Bàn cầu cơ Ouija: Từ trò chơi giải trí thành ‘cánh cửa’ kết nối ma quỷ
Trước đây, bàn cầu cơ Ouija chỉ là trò chơi giải trí nhẹ nhàng, thậm chí giúp xoa dịu nỗi đau khi người thân qua đời, nhưng đến nay nó đã biến thành một điều kỳ bí, gắn liền với các bộ phim kinh dị.
Bàn cầu cơ Ouija. (Nguồn: National Geographic)
Với nhiều người, bàn cầu cơ Ouija gợi lên những câu chuyện về những cuộc tiếp xúc với ma quỷ và những lời cảnh báo kỳ lạ. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ trước, nó chỉ là một trò chơi trong phòng khách, mang đến sự giải trí nhẹ nhàng trong những ngôi nhà thời Nữ hoàng Victoria.
Lần đầu tiên được Công ty Kennard Novelty giới thiệu vào năm 1890, mảnh bìa cứng đơn giản này được đánh dấu bằng các chữ cái, số và các từ “có”, “không” và “tạm biệt”. Người chơi đặt ngón tay của họ lên một con trỏ hình tam giác, dường như tự di chuyển để đánh vần các thông điệp trả lời cho các câu hỏi của họ.
Mặc dù thiết kế của nó có vẻ vô hại, nhưng vai trò của bàn cầu cơ trong xã hội đã có một bước ngoặt mang tính huyền bí hơn. Trong 130 năm qua, bàn cầu cơ đã chuyển từ một trò tiêu khiển kỳ quặc thành biểu tượng của sự bí ẩn siêu nhiên, phát triển thành cả một biểu tượng văn hóa và nguồn cảm hứng cho các bộ phim kinh dị.
Sự ra đời của bàn cầu cơ
Nguồn gốc của bảng tâm linh có thể bắt nguồn từ những năm 1840 khi phong trào Tâm linh hiện đại bắt đầu phát triển và trở thành một cơn sốt văn hóa. Stephanie McGuire, người phụ trách Bảo tàng Molly Brown House, một bảo tàng thời Victoria ở Denver, Colorado và từng là nhà của Margaret “Molly” Brown, người sống sót sau vụ đắm tàu Titanic, cho biết trong thời gian này, việc tổ chức các buổi tụ họp tâm linh có sự góp mặt của các nhà ngoại cảm, buổi cầu hồn, đọc bài tarot và tất nhiên là cả bảng cầu cơ đã trở thành phổ biến.
Ngoài giải trí, bảng cầu cơ còn mang đến niềm an ủi trong thời điểm mất mát và bất định. Ở nước Mỹ sau Nội chiến, khi hầu hết các gia đình thường xuyên trải qua sự mất mát đột ngột của những người thân yêu, việc giao tiếp với người đã khuất là một cách bình thường, thậm chí là cần thiết, để xoa dịu nỗi đau buồn.
Robert Murch, một nhà sử học và nhà sưu tập Ouija, cho biết: “Ngày nay, chúng ta đã rất xa rời cái chết. Chúng ta sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, thậm chí không muốn trông già đi. Chúng ta làm mọi thứ có thể để đẩy lùi cái chết. Và khi bạn làm vậy, bạn bắt đầu [không] thoải mái với nó.”
Murch cho biết bàn cầu cơ đã trở thành nơi ẩn náu về mặt cảm xúc cho mọi người vào những năm 1890: “Chúng trở thành câu trả lời cho những điều không có câu trả lời… cho phép bạn nói về điều gì đó và trải nghiệm điều gì đó mà bạn không thể trải nghiệm.”
Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử này có thể khó hiểu theo góc nhìn hiện đại, John Kozik, chủ sở hữu Bảo tàng Bảng phù thủy Salem ở Salem, Massachusetts và là thành viên sáng lập của Hiệp hội Lịch sử Bảng nói, cho biết: “Mọi người ngày nay cố gắng nhìn nhận lịch sử bằng con mắt của ngày hôm nay. Vì mọi người nhìn nhận cái chết theo cách khác, nên họ nhìn nhận Ouija theo cách khác.”
Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa duy linh đã chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ sau Thế chiến thứ nhất và đại dịch cúm tàn khốc năm 1918. Những năm 1920, bàn cầu cơ đã trở thành một trò chơi hẹn hò được yêu thích, mang đến một cách lãng mạn để các cặp đôi ngồi gần nhau và đặt ra những câu hỏi tán tỉnh.
Norman Rockwell, nổi tiếng với những bức tranh về cuộc sống lý tưởng của người Mỹ, thậm chí còn mô tả trên trang bìa của tờ The Saturday Evening Post năm 1920 cảnh một cặp đôi trẻ ngồi cạnh nhau, với một bàn cầu cơ đặt trên đùi và các đầu ngón tay chạm vào nhau.
Cánh cổng cho các thế lực ma quỷ?
Trong nhiều thập kỷ, hình ảnh về bàn cầu cơ đã chuyển từ nhẹ nhàng, lãng mạn sang ngày càng ma quái và tập trung vào tội phạm có thật.
Vào cuối những năm 1960, hình ảnh bàn cầu cơ đã có một bước ngoặt lớn, chịu ảnh hưởng của các sự kiện như vụ giết Manson và sự trỗi dậy của Giáo hội Satan. Khoảnh khắc quan trọng đến vào năm 1973 với sự ra mắt của bộ phim kinh dị Quỷ ám (The Exorcist).
Video đang HOT
Bàn cầu cơ Ouija gắn liền với nhiều bộ phim kinh dị. (Nguồn: The Line-up)
Bộ phim, dựa trên một câu chuyện có thật, bao gồm cảnh ngắn mô tả một đứa trẻ đang chơi một mình với tấm bàn cầu cơ, sau đó cô bé bị ám ảnh. Kozik cho biết đây là lần đầu tiên một bộ phim gợi ý rằng cái ác có thể đi qua tấm bảng theo cách này.
“Khi bạn xem một bộ phim kinh dị dựa trên một câu chuyện có thật, đó là lúc bạn bắt đầu nghĩ rằng những điều như thế có thể xảy ra với mình,” ông nói.
Năm 1967, Ouija đã bán chạy hơn Cờ tỷ phú Monopoly, trò chơi duy nhất trước đó hoặc kể từ đó làm được như vậy. Chỉ riêng năm đó đã có hơn hai triệu bộ bàn cầu cơ được bán ra, tạo tiền đề cho nỗi sợ hãi và sự mê hoặc sau The Exorcist.
Những bộ phim kinh dị sau đó, bao gồm Witchboard, đã góp phần củng cố nhiều huyền thoại về tấm ván tâm linh vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.
Bất chấp các câu chuyện tâm linh đáng sợ xung quanh nó, các khảo sát cho rằng bàn cầu cơ Ouija chỉ đơn giản là sản phẩm của hiện tượng vận động ý tưởng – một hiệu ứng tâm lý khiến mọi người di chuyển đồ vật một cách vô thức.
Cho đến nay, bàn cầu cơ Ouija vẫn là một trò chơi phổ biến tại các buổi tụ tập đêm khuya của nhiều thanh thiếu niên, khơi dậy sự tò mò cũng như sợ hãi trong họ.
Tuy vậy, trong khi nhiều người thấy đây là một trò chơi vô hại, Kozik thường xuyên nhận được những bộ Ouija từ những người, mặc dù hiểu khoa học, vẫn sợ sức mạnh của chúng và muốn vứt bỏ chúng./.
Khoa học giải thích vì sao chúng ta nhìn thấy ma
Khoa học hiện tại chưa thể chứng minh được sự tồn tại của ma quỷ, nhưng các yếu tố về tinh thần và môi trường thì có thể.
Ma có thật, hay chúng ta chỉ đang là nạn nhân của sự nhầm lẫn, ảo giác? (Ảnh minh họa: Getty).
Ma có thật hay không? Điều đó còn tùy thuộc. Thế nhưng, cần khẳng định rằng, khoa học hiện tại chưa thể chứng minh rằng có những linh hồn đi xuyên qua tường hoặc hét lên dưới sàn nhà.
Tuy nhiên, những lần nhìn thấy hiện tượng ma quái của chúng ta chắc chắn là cảm giác có thật. Nếu như ma không tồn tại, chẳng lẽ bộ não đang đánh lừa chúng ta?
Bạn muốn tin rằng ma có thật
Con người đã phát hiện ra những thứ ma quái, để rồi khái niệm bóng ma từ đó cũng xuất hiện. Ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể giải thích hiện tượng này.
Ngay cả với những người bình thường nhất trong số chúng ta, vẫn có điều gì đó thôi thúc, khiến ta không thể cưỡng lại được cảm giác muốn khám phá những bí ẩn liên quan tới ngôi nhà ma ám, hay những linh hồn báo thù.
Đôi khi, sự hy vọng nhìn thấy một bóng ma là tất cả những gì để ta thực sự nhìn thấy chúng.
Nghiên cứu cho thấy phần lớn tâm trí con người rất dễ bị ám thị bởi những hiện tượng tâm linh huyền bí (Ảnh minh họa: Reddit).
Chris French, nhà nghiên cứu tâm lý học dị thường tại Đại học London, cho biết: "Chúng ta có xu hướng như vậy vì tâm trí con người rất dễ bị ám thị".
Theo chuyên gia này, chúng ta đã tiến hóa để tiếp nhận các tín hiệu từ thế giới bên ngoài như một cách để thoát khỏi các mối đe dọa luôn hiện hữu. Vì vậy, khi một gợi ý xuất hiện đúng lúc, nó có thể khiến chúng ta nhìn thấy những thứ không có ở đó.
Sự kỳ quặc về mặt tinh thần này mạnh mẽ đến mức nó có thể đánh lừa chúng ta ngay cả trong thời gian thực.
Trong một nghiên cứu khác do French thực hiện, những người tham gia cho biết họ nhìn thấy một chiếc chìa khóa bị uốn cong theo ý muốn của họ, chỉ vì những người đứng cạnh nói rằng họ cũng nhìn thấy sự việc kỳ lạ đó xảy ra.
Rõ ràng, tâm lý mong muốn được khám phá, hoặc tận mắt nhìn thấy thứ gì đó, khiến chúng ta dễ tiếp cận những thứ ngay cả khi nó không tồn tại.
Não khiến bạn nhìn thấy thứ mà đáng lẽ không thể
Những hiện tượng ma quái có thể là kết quả của những vấn đề lớn hơn trong não của chúng ta, cụ thể là chất xám.
Đối với một số người, việc nghe thấy tiếng nói hoặc trải nghiệm một vài hình ảnh kỳ lạ có thể là dấu hiệu sớm của các tình trạng bệnh lý như tâm thần phân liệt.
Đối với những người trải qua nỗi đau mất mát người thân, nỗi nhớ về hình bóng của họ có thể khiến não "triệu hồi" các linh hồn như một phương thức để đối phó với chấn thương tâm lý.
Điều đó hình thành nên những "cuộc gặp gỡ" sống động giữa người sống và linh hồn, thứ được các nhà tâm lý học gọi là "giao tiếp sau khi chết".
Bí ẩn về chứng tê liệt trong khi ngủ vẫn còn chưa được giải đáp (Ảnh: Sleepcycle).
Nó từ lâu đã nằm trong số những loại trải nghiệm huyền bí phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả những người hoài nghi và những người tin tưởng.
Ngay cả với những người không mắc bệnh tâm thần, những thay đổi tạm thời trong hoạt động của não cũng có thể dẫn đến việc bạn cảm thấy như "chạm trán với hồn ma".
