Bàn chân treo gác bếp bị chuột gặm, bọ xơi
Đợt đó mưa gió, không khí ẩm, nên cái chân bị thối, dòi bọ tiếp tục ăn nốt, chỉ còn xương.
Phần xương ống chân ám bồ hóng của Thào Mìn Hoa
Trong thời gian luẩn quẩn ở bản Hoàng Lỳ Pả, một bản vùng biên, nằm giữa đại ngàn nghiến Phong Quang, thuộc xã Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang), chúng tôi được người dân cung cấp thêm một thông tin: Hầu Diệu Chảo cũng bị trúng mìn, bị cưa chân và cũng sấy chân trên gác bếp.
Có lẽ, ngoài bộ tộc Dani, ở thung lũng Baliem, thuộc đất nước Indonesia, có tục hun khói người chết bằng hơi nóng ngọn lửa và ám khói, thì mới chỉ thấy ở Việt Nam có cách thức sử dụng bếp lửa sấy bộ phận cơ thể.
Câu chuyện nào cũng đều na ná giống nhau, đều dẫm phải mìn, đều bị mìn phạt mất chân, và đều sấy chân trên gác bếp, tuy nhiên, vì câu chuyện này quá lạ, nên tôi tìm mọi cách để xem bằng được cái chân của Hầu Diệu Chảo.
Nhà Hầu Diệu Chảo xa quá, mà đường hun hút, ngoằn ngoèo trên dãy Răng Cưa. Tôi thuê một anh bạn người Mông dẫn đường đến nhà Chảo. Đi xe máy được một đoạn thì không đi nổi nữa, vì trời mới mưa, đường bé xíu dốc ngược, trơn chuồi chuỗi.
Vừa đi tôi vừa lo lắng, bởi có thế chẳng gặp được Hầu Diệu Chảo. Tôi đã tìm đến tận nhà Thào Mìn Hoa và Hầu Mí Trung, nhưng chỉ được xem chân của Hoa, mà không gặp được Hoa và cũng chỉ được nghe kể lại về cái chân của Trung, chứ không gặp được anh chàng này.
Mặt trời ngấp nghé bên kia biên ải, thì nhà Hầu Diệu Chảo hiện ra trên sườn một thung lũng sâu hun hút. Ngôi nhà mở cửa, trẻ con nô đùa ríu rít.
Hỏi Hầu Diệu Chảo, mấy đứa bé tròn mắt cười khanh khách, rồi chạy tọt vào trong nhà, núp trong bóng tối trốn người lạ đang nói thứ ngôn ngữ mà chúng không hiểu.
Chiều đổ bóng mà Hầu Diệu Chảo vẫn đang say giấc nồng. Thấy khách lạ, anh Chảo lồm cồm bò dậy. Anh bảo, đợt này trái gió trở giời, mình mẩy đau nhức, nên nằm bẹp ở nhà chịu đau, để mình vợ lên nương.
Hầu Diệu Chảo phải đi chân giả
Tôi hỏi chuyện trúng mìn, anh Chảo vui vẻ hẳn. Anh tưởng chúng tôi là cán bộ y tế, đến tìm hiểu tình trạng bệnh tật của anh để tặng anh chân giả! Nhưng khi biết là nhà báo, anh cũng vui không kém. Anh hào hứng kể cái chuyện vô tình dẫm phải mìn của mình.
Hồi anh dẫm phải mìn là năm 1996. Thời điểm đó, bộ đội công binh dựng lều lán, ăn ở nhiều ngày ở Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn để rà phá mìn, trả lại đất cho đồng bào cày cuốc, khai phá. Bộ đội thu gom, tháo gỡ, tiêu hủy hàng ngàn quả mìn đã nằm im lìm dưới lòng đất hàng chục năm.
Thời điểm đó, ruộng vườn tổ tiên anh để lại bị bỏ hoang nhiều, không dám canh tác, vì “ô nhiễm” mìn. Sau khi được bộ đội công binh rà phá, thì anh vác cuốc ra bới đất gieo ngô.
Tuy nhiên, đen đủi thế nào, vừa ra vườn, cuốc được mấy nhát, thì đạp trúng quả mìn N79. Anh nhớ lại: “Mình phát cỏ xong thì cuốc đất. Vừa cuốc được mấy cái, thì tiếng mìn nổ bùm dưới chân mình. Cái chân mình đứng không vững nữa. Mình ngã kềnh ra đất.
Video đang HOT
Gác bếp – nơi Hầu Diệu Chảo từng sấy chân mình
Lúc đó mình còn không hiểu cái gì nổ to thế. Nhưng khi hoàn hồn, nhìn xuống chân, thấy chân mình nát bét đến tận đầu gối rồi”.
Nghe tiếng mìn nổ, đơn vị công binh đóng ở gần đó đã lập tức chạy đến ga-rô chân, sơ cứu vết thương cho anh Chảo. Ngay sau đó, các chiến sĩ công binh cùng nhân dân thay nhau khênh Hầu Diệu Chảo xuống Bệnh viện tỉnh Hà Giang. Bác sĩ ở bệnh viện tỉnh địa đầu này đã cắt chân anh Chảo để bảo toàn tính mạng cho anh.
Sau 24 ngày nằm viện, anh được về bản. Anh mang theo cái chân ướp lạnh. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên, báo cáo sự việc, anh đặt chân lên gác bếp, chất củi hun khói ngày đêm. Phần còn lại cuộc đời anh thiếu một bàn chân, nhưng khi về với tổ tiên, anh sẽ vẫn đầy đủ bộ phận cơ thể.
Tôi đề xuất anh Chảo cho xem chân ở gác bếp, anh Chảo lắc đầu bảo: “ Chân mình không còn ở gác bếp đâu nhà báo ạ. Mấy năm trước nhà mình lên lán ở để trông nương ngô sắp đến ngày thu hoạch, mình bỏ quên cái chân khiến nó hỏng mất. Hôm về nhà mình mới biết bọn chuột tha cái chân từ gác bếp xuống đất. Bọn chuột gặm mất một nửa chân của mình rồi.
Đợt đó mưa gió, không khí ẩm, nên cái chân bị thối, dòi bọ tiếp tục ăn nốt, chỉ còn xương. Dù buồn lắm, nhưng mình phải đem cái chân đi chôn trước. Mình cũng nhờ thầy cúng báo cáo tổ tiên cho cái chân mình đi trước, còn mình sẽ về với tổ tiên sau. Thầy cúng bảo tổ tiên đã chấp nhận đề nghị của mình rồi”.
Nghe Hầu Diệu Chảo nói thế, tôi thấy hơi tiếc, vì không được chiêm ngưỡng thêm một “tác phẩm” chân sấy. Chảo buồn rầu kể: “Từ hồi mất chân, hay ốm yếu, ít đi lại nên mình sinh ra nóng tính. Mình mắng thằng con thứ 2 nhà mình, không cho nó đi chơi với bạn, thế là nó ăn lá ngón chết. Nó vừa chết năm ngoái”.
Anh Chảo buồn bã khi nhớ đến cái chân bị chuột và bọ xơi mất
Tôi giương máy ảnh lên chụp. Hầu Diệu Chảo gọi mấy đứa bé núp trong bóng tối ra để chụp cùng… ông. Có mấy đứa lớn, bé lóc nhóc. Tôi thắc mắc sao mất chân rồi mà vẫn đẻ khỏe thế thì Chảo cười. Hóa ra toàn là cháu nội, ngoại của Chảo. Ở tuổi 40 mà Hầu Diệu Chảo đã có cả dâu, rể và một đàn cháu.
Ở Hoàng Lỳ Pả và Mã Hoàng Phìn thuộc xã Minh Tân có cả chục người đã bỏ mạng vì vướng phải mìn và có tới 25 người chịu thương tật suốt đời, mất đi những bộ phận cơ thể. Nhiều người đã về với đất và được thầy cúng làm lễ, đặt bộ phận mà họ giữ lại bằng hơi nóng của bếp vào quan tài, để về thế giới bên kia được làm con ma lành lặn.
Mới đây nhất là đám ma của ông Giàng Mí Vàng, ở bản Mã Hoàng Phìn. Gia đình ông Vàng nghèo quá, chẳng có gì ăn, nên ông liều mạng vào rừng đào mìn đem sang Trung Quốc bán phế liệu.
Ông từng dùng cuốc bổ trúng mìn, mìn nổ bay cuốc mà ông không hề hấn gì. Nhưng một lần cưa mìn đổ bỏ thuốc nổ đi, quả mìn phát nổ đã cướp mất hai cánh tay và một mắt của ông. Ông Vàng đã sấy 2 bàn tay mình trên gác bếp.
Sống lay lắt với bệnh tật mấy năm thì ông Vàng qua đời. Trong lễ nhập quan, thầy cúng đã đặt 2 bàn tay sấy khô vào áo quan để ông Vàng thành “con ma” lành lặn.
Trong quan niệm của người H’Mông, thế giới ma quỷ rất phức tạp, cầu kỳ. Người H’Mông tin rằng, khi chết thì người đó sẽ thành ma, được về thế giới bên kia sum vầy với tổ tiên. Nếu chết đi, không có chân, thì tổ tiên sẽ không nhận mặt. Chính vì vậy, khi bị trúng mìn, phải cưa chân, hoặc bất kỳ tai nạn nào khác, thì đồng bào sẽ giữ lại phần thi thể đó. Sau này, khi chết già, thầy cúng sẽ làm lễ, rồi gắn phần thi thể đó vào xác chết, để con ma có đầy đủ bộ phận.
Theo Xahoi
Bí ẩn những cái chân người treo gác bếp trên cao nguyên đá (Kỳ 1)
Chị Dính cầm mẩu xương nhấc cái chân của anh chồng lên cho tôi xem, rồi thả bịch xuống đất.
Chị Dính lấy chân sấy trên gác bếp xuống cho PV xem
Có một câu chuyện rợn tóc gáy ở cao nguyên đá Hà Giang, ấy là chuyện đồng bào nơi đây có tục treo bộ phận lên gác bếp để sấy khô.
Trong quá trình tìm hiểu về tình trạng bom mìn sót lại, gây sát thương người và súc vật ở vùng biên ải Hà Giang, tôi được một đồng chí cán bộ biên phòng kể một câu chuyện rất lạ, ấy là đồng bào H'Mông ở vùng biên giới có tục sấy bộ phận cơ thể bị cắt bỏ bằng cách treo trên gác bếp.
Đồng nghiệp của tôi từng lặn lội trong rừng sâu ở Indonesia, thăm bộ tộc ít người vẫn sống như thời thời nguyên thủy, được tận mắt chuyện người ta đem xác ông tộc trưởng sấy trên gác bếp. Những cái xác ấy đã có tuổi vài trăm năm. Thi thoảng con cháu lại lôi từ gác bếp xuống chiêm ngưỡng tộc trưởng!
Chuyện ấy có lẽ chỉ có ở một vùng đất nào đó, quá xa xôi, quá lạc hậu, quá nguyên sơ, chứ tôi chẳng thể nghĩ rằng, ở đất nước mình lại có câu chuyện quá kỳ lạ như thế.
Bản Mã Hoàng Phìn
Chuyện đồng bào làm món thịt treo gác bếp, rồi thịt hun khói làm đồ ăn đã thành đặc sản thì không nói làm gì, nhưng sử dụng cách đó để giữ lại một phần cơ thể, thì lịch sử nước ta cũng chưa thấy nhắc đến.
Vậy nên, ngay khi nghe chuyện lạ lùng ấy, tôi đã nhằm bản Mã Hoàng Phìn mà đi, cho dù chưa biết người làm cái việc kỳ cục ấy là ai. Đứng ở ngã ba xã Minh Tân (Thanh Thủy) hỏi đường vào Mã Hoàng Phìn, anh chàng người Mông bảo: "Ừm, đi vào đó khó lắm, xa lắm".
Đoạn đường leo núi đá hộc dốc ngược chỉ cỡ 40km, mà phải vật vã với chiếc xe máy, vừa đi vừa đẩy từ sớm đến đầu giờ chiều mới tới nơi. Đứng trên dãy Răng Cưa (đứng ở thành phố Hà Giang nhìn dãy núi như hình răng cưa) nhìn xuống đếm đủ 30 nóc nhà đồng bào Mông. Ngay chân núi, chỉ 15 phút cuốc bộ đã là bản làng của Trung Quốc.
Nhận được điện thoại của lãnh đạo Đồn biên phòng Thanh Thủy, ông Phào Sào Chỉn, Bí thư bản Mã Hoàng Phìn ngồi ở hội trường bản đợi nhà báo. Hỏi chuyện bom mìn vùng biên ải, bí thư Chỉn kéo tôi ra hiên hội trường, chỉ tay từng nóc nhà một rồi thống kê: "Nhà kia có thằng bị mìn nổ banh xác, nhà kia có thằng cụt chân, thằng kia bị múc mắt, thằng kia cụt tay... Nhiều lắm nhà báo à. Trâu bò vẫn bị mìn cưa cụt chân, dân bản làm thịt ăn suốt ấy mà!".
Hỏi chuyện có một anh chàng của bản bị mìn cưa đứt chân, hiện đang sấy chân gác bếp, như lời cán bộ biên phòng kể, bí thư Chỉn gõ cốc cốc vào đầu nhưng nghĩ mãi không ra.
Bí thư Chỉn mới được tăng cường từ xã vào thôn để giải quyết tình trạng phá rừng nghiến bán sang Trung Quốc rất phức tạp, nên chưa nắm được cụ thể những chuyện xảy ra từ trước. Mà trung tâm xã, nơi bí thư Chỉn sống và làm việc, đến Mã Hoàng Phìn hơn 1 ngày cuốc bộ, nên chả mấy khi vào bản. Đường vào Mã Hoàng Phìn mới được mở năm nay, nhưng trời đẹp đi xe máy cũng mất nửa buổi. Mã Hoàng Phìn nằm giữa rừng nghiến, như một thế giới khác.
Trưởng bản Thào Mìn Hoa gỡ chân khỏi chiếc áo
Đang không biết tìm đâu ra cái anh chàng có hành động kỳ quặc như lời kể của đồng chí biên phòng, thì trưởng bản Vàng Seo Quả cắp gà đến. Quả khoe vừa ra biên giới mua được con gà Trung Quốc về làm thịt.
Tôi dành câu hỏi về cái chân treo gác bếp cho Vàng Seo Quả, thì Quả trả lời ngay: "Có chuyện này mà. Đó là cái chân của thằng Thào Mìn Hoa. Nó là bạn mình. Nó bị trúng mìn, mình còn đưa nó xuống bệnh viện cơ. Bác sĩ cưa đứt chân nó. Nó đòi cái chân ấy đem chân về treo ở gác bếp mấy năm nay rồi. Không biết nó còn giữ ở gác bếp nữa không, phải lên nhà nó hỏi mới biết".
Có manh mối, tôi cùng Vàng Seo Quả vừa leo vừa bò lên tít tận một quả núi trong dãy Răng Cưa. Đứng ở hội trường bản, Quả chỉ nhà Hoa ở sau mỏm núi, sau rặng vầu, cỡ con dao quăng, mà đi đến mướt mát mồ hôi mới tới.
Thế nhưng, trong ngôi nhà ám muội bồ hóng, lên màu đen sì ấy chỉ có 2 người đàn bà, là chị Sùng Thị Dính, vợ của Thào Mìn Hoa và mẹ đẻ của Hoa. Hai người đàn bà không biết tiếng phổ thông, thấy người lạ thì xấu hổ, chui tọt vào buồng. Trưởng bản Quả phải gọi mãi mới chịu ra tiếp người lạ.
Chân của anh Thào Mìn Hoa
Theo chị Dính, chồng chị, Thào Mìn Hoa đã sang nhà bố vợ từ sáng sớm. Chỉ còn một chân, chống nạng tập tễnh, thế mà Hoa cuốc bộ cả ngày, vượt qua mấy dãy núi từ bản Mã Hoàng Phìn của huyện Thanh Thủy sang tận bản Lò Sín Toỏng của huyện Quản Bạ.
Sở dĩ Hoa sang nhà bố vợ, là vì 2 đứa con gửi ở bên đó. Nhà Hoa nghèo, bố chết sớm, bản thân lại thương tật, không có điều kiện nuôi 2 con, nên đành gửi chúng cho bố vợ. Vợ chồng Hoa cùng người mẹ đẻ sống ở Mã Hoàng Phìn, trồng cây ngô, gieo lúa nương kiếm miếng ăn.
Cuộc sống ở Mã Hoàng Phìn xa xôi, khốn khó. Núi đá một màu xám xịt. Làm lụng vất vả, mà vẫn phải ăn mèn mén (ngô xay) vài tháng.
Hỏi chuyện về chiếc chân khô của chồng, chị Sùng Thị Dính bảo đúng là có cái chân khô của chồng treo trên gác bếp, nhưng phải hỏi ý kiến chồng thì mới lấy xuống xem được.
Rồi chị Dính chạy ra góc vườn, chao điện thoại một hồi, thấy có cột sóng mới bấm gọi chồng. Nói chuyện líu lo với chồng một lúc, chị Dính bảo Hoa cho phép mọi người được xem chân.
Chị Sùng Thị Dính lấy chiếc ghế đặt ở ngay bếp lửa giữa nhà, nhón chân móc từ đống đồ ám bồ hóng xuống một cái bọc to tướng. Chị Dính đặt cái bọc xuống nền đất, dùng tay đập đập, miệng thổi bồ hóng phù phù.
Gỡ chiếc dây dù, mở lớp vải thì trật ra một cái áo rách nham nhở. Đây chính là cái áo mà chồng chị, Thào Mìn Hoa mặc khi bị trúng mìn. Gỡ chiếc áo thì thòi lòi ra nguyên một cái bàn chân. Một thứ mùi ngai ngái, tanh tanh xộc vào mũi. Thứ mùi ủ lâu ngày, tích tụ đậm đặc, nhưng chỉ một lát thì bay hết.
Chị Dính cầm mẩu xương nhấc cái chân của anh chồng lên cho tôi xem, rồi thả bịch xuống đất.
Rõ mồn một bàn chân người nguyên vẹn cả 5 ngón, với móng chân đầy đủ. Phần thịt ở cổ chân, bắp chân te tua, những sợi cơ rách tướp héo quắt. Hai khúc xương lòi ra bám bồ hóng đen sì như thanh sắt. Bàn chân đã khô quắt lại, lộ ra những sợi cơ vằn vện.
Theo Xahoi
Chuyện kỳ lạ về ngôi đền, học trò đến cầu xin đều thi đỗ? Ngôi đền Quán Thi (thôn Dương Tử, xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) từ bao đời nay là nơi mà mỗi kỳ thi, các sĩ tử trong vùng đến để cầu xin đỗ đạt. Đền Quán Thi là một địa chỉ văn hóa tâm linh từ lâu đời của thôn Tử Dương nói riêng và xã Cao Thành nói chung Không chỉ...