Bản lĩnh ‘ăn đứt vua’ của hoàng hậu Nam Phương
Những biến cố xảy ra cho thấy, xét cả về trí thông minh, bản lĩnh lẫn phẩm cách và lòng tự trọng, Nam Phương đều ăn đứt ông chồng hoàng đế.
Nam Phương Hoàng hậu khi ngoài 20 tuổi.
Trượng phu thua cả má hồng
Ông vua cuối cùng của Việt Nam được biết đến như một người lười biếng, ham chơi, phóng đãng, trụy lạc, ích kỷ, hời hợt, dễ dao động… Người ta có thể chê bai rất nhiều về Bảo Đại, nhưng lại ít tìm ra những điểm đáng phê phán ở Nam Phương. Bà được khen là người phụ nữ thông minh, sâu sắc, cá tính, trầm tĩnh, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với những người được diện kiến, cả người Việt lẫn người Pháp.
Tuy cùng độ tuổi, cùng có vẻ ngoài đẹp đẽ, cùng là “dân Tây học”, thích thể thao, dã ngoại… nhưng tính cách đôi vợ chồng vương giả này lại trái ngược nhau. Nếu như Bảo Đại hướng ngoại, mê ăn chơi hưởng thụ thì Hoàng hậu Nam Phương hướng nội, thích đọc sách và nghiền ngẫm. Nếu như Bảo Đại sẵn sàng vứt đi ngôi vị, miễn vẫn được ăn sung mặc sướng, đánh bạc, chơi gái thì Nam Phương lại thích uy quyền và có tham vọng chính trị.
Cuộc hôn nhân của Bảo Đại và Nam Phương có bàn tay sắp đặt của người Pháp nên hoàng hậu thường bị cho là người của Pháp. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, Pháp không “nắm” được Nam Phương, không điều khiển được bà. Mỗi lần Bảo Đại căng thẳng với Pháp vì bị ép ký những văn bản có lợi cho “mẫu quốc” và có hại cho nước Việt, ông thường tâm sự với vợ, vì biết bà Nam Phương sẽ có cách cư xử khôn khéo. Biết vị thế của chồng rất khó để chấp nhận hay từ chối thẳng thừng, hoàng hậu khuyên mỗi khi gặp chuyện khó xử như vậy với người Pháp, nhà vua nên kiếm cớ đi săn hay du lịch xa để tránh đi ít ngày.
Sau khi thoái vị và nhận chức cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bảo Đại vẫn mặc kệ thế sự, mặc sức ăn chơi trác táng để giải sầu. Hết tiền, ông ta sẵn sàng vay hết người nọ đến người kia, các thế lực chính trị “xôi thịt” chỉ cần cho Bảo Đại tiền tiêu xài là ông ta dễ dàng bị lung lạc, ngả theo phía họ, chẳng quản gì đến thể diện của một người từng ngồi trên ngai vàng. Một phần trong cuốn “Giai thoại và sự thật về Bảo Đại – ông vua cuối cùng triều Nguyễn” của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành cũng đã thể hiện rất rõ khía cạnh ăn chơi của vị vua cuối cùng này.
Còn vợ ông, khi biết tin Pháp tái xâm lược Việt Nam đã gửi một thông điệp cho bạn bè là những nhân vật quan trọng ở châu Á: “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ.
Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Video đang HOT
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh, chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”. Bức thư này được cho là được gửi đến cả tổng thống Mỹ Truman để nhờ can thiệp.
Khi “Tuần lễ vàng” được khai mạc ở Huế, bà Nam Phương đến dự, thay vì ăn mặc giản dị như vẫn làm từ hồi chồng thoái vị, bà gây ngạc nhiên khi mặc trang trọng, đội khăn vàng, đeo kiềng vàng trên cổ, tai đeo bông vàng, trên cổ tay đeo hai đôi xuyến vàng, 10 đầu ngón tay có mười chiếc nhẫn. Mấy bà mệnh phụ khẽ hỏi: “Bây giờ Cách mạng rồi, Ngài còn ăn diện làm chi rứa?” nhưng cựu hoàng hậu không nói. Sau lễ khai mạc, được mời lên ủng hộ đầu tiên, cựu hoàng hậu đứng trước chiếc bàn, từ từ cởi toàn bộ đồ trang sức trên người để quyên góp, lúc đó các bà kia mới hiểu.
Sau đó, bà Nam Phương nhận lời làm chủ tọa tuần lễ vàng ở Huế, kêu gọi quyên góp được 925 lượng vàng. Bà còn kêu gọi quyên quần áo, chăn màn cho những người lao động nghèo đang thiếu mặc trong mùa đông gió rét. Biết bà Nam Phương đã quyên hết nữ trang, cụ Hồ có gửi tặng 10.000 đồng để gia đình ăn Tết. Nhưng cựu hoàng hậu đã trao hết số tiền cho các bà xơ để tổ chức Tết cho trẻ mồ côi.
Nam Phương Hoàng Hậu và 2 con (Hoàng tử Bảo Long và công chúa Phương Mai)
Khác với ông chồng sẵn sàng vì khoái lạc bản thân mà tung hê mọi thứ không mảy may suy nghĩ, Nam Phương luôn cân nhắc kỹ mọi quyết định, không để những khao khát, nguyện vọng của mình gây hậu quả không tốt. Hồi Bảo Đại làm cố vấn ở Hà Nội, bà biết rõ ông ta trăng hoa bồ bịch, cũng rất muốn đến chung sống để quản chồng.
Thế nhưng khi Chính phủ cụ Hồ đưa ra đề nghị đón bà và các con ra Hà Nội đoàn tụ, bà đã từ chối: “Hiện nay ông Cố vấn một mình ở Hà Nội, với phong cách và lối sống của ông, Nhà nước chu toàn cho đầy đủ cũng phải tốn kém lắm rồi. Hơn nữa chính phủ mới thành lập, trăm nghìn việc phải tốn kém bao nhiêu, cần tránh những gánh nặng khác. Tôi và 4 con tôi trong này, sống tạm đủ. Với cuộc sống bình thường, chúng tôi vẫn có khả năng tự lo liệu cũng được. Nếu mẹ con chúng tôi ra sống chung với ông Cố vấn, Nhà nước phải tốn kém gấp đôi, tôi nghĩ như vậy là không đúng”. Không thể biết động cơ từ chối của bà thực sự là gì, nhưng chừng đó cũng đủ thấy người phụ nữ này sâu sắc và chín chắn hơn người.
Tham vọng chính trị của bà Nam Phương
Bảo Đại làm vua mười mấy năm nhưng không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng vợ ông, theo các nhà nghiên cứu, lại rất muốn tham gia và tạo ấn tượng trong địa hạt này. Khi không còn ngôi hoàng hậu, bà Nam Phương vẫn muốn tận dụng các cơ hội để bước chân vào các hoạt động xã hội. Việc bà gửi thông điệp tố cáo thực dân Pháp hay tham gia tuần lễ vàng một cách nổi bật, bên cạnh lòng yêu nước, cũng không loại trừ khả năng bà muốn xây dựng hình ảnh một nhà hoạt động xã hội nữ có xuất thân đặc biệt.
Sau Cách mạng tháng Tám, báo Quyết Tiến từng cử nhà báo Trần Thanh Địch và nhà thơ Chế Lan Viên đến phỏng vấn bà Nam Phương. Trong số các câu hỏi (mà đa số là về cựu hoàng), bà tỏ ra hứng thú, say sưa nhất khi trả lời về vai trò phụ nữ khi nước nhà độc lập và dự định của bà tham gia công tác xã hội: “…Trong khi nước nhà đã hoàn toàn độc lập, tôi thấy rằng giới phụ nữ cũng phải đảm đang công tác xã hội, không công việc này thì công việc khác, tùy sức tùy tài mà tham gia…” Nghe đến đây, nhà báo ngắt lời, nhưng bà Nam Phương giơ tay ngăn lại và nói tiếp: “Ngày nay nước nhà độc lập rồi, tất cả chị em phụ nữ khắp ba kỳ đều có bổn phận chung vai gánh vác tùy sự phân công của Nhà nước mình. Tui cũng đang sẵn sàng chờ đợi. Mỗi khi biên thư ra ông Cố vấn, tui đều có kể đến chuyện này”.
Nam Phương Hoàng hậu khi mới vào Hoàng cung và khi đã ngoài 30 tuổi.
“Chúng tôi rất vui mừng thấy chị em đã tiến rất mau trên con đường cứu nước. Từ trong nội mới dọn sang, nhà cửa xếp đặt chưa xong, hiện nay tôi chưa làm gì được nhiều, song nay mai khi nào chị em có việc gì cần đến tôi, tôi sẽ rất sung sướng mà gánh lấy một phần công việc”.
Cho dù Bảo Đại đã thoái vị, dường như bà Nam Phương vẫn ấp ủ hy vọng một ngày nào đó sẽ lấy lại được ngôi báu. Trong lá thư gửi tình địch Lý Lệ Hà đang “chăm sóc” chồng mình ở Hong Kong, bà viết: “Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau”.
Tham vọng chính trị của cựu hoàng hậu cũng đặt vào con trai đầu là Bảo Long. Phải rời đất nước ra đi, Nam Phương luôn hy vọng nếu không phải chồng thì con trai sẽ quay về làm vua. Giữa năm 1949, Pháp đưa Bảo Đại về Việt Nam làm quốc trưởng.
Năm 1954, dưới sức ép của Mỹ, Bảo Đại phải cử Ngô Đình Diệm về Sài Gòn lập Chính phủ mới. Diệm hứa với bà Nam Phương sau khi lên làm thủ tướng sẽ đưa Bảo Long lên ngôi, thiết lập nền quân chủ lập hiến, bà Nam Phương sẽ làm phụ chính đại thần. Vì lời hứa đó, bà hoàng đã định về nước, nhưng người Pháp đã ngăn cản vì không muốn bà hợp tác với Mỹ.
