Ban CHQS TP Uông Bí – Lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng
Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, Ban CHQS TP Uông Bí đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết nội bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra; xứng đáng trở thành một trong những lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng (TĐQT) của lực lượng vũ trang Quảng Ninh.
Các cụm huấn luyện của Ban CHQS TP Uông Bí tổ chức kiểm tra bắn đạn thật để đánh giá kết quả huấn luyện. Ảnh: Ban CHQS TP Uông Bí cung cấp
Đến thăm Ban CHQS TP Uông Bí những ngày cuối tháng 11 vừa qua, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là nơi này khá khang trang, xanh, sạch và đẹp. Dẫn chúng tôi đi tham quan đơn vị, Thượng tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên Ban CHQS thành phố, phấn khởi cho biết: Vừa qua, đơn vị vinh dự giành giải nhì trong hội thi “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” do Bộ CHQS tỉnh phát động.
Để đạt được kết quả này, đơn vị đã chủ động khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng, sơn sửa doanh trại theo hướng chính quy, hiện đại. Năm nay, đơn vị đã đầu tư xây mới nhà ăn, nhà bếp, nhà kho quân nhu với kinh phí 3,2 tỷ đồng; nhà thi đấu thể thao trị giá 300 triệu đồng; sơn sửa toàn bộ doanh trại, lắp đặt 7 điều hòa với tổng số tiền trên 200 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tạo động lực cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bếp ăn của Ban CHQS TP Uông Bí được xây mới phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Là một trong những đơn vị được lựa chọn xây dựng đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” năm 2020, ngay từ đầu năm, Ban CHQS Uông Bí đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, xây dựng kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ: Xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị tư tưởng, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu cao và huấn luyện giỏi, đảm bảo tốt công tác kỹ thuật… Trong năm, đơn vị tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ cho gần 1.500 đồng chí thuộc 42 đầu mối đơn vị; bồi dưỡng 7 lớp kiến thức quốc phòng an ninh cho 427 đồng chí; tổ chức thành công diễn tập phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời phối hợp với các lực lượng tìm kiếm trẻ em đi lạc trong rừng; tham gia phòng, chống dịch bệnh tại các chốt, khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Video đang HOT
Cùng với công tác huấn luyện, Ban CHQS TP Uông Bí chú trọng làm tốt công tác xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức đăng ký thi đua cho từng cá nhân. Duy trì ghi chép những việc cần nhắc nhở, biểu dương của cán bộ, chiến sĩ vào sổ hồng, sổ nâu. Mỗi tháng, đơn vị tổ chức một ngày văn hóa chính trị tinh thần dựa trên quan điểm dân chủ đối thoại. Tại buổi sinh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ được bày tỏ những khúc mắc của bản thân và được giải đáp, tháo gỡ vướng mắc về tư tưởng.
Ban CHQS TP Uông Bí duy trì hoạt động ghi chép sổ hồng, sổ nâu để kịp thời phê bình, biểu dương các cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Thiếu tá Trần Đình Huyễn, Trợ lý Chính trị viên Ban CHQS thành phố, chia sẻ: “Sinh hoạt văn hóa chính trị tinh thần khá hữu ích đối với cán bộ, chiến sĩ nói riêng cũng như hoạt động của đơn vị nói chung. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của chỉ huy đến tâm tư, tình cảm của anh em, mà còn xóa bỏ đi khoảng cách giữa cán bộ, chiến sĩ với chỉ huy trong quá trình làm việc; góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết nội bộ”.
Một nội dung cũng được Ban CHQS TP Uông Bí đặc biệt quan tâm đó là công tác dân vận, xây dựng khối đoàn kết quân – dân. Trong năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình quân nhân; tổ chức gói bánh chưng tặng 20 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng số tiền gần 20 triệu đồng. Cùng với tham gia các hoạt động vì cộng đồng như dọn vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, đơn vị còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; xây dựng đường liên thôn ở Đầm Hà…
Lực lượng vũ trang TP Uông Bí tham gia làm đường liên thôn trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Với những thành tích nổi bật trong phong trào TĐQT, năm 2020, Ban CHQS TP Uông Bí được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc trong thực hiện phong trào TĐQT của lực lượng vũ trang tỉnh. Hiện đơn vị cũng đã được đề nghị với UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương năm 2019-2020.
Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước - một số vấn đề lý luận và bài học kinh nghiệm
Phong trào thi đua yêu nước là một trong những phương thức vận động nhân dân hữu hiệu, thiết thực để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài viết nhìn lại một số vấn đề lý luận và các bài học kinh nghiệm trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020 và kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất"1. Về mối liên hệ giữa tinh thần yêu nước và hành động thi đua, Người khẳng định: "Thi đua là yêu nước. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực"2. Về tác dụng tích cực của thi đua yêu nước, Người khẳng định: "Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng"3. Để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"; trong đó, Người khẳng định: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa"4.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, trên cơ sở đó, Đảng đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo việc phát động các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân vừa đúng với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ của từng giai đoạn, vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nên đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của và đi đến thắng lợi của các giai đoạn cách mạng giải phóng phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Kế thừa và phát huy kết quả sinh động của các phong trào thi đua, các cuộc vận động trước đây, trong giai đoạn 2006 - 2010, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, tiêu biểu là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"; Phong trào xây dựng "Nhà đại đoàn kết", "Nhà tình thương", "Xóa nhà dột nát, tạm bợ cho người nghèo"; Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"... đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ chăm lo cuộc sống của nhân dân.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp trong cả nước đã phối hợp tổ chức và lồng ghép triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, tiêu biểu là: Phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu" (Hội Cựu chiến binh Việt Nam); Phong trào "Nghĩa tình đồng đội" của Hội cựu Thanh niên xung phong; Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam). Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sáng tạo, phù hợp với tuổi trẻ, tiên phong, gương mẫu, xung kích trong học tập, lao động sáng tạo và rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng. Các phong trào thi đua nêu trên đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo khí thế sôi nổi, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong xã hội.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó tiêu biểu là các phong trào, cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông tôn mới, đô thị văn minh"; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"; "Tháng cao điểm Vì người nghèo".
Các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là: Phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới"; "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh" của Hội Nông dân Việt Nam; Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan" của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "Sinh viên tình nguyện"; Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới hải đảo" của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu" của Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Mới đây, trước tình hình đại dịch Covid - 19 hết sức phức tạp xảy ra trên thế giới và ở nước ta, đe dọa đến sự an nguy về tính mạng, cuộc sống của nhân dân và ổn định xã hội, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào "Toàn dân phòng chống dịch Covid - 19". Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi "Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19"; Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động nhắn tin "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19"... Phong trào này đã được toàn xã hội hưởng ứng rất tích cực với nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, từ việc nhắc nhau tự giác chấp hành nghiêm những giải pháp phòng chống dịch của Nhà nước đề ra; đóng góp nhân tài, vật lực để cùng với Nhà nước ứng phó với đại dịch... Bằng nhiều hình thức ủng hộ về tiền, vật chất, phương tiện chữa trị, giải pháp ngăn ngừa dịch, đến nay các tầng lớp nhân dân đã đóng góp trên 2.105 tỷ đồng; đặc biệt, đã cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị vượt qua 2 đợt cao điểm dịch bùng phát ở nước ta, là minh chứng hùng hồn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam ta.
Từ kết quả của các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt, trong dịp Tổng kết 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2020), Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và 9.351 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.332 tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động; vinh danh gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng thưởng hàng trăm ngàn Huân, Huy chương, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước. Tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng thưởng 40 Bằng khen, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định tặng thưởng 136 Bằng khen cho các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trong hệ thống chính trị có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân thực hiện tốt ở những nơi có sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, cấp ủy đảng là hạt nhân lãnh đạo chủ trương, đường lối thực hiện; chính quyền có chính sách, giải pháp phù hợp, hỗ trợ các hoạt động của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; Mặt trận và các tổ chức đoàn thể có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để động viên, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động.
Hai là, phong trào thi đua yêu nước phát động và thực hiện thành công khi nội dung, mục tiêu của nó mang tính thiết thực, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn; vừa đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng của người dân, bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống thực tiễn. Đồng thời, phương thức triển khai phong trào phải đa dạng, đúng thời điểm và đúng đối tượng tác động mới phát huy được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân.
Ba là, công tác thông tin, tuyên truyền, tạo nên hiệu ứng tích cực của xã hội trong quá trình triển khai phong trào là yếu tố quan trọng để phong trào thi đua ngày càng ngấm sâu trong quần chúng nhân dân. Bài học này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và phát huy tốt vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng tích cực tham gia thi đua yêu nước. Quá trình thông tin, tuyên truyền cũng là quá trình tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của nhân dân đối với việc thực hiện nội dung, phương thức triển khai phong trào để phục vụ cho công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào. Đây là nguồn tư liệu quý báu để bổ sung, điều chỉnh, làm cho phong trào thi đua yêu nước ngày càng được cập nhật trong nhân dân.
Bốn là, phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Do mối liên hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa "phát" và "động" trong thực tiễn thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nên kiểm tra, sơ, tổng kết phong trào là một yêu cầu không thể thiếu. Nơi nào, lúc nào thiếu việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết thì phong trào sẽ trở thành tự phát, đôi khi mất phương hướng trong thực hiện. Bài học này còn thể hiện ở chỗ chủ thể phát động phải chủ động đánh giá mức độ phát triển của phong trào để đề ra giải pháp phù hợp, phát huy hiệu quả cao nhất của phong trào, đặc biệt là xác định thời điểm "đỉnh cao" của phong trào để đưa ra giải pháp thúc đẩy đúng lúc, mang lại hiệu quả cao, hoặc quyết định thời điểm kết thúc của phong trào khi phong trào đã đáp các yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.
Năm là, sự phối hợp kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước là yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước. Bài học này vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thiết thực sâu sắc. Hiệu quả cuối cùng của việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước là do quần chúng nhân dân quyết định. Sức mạnh, lòng yêu nước của nhân dân chỉ được phát huy thông qua việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực cụ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tác động, kêu gọi, tổ chức cho nhân dân thực hiện phong trào thi đua yêu nước thì phải có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Sự phối hợp càng đồng bộ, kịp thời thì sự tác động tích cực đến nhân dân càng cao và hiệu quả.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện thật tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời kế thừa những bài học kinh nghiệm về triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là việc làm thiết thực, hiệu quả để các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân thực sự là động lực thúc đẩy và nguồn sức mạnh nội sinh, bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thừa Thiên Huế: Vinh danh các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước Ngày 25/11, tỉnh Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V. Hơn 300 đại biểu là những gương mặt điển hình trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tham dự Đại hội. Phát biểu tại đại hội ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế -...