Ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Châu Đốc
Sau 45 vụ sạt lở, 100 nhà dân phải di dời, tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ đông sông Châu Đốc tại ấp An Thạnh, thị trấn An Phú.
Quyết định do ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ban hành ngày 24/6.
Theo đó, tính từ năm 2018 đến, 9 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn trong các vụ sạt lở ở sông Châu Đốc. Gần đây, ngày 5/6, sụt lún kéo dài 70 m, ăn sâu vào nền đất 15 m, làm sụp một phần 8 căn nhà và nhiều căn nguy cơ tiếp tục bị cuốn trôi.
Hiện trường vụ sạt lở ngày 5/6 đoạn sông Châu Đốc thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Ngọc Tài
Tại vị trí công bố tình huống khẩn cấp, kết quả đo đạc phát hiện hố sâu bất thường, địa hình đáy sông dạng chữ U. Phía bờ đối diện đang bồi lắng mạnh, sạt lở tại bờ lõm của đoạn cong.
Video đang HOT
Nguyên nhân sạt lở được xác định do địa hình khu vực này nằm trên đoạn gấp khúc của sông, dòng chảy uốn cong, gây xâm thực mạnh và tạo mái bờ dốc đứng, dạng hàm ếch, đồng thời ghe, tàu chạy tạo nên sóng gây bào mòn chân bờ.
Theo dự báo, đoạn đường bờ dài 550 m từ cửa hàng vật liệu Quyên Phát đến Nhà máy nước đá Tân Long Hưng (thị trấn An Phú) nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới, đe dọa đến an toàn tỉnh lộ 957.
Vụ trí sạt lở là đoạn sông uốn công hình chữ U. Ảnh: Google maps
UBND An Giang yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tỉnh phối hợp với công an và các đơn vị có liên quan phân luồng, điều tiết giao thông đường thủy và đường bộ qua khu vực sạt lở; đồng thời khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách.
Đây là lần thứ ba trong tháng 6, An Giang ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông. Trước đó, ngày 2/6 và 16/6 tỉnh làm động thái tương tự sau khi sông Ông Chưởng qua huyện Chợ Mới bị sạt lở. Tín từ đầu năm đến nay, tỉnh xảy ra 25 vụ sạt lở tại các huyện An phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Châu Phú và TP Long Xuyên.
Sau vụ sạt lở ngày 5/6 nhiều hộ dân phải tiến hành di dời nhà cửa. Ảnh: Ngọc Tài
An Giang là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sụp lún, với chiều dài hơn 170 km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Trong đó, hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp.
Trước tình hình cấp bách, UBND An Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính Phủ hỗ trợ gần 1.000 tỷ đồng, xây kè xử lý 6 đoạn sụt đất cặp trên sông Tiền, sông Hậu… với tổng chiều dài khoảng 8 km.
An Giang: Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Châu Đốc, di dời khẩn cấp 6 nhà dân
Chiều 5/6, ông Đoàn Bình Lâm, Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng dọc bờ sông Châu Đốc, dọc tuyến tỉnh lộ 957, đoạn thuộc ấp An Thạnh, thị trấn An Phú. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến 6 nhà dân, buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Trước đó, vào ngày 3/6, người dân tại khu dân cư dọc bờ sông Châu Đốc, chạy dọc tuyến tỉnh lộ 957, thuộc tổ 44 ấp An Thạnh, thị trấn An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện nhiều vết rạn, nứt rộng khoảng 5cm, chạy dài khoảng 35m, có nguy cơ sạt lở rất cao; đe dọa đến sự an toàn của 2 nhà dân gần đó; chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn, tránh bị thiệt hại do sạt lở.
Đến khoảng 10 giờ ngày 5/6, tại vị trí rạn, nứt nêu trên đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào đất liền từ 10-15m; khu vực sạt lở có 1 đoạn rất nghiêm trọng dài hơn 30m, sâu khoảng 18m, điểm sạt lở cách tỉnh lộ 957 gần 20m, đe dọa tuyến giao thông huyết mạch từ huyện An Phú đi thành phố Châu Đốc (An Giang).
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng đến 6 nhà dân, buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn (2 nhà dân đã di dời trước đó, khi có dấu hiệu sạt lở); trong đó 2 căn nhà bị sụp phần nhà bếp và công trình phụ xuống sông.
Theo ông Đoàn Bình Lâm, đến chiều 5/6, sạt lở vẫn đang có dấu hiệu tiếp diễn. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, tạo thành lạch sâu và hàm ếch gây sạt lở.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, UBND huyện An Phú và thị trấn An Phú đã vận động di dời 6 hộ dân về ở tạm nhà người thân; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân di dời nhà, tài sản đến nơi an toàn; thông báo đến các hộ lân cận khu vực về nguy cơ sạt lở để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, chủ động di dời đến nơi an toàn.
UBND huyện An Phú đã kéo dây, lắp biển báo tạm để hướng dẫn, cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm quan trắc kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) tiến hành khảo sát hiện trường sạt lở, quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời cảnh báo và đề xuất hướng xử lý phù hợp.
Ám ảnh Trà Leng Khung cảnh tan hoang ở Trà Leng sau trận sạt lở núi kinh hoàng, gieo trong tâm trí tôi nỗi ám ảnh, đau xót khôn nguôi. Tháng 6. Dải đất miền Trung nắng như đổ lửa. Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đổ vào Quảng Nam vẫn đang gồng mình trước "cuộc chiến" phòng...