Ban Điều hành Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á họp lần thứ 56
Chiều 6/9, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam – Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 Trần Sỹ Thanh và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc – Tổng Thư ký ASOSAI Hầu Khải chủ trì Cuộc họp Ban Điều hành Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 56.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 – 2021 chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết, cuộc họp lần này tập trung thông qua những vấn đề quan trọng của ASOSAI gồm: báo cáo về tình hình tài chính của ASOSAI; báo cáo về thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021 và dự thảo Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027; báo cáo của các Nhóm công tác, đặc biệt là 2 Nhóm công tác mới của ASOSAI là Nhóm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm kiểm toán quản lý khủng hoảng.
Đặc biệt, trong cuộc họp lần này, các Cơ quan Kiểm toán thành viên (SAI) sẽ nghe những kết quả đạt được của ASOSAI nói chung và các thành viên nói riêng trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội. Ban điều hành cũng đưa ra lựa chọn về ứng viên tổ chức Đại hội ASOSAI 16.
Giải quyết các vấn đề toàn cầu
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Kiểm toán Nhà nước Việt Nam) Nguyễn Bá Dũng cho biết, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “ Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhằm theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 3 quốc gia khu vực Thái Bình Dương. Đây là chương trình hợp tác thử nghiệm ở quy mô lớn, hướng tới mục tiêu và thành tựu là sự tiếp cận công bằng hơn với các hệ thống y tế quốc gia và ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, người nghèo…
Ngoài ra, thông qua Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA), ASOSAI đã nỗ lực thúc đẩy các cuộc kiểm toán hợp tác và Đề án nghiên cứu. Nổi bật trong đó là cuộc kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước và hai Đề án nghiên cứu về ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường và kiểm toán giảm nghèo, cải thiện môi trường sống vùng nông thôn đã thực hiện thành công. Năm 2020, Nhóm triển khai hai cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông (do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì) và Kiểm toán giao thông bền vững; đồng thời bắt đầu Đề án nghiên cứu về chủ đề Kiểm toán tài chính xanh.
Tổng số có 84 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, với chủ đề đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường, như quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất. Bên cạnh đó, còn có 35 cuộc kiểm toán SDGs được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tất cả các SAI thành viên thông báo rằng đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể thấy, các chủ đề kiểm toán được đưa ra sau Tuyên bố Hà Nội đã tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân, như nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ phúc lợi; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; an ninh lương thực bền vững; quản lý tài chính quốc gia bền vững; quản lý bền vững chính sách dân số và nhân khẩu học…
Nâng cao khả năng phục hồi và thực hiện phản ứng nhanh
Video đang HOT
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc – Tổng Thư ký ASOSAI Hầu Khải cho biết, Kế hoạch Chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021 đã hoàn thành 3 mục tiêu gồm: Hỗ trợ phát triển năng lực của các SAI thành viên; Tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên; Nhóm công tác khu vực kiểu mẫu.
Theo ông Hầu Khải, đại dịch COVID-19 là thách thức lớn với tất cả các thành viên của tổ chức, một số hoạt động theo kế hoạch đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, nhưng ASOSAI đã thể hiện khả năng phục hồi, nhanh nhẹn và quyết tâm của mình, đồng thời quản lý một cách khoa học để thực hiện thành công.
Kế hoạch Chiến lược cho 2022-2027 của ASOSAI là kế hoạch chiến lược thứ tư của tổ chức. Kế hoạch này tuân theo tuyên bố về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và ba mục tiêu chiến lược đã đặt ra trong các kế hoạch trước đó.
Kế hoạch sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến đại dịch như y tế, biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên và do con người gây ra, tiến bộ khoa học và công nghệ. Khả năng ứng phó được bổ sung vào các giá trị cốt lõi của ASOSAI, cho thấy ASOSAI mong đợi các thành viên của mình có thể nâng cao khả năng phục hồi, thực hiện phản ứng nhanh chóng và phù hợp trước những thách thức mới; đồng thời, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình, phục vụ hiệu quả trong hệ thống quản trị quốc gia của họ và mang lại giá trị lớn lao hơn cho các quốc gia, các dân tộc của mình.
Để thúc đẩy việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược, kế hoạch này xác định bốn ưu tiên xuyên suốt được lặp lại những ý tưởng đã được đưa ra trong Tuyên bố Bắc Kinh và Tuyên bố Moskva về INTOSAI, Tuyên bố Hà Nội và dự thảo Tuyên bố Bangkok của ASOSAI. Điều này phản ánh sáng kiến của ASOSAI trong việc tuân thủ đúng xu hướng kiểm toán khu vực công quốc tế và tham gia tích cực vào cộng đồng kiểm toán khu vực công quốc tế, đồng thời tập trung vào các đặc điểm và nhu cầu phát triển của ASOSAI khu vực.
Để giữ cho kế hoạch phù hợp và tạo sự linh hoạt trong việc thực hiện, kế hoạch này chỉ có các tuyên bố chung và nguyên tắc, không chứa thông tin chi tiết về hoạt động thực hiện. Thông tin đó sẽ được chuẩn bị dưới dạng Ma trận thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2022-2027 và được trình lên Ban điều hành dưới dạng tài liệu riêng biệt.
Phát triển bền vững lĩnh vực kiểm toán môi trường
Báo cáo về việc thành lập Nhóm công tác ASOSAI về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được Cục Kiểm toán nhà nước Kuwait trình bày tại cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 vào năm 2019 cho thấy, sứ mệnh của Nhóm là thúc đẩy vai trò của cộng đồng ASOSAI thông qua việc đóng góp vào các mục tiêu quốc gia và đánh giá việc thực hiện SDGs trong khu vực bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng và sử dụng các chỉ số SDGs một cách thích hợp của các kiểm toán viên.
Nhóm công tác ASOSAI về SDGs dự kiến sẽ hoạt động cho đến khi kết thúc Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc vào năm 2030 và có thể được gia hạn nếu cần thiết. Các mục tiêu chiến lược của nhóm gồm: đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực Kiểm toán môi trường về phát triển bền vững; thực hiện các SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.
Nhóm công tác ASOSAI sẽ tiến hành các hoạt động khác nhau về SDGs theo đúng kế hoạch hoạt động (các báo cáo kiểm toán, chương trình đào tạo, hội thảo, dự án nghiên cứu, trao đổi thư từ với các cơ quan quốc tế có liên quan).
Phát biểu kết luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết, sau Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 54, Chủ tịch, Tổng thư ký và các thành viên Ban điều hành ASOSAI đã nỗ lực để triển khai thực thi các mục tiêu và khuyến nghị nêu trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như những chương trình, dự án và hoạt động đề ra trong 3 năm cuối của Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021.
Ban Điều hành đã thông qua việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng. Tại Cuộc họp lần thứ 56, Ban Điều hành đã bầu Kiểm toán Nhà nước Ấn Độ là Chủ tịch ASOSAI lần thứ 16, nhiệm kỳ 2024-2027.
Bên cạnh đó, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và những mục tiêu chiến lược, ưu tiên của ASOSAI trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027 đã nhận được sự đồng thuận cao từ thành viên Ban điều hành. Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, quỹ hỗ trợ COVID-19 của ASOSAI có giá trị 200 nghìn USD đã triển khai, kịp thời góp phần hỗ trợ các SAI thành viên ứng phó với đại dịch COVID-19.
“Những kết quả đạt được của Cuộc họp Ban điều hành 56 càng chứng tỏ một tổ chức ASOSAI chuyên nghiệp, hợp tác, hòa nhập, đổi mới và sẵn sàng ứng phó với xu thế biến động không ngừng của khu vực và thế giới”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Rác thải y tế ở các điểm nóng COVID-19 - Bài cuối: Liên kết xử lý, tránh bị động
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.
Các nhóm chất thải y tế được phân loại và lưu giữ riêng biệt. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Để làm rõ hơn các hướng dẫn liên quan đến sự phối hợp giữa các địa phương trong xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền.
Xin ông cho biết khái niệm "chất thải phát sinh do dịch COVID-19? Quy trình xử lý thế nào? Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 có phạm vi áp dụng ra sao?
Theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, từ các cơ sở y tế, cơ sở điều trị, khu cách ly, khu dân cư bị phong tỏa, ngoài chất thải sinh hoạt thông thường hằng ngày, còn phát sinh chất thải khác như khẩu trang, khăn lau miệng, các dịch đờm, mũi... Đấy là những loại chất thải mà nếu từ người bị dương tính với SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ cao gây lây nhiễm, cần phải được quy định quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm và quản lý như đối với quản lý chất thải nguy hại.
Thông tư liên tịch 58/2015/ttlt-byt-btnmt ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế đã có quy định rất rõ đối với chất thải y tế thông thường, chất thải y tế lây nhiễm. Chất thải y tế lây nhiễm phải được quản lý như chất thải nguy hại và quy trình từ khâu phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý theo một quy trình khác. Hiện nay, chúng ta xử lý theo điều kiện ngặt nghèo hơn, theo quy trình riêng. Trường hợp các cơ sở được xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép sẽ được xử lý một số mã chất thải y tế.
Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành những hướng dẫn về vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường do rác thải do COVID gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành rất nhiều văn bản có liên quan, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có chất thải phát sinh do COVID gây ra. Việc này áp dụng cho tất cả các địa phương để cùng thực hiện theo một hướng dẫn chung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hướng dẫn ưu tiên tập trung xử lý chất thải y tế tại chỗ. Tuy nhiên, trong trường hợp địa phương không đủ năng lực xử lý, Bộ có đề xuất gì, thưa ông?
Chúng ta thấy rằng không phải địa phương nào cũng có nhà máy xử lý chất thải nguy hại nói chung và cứ có nhà máy xử lý chất thải nguy hại là có xử lý chất thải y tế nói riêng. Do vậy, việc xử lý chất thải liên vùng, liên tỉnh là tất yếu phải đặt ra. Với tình trạng dịch bệnh hiện nay có thể chất thải y tế phát sinh quá năng lực xử lý của địa phương, sẽ phải chuyển cho các đơn vị có chức năng ở địa phương khác để xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo nên xử lý theo mô hình cụm, cụm tập trung hoặc chuyển cho các đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có mã xử lý chất thải y tế. Lưu ý cần chuyển đến các đơn vị đảm bảo có khoảng cách gần nhất, tránh đi đến nơi ở khoảng cách quá xa. Trong quy trình này, có quy định chặt hơn đối với phương tiện vận chuyển, phải đảm bảo rất ngặt nghèo, kín khít bằng các thiết bị chuyên dụng để tránh phát tán nguy cơ có thể có đối với các mầm bệnh ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các quy định hiện nay cũng đã khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải, xử lý mang tính chất thải liên vùng, tránh tình trạng đầu tư nhỏ lẻ nhiều khi không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho hơn 100 cơ sở xử lý chất thải nguy hại, trong đó có khoảng 70% cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép có mã xử lý chất thải y tế và nằm rải rác trên các địa bàn trong cả nước. Quy trình xử lý rất chặt từ khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Về cơ bản, xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo hấp, khử khuẩn vi sóng hoặc xử lý trong các lò đốt chất thải nguy hại, đảm bảo xử lý triệt để các yếu tố có nguy cơ phát sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19 cho một số đơn vị. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Theo quy định của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý chất thải nguy hại có quy định đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trước khi được cấp giấy phép phải thực hiện vận hành thử nghiệm trong thời gian 6 tháng để đánh giá lại hiệu quả các công trình, thiết bị xử lý môi trường. Trong thời gian 6 tháng, nếu đáp ứng yêu cầu thì Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thì Bộ mới cấp phép. Việc chấp nhận vận hành thử nghiệm cho các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, trong đó có xử lý chất thải y tế lây nhiễm. Đây gần như là giấy phép tạm để doanh nghiệp có được đi thu gom chất thải nguy hại để đạt mức tối đa công suất vận hành thử nghiệm, nếu đáp ứng thì mới cấp phép.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở xử lý rác thải nói chung, trong đó có cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra cấp phép nếu các cơ sở không tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí nếu vi phạm có thể đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, tuỳ từng trường hợp cụ thể. Về tinh thần đối với các cơ sở như thế này chúng tôi xử lý nghiêm. Hiện nay, các cơ sở này đều buộc phải lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu về sở Tài nguyên và Môi trường để chúng tôi theo dõi, giám sát, thời gian tới sẽ truyền về Tổng cục Môi trường.
Bộ có khuyến cáo gì với địa phương và người dân trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay?
Chúng tôi cũng rất mong muốn người dân thực hiện nghiêm các quy định môi trường nói chung, trong đó có các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về vấn đề quản lý rác thải. Ví dụ đơn giản không phải lúc nào chúng ta cũng dùng khẩu trang y tế. Khi đến vùng xanh dịch bệnh, chúng ta thực hiện 5K nhưng có thể dùng khẩu trang vải, thay vì khẩu trang dùng 1 lần phải thải ra hằng ngày thì chúng ta có thể tái sử dụng 20-30 lần. Hành động tuy rất nhỏ nhưng giảm chất thải phát sinh phải xử lý, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ở những khu cách ly, cơ sở y tế hoặc các khu vực phong tỏa, chúng ta thực hiện nghiêm phân loại chất thải tại nguồn, đặc biệt đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm phải thải bỏ đúng quy định để tránh lẫn chất thải sinh hoạt với chất thải y tế lây nhiễm. Vì xử lý 2 loại rác thải này khác nhau, nếu không phân loại sẽ tăng khối lượng chất thải lây nhiễm cần xử lý kéo theo tăng kinh phí, tăng tần suất chất thu gom, vận chuyển.
Với các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tránh bị động trong các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Địa phương phải rà soát ngay kế hoạch quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải y tế. Bên cạnh đó, phải dự báo tình hình dịch bệnh, đánh giá năng lực đáp ứng thực tế của địa phương về việc xử lý chất thải nếu nguy cơ dịch bệnh tăng lên, để có kế hoạch điều chỉnh về thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Các địa phương cũng cần liên kết, chung tay chia sẻ đối với địa phương khác trong trường hợp địa phương đó quá tải về vấn đề xử lý chất thải y tế tại địa bàn. Tức là các địa phương cũng phải đồng ý cho cơ sở được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép ở địa phương mình thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải từ địa phương khác về xử lý, tránh chuyện cát cứ; đồng thời cùng chung tay với các tỉnh bạn để sớm đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe, cuộc sống của người dân, cũng như bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ nhất hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng Trong kỳ họp này, Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước. Chiều 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp...