‘Ban chỉ đạo chống tham nhũng không ngại lực cản nào’
“Thành viên Ban chỉ đạo phải là tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu sáng 4/2.
Sáng 4/2, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ra mắt. Ban chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trình bày dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban; dự kiến chương trình công tác năm 2013 và một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết. Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban và các thành viên; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; chương trình công tác.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN.
Tổng bí thư đã phân tích những điều kiện thuận lợi như: toàn Đảng, toàn dân quyết tâm rất cao; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, có nghĩa là Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong cả hệ thống chính trị. Thành phần Ban Chỉ đạo lần này gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong số này nhiều người đã tham gia Ban Chỉ đạo trước đây, có kinh nghiệm công tác. Cơ quan Thường trực là Ban Nội chính Trung ương, do Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng, không chỉ có chống mà cả phòng. Tuy nhiên, hoạt động của Ban cũng đứng trước khó khăn, sức ép rất lớn, phải tạo chuyển biến rõ nét, phải làm tốt hơn trước đây, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Video đang HOT
* 9 nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng
Tổng bí thư lưu ý, Ban chỉ đạo cần tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc trách nhiệm, không thể tùy tiện. Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch mới chống được tham nhũng.
“Tất cả 16 đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư yêu cầu Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần gương mẫu, đi đầu, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng chất lượng, hiệu quả; xây dựng nội quy, quy chế làm việc rõ ràng. Đối với những vụ án lớn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 Phó ban gồm các ông Lê Hồng Anh, Thường trực Ban bí thư; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Các ủy viên gồm các các ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Theo VNE
Cấm lợi dụng chức vụ để đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp
Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng Lê Quang Vĩnh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Liên tiếp thời gian gần đây, Ban Bí thư, Thủ tướng đều có chỉ thị, chỉ đạo nhấn mạnh đến yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí triệt để, trong đó có việc tiết kiệm chi phí từ việc cán bộ đi hội họp, công tác ở nước ngoài.
Ngày 1.11.2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài, dành thời gian tập trung chỉ đạo, xử lý công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đi nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại thực sự cần thiết và phải bảo đảm hiệu quả thiết thực. Đồng thời, phải quản lý chặt chương trình đi công tác nước ngoài của bộ, ngành, địa phương mình theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả và không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các nhiệm vụ ở trong nước.
Mới đây nhất, ngày 21.12.2012, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Lê Hồng Anh cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chấn chỉnh thực trạng "tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn".
Chỉ thị này được hiểu là để ngăn ngừa những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng vị trí, lợi thế của mình để có thể ban phát dự án..., liên kết với DN vì lợi ích nhóm. Còn trường hợp đi nghiên cứu thì không ai cấm...
Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng Lê Quang Vĩnh
Cũng liên quan đến nội dung hạn chế cán bộ chủ chốt các cấp trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể đi công tác nước ngoài, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân "chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài. Việc đi nghiên cứu, tìm hiểu tình hình các nước, cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước. Thành phần đoàn cần gọn, bao gồm những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, chi phí phải tiết kiệm theo đúng quy định. Khi kết thúc, phải có báo cáo về kết quả chuyến đi cho cấp có thẩm quyền".
Ngoài ra, Chỉ thị của Ban Bí thư cũng nêu rõ: Các đồng chí lãnh đạo của các ban Đảng, các bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần cân nhắc kỹ việc đi công tác ngoài nước thực hiện đúng quy định trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất, hoặc công việc thật cần thiết. Không bố trí hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài. Lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương không được tham gia đoàn của các doanh nghiệp (DN) đi nước ngoài hoặc do các DN nước ngoài mời đích danh. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.
Ngăn ngừa lợi dụng chức vụ để liên kết với doanh nghiệp
Trao đổi với Thanh Niên, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng, ông Lê Quang Vĩnh khẳng định, việc cấm tham gia đoàn của các DN đi nước ngoài theo phạm vi chỉ thị này được hiểu là để ngăn ngừa những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng vị trí, lợi thế của mình để có thể ban phát dự án..., liên kết với DN vì lợi ích nhóm. Còn trường hợp đi nghiên cứu thì không cấm, nhưng những nghiên cứu trùng lắp thì cần phải hạn chế.
Theo ông Vĩnh, sắp tới đây, Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, Bộ Ngoại giao sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm triển khai thực hiện đúng chỉ thị này.
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư nhận định, việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 21 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có quy định các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, địa phương không tham gia đoàn của các DN đi nước ngoài hoặc do các DN nước ngoài mời đích danh, cũng là một trong những yêu cầu gắn với việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết T.Ư 4. Mục tiêu quan trọng nhất mà chỉ thị này hướng tới là đề cao chất lượng và hiệu quả công việc của các vị lãnh đạo chủ chốt các ban Đảng, các bộ ngành, địa phương... Sâu xa hơn là ngăn ngừa sự lạm dụng chức quyền chính trị để lợi dụng DN, liên minh với các DN, tổ chức kinh tế - ta thường gọi là lợi ích nhóm - gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà tổn hại về cả tinh thần, tư tưởng, nhất là uy tín của lãnh đạo đối với người dân.
"Tất nhiên quá trình thực hiện cần phải tránh cực đoan khi chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia. Sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể để chỉ thị được bảo đảm thực hiện đúng trên thực tế. Không phải chỉ thị ban hành như vậy là cấm hết các chuyến công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, mà điều quan trọng là các chuyến đi công tác đó phải đảm bảo tính chính đáng và hiệu quả", GS Hoàng Chí Bảo nói.
Theo TNO
Chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí Ngày 21/12/2012, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 21- CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị: Thời gian gần đây, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh...