Bản lĩnh thép nơi “chảo lửa” ma túy Tây Bắc: Vào hang bắt cọp
Đã 22 giờ một ngày cuối tháng 3/2015, chuông điện thoại reo và cái tên Mai Hoàng nhấp nháy trên màn hình, ngỡ là một tin báo mới về việc bắt giữ một vụ ma túy nào đó, tôi vội nhấn nút nghe…
Đầu bên kia sóng, Thiếu tá Mai Hoàng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Sơn La hồ hởi thông báo: Ngày mai tôi xuống núi, về Thủ đô nhận giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” lần thứ V, nhà báo nhớ đến động viên nhé! Vậy là thêm một lần nữa, những chiến công thầm lặng của Mai Hoàng và đồng đội nơi “chảo lửa” Tây Bắc được ghi nhận.
Cuộc gặp lần này, chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm trong quá trình công tác của Mai Hoàng từ ngày còn ở Công an huyện Mộc Châu, Vân Hồ cho đến khi sang trận tuyến đấu tranh mới.
Bản lĩnh thép nơi “chảo lửa” ma túy Tây Bắc: Vào hang bắt cọp. (Ảnh internet)
Không vào hang, sao bắt được cọp?
Chập choạng tối, đường vào khu vực khe núi thuộc xã Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La hun hút bởi gió lạnh từ vách núi ùa về. Vừa rảo bước, tránh những viên đá trơn tuột, mấp mô trên con đường mòn, Thiếu tá Mai Hoàng (khi ấy đang công tác tại Công an huyện Mộc Châu – PV) vừa suy tính làm sao để phá án mà vẫn đảm bảo an toàn được tính mạng. Hôm nay hết ca trực, được nghỉ nên anh tranh thủ về nhà, chưa đầy tiếng đồng hồ thì đơn vị báo về ngay có việc khẩn.
Đoán có việc quan trọng, Mai Hoàng vội vã quay trở lại đơn vị. Khi anh đến thì thấy Ban chuyên án đang ngồi họp về vụ bắt cóc trẻ em. Đối tượng bắt cóc đòi người nhà phải mang 5 bánh hêrôin và 500 triệu đồng đến để chuộc bé gái Sồng Thị Giang, 6 tuổi, trú tại bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu. Được Ban chuyên án chọn làm trinh sát bí mật, Mai Hoàng liền nhận ngay nhiệm vụ…
Mai Hoàng đã trải lòng với chúng tôi về một vụ án mà anh đã tham gia.
Việc đầu tiên là tìm ra nguyên nhân việc cháu Giang bị bắt cóc cũng như hướng trốn chạy của nhóm đối tượng bởi trên đường trốn chạy, chúng vẫn liên tục yêu cầu người nhà chuyển “hàng trắng” và tiền. Vận dụng hết các mối quan hệ trong quá trình làm trinh sát ma túy và hình sự, qua nối ráp nhiều mắt xích, Mai Hoàng được một người đàn ông dân tộc Mông nhận lời cho đến gặp để cung cấp cho anh thông tin. Tuy nhiên, điều kiện người này đặt ra hết sức ngặt nghèo, Mai Hoàng phải đi một mình vào lúc chiều tối, không được mang theo súng hay bất cứ công cụ hỗ trợ nào và địa điểm gặp là một hang đá trong khe núi…
Thiếu tá Mai Hoàng cùng đồng đội họp bàn phương án bắt vụ vận chuyển ma túy.
Trước khi đi, thấy thủ trưởng đơn vị lo lắng, Mai Hoàng vẫn đùa nói: “Không vào hang cọp sao bắt được cọp”. Không lo lắng sao được khi thời gian qua anh cùng đồng đội phá hàng trăm chuyên án ma túy, bắt giữ hàng trăm đối tượng, thu nhiều hêrôin, thuốc phiện và vũ khí nóng, biết đâu chẳng phải là một chiếc bẫy giăng ra của những tên trùm ma túy xảo quyệt…? Nhưng chậm trễ có thể cháu bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng và nếu được giúp đỡ, chuyến đi này của anh có một vai trò quan trọng nhất định, biết đâu có thể mở được nút thắt của vụ án. Bằng linh cảm của một trinh sát, Mai Hoàng tin rằng người mình sắp gặp chính là người tốt.
Qua rất nhiều lần chỉ dẫn, Mai Hoàng được người đàn ông đưa tới một hang núi. Hang núi lạnh lẽo chỉ có 2 người và họ không hề nhìn rõ mặt nhau do trời tối. Cuộc đối thoại với giọng nói truyền cảm, đầy thuyết phục của người trinh sát dường như đã xua đi sự ngờ vực của người đối diện.
Video đang HOT
Qua thông tin ban đầu, người đàn ông cho biết, có thể nguyên nhân là do chuyện nợ nần giữa người nhà cháu Giang và nhóm bắt cóc cháu nên cháu mới bị bắt. Trước đây gia đình cháu Giang đã từng bị đe dọa… Người này tự nhận là rất thân thiết với cháu Giang và đã cung cấp thêm chi tiết quan trọng, cháu Giang không biết tiếng Kinh nhiều nên cần phải có người phiên dịch trong cuộc trao đổi giữa nhóm tội phạm và người thân cháu bé…
Cuộc đối thoại chỉ diễn ra trong chốc lát, ít phút sau, người đàn ông Mông đã biến mất một cách bí ẩn vào màn đêm trong rừng rậm sau khi đã hẹn rằng, ngày mai, vào giờ G, anh ta sẽ thông tin thêm nhiều chi tiết mới…
Vạch lá rừng, vừa đi vừa chạy về đơn vị để báo cáo tin mới thu được. Từ thông tin này, Ban chuyên án đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan như Cục Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng… truy lùng dấu vết nhóm tội phạm để giải cứu cháu bé.
Qua 4 ngày phối hợp, đấu tranh cam go, các lực lượng, chủ công là Công an tỉnh Hòa Bình đã giải cứu được cháu Sồng Thị Giang, bắt giữ toàn bộ đối tượng trong ổ nhóm, thu giữ rất nhiều súng ống. “Khi nhìn thấy cháu bé an toàn, tôi đã rất xúc động. Đây là một kỷ niệm trong quá trình công tác mà tôi nhớ nhất, cùng đồng đội, chúng tôi đã giải cứu được cháu bé khỏi bàn tay của bọn tội phạm” – Thiếu tá Mai Hoàng kể lại.
Không chỉ vụ án này mà có nhiều vụ án khác, cán bộ chiến sĩ (CBCS) phải am hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa mới giải quyết được công việc hiệu quả – Mai Hoàng cho biết, rất nhiều vụ án mà khi thu thập tin tức hoặc hỏi người biết việc, những người này là dân tộc thiểu số, không lẽ, lúc nào cũng nói “chi pâu” “bớ hụ” – (không biết), với suy nghĩ đó, cán bộ, đoàn viên trong đơn vị tự tìm hiểu về phong tục tập quán, học hỏi tiếng dân tộc bản địa từ chính những CBCS trong đơn vị là người dân tộc, học qua người dân khi đến bản công tác hay trong những chuyến đi làm từ thiện của Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộc Châu, Vân Hồ xuống bản tặng quà cho đồng bào nghèo, người có uy tín trong dân tộc.
Công an Sơn La cũng mở lớp học tiếng dân tộc cho CBCS nhưng không thể đào tạo bài bản cho nhiều người trong một lúc nên nhiều CBCS đã chọn cách tự học. Điều này cũng giúp các anh có thêm nhiều thuận lợi trong quá trình phá án, nhất là khi án xảy ra tại địa bàn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống…
Sau gian nguy có mái ấm bản làng
Năm 2014, trên 800 vụ án ma túy với số lượng lớn, gần 100 vụ án hình sự nghiêm trọng đã được triệt phá, bóc gỡ. Trong những chuyên án ấy đều có sự tham gia của Thiếu tá Mai Hoàng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Sơn La.
“Khi đối mặt với tội phạm phải nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị của mình từ đó liên hệ với những kỹ năng chúng ta được học trong ghế nhà trường CAND và những bản lĩnh, kỹ chiến thuật mà chúng ta đã học được ở thế hệ cha anh đi trước. Qua thực tiễn bản thân mình phải tự biết học hỏi, từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp cho từng địa bàn, từng đối tượng mà ta đấu tranh. Đấu tranh thế nào cho an toàn với lực lượng tham gia bắt giữ mà phải đảm bảo được yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật” – Thiếu tá Mai Hoàng bộc bạch.
Thiếu tá Mai Hoàng tại Lễ Tuyên dương, trao giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” lần thứ V.
Gần 17 năm công tác trong lực lượng CAND, dù ở bất cứ cương vị nào Thiếu tá Mai Hoàng luôn trăn trở một điều phải làm sao để giữ vững được bình yên cho nhân dân trên mảnh đất luôn thường trực “cái chết trắng” – Suy nghĩ ấy đã luôn bên anh cùng với những kỷ niệm vui, buồn của người chỉ huy trẻ…
Điển hình, năm 2014, Thiếu tá Mai Hoàng đã trực tiếp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Bộ Công an đấu tranh Chuyên án ma túy lớn 279-LL, bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ hơn 200 bánh hêrôin và nhiều súng đạn. Giờ đây, với cương vị mới là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Sơn La, anh vẫn hăng say, miệt mài với niềm đam mê phá án, vẫn trực tiếp tham gia phá các chuyên án lớn về hình sự, ma túy.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, Thiếu tá Mai Hoàng đã trực tiếp cùng với các lực lượng chức năng phá chuyên án ma túy lớn tại địa bàn xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, đấu tranh với toán vận chuyển ma túy có vũ trang, tiêu diệt 1 đối tượng, thu giữ 40 bánh hêrôin.
Thiếu tá Mai Hoàng cho biết: Quãng đường di chuyển đến địa điểm phá án khiến lực lượng của ta hết sức vất vả. CBCS của ta phải đi bộ hơn 10 km đường rừng mang vác vũ khí, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ men theo đường mòn đèo dốc đến địa điểm tập kết vì trời mưa mù, đường trơn trượt, xe ôtô không vào được đến nơi.
Đến 20 giờ ngày 6/3/2015, toàn bộ lực lượng tham gia phá án đã sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cũng đã có mặt trực tiếp điều hành lực lượng phá án. Suốt hơn một ngày, một đêm, lực lượng của ta phải ém quân trong mưa mù, thức ăn chỉ có lương khô và nước lọc cầm hơi. Nhưng với quyết tâm tấn công tội phạm đến cùng, đến 20 giờ 30 phút ngày 7/3/2015, chúng ta đã truy kích, tiêu diệt 1 đối tượng, thu giữ 40 bánh hêrôin cùng nhiều súng, đạn.
Hay mới đây nhất, anh đã tham gia cùng CBCS trong đơn vị khám phá thành công chuyên án giết người dã man tại huyện Sông Mã, bắt được hung thủ gây án sau 5 ngày điều tra, xác minh, được nhân dân hết sức khen ngợi. Anh tâm sự, chính những năm tháng làm Bí thư Đoàn ở Công an huyện đã giúp tôi rất nhiều kỹ năng đặc biệt như kỹ năng tổ chức, quy tụ đồng chí, đồng đội làm sao là hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo giao phó.
Tối 25/3 vừa qua, tại Trường quay S1 – Truyền hình CAND (ANTV) đã diễn ra Lễ tuyên dương, trao giải thưởng “Thanh niên Công an tiêu biểu” lần thứ V và chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Tiếp bước anh hùng”, Thiếu tá Mai Hoàng lại thêm một lần nữa được vinh danh.
Vinh quang không chỉ nhận riêng mình, khiêm tốn và giản dị, Thiếu tá Mai Hoàng nói: Niềm vui này, chiến công này không thuộc về riêng tôi, nó thuộc về những người thủ trưởng luôn quan tâm, đào tạo lớp lính trẻ, những đồng đội luôn sát cánh bên tôi trong mỗi giờ chiến đấu đầy hiểm nguy, những người dân luôn ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi làm nhiệm vụ, cùng gia đình, người thân – những người luôn là hậu phương vững chắc cho chúng tôi mỗi khi ra trận…
Theo Công An Nhân Dân
Khi chị em làm trinh sát ma túy
Các chị em làm công tác trinh sát ma túy thường được mọi người gán cho cái tên thân thương là "ông", bởi khi vào trận, họ cũng dũng mãnh như nam giới.
Một lực lượng chiến đấu mà công việc cực kỳ vất vả, khó khăn, nhưng nếu không có các cán bộ nữ thì rất khó hoàn thành công việc: đó là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Bởi trong nhiều chuyên án ma túy đòi hỏi phải có nữ trinh sát thì mới có thể xâm nhập vào hang ổ của tội phạm, hoặc đeo bám, bắt giữ các đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy là nữ.
Các chị em làm công tác trinh sát ma túy thường được mọi người gán cho cái tên thân thương là "ông", bởi khi vào trận, họ cũng dũng mãnh như nam giới. Ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) từng vinh danh những nữ trinh sát như "ông Lý" (chị Nguyễn Thị Lý, nguyên Phó Phòng 1); "ông Ngân" ( Phạm Thị Ngân, nguyên cán bộ Phòng 2), "ông Hà" (Nguyễn Thu Hà, cán bộ Phòng 3)...
Đại tá Đàm Thị Lê, Trưởng phòng PC47, Công an tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Ở Điện Biên có "bông hoa thép" Ngô Thị Thủy, Phó Phòng PC47, Công an tỉnh Điện Biên. Vùng biên giới Cao Bằng có "nữ tướng" Đàm Thị Lê, Trưởng phòng PC47, nữ Trưởng phòng PC47 duy nhất trong cả nước... Họ đã từng tung hoành trong các trận đánh, đã vào tận... hang hùm bắt tội phạm và không ít lần trực diện với súng đạn và máu nhiễm HIV (vũ khí nguy hiểm của bọn tội phạm ma túy).
Đại tá Đàm Thị Lê, nữ chỉ huy của Phòng PC47, Công an tỉnh Cao Bằng rất giỏi võ thuật và bắn súng, chị đã từng có mặt trong một số cuộc thi bắn súng của lực lượng CAND.
Thượng tá Nguyễn Thị Lý, nguyên Phó Phòng 1, Cục C47 cũng thế, trong vụ triệt phá tụ điểm ma túy nhức nhối ở xóm liều Thanh Nhàn, một mình chị hai tay bắt giữ 2 đối tượng nữ, trong khi vẫn phải tránh những chai bia ném ra để giải cứu cho vợ từ chồng một đối tượng.
Trong tư thế vẫn kẹp chặt hai đối tượng, quỳ chân xuống để đỡ các chai bia ném liên tiếp, chị đã bị các mảnh chai vỡ đâm vào chân, gây chảy máu. Nhưng phải đến khi đưa hết các đối tượng lên xe đặc chủng của lực lượng Công an, thấy lành lạnh ở chân, nhìn xuống, chị mới thấy máu chảy từ lúc nào...
Có người nghĩ rằng, làm nữ trinh sát ma túy thì khó có một hình thức... mềm mại. Nhưng nếu nhìn Đại tá Đàm Thị Lê, bạn sẽ hiểu rằng, suy nghĩ của mình chưa đúng. Chị có suối tóc dài mềm mại và giọng hát rất hay. Nếu nhìn chị hát, khó ai hình dung ra đó là một "nữ tướng" của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đã từng vật lộn với một gã trùm buôn ma túy to cao, đá tung khẩu súng AK trong tay gã và khóa tay an toàn tên tội phạm. Nhưng là phụ nữ, bên cạnh bản lĩnh và bàn tay thép trong việc truy bắt và xử lý tội phạm, Đại tá Đàm Thị Lê vẫn có những trăn trở và cách làm án theo kiểu... phụ nữ.
Chị cho biết, Cao Bằng là một tỉnh biên giới có hơn 300km đường biên, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội... thường móc nối với các đối tượng tại Cao Bằng hình thành đường dây khép kín, hoạt động với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng...
Tất cả những điều đó luôn là trăn trở của lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, đòi hỏi chị và đồng đội phải luôn bám sát địa bàn, làm tốt công tác nắm tình hình, bóc gỡ từng đường dây, triệt xóa các điểm bán ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nghiêm khắc của những người làm công tác bảo vệ pháp luật thì chị và đồng đội còn có sự mềm dẻo, thấu lý đạt tình, kiên trì phân tích để các bị can nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.
Trong những năm qua, bản thân chị Lê đã vận động được nhiều quần chúng, các đối tượng đã từng có hành vi phạm tội quay trở lại làm ăn lương thiện, làm cơ sở tai mắt cho lực lượng Công an, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, khám phá nhiều đường dây mua bán ma túy lớn.
Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, bản thân chị Lê đã trực tiếp cùng anh em trong đơn vị phát hiện bắt giữ, điều tra 130 vụ với 185 bị can phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ gần 200 bánh heroin, 20kg ma túy dạng đá, 1.860 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí phương tiện tài sản khác có liên quan.
Gần đây nhất, vào ngày 5/2, chị Lê đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phát hiện, bắt giữ 156 bánh heroin do Triệu Đức Hanh, 46 tuổi, trú tại xã Bằng Vân (Ngân Sơn, Bắc Kạn) vận chuyển. Với chiến công này, đơn vị đã được Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen, UBND tỉnh tặng bằng khen.
Đối với nam giới, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đã vô vàn khó khăn. Đối với những nữ chiến sỹ Công an trên mặt trận ấy, khó khăn thách thức còn nhân lên gấp bội. Đó là những chuyến công tác dài ngày, bao lần đối mặt với bọn tội phạm côn đồ, liều lĩnh, áp lực công việc đã khiến nữ trinh sát ma túy - những người vợ, người mẹ trong gia đình phải thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư. Đó là sự đe dọa trả thù của bọn tội phạm, không chỉ với họ, mà còn với gia đình, con cái họ. Đó là nỗi lo lắng khi chẳng may bị dính máu của bọn tội phạm nhiễm căn bệnh HIV/AIDS...
Song vượt lên trên tất cả, các chị luôn kiên định với nghề nghiệp mình đã chọn, khắc phục mọi khó khăn, không ngại hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng đồng đội lập nên thành tích xuất sắc, góp phần giữ gìn bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà. Họ như những bông hoa đẹp của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, của lực lượng Công an, lặng lẽ tỏa hương, lặng thầm cống hiến.
Đối với các nữ Cảnh sát ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ngành giao phó, họ phải hy sinh hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí đôi khi họ không thể làm được những công việc bình dị nhất của một người vợ, người mẹ. Mỗi nữ Cảnh sát trong một lực lượng chiến đấu lại có những vất vả, gian truân và hy sinh riêng.
Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin được điểm về công việc của những nữ cảnh sát ở một số lĩnh vực như: trinh sát ma túy, quản giáo ở trại giam, cảnh sát cơ động... để bạn đọc có thể hiểu được rằng, họ đã và đang nỗ lực chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của người dân...
Theo Công An Nhân Dân
Mỹ thừa nhận thất bại trong cuộc chiến chống ma túy ở Afghanistan Cuộc chiến tranh chống ma túy của Mỹ ở Afghanistan đang thất bại nặng nề, CNN dẫn báo cáo của một cơ quan giám sát chính phủ Mỹ cho biết hôm 22/10. Mặc dù Mỹ đã chi 7,6 tỷ USD cho chiến dịch giảm sản xuất ma túy trên khắp Afghanistan, nhưng diện tích trồng cây thuốc phiển ở quốc gia này vẫn...