. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập còn chậm trễ, đến nay vẫn còn đến 16 địa phương chưa thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa tổ chức rà soát để công bố tổ chức đủ điều kiện thực hiện công tác giám định. Nhiều vấn đề về kinh phí, bồi dưỡng cần phải được sớm sửa đổi.
Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến tài chính, đất đai, xây dựng kéo dài do công tác giám định. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải quy định cụ thể đối với việc phải ban hành kết luận giám định. Tuyệt đối tránh kết luận chung chung, mập mờ, không rõ đúng sai, quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng làm kéo dài vụ án...
Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, địa phương đối với công tác giám định và mỗi cá nhân làm công tác giám định đối với công việc của mình. Các bộ, ngành, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể đối với triển khai Luật Giám định tư pháp thực sự đi vào cuộc sống. Kiểm tra, thanh tra tổ chức hoạt động của công tác này cũng như trách nhiệm người đứng đầu với công tác này.
Đối với các vụ án tham nhũng lớn liên quan đến công tác giám định tư pháp, các cơ quan chức năng cần tập trung nhân lực, nguồn lực để thực hiện nhanh, chính xác để ban hành các kết luật giám định phục vụ cho công tác xét xử của Toà án, không để vì kết luận giám định mà làm chậm tiến độ của các vụ án hiện nay.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
"Mau với chứ..." Ban Nội chính và bác Nguyễn Bá Thanh ơi! Tham nhũng đang diễn ra từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút ở mọi cấp, mọi nơi. Vì vậy, sự chậm trễ có khi chỉ một giờ, một phút thôi là đã có không biết bao nhiêu tiền của nước, của dân rơi vào túi lũ quan tham. "Mau với chứ...!", Ban Nội chính và bác Thanh ơi! (Minh họa: Ngọc Diệp)...