Bán nợ: Trăm kẻ bán, vài người mua
Hàng chục tổ chức tín dụng tham gia bán nợ xấu, trong khi bên mua nợ hầu như chỉ trông cậy vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cùng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Nợ xấu vẫn tiếp tục giảm dần
Những số liệu đáng mừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, nợ xấu vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, thấp hơn đáng kể so với mức 2,78% vào cuối tháng 5/2016. Riêng 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã xử lý được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu (bán nợ cho VAMC gần 8.900 tỷ đồng, khách hàng trả nợ gần 31.000 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là 7.240 tỷ đồng…).
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm, thì con số nợ tuyệt đối lại đang phình to lên, do tín dụng tăng trở lại. Điều này càng đáng lo hơn, khi nợ xấu do VAMC mua về đa phần vẫn nằm trong kho, chưa được xử lý.
Theo ông Đoàn Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc VAMC, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua 251.000 tỷ đồng nợ xấu và số nợ xấu được xử lý đến nay mới đạt 34.000 tỷ đồng. Điều đáng mừng là, tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5.000 tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đã thu được 11.000 tỷ đồng.
“Kế hoạch của VAMC năm 2015 và 2016 là xử lý 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Trên thực tế, tốc độ thu hồi nợ thường tăng mạnh những tháng cuối năm, nên khả năng thu hồi được 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015 – 2016 là khả quan”,ông Thắng cho biết.
Mặc dù việc thu hồi nợ khả quan hơn trước, song số nợ thu hồi được mới chiếm 15% số nợ mà VAMC mua về. Chính lãnh đạo của VAMC cũng thừa nhận, việc mua bán nợ xấu hiện còn khó khăn do thị trường mua bán nợ chưa hình thành, còn nhiều vướng mắc về pháp lý.
Video đang HOT
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, đối với nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước, VAMC chỉ được phép bán nợ xấu cho các đơn vị có chức năng mua bán nợ xấu. Trong khi đó, hiện có 40 – 50 tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC, song chủ thể mua nợ thì lại rất ít, khiến việc bán nợ của VAMC rất hạn chế.
Hiện tại, mua nợ xấu trên thị trường Việt Nam mới có VAMC, DATC và 28 công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng. Trong đó, 28 công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng có nguồn lực rất mỏng, chủ yếu là mua bán nội bộ. Do đó, lực lượng mua nợ trên thị trường chủ yếu là VAMC và DATC, trong đó DATC tập trung mua bán nợ và xử lý tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước, song số lượng cũng chưa nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2016, DATC chỉ đạt doanh số mua nợ và tài sản hơn 750 tỷ đồng.
Trong tình trạng “ trăm kẻ bán, nhưng chỉ vài kẻ mua” như hiện nay, ông Đoàn Mạnh Thắng kỳ vọng, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ sẽ giúp hoạt động mua bán nợ thời gian tới sôi động hơn, nhờ nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ xuất hiện.
Đại diện DATC cũng cho rằng, Nghị định 69/2016/NĐ-CP mở đường cho các doanh nghiệp mua bán nợ tham gia thị trường này, giúp thị trường trở nên cạnh tranh hơn, sôi động hơn.
Dù vậy, theo các chuyên gia, điều kiện thành lập công ty mua bán nợ theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP khá khắt khe, đòi hỏi vốn điều lệ lớn (100 – 500 tỷ đồng), nên khó kỳ vọng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này trong vài năm tới. Điều này đồng nghĩa với thị trường mua bán nợ chưa thể sớm hình thành và việc xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục kéo dài.
Được biết, năm nay, VAMC xây dựng kế hoạch mua nợ theo giá thị trường 2.000 tỷ đồng và đang lên kế hoạch làm việc với từng tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC theo giá thị trường.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nợ xấu lại "vật" nhà băng
Nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong khi số nợ xấu trong kho của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn nằm im và việc hình thành thị trường mua bán nợ vẫn bế tắc.
Nợ xấu "dềnh" lên
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 3/2016 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12/2015. Báo cáo tài chính quý I/2016 của một số ngân hàng cũng cho thấy, nợ xấu đang quay đầu tăng trở lại. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh. Riêng nợ mất vốn của 10 ngân hàng lớn đã lên tới trên 1 tỷ USD.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số nợ xấu mới phát sinh riêng trong năm 2015 là hơn 45.000 tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, số nợ xấu mới phát sinh năm 2016 còn cao hơn nữa.
Trong khi nợ xấu mới vẫn sinh sôi hàng ngày, thì nợ xấu cũ mà VAMC mua về từ hơn 40 tổ chức tín dụng vẫn đang nằm chờ giải cứu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, tính đến đầu tháng 5/2016, VAMC đã phát hành 207.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 244.000 tỷ đồng nợ gốc. Trong tổng số nợ xấu đã mua, VAMC mới xử lý được 44.000 tỷ đồng.
Chính vì nợ xấu vẫn được nhốt chủ yếu trong kho VAMC, nên 2 năm qua, nhất là năm 2015, dù tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3%, nhưng các ngân hàng vẫn chịu áp lực nặng nề. Riêng trong năm 2015, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng đột biến, phần nhiều trong đó là những khoản trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu bán cho VAMC, nhưng VAMC chưa kịp xử lý, với mức trích lập lên tới 20%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thực tế, một lượng lớn nợ xấu bán cho VAMC vẫn chưa được xử lý, dẫn tới khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng giảm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB dự đoán, tình trạng này của các ngân hàng có thể tiếp diễn trong 5 năm tới, nếu VAMC không nhanh chóng xử lý được số nợ tồn đọng.
Muốn có thị trường, giá phải hợp lý
Với quyết tâm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với VAMC để tìm hiểu vướng mắc. Theo kế hoạch, trong năm 2016, VAMC sẽ thí điểm mua nợ theo giá thị trường với số lượng khoảng 5.000 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua là 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC cũng đặt mục tiêu xử lý, thu hồi 30.000 tỷ đồng nợ xấu, gần gấp đôi năm 2015. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này hoàn thành, VAMC cũng chỉ xử lý được vài trăm khoản nợ, trong số hàng chục nghìn khoản nợ mua về.
Theo lãnh đạo VAMC, để xử lý nhanh nợ xấu, cần phải có thị trường mua bán nợ tấp nập. VAMC đang tích cực chuẩn bị danh mục các khoản nợ xấu chào bán để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bày tỏ ý định thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC). Việc nhiều ngân hàng nhảy vào thị trường này cho thấy, mua bán nợ là một lĩnh vực tiềm năng và việc hình thành thị trường mua bán nợ không hẳn là "bất khả thi".
Tuy nhiên, theo phản ánh của một công ty mua bán nợ, thị trường nợ xấu chưa thể khai thông và hình thành bởi bị trói buộc trong 4 chữ: trách nhiệm - giá bán. "Khi chúng tôi đặt vấn đề mua nợ, nhiều lãnh đạo ngân hàng rất muốn bán nợ, kể cả bán lỗ, nhưng lại sợ trách nhiệm hình sự nếu để thất thoát tài sản. Chính vì vậy, họ chấp nhận bán nợ cho VAMC để giãn thời gian xử lý, chứ cũng không kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được nợ. Nếu tình hình này kéo dài, nợ xấu vẫn sẽ ẩn nấp và thị trường mua bán nợ không thể hình thành", đại diện công ty này cảnh báo.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu, nếu được bán với giá hợp lý, thì rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nhảy vào mua, thị trường mua bán nợ sẽ tự hình thành mà không cần phải hô hào nhiều. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế định giá cho nợ xấu vẫn chưa rõ ràng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng kiến nghị, nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giá mua và giá bán nợ xấu theo kiểu "lỗ cùng chịu, lãi cùng chia" để tạo động lực cho các ngân hàng bán nợ. Cơ chế bắt buộc tổ chức tín dụng phải chịu rủi ro hoàn toàn khi bán nợ hiện nay là nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC, nhất là trong bối cảnh VAMC và ngân hàng khó tìm được sự đồng thuận về giá bán tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận, định giá là một trong những khó khăn lớn nhất của VAMC khi thực hiện mua nợ theo giá thị trường. Để tháo gỡ khó khăn này, VAMC đang đề xuất thành lập Trung tâm Đấu giá trực thuộc VAMC.
Theo Trần Mạnh
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nửa cuối năm, xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm Tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng đã được đưa xuống dưới 3%, việc thu hồi nợ xấu khả quan hơn so với kế hoạch đặt ra ban đầu, nhưng việc xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát...