Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổng kết 15 năm hoạt động trước khi giải thể
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ sẽ có định hướng sắp xếp nhân sự cho các cán bộ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong thời gian tới.
Sáng nay (5.1), Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và 15 năm hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (2002-2017) được tổ chức tại TP.Cần Thơ. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Trong 15 năm hoạt động, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù mang tính đột phá cho vùng như liên kết trong phát triển kinh tế – xã hội; kết nối đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, logistic, giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, ách tắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn như xây dựng đảo Phú Quốc, cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, kênh Ô Môn – Xà No, cống đập Ba Lai, dự án thuỷ lợi bắc Bến Tre…
Từ năm 2007 – 2017, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng luân phiên tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều chủ đề khác nhau.
Từ đó, kinh tế vùng ĐBSCL có những chuyển biến rõ nét, cơ cấu kinh tế chuyển dịch và phát triển đúng hướng, với quy mô ngày càng cao. Tình hình sản xuất lúa, thuỷ sản, trái cây dẫn đầu cả nước, hệ thống trường học, cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề có bước tiến rõ nét… Đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.
Video đang HOT
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hoạt động Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng còn một số hạn chế. Cụ thể, trong chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ có lúc chưa sát với yêu cầu, chưa theo dõi thường xuyên, chưa kiến nghị giải quyết kịp thời các bức xúc của vùng. Việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng chưa sâu sát, đề xuất những vấn đề lớn thuộc phạm vi cấp vùng còn hạn chế.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XII đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Ngày 28.11.2017, Bộ Chính trị cũng đã có quyết định kết thúc hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Theo chức năng nhiệm vụ được giao qua các thời kỳ, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, làm tốt công tác chính trị và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ không còn hoạt động, nhưng nhiệm vụ của ban chỉ đạo thì các bộ, ngành và các địa phương phải tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa, phải làm sao cho thế mạnh nông nghiệp chúng ta phát triển hơn, để đồng bằng này trở thành tài nguyên trù phú, khai thác tốt nguồn lực”.
“Tới đây, mỗi địa phương không thể tự phát triển theo thế mạnh riêng mà phải đặt trong tổng thể vùng và giữa vùng này với vùng khác. Các tiểu vùng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau phải tiếp tục tính đến bài toán liên kết vùng. Tôi mong các bộ, các ngành tiếp tục sát cánh, giúp đỡ cho đồng bằng trong thực hiện việc làm này” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin thêm, cũng như Ban chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nguyên, Ban Tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ sẽ có định hướng sắp xếp nhân sự cho các cán bộ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (trừ cán bộ muốn chuyển công tác, muốn nghỉ hưu sớm, không thuộc diện sắp xếp).
Riêng đồng chí Sơn Minh Thắng – Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư. Về tài sản hoặc đất đai của các ban, Chính phủ và các địa phương sẽ có hướng xử lý thích hợp trong thời gian tới.
Theo Danviet
Vụ cán bộ 9X được bổ nhiệm thần tốc: "Không có chuyện chìm xuồng"
Nhiều bạn đọc Dân trí thắc mắc vì sao vụ ông Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990) được bổ nhiệm Vụ phó một cách "thần tốc" đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra từ cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Liệu vụ việc có bị "chìm xuồng"?
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nơi ông Vũ Hoàng được thăng tiến một cách "thần tốc"
Sau khi tiếp nhận ý kiến của bạn đọc, PV Dân trí đã liên hệ với những người có thẩm quyền để tìm hiểu vụ việc và được biết, sau khi báo Dân trí và các cơ quan thông tin đại chúng phanh phui vụ việc, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại cơ quan này.
Ngày 28/12/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Nguyễn Phong Quang và ông Nguyễn Quốc Việt do liên quan đến công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong thời gian qua, trong đó có vụ tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế.
Ngày 23/1/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tới Cần Thơ tiếp tục công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong công tác thu chi tài chính của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn ông Nguyễn Phong Quang - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phụ trách.
Theo quyết định kiểm tra được công bố, việc kiểm tra lần này tập trung công tác thu chi tài chính giai đoạn từ 1/1/2011 đến 1/6/2016 khi ông Nguyễn Phong Quang còn giữ chức Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong thời gian 90 ngày với 4 nội dung: kiểm tra dấu hiệu vi phạm về việc tiếp nhận, sử dụng kinh phí, tài sản của cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; kiểm tra việc tiếp nhận sử dụng các nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động của Ban này; Kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc thành lập, tiếp nhận các nguồn tiền tài trợ tại Hội hỗ trợ Bệnh nhân nghèo; Kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc kê khai tài sản của ông Nguyễn Phong Quang.
Quyết định tuyển dụng ông Vũ Minh Hoàng năm 2014
Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, theo quyết định đúng 90 ngày làm việc, đoàn kiểm tra đã cơ bản hoàn tất những vấn đề đã nêu. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra còn một số vụ việc cần được xác minh, đối chứng trước khi công bố kết luận nên thời gian kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu.
Nguồn tin này cũng khẳng định, không có chuyện "chìm xuồng" hoặc đánh trống bỏ dùi như bạn đọc thắc mắc.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 4/6/2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyết định tuyển dụng ông Vũ Minh Hoàng, trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển quốc tế, vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp của cơ quan này.
Chưa đầy 3 tháng sau (ngày 8/9/2014), cơ quan này ra quyết định cử ông Vũ Minh Hoàng đi học Tiến sĩ ở Nhật Bản từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017 (lúc này ông Hoàng vẫn chưa hết thời gian tập sự).
Trong thời gian ông Vũ Minh Hoàng đang học ở Nhật Bản, chưa thể điều hành công việc trực tiếp ở cơ quan, nhưng ngày 15/1/2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lại có quyết định 824/QĐ/BCĐTNB bổ nhiệm ông này giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban.
Chỉ 32 ngày kể từ ngày ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lại ký tiếp quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ. Lúc này ông Hoàng vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản.
Ngày 26/2/2016, UBND TP Cần Thơ có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ trong thời hạn 5 năm. Sau đó, ông Hoàng lại tiếp tục qua Nhật Bản làm nghiên cứu sinh.
Hoàng Tùng
Theo Dantri
Phó Thủ tướng: Đang sắp xếp lại cán bộ khi BCĐ Tây Nam Bộ kết thúc nhiệm vụ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng như các Ban chỉ đạo khác được thành lập là do yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đó. Nay các Ban Chỉ đạo kết thúc cũng là do yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã hoàn thành sứ mệnh...