Bản đồ ẩm thực: Mộc mạc bánh tráng phơi sương và muối ớt trứ danh đất Tây Ninh
Nhắc đến vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió, người ta không thể không nhớ đến đặc sản bánh tráng phơi sương và một thứ gia vị độc đáo: muối ớt Tây Ninh.
Bánh tráng phơi sương là đặc sản nổi tiếng của huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh bởi độ mềm và dẻo của bánh. Bánh ngon nhờ độ mặn vừa phải, màu trắng đục, bề mặt có những hạt bong bóng lấm tấm nổi do được nướng trước khi phơi sương. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trao chứng nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016.
Nguyên liệu làm bánh tráng phơi sương đơn giản gồm bột gạo, nước và muối. Thế nhưng, quy trình thực hiện lại công phu và mất nhiều thời gian mới cho ra lò một chiếc bánh tráng phơi sương chuẩn vị. Người làm bánh đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi tráng, nướng và phơi bánh.
Việc lựa chọn gạo được xem là phần quan trọng nhất để làm ra được một chiếc bánh tráng phơi sương chất lượng. Theo đó, gạo phải là gạo mới, gạo ngon và không pha trộn và cảm nhận được mùi thơm đặc trưng. Xay gạo đạt tiêu chuẩn, không quá đặc hoặc lỏng rồi cho thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn.
Đặc biệt, bánh thường được tráng hai lớp, để khi nướng không cháy, cuốn không rách. Bánh vừa chín, còn ướt được đem ra ngoài nắng phơi khô. Tiếp đến, bánh sẽ được nướng sơ với lửa nhỏ (đốt bằng vỏ đậu phộng) đến lúc thấy mặt bánh nổi những hạt bong bóng li ti và ngả sang màu trắng đục. Nếu tận mắt chứng kiến người ta làm bánh, thị giác sẽ hoa lên vì thấy đôi bàn tay tốc độ và thao tác liên tục như nghệ sĩ biểu diễn.
Cuối cùng, xếp bánh lên giàn và phơi sương trong thời gian nhất định vào tờ mờ sáng. Người phơi bánh phải “thức” cùng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ ẩm là xếp lại bỏ vào trong bao, lót lá chuối ngay nhằm giữ độ mềm, xốp.
Bánh tráng phơi sương Tây Ninh có vị ngon thấm đẫm hương của đất trời cũng như đậm chất mộc mạc, giản dị của con người nơi đây. Những chiếc bánh tráng phơi sương mềm dẻo, cuốn cùng lát thịt heo và ít rau sống các loại rồi chấm với nước chấm chua cay, thử qua một miếng hương vị như lan tỏa trong miệng, cứ muốn ăn mãi không thôi.
Ngoài bánh tráng phơi sương nức tiếng gần xa thì muối ớt Tây Ninh cũng khiến nhiều thực khách xuýt xoa mỗi khi nghĩ đến. Quả thật, một lần thưởng thức muối Tây Ninh với các loại trái cây chua chua, giòn giòn thì ai cũng phải quyến luyến dài lâu.
So với muối tôm nổi tiếng không kém, muối ớt không có tôm và có giá bán thấp cũng như ứng dụng vào ẩm thực nhiều hơn. Muối ớt Tây Ninh được sử dụng để làm gia vị chấm kèm cùng trái cây có vị chua hoặc các món thịt luộc, thịt nướng… Ngoài ra, nó cũng được dùng để tẩm ướp hoặc nấu với các món ăn hấp dẫn như cua rang muối, mực nướng muối ớt, bánh mì nướng muối ớt… đều cho hương vị thơm ngon, đặc biệt.
Video đang HOT
Độ ngon của muối nằm ở sự chế biến tỉ mỉ và công phu của người thợ. Nguyên liệu chính của muối ớt Tây Ninh chỉ có muối, ớt, bột ngọt, cà rốt, tỏi… được chọn lọc kỹ lưỡng, xay nhuyễn rồi đem phơi khô hoặc rang lên.
Người dân Tây Ninh nhập nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác rồi chế biến theo một công thức riêng để làm ra loại muối có màu gạch, hương vị độc đáo và mùi thơm nồng. Muối có vị cay đậm đà nhưng vừa phải, đủ bùng nổ mọi giác quan, dư vị đọng lại rất lâu trong miệng.
Ngoài ra, muối ớt Tây Ninh kết hợp bánh tráng phơi sương sẽ tạo thành món bánh tráng trộn ngon “khó cưỡng” được giới trẻ ưa chuộng. Đa phần du khách ghé thăm Tây Ninh sẽ không bao giờ quên chọn bánh tráng phơi sương hay muối ớt Tây Ninh làm quà cho người thân, bạn bè của mình.
Món ăn vặt ngon "thần sầu" ai đoảng đến mấy cũng có thể làm được
Bánh tráng cuốn từ lâu đã trở thành món ăn vặt vạn người mê ở miền Nam. Những năm gần đây, món này cũng đang dần trở thành món tủ của các tín đồ ẩm thực phía Bắc.
Nguyên liệu:
- Xoài (nên chọn xoài Thái để có độ giòn và không quá chua)
- Ruốc (chà bông)
- Trứng cút luộc
- Con ruốc (một loại tép, có thể mua ở siêu thị)
- Mỡ hành
- Muối ớt Tây Ninh (loại không mặn nhiều, dùng để trộn bánh tráng)
- Hành phi
- Rau răm
- Bánh tráng (bánh đa) loại mỏng
Nguyên liệu làm nước chấm:
- Me vắt
- Đường.
- Nước mắm ngon
- Ớt
Cách làm:
Làm cuốn bánh tráng:
Trải bánh tráng lên một chiếc đĩa khô sạch. Nếu bánh tráng quá khô, bạn có thể xịt chút nước lên bề mặt bánh tráng trước rồi cho lần lượt các nguyên liệu lên bánh tráng và cuốn chặt tay.
Làm nước chấm:
Cho me vào nồi cùng nửa bát con nước.
Nấu cho nước me sôi, thêm đường, nước mắm và chút ớt cho có vị chua ngọt vừa ăn là được.
Trình bày:
Bày bánh tráng ra đĩa, cắt mỗi cuốn thành 2 - 3 phần rồi cho chút sốt mayonnaise lên mặt bánh.
Mẹo làm tokbokki từ bánh tráng Trong mùa dịch, hội yêu bếp nghĩ ra đủ biến tấu với bánh tráng. Bỏ qua công đoạn nhồi bột cầu kỳ, bạn có thể chế biến món bánh gạo Hàn Quốc từ nguyên liệu thuần Việt này.