Bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, có dễ thực thi?
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, chương trình tái cơ cấu đã đạt được một số tiến triển khả quan.
Tài sản thế chấp vay nợ hiện chiếm trên 70% là bất động sản
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã được thành lập, tiếp quản phần lớn nợ xấu từ các ngân hàng và đã xử lý được một phần số nợ xấu này, tạo dư địa cho các ngân hàng tiếp tục triển khai các hoạt động tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống liên tục giảm và chỉ còn dưới 3% đến cuối năm 2015. Các ngân hàng cũng đã thực hiện phân loại nợ khắt khe hơn.
Những thành công ban đầu như vậy là rất đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, xử lý nợ xấu của hệ thống còn không ít khó khăn, mà nếu không khơi thông được nhiều vướng mắc, nợ xấu vẫn là “quả bom nổ chậm” rình rập các ngân hàng và đe dọa an toàn hệ thống.
Nhiều vướng mắc
Giải quyết vấn đề nợ xấu một cách bền vững cần có các giải pháp tổng thể, đa chiều, bao gồm cả vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và DN. Trên thực tế, nợ xấu dù có bán cho VAMC vẫn là nợ xấu, trừ khi các ngân hàng xử lý được nó bằng cách thu nợ, bán tài sản…
Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, việc xử lý không dễ, nếu các ngân hàng không chuyển qua cho VAMC thì không có cách nào để đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn. Và nếu như vậy, các ngân hàng sẽ rất khó có thể giao dịch trong quá trình hoạt động với đối tác, khách hàng. Vì thế, dẫu có thể chưa xử lý triệt để, VAMC được xem là công cụ đắc lực cho các ngân hàng trong việc làm sạch bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, phần lớn nợ xấu chuyển sang VAMC mang tính chất “nhập kho” tạm thời nhiều hơn là giải quyết dứt điểm. Vấn đề xử lý nợ hiện nay vẫn còn khá nhiêu khê trong khâu khởi kiện, thu giữ, bán, phát mãi tài sản nên rất khó có thể thu hồi được nợ, vì thủ tục ra tòa rất phức tạp. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự thay đổi trong một số điều luật, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan để đảm bảo thực thi quyền thu giữ, phát mãi tài sản thế chấp trong quá trình xử lý nợ được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC.
Theo đó, Quyết định 618 quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; nguyên tắc, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguyên tắc xác định giá mua nợ; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Công ty VAMC, TCTD trong việc tổ chức thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường.
Video đang HOT
Rất cần cơ chế thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ xấu
Kể từ khi thành lập (năm 2013) đến 24/3/2016, VAMC đã mua nợ xấu của 41 TCTD bằng trái phiếu với số lượng khách hàng là 16.075; tổng số 24.556 khoản nợ tương ứng với 244.082 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc, phát hành 208.636 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 237.350 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng. Lũy kế từ năm 2013 đến 24/3/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 11% trên số dư nợ gốc.
Hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam. Tuy vậy, do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý nên cho đến nay, việc bán nợ cho nhà đầu tư vẫn chưa thể triển khai, chưa kể nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn mua nợ với giá rẻ. Do đó, phương án bán nợ (chủ yếu là tài sản bất động sản) khả thi nhất vẫn là nhắm tới các nhà đầu tư trong nước.
Với việc NHNN đã ban hành quyết định xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường, hoạt động này chắc chắn sẽ được thực hiện theo cơ chế đã có, nhưng có thực hiện được hay không mới là vấn đề quan trọng. Bởi cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, vấn đề định giá nợ xấu hiện nay đang vướng và không biết bên nào sẽ là người định giá tài sản đảm bảo của khoản nợ khi thực hiện mua – bán theo cơ chế thị trường: ngân hàng định giá một kiểu, VAMC định giá một kiểu…, hay việc định giá do bên thứ 3.
Thứ hai, việc mua nợ xấu theo cơ chế thị trường có áp dụng đối với số nợ xấu ngân hàng đã bán cho VAMC từ trước đến nay, hay chỉ là các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai. Vì nếu mua – bán nợ xấu theo cơ chế thị trường đối với số nợ VAMC đã “gom” về là rất khó, do khi mua nợ xấu từ ngân hàng, VAMC chỉ đưa lại trái phiếu đặc biệt. Đồng thời, để xử lý việc mua – bán nợ theo cơ chế thị trường thì ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu?
Vướng mắc thứ ba chính là tài sản thế chấp vay nợ hiện chiếm trên 70% tài sản đảm bảo bằng bất động sản, nhưng không dễ dàng bán. Cơ chế pháp lý chưa có, xử lý tài sản đảm bảo vẫn nhiêu khê…, nên việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, với dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, cũng đã và đang tạo áp lực lên quá trình xử lý nợ của ngân hàng.
Khó phát mãi tài sản
Thời gian qua, Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã tác động lớn tới dòng vốn trên nhiều thị trường, cả thị trường tiền tệ, vốn và bất động sản. Thông tư này mới triển khai thực hiện được khoảng 1 năm, song đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, mới đây, NHNN vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36, tạo ra lo ngại cho sự phát triển của thị trường bất động sản và việc cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng, cũng như xử lý nợ xấu.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn toàn hệ thống là 31% và hiện tỷ lệ này còn cao hơn. Việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của từng khối cho thấy định hướng hạn chế cấp tín dụng trung, dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản, đồng thời cũng giảm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (do các khoản vay này thường là vay trung, dài hạn) của NHNN. Qua đó, NHNN đang hướng tới việc tăng cường tính an toàn và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Trong ngắn hạn, điều này nhiều khả năng sẽ khiến tăng trưởng tín dụng 2016 ở mức thận trọng hơn.
Bên cạnh đó, NHNN quy định trong dự thảo về việc nâng hệ số rủi ro đối với “các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%. Việc nâng này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số an toàn vốn (CAR) mà theo quy định hiện nay, chỉ số CAR phải lớn hơn 9%.
Từ số liệu ở trên, rõ ràng với quy định này thì ngân hàng sẽ không còn nhiều “room” để sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, đặc biệt là cho vay trong lĩnh vực bất động sản (không quá 10%). Hiện tại, theo thống kê, thị trường bất động sản vẫn phải dựa khá nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng, với tỷ lệ khoảng 60%.
Do đó, việc quy định như trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 có thể vô tình gây ra sự chèn ép dòng chảy tín dụng vào thị trường bất động sản, thu hẹp cơ hội cho sự tăng trưởng trong dài hạn của thị trường này. Đồng thời, qua đó cũng ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh phát mãi tài sản thu hồi nợ của ngân hàng.
Vì thế, nếu nói năm nay lạc quan về xử lý nợ xấu là chưa thể, do việc xử lý tài sản đảm bảo, định giá tài sản trong xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc, khó khăn…, nên chưa thể kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong mua – bán nợ, kể cả khi cơ chế mua theo giá thị trường được triển khai.
Trong khi đó, việc quản lý nợ xấu vẫn còn nhiều thách thức, một phần là do mức độ tuân thủ các nguyên tắc Basel còn thấp. Chức năng giám sát và chức năng thanh tra cần được nâng cao. Giám sát hợp nhất phải được thực hiện một cách hiệu quả, hoạt động giám sát phải năng động hơn và liên tục cải thiện. Muốn vậy, cần quy định rõ mục đích và trách nhiệm của các cơ quan tham gia giám sát. Cần tăng cường quy định về báo cáo và công khai tài chính đối với ngân hàng, đồng thời với chất lượng thông tin, nhất là thông tin phi tài chính.
Bên cạnh những nỗ lực đã có, điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia xử lý nợ xấu, rót thêm vốn cho các ngân hàng để giải quyết hiệu quả các khoản nợ khó đòi, làm sạch bảng cân đối tài sản, để có khả năng tiếp tục cấp tín dụng một cách lành mạnh, bền vững.
Qua quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, vẫn còn một số vấn đề quan trọng mà cơ quan quản lý và các nhà băng cần hành động nhằm ngăn ngừa nợ xấu phát sinh lớn trong thời gian tới.
Trong đó, Nhà nước cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để các thành phần kinh tế hoạt động và phát triển bền vững; các ngân hàng mở rộng tín dụng phải đi cùng với kiểm soát chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro; cần nâng cao năng lực quản trị, điều hành của DN, khả năng cạnh tranh và tự phòng vệ của nền kinh tế và DN trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến động kinh tế thế giới và khu vực; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát của Nhà nước đối với DN, ngân hàng; phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thêm rủi ro mất vốn đối với ngân hàng
Thiếu sót thủ tục pháp lý, ngân hàng có nguy cơ m ất vốn khi nhận thế chấp tài sản đảm bảo là nhà ở hình thành trong tương lai.
Nhà ở hình thành trong tương lai, một trong những loại tài sản đảm bảo rủi ro đối với ngân hàng
Tài sản hình thành trong tương lai là đối tượng giao dịch đảm bảo. Điều 342, Bộ luật Dân sự quy định, tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng để vay vốn.
Trên thực tế, biện pháp này chứa đựng nhiều rủi ro, nguyên nhân chủ yếu đến từ thủ tục pháp lý còn nhiều thiếu sót.
Theo Điều 61, Nghị định 71, thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT cho biết, nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp phải đủ điều kiện "đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua, nhưng chưa có giấy chứng nhận". Hồ sơ vay vốn bắt buộc phải có hợp đồng mua bán nhà ở. Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Theo Bộ luật Dân sự thì tài sản hình thành trong tương lai gồm 2 loại: tài sản chưa xác lập (đầy đủ) quyền sở hữu của người thế chấp; tài sản đã xác định rõ chủ sở hữu và đồng thời sẽ dịch chuyển quyền sở hữu đó cho bên thế chấp trong tương lai.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhà ở, chỉ loại nhà ở thứ hai mới được công nhận là tài sản hình thành trong tương lai, còn loại nhà ở thứ nhất thì không đủ điều kiện để tham gia giao dịch thế chấp. Như vậy, theo Luật Nhà ở, không thể công chứng hợp đồng và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Chính sự bất nhất giữa các quy định pháp lý đã khiến ngân hàng gặp khó trong việc xử lý tài sản đảm bảo khi nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong một vụ việc mới đây, theo đơn khởi kiện, năm 2011, ông Lê Đức Phúc (ở quận Hà Đông, Hà Nội) ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), vay vốn số tiền 4 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay, ông Phúc thế chấp 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Do vi phạm hợp đồng tín dụng, VPBank khởi kiện ra tòa buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp không thực hiện hợp đồng, ngân hàng có quyền phát mại 2 bất động sản thế chấp. Năm 2015, Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã chấp nhận đơn khởi kiện của VPBank.
Vụ việc lùm xùm vì có bên thứ ba liên quan là Công ty Đầu tư xây dựng HUD4. Theo đó, bất động sản thứ hai có diện tích 247 m2 tại Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), ông Phúc ký kết hợp đồng mua bán với Công ty HUD4, giá trị hợp đồng là 3,4 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phúc mới thanh toán 2,4 tỷ đồng, hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng và lãi trả chậm.
Phía Công ty HUD4 trình bày, cấp sơ thẩm tống đạt thông báo đưa vụ án ra xét xử nhầm địa chỉ và không đúng người có thẩm quyền giải quyết. Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, cả bị đơn và người có nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt. Cho rằng nhà đất bị đơn đem thế chấp là tài sản của Công ty, HUD4 kháng cáo đòi lại số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án thể hiện, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa ông Phúc và VPBank (ngày 19/10/2011) không được công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo.
Vì lý do liên quan đến thủ tục tố tụng và yêu cầu mới của người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là Công ty HUD4, ngày 28/4/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao cho Tòa án nhân dân quận Hà Đông xét xử lại.
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Mua cổ phiếu ngân hàng phải chấp nhận thực tế "không cổ tức" Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định, dù còn những khó khăn nhất định, song việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay. Bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng năm nay sẽ sáng...