Bạn muốn có một em bé, hãy bỏ hút thuốc!
Một nghiên mới cho thấy: Tại tất cả các giai đoạn phát triển, phôi từ người hút thuốc phát triển chậm hơn phôi từ người không hút thuốc.
Hút thuốc được biết đến như là một tác nhân làm giảm khả năng có con của phụ nữ. Đó là lý do tại sao một số bệnh viện ở Anh yêu cầu các cặp vợ chồng hiếm muộn bỏ thuốc lá trước khi họ được điều trị khả năng sinh sản.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc đh Sheffield (Pháp) đã có một thí nghiệm thú vị chứng minh điều đó. Họ đã nghiên cứu sự phát triển của 868 phôi trong ống nghiệm, trong đó có 139 phôi đến từ người mẹ có hút thuốc lá.
Khi trứng thụ tinh thông qua thụ tinh ống nghiệm, ban đầu nó sẽ phát triển trong phòng thí nghiệm trước khi được cấy ghép vào người mẹ. Đây là cơ hội duy nhất để các nhà nghiên cứu quan sát phôi trong quá chính nó chia thành nhiều tế bào.
Tiến sĩ Allan Pacey, giảng viên cao cấp tại Đại học Sheffield, cho biết đó là một nghiên cứu “thú vị” đi tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ mới. Ông cho biết: “chúng tôi sử dụng một thiết bị được gọi là embryoscope, cho phép các nhà khoa học quan sát sự phát triển của phôi trong thời gian thực mà không ảnh hưởng gì đến quá trình này”.
Sau nghiên cứu này, TS Thomas Freour cho BBC biết rằng: “Phôi từ phụ nữ hút thuốc lá hoạt động chậm hơn, nó phát triển chậm hơn các phôi khác trung bình khoảng hai giờ”. Cụ thể, các phôi thai của người không hút thuốc đạt đến giai đoạn chia tách tế bào sau 49 giờ, phôi của những người hút thuốc mất 50 giờ; phôi đến từ người hút thuốc lá đạt tới giai đoạn tám tế bào sau 62, trong khi phôi đến từ người không hút thuốc chỉ mất 58 giờ.
TS Thomas Freour cho rằng: “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nếu phôi phát triển chậm hơn 2 giờ thì rất có nguy cơ cho việc phát triển thành thai nhi. Nó phát triển chậm hơn là đã bắt đầu 1 hướng đi tệ hơn. Và khi thai nhi phát triển thì sẽ như thế nào? không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra!”.
Chính vì vậy, lời khuyên của ông rất đơn giản: “Bạn muốn có một em bé, hãy bỏ hút thuốc”.
Theo VNE
Video đang HOT
Bé gái sinh bằng thụ tinh ống nghiệm giờ ra sao?
Là một trong ba bé được sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, cô bé Phạm Tường Lan Thy giờ đã một thiếu nữ 15 tuổi xinh đẹp, học giỏi.
Ngày 30/4/1998, cách đây 15 năm, 3 trẻ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. 3 em bé, được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo.
Trong lễ khai giảng vừa qua tại trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cô bé Phạm Tường Lan Thy đã vô tình lọt vào ống kính của phóng viên. Và cô bé, cùng gia đình của mình đã có những câu chuyện cảm động về cuộc sống của mình.
Đánh bạn vì bị trêu khác người
Hai vợ chồng anh Phạm Xuân Tài (49 tuổi) và chị Phạm Thị Thanh Dung (53 tuổi) kết hôn từ năm 1986 nhưng hơn chục năm chạy chữa, "vái tứ phương" vẫn không thể có được một đứa con. Năm 1997, anh Tài tình cờ gặp được bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, khi ấy là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Năm 1997 cũng là năm đầu tiên kỹ thuật TTTON được bác sĩ Phượng mang về Việt Nam.
Được bác sĩ giới thiệu về phương pháp TTTON, một tia hy vọng lóe lên với vợ chồng anh Tài. Sau khi chuyển phôi, đến ngày 30/4/1998, niềm vui vỡ òa trong anh Tài và gia đình khi chào đón cô con gái ra đời cùng ngày với 2 đứa trẻ còn lại. Cô con gái của mình được anh Tài đặt tên Phạm Tường Lan Thy.
"Lúc đầu tính đặt tên con là Phạm Tường Lan, là tên ghép của bác sĩ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan, là hai bác sĩ đóng vai trò chính đối với sự ra đời của bé. Nhưng do tên Lan trùng với tên mẹ vợ nên đặt tên cháu là Phạm Tường Lan Thy", anh Tài giải thích.
Hình ảnh tư liệu ê kíp bác sĩ trong ngày Phạm Tường Lan Thy chào đời
Từ khi ra đời, bé Lan Thy cũng phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh Tài nói: "Bé cũng khóc, cũng biếng ăn, ho, sốt, sổ mũi... như mọi trẻ em thôi. Được cái cháu không bị bệnh gì từ đó đến nay, phát triển rất bình thường".
Đến khi Lan Thy biết nói, biết đọc, gia đình có nói về trường hợp TTTON, cho xem lại những hình ảnh quý giá, bài báo về ngày Lan Thy chào đời. "Lúc 4 tuổi, em nhớ có lần mình lục trong tủ thấy một sấp hình ảnh, giấy báo. Ba thấy được mới giải thích, tuy nhiên lúc đó em không hiểu gì nhiều, mãi đến khi em học đến lớp 6 em mới hiểu về trường hợp của mình", Lan Thy chia sẻ.