Sự “lỡ dở” này hóa ra lại là điều may mắn cho Nam Phương. Bởi nếu về nước, bà chẳng những không có được ngôi vị như mong đợi mà còn chuốc lấy nỗi ê chề khi Ngô Đình Diệm trở mặt. Họ Ngô sau khi “chắc chân” ở miền Nam đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình phản đối bà Nam Phương để làm nhục bà, qua đó hạ nhục Bảo Đại.
Bức hình được chụp năm 1950.
Sau lần thất vọng đó, dường như mọi huyễn tưởng của cựu hoàng hậu cũng tiêu tan. Bà an phận sống kiếp tha hương trong suốt những ngày đời còn lại.
Không chỉ là hoàng hậu Tây học duy nhất, Nam Phương còn là đệ nhất phu nhân đầu tiên cùng chồng tiếp đón các nguyên thủ quốc gia khác hoặc tháp tùng trong các chuyến công du ngoại quốc. Không chỉ có mặt cho đúng phép ngoại giao, với khả năng nói tiếng Pháp hoàn hảo, kiến thức và sự tinh tế, thanh lịch, khéo léo trong giao tiếp, bà để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng các vị khách, như quốc vương Soupha Vangvong của Lào, quốc vương Sihanouk của Campuchia… Trong chuyến thăm đất nước Chùa Tháp, bà Nam Phương đã trò chuyện với hoàng hậu nước này rất tương đắc, được tiếp đón nồng hậu. Nam Phương cũng là hoàng hậu đầu tiên tham gia công tác xã hội, từ thiện như thăm cô nhi viện, trường nữ sinh Đồng Khánh, tham dự lễ phát thưởng cho học sinh giỏi ở Huế. Bà cũng từng đề xuất đem môn Gia chánh Nữ công vào chương trình trung học. Toàn quyền Decoux từng hết lời khen ngợi bà Nam Phương là người đức hạnh, nề nếp, một sự tổng hợp hài hòa của hai nền văn hoá, văn minh Đông -Tây, là viên kim cương tỏa sáng giữa cung điện Huế, mang lại sự tươi trẻ, hiện đại, văn minh kiểu phương Tây.
Theo Xahoi
Hoàng tử cuối cùng của triều Nguyễn qua đời
Hoàng tử Vĩnh Diêu - vị hoàng tử cuối cùng của triều Nguyễn - vừa qua đời tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi, thi thể được hỏa táng tại Mỹ.
Hoàng tử Vĩnh Diêu (áo sọc trắng) trong một lần về Huế - Ảnh chụp tại lễ Húy kỵ vua Thành Thái năm 2010 - điện Long Ân, An Lăng, Huế
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (đại diện tại Thừa Thiên - Huế) cho biết, hoàng tử Vĩnh Diêu (Vĩnh Giêu), vị hoàng tử cuối cùng của triều Nguyễn vừa qua đời tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ lúc 12h (giờ Việt Nam) ngày 12/2. Hoàng tử Vĩnh Diêu hưởng thọ 90 tuổi, thi thể được hỏa táng tại Mỹ.
Hoàng tử Vĩnh Diêu là con trai thứ 21 của vua Thành Thái, tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Diêu, là vị hoàng tử cuối cùng trong số các hoàng tử của 13 đời vua triều nhà Nguyễn, được công nhận tước vị chính thức khi vua cha còn trị vì.
Hoàng tử Vĩnh Giêu (ngồi) chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh
Hoàng tử Vĩnh Diêu là con trai vua Thành Thái (1879 - 1954). Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889, bị giặc Pháp ép thoái vị năm 1907. Vua Thành Thái là một trong 3 vị vua chống Pháp quyết liệt, bị đày sang châu Phi cùng với vua Hàm Nghi và vua Duy Tân. Vua Thành Thái qua đời năm 1954 và thi hài được chôn tại An Lăng (đường Duy Tân, TP.Huế).
Vua Thành Thái có nhiều vợ, có 22 hoàng nam, 26 hoàng nữ (sống ở cả trong nước và hải ngoại), trong đó có Nguyễn Phước Vĩnh San (vua Duy Tân). Theo ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, Trưởng ban liên lạc và đối ngoại Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, hoàng tử Vĩnh Diêu sống ở Mỹ từ lâu, đời sống khó khăn và có ít con.
Theo Xahoi
Dòng sông ngầm trên núi Hang Chùa Trên Núi Hang Chùa, thuộc xóm Á Đồng, xã Yên Trị, huyệnYên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích của nền "Văn hóa Hòa Bình". Trên núi Hang Chùa còn mang nhiều điều huyền bí về căn hầm thời chiến và dòng sông ngầm không bao giờ cạn... Nơi lưu giữ vết tích nền "Văn hóa Hòa Bình"...