Các nhà khoa học từng mất hàng thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể giải mã hiện tượng "liệt trong giấc ngủ", khi vẫn giữ được cảm giác có ý thức nhưng không thể cử động.
Một số người cho rằng nó xảy ra khi não giao thoa giữa giai đoạn nhận thức có ý thức và giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh).
Các nền văn hóa khác nhau có cách gọi tên khác nhau cho hiện tượng kỳ lạ này. Thí dụ ở Campuchia, một số người nói rằng đó là "con ma đẩy nạn nhân xuống". Trong khi ở Nigeria, người dân địa phương lại gọi nó bằng cái tên khác: "con quỷ ngồi lên lưng bạn".
Tâm trí lừa dối chúng ta?
Trong những năm gần đây, các nhà thần kinh học đã xác định được nguyên nhân tiềm ẩn khiến chúng ta có cảm giác bị ai đó hoặc thứ gì đó ám ảnh.
Nghiên cứu cho thấy các cơn động kinh ở thùy thái dương - khu vực não xử lý trí nhớ hình ảnh và ngôn ngữ - có thể kích hoạt các cơn động kinh. Trong khi, các rối loạn tín hiệu ở vùng não này có thể khiến chúng ta cảm thấy như được kết nối với các thế giới khác.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc các vấn đề như vậy thường tin vào các hiện tượng tâm linh, huyền bí.
Não của chúng ta có luôn tin rằng ma là có thật? (Ảnh minh họa: Getty).
Trong dân gian, người ta thường đồn nhau rằng, ma có xu hướng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 giờ sáng. Kỳ lạ thay, đây cũng chính là thời điểm mà các cơn động kinh này xảy ra thường xuyên nhất.
Chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của sự nhầm lẫn ảo giác.
Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2014, các nhà khoa học thần kinh tới từ Thụy Sĩ đã bịt mắt một nhóm những người tham gia, sau đó nối tay họ với một cỗ máy theo dõi chuyển động của ngón tay.
Khi các đối tượng cử động ngón tay, một phần phụ của robot phía sau họ đồng thời chạm vào lưng họ theo cùng một phương thức. Đa số đều ngay lập tức nhận ra tác động này.
Nhưng khi nhóm nghiên cứu quyết định ngưng các chuyển động bắt chước của thiết bị trong vài mili-giây, một số người nói rằng, họ vẫn cảm thấy một ngón tay đang chọc vào lưng họ, như thể có một sự hiện diện thần bí nào đó đằng sau họ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những chuyển động bị ngưng trệ có thể gây ra sự xung đột tạm thời với não bộ, tại nơi kiểm soát các tín hiệu cảm giác và vận động.
Hiện tượng "cảm giác có sự hiện diện" này cũng có ý nghĩa chung đối với những hiện tượng siêu nhiên xung quanh chúng ta.
Nếu một sự chậm trễ nhỏ trong chuyển động của hệ thần kinh là đủ để triệu hồi một linh hồn, thì có lẽ bộ não siêu việt và chưa thể được giải mã của chúng ta vốn dĩ có khuynh hướng ở một mức độ nào đó vẫn tin rằng, ma quỷ là có thật.
Để rồi khi chúng ta lớn lên, nhưng những cảm giác đó không bao giờ biến mất.
Đường hầm Inunaki và những sự thật ghê rợn về con đường dẫn vào 'Ngôi Làng Tử Khí' ở Nhật Bản Hầm Inunaki và ngôi làng cùng tên là những địa điểm cực kỳ nổi tiếng trong các câu chuyện 'urban legend' kinh dị của Nhật Bản. Nhưng sự thật đằng sau đó thì thế nào. Urban Legend - Truyền thuyết đô thị, là các truyện kể mang tính chất kinh dị nhưng chưa rõ tính xác thực thời hiện đại, đa số dựa...