Lan Thy cùng bố xem lại những hình ảnh, bài báo về sự kiện ý nghĩa của mình và nền y học Việt Nam
Câu chuyện bé Thy được sinh ra bằng phương pháp TTTON được nhiều bạn bè trong lớp học biết đến sau khi đọc báo, xem tivi. Lan Thy kể hồi học lớp 3, em hay bị bạn bè trong lớp chọc là khác người nhưng em không hề thấy mặc cảm và không kể chuyện này cho cha mẹ biết.
"Những lúc bị trêu chọc, em tức lắm, có lần em còn lao vào đánh bạn cùng lớp vì nói em khác người. Tuy nhiên, dần dần bạn bè cũng hiểu và không còn chọc em nữa", cô bé nhớ lại.
Nhiều lần Lan Thy bị bạn chọc là khác người nhưng cô bé không bao giờ nói cho gia đình biết
Trái lại, từ khi hiểu về phương pháp mình ra đời, biết mình là kết quả của thành tựu y học Việt Nam, Lan Thy cảm thấy tự hào về mình. Cô nữ sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trở nên nổi tiếng trong trường cấp 2, Nguyễn Gia Thiều vì điều ấy. Đó là hồi lớp 6, khi học đến môn sinh học có bài về thụ tinh. Trong phần phụ của bài học, sách giáo khoa có nhắc đến sự kiện Thy và 2 bé khác ra đời. Được cô giáo dạy Sinh Học kể cho cả lớp nghe về việc này, nên từ đó Thy được nhiều bạn biết đến, làm quen.
Lan Thy chia sẻ: "Đến giờ em vẫn giữ liên hệ với bà ngoại là bác sĩ Phượng, ba Tường và má Lan. Em rất tự hào khi được sinh ra bằng một phương pháp khoa học hiện đại như vậy. Em luôn vui vẻ trả lời cặn kẽ khi có bạn nào hỏi về trường hợp của mình".
Năng khiếu âm nhạc, mơ ước làm bác sĩ
Từ lúc bé, theo lời kể của anh Tài thì con gái mình đã bộc lộ khả năng về âm nhạc. Lúc cô bé được 3 tuổi, trong một lần nghịch nhạc cụ đồ chơi, cô bé Lan Thy gõ ra những âm thanh như một bản nhạc. Từ đó, gia đình mới thử cho con làm quen với các nhạc cụ. Từ cây đàn guitar và bài dạy đàn của bố, Lan Thy nhanh chóng biết đàn. Vô nhà thiếu nhi, Thy được học thêm piano, violon và chơi được cả kèn saxophone. Từ lớp 7, Lan Thy làm lớp phó văn thể mỹ, là thành viên cốt cán của đội kèn trường THCS Nguyễn Gia Thiều, mang về nhiều giải thưởng văn nghệ cho lớp, cho trường.
Sở trường là âm nhạc, Lan Thy chơi được nhiều loại nhạc cụ
Nói về âm nhạc, Lan Thy tươi cười khoe: "Em học chơi các nhạc cụ dễ dàng, cứ thế học là chơi được thôi. Hầu như loại kèn nào em cũng có thể chơi được trừ kèn Harmonica. Vừa vào lớp 10 em đã đăng kí vào sinh hoạt trong CLB Harmonica của trường rồi nè". Tuy giỏi về âm nhạc nhưng Thy tự nhận mình chỉ thích nghệ thuật chứ không đam mê, không có năng khiếu nhiều. "Em thích làm bác sĩ hơn vì em rất thích môn sinh học, chỉ vậy thôi", cô bé lý giải.
Suốt từ lớp 1 đến nay, Lan Thy đều là học sinh giỏi, năng nổ
Hiện đang là nữ sinh lớp 10, chuyên văn, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
Về học tập, Lan Thy hiện đang là học sinh lớp 10 chuyên văn THPT chuyên Lê Hồng Phong, từ lớp 1 đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thời gian sau giờ học, Thy thường phụ giúp mẹ làm việc nhà, bán trái cây hoặc đi chơi bóng rổ.
"Hai vợ chồng cũng không tính sinh thêm đứa nữa để tập trung nuôi dạy con cho tốt. Nhiệm vụ trước mắt của cháu là học thật tốt, nếu sau này thích âm nhạc gia đình luôn tạo điều kiện", anh Tài cho hay.
Còn với bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, cô và các bác sĩ trong ekip năm nào vẫn giữ liên hệ thường xuyên với Lan Thy và các bé còn lại. Bác sĩ Lan chia sẻ: "Nhìn thấy Lan Thy học giỏi, phát triển bình thường tôi vui lắm, vì qua đó cho thấy phương pháp TTTON ở Việt Nam mang lại hiệu quả cao, giúp ích cho nhiều cặp vợ chồng".
Theo Như Quỳnh (Tri thức trực tuyến)
Nên hay không công nhận việc "đẻ thuê"? Những ngày vừa qua, dư luận bỗng "nóng" lên khi một số hình ảnh và câu chuyện của những người chuyên "đẻ thuê" cho các cặp vợ chồng hiếm muộn được đăng tải. Một trường hợp sinh con nhờ mang thai hộ. (Ảnh minh họa). Chuyện không có gì mới, nhưng được các phương tiện truyền thông "xới xáo" lên trong thời điểm...