Bản đồ châu Âu xuất bản năm 1827 minh chứng chủ quyền Việt Nam
Bản đồ châu Âu xuất bản năm 1827 minh chứng chủ quyền Việt Nam vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tiếp nhận và công bố hôm nay 13.5 tại Hà Nội.
Bộ bản đồ atlas thế giới của Philippe Vandermaelen được nhận định có giá trị quan trọng trong khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong bộ atlas được xuất bản năm 1827 này có tấm bản đồ Partie de la Cochichine.
“Tấm bản đồ này cùng tổng thể bộ atlas là một bằng chứng cực kỳ giá trị để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, ông Ngọc cho biết.
Ông Nguyễn Quang Ngọc cũng chính là người có công trong việc cùng các cộng sự phát hiện và đưa bộ atlas này về Việt Nam.
Theo ông Ngọc, Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.
Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.
Mảnh bản đồ mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18 – 21 và kinh độ 106 – 114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18 – Ảnh: Tr.Sơn
Điều đặc biệt là có nhiều thư viện lớn ở châu Âu, châu Mỹ, thậm chí đã được ĐH Princeton (Hoa Kỳ) số hóa và đưa lên internet. “Như vậy tính khách quan và khoa học của nó đã được khẳng định và dễ dàng kiểm chứng cho tất cả mọi người”, ông Ngọc nói.
Trong bộ atlas này, Việt Nam được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Partie de la Cochichine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16.
Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 – 17 và kinh độ từ 109 – 111. Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam).
Video đang HOT
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc cho biết các mảnh bản đồ về Trung Quốc trong tập atlas này cũng thể hiện rõ xác định đảo Hải Nam là vùng cực nam lãnh thổ Trung Quốc.
Cụ thể, tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18 – 21 và kinh độ 106 – 114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18.
Theo ông Ngọc, tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18.
“Điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas, mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được thể hiện trong Partie de la Cochinchine”, giáo sư Ngọc nói.
Bộ trưởng Bộ TT-TT tiếp nhận bản đồ châu Âu xuất bản năm 1827 – Ảnh: Tr.Sơn
Chuyến khảo sát kỷ lục
Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, từ những phát hiện ban đầu của một đồng nghiệp Việt Nam đang làm nghiên cứu tại Paris (Pháp), Bộ TT-TT đã tạo điều kiện để ông mở rộng khai thác nhiều nguồn thông tin liên quan đến bộ atlas.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc và tập bản đồ atlas Philippe Vandermaelen – Ảnh do GS Ngọc cung cấp
Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO, Giáo sư Ngọc đã có chuyến đi khảo sát 5 bộ Atlas hiện đang nằm ở các thư viện Quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, thư viện trường Đại học Y Paris.
Sau khi thảo luận và thống nhất đánh giá với các chuyên gia Địa lý học, Bản đồ học, Sử học, Luật học, Thư viện học ở Paris, Bruxelles để có cơ sở xác định bộ Atlas Thế giới của Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ là bộ gốc xuất bản tại Bruxelles năm 1827.
Có được những thông tin quan trọng này, ông Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO, đã quyết định tài trợ mua trọn bộ 6 tập Atlas Thế giới để tặng lại Nhà nước, làm dầy dặn thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Kể từ lúc có những thông tin ban đầu về bộ atlas đến khi mua về Việt Nam tất cả chỉ mất khoảng một tháng. Đây là điều chưa từng xảy ra với ông Ngọc từ khi ông tham gia công tác nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo từ năm 1993 đến nay.
Ông Ngọc cho biết, bình thường nếu xin kế hoạch đi nghiên cứu có thể sẽ mất cả năm, nghiên cứu xong lại phải tính có tiền mua hay không. Giả sử được phép mua về cũng có thể mất hàng năm nữa. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà tài trợ chắc chắn mọi việc không tiến triển nhanh như vậy.
