Bản đồ ẩm thực: Dân dã bánh khọt Vũng Tàu
Từ là món ăn chơi, bánh khọt dần được nhiều người dân Vũng Tàu yêu thích và chọn là món ăn tiêu biểu để giới thiệu đến du khách thập phương mỗi khi ghé thăm.
Về ngoại hình, bánh khá giống với bánh căn của một số tỉnh, thành ven biển như Khánh Hòa, Bình Thuận hay Ninh Thuận. Lý giải tên bánh, chị chủ quán bánh khọt ở đường Hoàng Hoa Thám, Vũng Tàu vừa cười vừa cho rằng có thể trong quá trình dùng muỗng nạy bánh khỏi khuôn phát ra âm thành “khọt, khọt”, thế là người ta thấy hay hay và gọi luôn thành bánh khọt.
Bỏ qua thắc mắc về nguồn gốc thì quả thật bánh khọt ở Vũng Tàu có sức thu hút, hương vị đặc trưng đến lạ kỳ. Dù ở TPHCM, người viết đã từng ghé đến nhiều hàng quán để ăn. Thế nhưng, chỉ có ngồi ở giữa lòng thành phố biển, nhâm nhi từng chiếc bánh khọt mới thấy thi vị hơn nhiều.
Theo đó, nguyên liệu chính để làm vỏ bánh là hỗn hợp gồm bột gạo nguyên chất, pha thêm ít bột nghệ hoặc nước cốt dừa cùng ít nước lọc theo tỷ lệ nhất định và nên làm từ ngày hôm trước để các gia vị thấm đều. Hỗn hợp đạt chuẩn là sau khi đổ, bánh có vỏ giòn, xốp, không quá mỏng cũng như quá đặc.
Video đang HOT
Để chiều lòng thực khách, ngày nay người bán sáng tạo ra nhiều loại nhân bánh như mực, bạch tuộc, sò điệp, chả cá… thay vì chỉ là tôm tươi hay thịt heo bằm. Rau ăn kèm thì khá đa dạng như cải xanh, xà lách, tía tô, diếp cá… cùng chén nước mắm chua ngọt thả ít đu đủ thái sợi.
Có dịp ngồi quan sát quy trình đổ bánh, người xem sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Đầu tiên, người bán sẽ thoa một lớp mỡ heo lên các khuôn bánh (loại khuôn làm bằng nhôm hoặc inox với bề mặt được tạo nhiều hình lõm tròn để đổ bánh). Khi lửa nóng, mỡ heo sôi lách tách thì đổ hỗn hợp bột gạo ngập vừa mặt khuôn, cho nhân vào giữa bánh và đậy nắp khuôn lại.
Khi bánh vừa chín tới, người bán sẽ dùng muỗng nạy bánh ra một cái đĩa lớn và cứ thế khi thực khách gọi món thì họ sẽ lấy những phần bánh khọt đã chín dọn ra cùng rau sống và chén nước chấm ăn kèm. Trải nghiệm thực tế ắt hẳn bạn sẽ đồng quan điểm như người viết khi mà vị ngọt thanh từ các loại nhân thịt, rau sống hòa quyện cùng vị thơm béo bùi của vỏ bánh, chút chua nhẹ của nước chấm, đu đủ thái sợi, đưa thực khách tới những cảm xúc ẩm thực khó quên. Với người có sức ăn mạnh, thì việc thưởng thức 2-3 đĩa bánh khọt là chuyện rất đỗi bình thường.
Sau ngày dài thỏa sức tung tăng, vui đùa với sóng biển, cùng quây quần bên gia đình, bạn bè nhâm nhi vài chiếc bánh khọt, ắt hẳn chuyến du lịch của bạn tại thành phố biển Vũng Tàu sẽ thật sự đáng nhớ hơn nhiều.
Đến Vũng Tàu nhất định phải thử món bánh thơm giòn, nóng hổi này
Có khi nào đi đến với Vũng Tàu, hãy thử dừng chân và thưởng thức món bánh khọt Vũng Tàu. Món bánh khọt nơi đây từ lâu đã được khách du lịch nhắc đến như một món đặc sản không thể thiếu của miền đất này.
Bánh khọt là một loại bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu làm ra bánh cũng không có gì là cầu kỳ, khó kiếm. Bánh được làm bằng bột gạo, nhưng khác với các loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh khọt chỉ được làm bằng một thứ bột gạo và không pha cùng nước cốt dừa, hay một thứ bột nào khác. Bánh khọt ngon quan trọng nhất vẫn nằm ở khâu pha bột, pha bột để đổ bánh cũng là cả một bí quyết. Bột muốn ngon phải được xay ngay từ tối hôm trước, rồi để bột qua một đêm, có như vậy thì bột không bị nhão, chảy và làm ra chiếc bánh giòn ngon. Thường người bán pha bột gạo và cho một ít bột nghệ vào thau bột gạo để tạo nên cái sắc vàng bắt mắt cho món bánh, cũng có khi người bán để nguyên màu trắng ban đầu của bột.
Nhân bên để bên trên bánh thường có một ít mỡ hành, một ít ruốc (hay có thể thay bằng tôm cháy, hay những con tôm nhỏ đã được xào chính), ngày nay có nơi còn thay đổi khẩu vị cho người ăn bằng cách cho thêm thịt băm hay các loại sò.
Khi phần nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bột sẽ được đổ vào khuôn để làm ra những chiếc bánh ngon và giòn. Khuôn đổ bánh là khuôn được làm từ đất nung, khuôn bánh thường có 8 -12 lỗ nhỏ (mỗi lỗ là một chiếc bánh), nhưng ngày nay do nhu cầu phục vụ các thực khách người ta đã có các loại khuôn mới nhiều lỗ hơn, có khuôn lên đến 52 -62 lỗ bánh và được đúc bằng kim loại.
Bột được đổ vào những lỗ nhỏ trong khuôn, đậy nắp lại, chờ cho bánh vừa chín tới, người bán sẽ mở nắp và cho phần nhân vào.Trước tiên là cho tôm, và chờ bánh thực chín rồi rắc lên bánh một ít mỡ hành, tôm chấy. Sau khi sắp bánh lên đầy một dĩa, người bán sẽ dọn lên để mời thực khách thưởng thức. Có nơi người bán bày cả khuôn bánh đang nóng hổi lên bàn, ăn tới đâu thực khách cạy bánh lên tới đó, làm như thế thực khách sẽ thấy thú vị trong khi ăn và khích thích được sự thèm ăn của thực khách.
Ăn kèm với các loại bánh Nam bộ thì không thể thiếu các loại rau. Bánh khọt cũng là một loại bánh không ngoại lệ. Rau dọn chung với bánh có các loại như xà lách, dấp cá, rau thơm và một ít lá cải bẹ xanh... Nước chấm là một món rất quan trọng đối với các món bánh Nam bộ. Nước chấm ăn với bánh khọt lá thường là nước mắm pha sẳn, nước mắm ăn bánh phải được pha ngọt nhưng có hậu mặn và mùi thơm thơm của nước mắm, trong chén nước chấm không thể thiếu một ít ớt và một tí đồ chua.
Gắp một chiếc bánh khọt ngâm vào nước mắm, cho chiếc bánh ngập trong chén nước mắm một chút, lấy một lá cải bẹ xanh to cuốn chiếc bánh lại, cho thêm một ít rau thơm và các thứ ăn kèm vào, cuốn lại, chấm vào chén mắm ớt, để vài cọng đồ chua nằm trên cuốn bánh, cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận hết những gia vị rất dân dã nhưng cực ngon. Thịt tôm bùi bùi, cộng với sự giòn giòn của bột, thơm thơm của mỡ hành, một ít vị chua của đồ chua, mặn của nước mắm hòa vào hương vị đặc trưng của các loại rau... thoáng một cái bạn đã ăn hết chục chiếc bánh bao giờ mà không biết.
Những món đậm hương vị biển Vũng Tàu Bên cạnh các loại hải sản như tôm, cua, ốc thì mì sườn và bánh khọt cũng là những món ăn nổi tiếng ở Vũng Tàu mà du khách nên một lần nếm thử. Cách TP HCM hơn 100 km về phía đông, biển Vũng Tàu được rất nhiều du khách chọn làm nơi nghỉ lễ cùng bạn bè và gia đình. Bên...