Bản đồ ẩm thực: Mát lòng bánh ướt An Lạc đất Quảng Trị
Mang dấu ấn của ẩm thực miền Trung, bánh ướt An Lạc “ghi điểm” trong lòng thực khách bằng hương vị đậm đà và màu sắc bắt mắt. Nhiều người thường đùa rằng, đến Quảng Trị mà chưa nếm thử món ăn này nghĩa là chưa thực sự trải nghiệm văn hóa ẩm thực nơi đây.
Sở dĩ, món ăn có tên gọi là bánh ướt An Lạc bởi nó được làm ra từ những người con của mảnh đất An Lạc, nay thuộc phường Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị. Món ăn là sự kết hợp hài hòa giữa độ tươi ngon của nguyên liệu và sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm bánh.
Theo đó, bánh ướt An Lạc được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như gạo, tôm, thịt, các loại rau sống… cùng thành phần chính không thể thiếu là bánh ướt (hay còn gọi là bánh mướt). Để cho ra đời những mẻ bánh thơm ngon, nóng hổi, người làm bánh phải chỉn chu và công phu trong từng khâu thực hiện. Muốn bánh ướt vừa mềm, vừa dai đòi hỏi gạo làm bánh phải có đủ độ thơm và dẻo; rồi sau khi ngâm trong nước, gạo được đem xay nhuyễn. Khi tráng bánh, người thợ phải thật khéo léo để bánh không bị chua và các lớp bánh không dính nhau.
Thịt cũng là thành phần quan trọng để làm nên nét đặc sắc của món ăn. Cụ thể, thịt ăn kèm bánh phải tươi, chắc và ngọt nước. Thực khách có thể lựa chọn giữa thịt luộc hoặc thịt nướng tùy theo khẩu vị của mình nhưng thịt nướng vẫn được mọi người yêu thích hơn cả.
Video đang HOT
Các miếng thịt được thái với độ dày vừa phải, tẩm ướp đầy ắp sả, gừng và gia vị. Vì thế, khi vừa đặt trên lớp than lửa, hương thơm của sả, gừng lập tức tỏa ra ngào ngạt, đánh thức khứu giác của thực khách xung quanh. Thịt sau khi nướng sẽ được cất vào trong một hộp lớn để giữ độ nóng và bán ngay trong ngày.
Linh hồn của món bánh ướt An Lạc nằm ở chén nước lèo đậm đà và béo ngậy. Chẳng giống như những loại nước chấm khác, nước lèo ở đây được làm từ tôm và thịt. Nước chấm sền sệt đặc biệt từ độ ngọt của tôm xay, độ ngậy của thịt heo, hòa cùng nước mắm biển đậm đà, nguyên chất và những tép tỏi được phi thơm phức khiến thực khách chỉ muốn thưởng thức mãi không thôi.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, 59 tuổi, ngụ ở Quảng Trị, chủ quán bánh ướt mở hơn 100 năm, chia sẻ “Nước chấm chính là yếu tố quyết định để làm nên sự khác biệt và tên tuổi của bánh ướt An Lạc. Không nơi nào trên đất nước có nước chén lèo đặc biệt như thế”. Có lẽ vì thế mà nhắc đến bánh ướt An Lạc, người ta liền nghĩ ngay đến loại nước lèo đặc biệt này.
Nhẹ nhàng đặt miếng thịt thơm ngậy lên bánh ướt, thêm chút rau sống và ớt xanh, cuộn tròn và chấm thật nhiều nước lèo. Cắn một miếng thật lớn, thực khách của thể cảm nhận ngay hương vị đậm đà và hòa quyện của món ăn.
Bánh ướt An Lạc chiều lòng cả những vị khách khó tính nhất bởi đằng sau mỗi thớ thịt, mỗi miếng bánh, mỗi muỗng nước chấm thơm ngon ấy là cái tâm, cái tình của những người làm ra nó. Nhiều người say mê món bánh ướt này không chỉ vì hương vị hấp dẫn mà còn vì sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây.
Bản đồ ẩm thực: Bánh ép thức quà bình dị đất cố đô
Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm ra một chiếc bánh ép Huế cũng khá công phu, không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân cố đô, bánh ép còn là một lựa chọn không thể bỏ qua của du khách khi đến Huế.
Đi dọc tuyến đường thành phố Huế, không khó để bắt gặp những quán bánh ép tấp nập thực khách từ đầu giờ chiều đến tận tối khuya. Chả biết từ bao giờ mà việc "đánh chén" vài chiếc bánh ép sau mỗi giờ tan học, tan làm đã trở thành thói quen của nhiều thế hệ người dân Huế.
Bánh ép Huế được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá... Trước khi ép, người thợ đã viên sẵn những cục nhỏ, đặt nhân thịt heo rim lên trên. Bánh không được ép sẵn bởi dễ mất đi độ nóng giòn nên phải chờ khi khách đến, người thợ mới bắt đầu đặt viên bột vào giữa hai khuôn gang nóng rực đã được bôi dầu.
Sau khi ép chặt 5 - 6 giây thì mở khuôn ra, thêm trứng và tiếp tục ép xuống vài giây. Trong khi thực hiện, người thợ thường phải lật 2 - 3 lần để bánh được chín đều. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm ra một chiếc bánh chín vàng đều, người thợ phải biết canh đúng thời điểm khuôn bánh nóng, ép lực vừa phải để đảm bảo độ giòn của bánh.
Đặc biệt, thứ tạo nên linh hồn cho món bánh ép Huế nằm ở phần nước chấm với nước mắm chua ngọt, ớt tỏi xay nhuyễn và nước tương. Bánh sau khi nướng xong có vị béo ngậy, nóng giòn ăn kèm với đu đủ chua ngọt, rau sống, dưa chuột cùng với vị cay xè, đậm đà của nước chấm khiến cho bất kỳ thực khách nào cũng đều phải "xiêu lòng" khi thưởng thức.
Ngày nay, bánh ép Huế được biến tấu đa dạng theo nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là cách ép bánh trong một thời gian dài đến khi khô giòn để tạo thành chiếc bánh ép khô. Đây được xem là một phiên bản đặc biệt của món bánh ép Huế bởi dù được ép lâu hơn nhưng bánh vẫn giữ được hương vị đậm đà của tôm thịt. Bên cạnh đó, bánh ép khô còn thích hợp để làm quà tặng cho người thân hay mang đi xa.
Du khách sau khi đã ghé thăm sông Hương, lăng tẩm, cung đình thì nên tìm đến những góc phố bán bánh ép để có thể cảm nhận được hương vị đậm đà, tinh tế ẩn giấu trong từng miếng bánh ép vàng ươm đầy hấp dẫn. Bởi nếu đến Huế chỉ thưởng thức "nem công chả phượng" mà quên đi món ăn bình dị ấy thì coi như đã bỏ qua một nửa phần ẩm thực của Huế.
Bản đồ ẩm thực: Thổn thức món cháo cá đi vào ca dao đất Quảng Trị Nếu Thanh Hóa có món nem chua, Nghệ An là súp lươn, thì khi đến với vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị, món ăn đã đi vào ca dao - cháo cá vạt giường là đặc sản mà du khách không nên bỏ lỡ. Thật vậy, cháo cá vạt giường được ưa chuộng quanh năm, người dân Quảng Trị xem đây là...