“Tôi thực sự cảm kích tấm lòng và sự hỗ trợ của anh Dũng để đem về cho quốc gia một tài sản quý liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Ở châu Âu họ còn lưu trữ nhiều ấn bản nên đồng ý bán cho mình. Về đến Việt Nam rồi thì đây là tài sản vô giá.
Nó không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, ông Ngọc xúc động nói.
Năm 1827 Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris xuất bản bộ Atlas Thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.
Bộ Atlas được hoàn chỉnh trên cơ sở những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất và được vẽ thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5X37cm, có thể được ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,755m.
Đây là một cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển trội vượt cuả công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX. Đã gần 200 năm nay, bộ Atlas đã trở nên hết sức nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. (Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc)
Theo TNO
Trung Quốc đe dọa quân sự
Ngoài 3 tàu quân sự hiện diện trong khu vực giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã huy động nhiều tốp máy bay hải cảnh, máy bay quân sự nhằm đe dọa lực lượng chấp pháp VN. Hành động leo thang này không chỉ làm tình hình thêm căng thẳng mà còn đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn của tuyến đường hàng hải trên biển Đông.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Ảnh: Minh Hải
Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều qua (9.5), Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết: Ngày 9.5 tình hình tại khu vực Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan HD-981 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê của lực lượng CSBVN, trên biển chính thức phát hiện 79 tàu thuộc 6 lực lượng của TQ hoạt động quanh khu vực giàn khoan.
Đưa tàu chiến và máy bay quân sự ra khu vực giàn khoan
Cụ thể có 3 tàu quân sự (gồm một tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 354, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 752 và 753) và 39 tàu chấp pháp (36 tàu hải cảnh, 3 tàu hải tuần). Bên cạnh đó là 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí và 12 tàu cá. Ngoài lực lượng này phía TQ cũng có đội tàu dự bị ở tuyến sau sẵn sàng thay thế hỗ trợ.
Theo thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, qua theo dõi có thể nhận thấy TQ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho hoạt động này. "TQ chủ động vi phạm, chuẩn bị phương án tỉ mỉ. Trong tuần qua họ luôn duy trì từ 70 đến 80 tàu hoạt động quanh khu vực giàn khoan HD-981. TQ đã có các hành động ngang ngược, chủ động va chạm, gây những thiệt hại cho lực lượng thực thi pháp luật của VN", thiếu tướng Đạm cho biết.
Tướng Đạm cũng cho biết trong quá trình ngăn cản tàu thực thi pháp luật của VN, phía TQ ngoài việc đưa ra những lời lẽ có tính chất răn đe, dọa nạt đã chủ động đâm va, dùng vòi rồng áp suất cao bắn vào các tàu VN gây ra nhiều thiệt hại cho tàu và các phương tiện, thiết bị hàng hải của VN. Đặc biệt nghiêm trọng là các hành động này đã làm một số cán bộ kiểm ngư của VN bị thương.
Nếu hành động vi phạm của TQ tiếp tục diễn ra chắc chắn tuyến đường hàng hải qua khu vực sẽ bị thu hẹp lại. Đây là điều VN không mong muốn
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển VN
Theo tướng Đạm, việc TQ điều tàu hải quân ra khu vực này đã làm tình hình thêm căng thẳng. Hành động đe dọa quân sự này cũng đã vi phạm những quy định chung. Bên cạnh đó lực lượng CSBVN cũng đã phát hiện nhiều tốp máy bay của TQ hoạt động trong khu vực này. Có những máy bay hải cảnh bay áp sát tàu VN ở độ cao 200 - 300 m.
Đáng lưu ý là những ngày qua cũng phát hiện những tốp máy bay quân sự xuất phát từ căn cứ Du Lâm đến khu vực này. "Đây cũng là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm (căn cứ hải quân Du Lâm đặt tại Tam Á, thành phố cực nam thuộc đảo Hải Nam của TQ. Đây được cho là căn cứ tàu ngầm của TQ - TN)", tướng Đạm cho biết.
An ninh hàng hải đang bị đe dọa nghiêm trọng
Tướng Đạm khẳng định, việc TQ đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển VN là vụ việc nghiêm trọng nhất trong những vụ vi phạm của TQ đối với vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Hành động của TQ không chỉ gây phức tạp tình hình liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN mà còn vi phạm luật pháp quốc tế mà TQ và VN đều tham gia, đặc biệt là Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông.
Trung Quốc đã đưa 6 lực lượng tàu ra khu vực giàn khoan - Ảnh: Mai Thanh Hải
Ông cũng lưu ý, hành động này của TQ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường an ninh hàng hải. Trong quá trình xảy ra vụ việc có rất nhiều tàu container, tàu vận tải đi qua khu vực này. "VN rất lo ngại sự ảnh hưởng an toàn, an ninh cho các phương tiện này. Nếu hành động vi phạm của TQ tiếp tục diễn ra chắc chắn tuyến đường hàng hải qua khu vực sẽ bị thu hẹp lại. Đây là điều VN không mong muốn", tướng Đạm nói.
Vững lòng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Trong những ngày qua lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư rất vững lòng yên tâm công tác. Chúng tôi đã được đồng bào cả nước hướng về, ủng hộ. Qua báo chí cho phép chúng tôi thay mặt lực lượng CSBVN cảm ơn tấm lòng, sự ủng hộ của nhân dân cả nước đã giúp đỡ cả vật chất tinh thần để động viên lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư viên để thực hiện hết trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền và tiếp tục vững vàng, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ. (Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm)
Lực lượng chấp pháp của VN ngăn chặn hoạt động xâm phạm của TQ như thế nào ? Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết: "CSBVN và Kiểm ngư là lực lượng thực thi pháp luật của VN và các điều ước quốc tế mà VN tham gia. Do vậy các lực lượng của chúng tôi phải có trách nhiệm với tinh thần vững vàng nhất, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo đầy đủ chủ quyền, quyền tài phán của VN trên vùng biển của mình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSBVN và Kiểm ngư đã triển khai nhiều biện pháp với điều kiện phù hợp nhất để bảo vệ quyền lợi của mình, thể hiện là lực lượng thực thi pháp luật. Các hoạt động này được thực thi để cho TQ thấy họ phải tôn trọng pháp luật của VN cũng như các điều ước quốc tế mà cả VN và TQ đã công nhận và tham gia. Phương châm của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư VN thời gian qua là rất kiên quyết nhưng kiềm chế. Chúng tôi không có trường hợp nào chủ động đâm vào các tàu TQ mà chỉ có phía TQ chủ động đâm vào tàu VN. Đặc biệt lực lượng chấp pháp của VN hết sức kiềm chế mặc dù trên tàu có đầy đủ những phương tiện để đáp trả như vòi rồng cũng như các trang bị khác. Thông tin mà phía TQ đưa ra là các tàu VN đã có 171 lần đâm vào tàu TQ trong những ngày qua là hoàn toàn sai sự thật. Lực lượng của VN chủ yếu tuyên truyền, khẳng định cho lực lượng trên thực địa của TQ thấy đây là vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của VN. Yêu cầu TQ phải tôn trọng pháp luật, chủ quyền, quyền chủ quyền của VN cũng như tôn trọng quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Yêu cầu TQ rút khỏi vùng này vô điều kiện. Đồng thời phải từ bỏ ngay những hành động hung hăng, ngang ngược, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và hoạt động chấp pháp của VN".
Theo TNO
Thái Lan thừa nhận sai sót trong việc đối xử không công bằng với khách Việt Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết ngày 8.5.2014 Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận được công hàm 57001/292 ngày 7.5.2014 của Đại sứ quán (ĐSQ) Thái Lan tại Hà Nội trả lời công hàm của Cục Lãnh sự về việc công dân Việt Nam bị phân biệt đối xử khi làm thủ tục nhập cảnh. Ảnh minh họa Cùng ngày,...