Bài toán kinh tế sau quyết định ám sát tướng Soleimani của TT Trump
Theo Foreign Policy, các yếu tố kinh tế đã đưa Tổng thống Trump đến câu trả lời khác với hai vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm – quyết định ám sát tướng Soleimani.
Hai tổng thống Mỹ gần nhất – ông Barack Obama và ông George W. Bush – đã từ chối bóp cò với thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Vậy điều gì đã dẫn đến quyết định của Tổng thống Donald Trump?
“Một câu trả lời từ góc nhìn kinh tế chính trị: Đó là kinh tế”, Joseph W. Sullivan của Foreign Policy bình luận.
“Con người làm nên lịch sử của chính họ, nhưng họ không làm theo ý muốn của họ, họ cũng không tạo nên (lịch sử) với những hoàn cảnh được chọn sẵn, họ tạo ra (lịch sử) trong các hoàn cảnh đang tồn tại”, Karrl Marx từng viết.
Đúng vậy, ông Trump không phải cựu Tổng thống Obama hay cựu Tổng thống Bush. Trách nhiệm cho cái chết của tướng Soleimani thuộc về Tổng thống Trump bất kể quyết định này sáng suốt hay không.
“Nhưng ít nhất ông Trump đã đưa ra một quyết định dựa trên ưu thế hiện tại hơn ông Obama hay ông Bush”, Foreign Policy nhận định.
Vũ khí giá dầu hết tác dụng với Mỹ
Sự phát triển trong ngành năng lượng của Mỹ những năm gần đây đã cho Washington chiếc “áo giáp” làm chệch hướng vũ khí yêu thích của Tehran – cú sốc giá dầu.
Ở chiều ngược lại, tại Iran, sự sụp đổ của các yếu tố kinh tế vĩ mô đã hạn chế khả năng làm tổn hại lợi ích của người Mỹ. Cả ông Bush và ông Obama đều không tận dụng những hoàn cảnh tương tự. Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ vừa ra tay.
Tháng 9/2019, Mỹ lần đầu là một quốc gia xuất siêu dầu kể từ những năm 1940. Giá dầu tăng trở thành một trạng thái tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Sự thay đổi này khiến Iran không thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ bằng cú sốc giá dầu kéo dài.
Lần đầu tiên trong lịch sử của Cộng hòa Hồi giáo, việc làm gián đoạn dòng chảy dầu ra khỏi Trung Đông không gây thiệt hại cho các điều kiện kinh tế vĩ mô ở Mỹ.
Mỹ không còn sợ cú sốc giá dầu – vũ khí yêu thích của Iran. Ảnh: ABC News.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng từ bên ngoài “tương đương chiến tranh”, nhấn mạnh rằng sự đảm bảo của dòng chảy dầu là “lợi ích của Mỹ ở Trung Đông”.
Nhưng chỉ một vài tháng trước, ông Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên có cơ hội xây dựng một chính sách đối ngoại ở Trung Đông mà không gây ra bất cứ mối nguy hiểm nào cho nền kinh tế Mỹ. “Đó là một bước tiến đáng hoan nghênh”, tờ Foreign Policy viết.
Tháng 9/2019, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia khiến giá dầu tăng vọt. Các quan chức Mỹ quy trách nhiệm cho Iran về cuộc tấn công này. “Bởi vì chúng ta đã làm rất tốt với năng lượng trong vài năm qua. Chúng ta là quốc gia xuất siêu năng lượng. Chúng ta không cần dầu từ Trung Đông”, tổng thống Mỹ đăng tweet.
Kinh tế Iran bất ổn
Tuy nhiên, tại Iran, các lệnh trừng phạt đã cho thấy tác dụng ngược. Giới chức trách phải đối mặt nhiều ràng buộc và đánh đổi hơn so với những người tiền nhiệm trước các cuộc tấn công từ phía Mỹ.
Hiện nay, các hành động trả đũa của Iran sẽ phải trả giá đắt vì gia tăng lạm phát vốn đã gây nên tình trạng bất ổn trong nước.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sản lượng kinh tế của Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm 2019. Sự thiếu hụt đồng ngoại tệ cũng làm hạn chế khả năng của chính quyền nước này trong các hoạt động ở nước ngoài.
Tehran sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ cho kế hoạch trả thù Mỹ mà không hy sinh những lợi ích khác.
Iran sẽ gặp khó trong việc tài trợ cho kế hoạch trả thù cho cái chết của tướng Soleimani. Ảnh: Bloomberg.
Sự thiếu hụt bất cứ mặt hàng nào ở thị trường trong nước cũng đẩy giá tăng cao. Vậy nên sự thiếu hụt đồng ngoại tệ tại Iran cũng khiến giá của ngoại tệ tăng cao so với đồng nội tệ. Người tiêu dùng vì thế phải trả giá đắt hơn cho những sản phẩm nhập khẩu, dẫn đến lạm phát tăng cao.
Mùa hè năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo quyết định về lệnh trừng phạt vào tháng 11/2018. Thông báo này khiến đồng tiền Iran sụt giá.
Trong năm 2016, trước khi ông Trump đắc cử và thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn hiệu lực, 1 đồng USD đổi khoảng 34.000 đến 37.000 rial.
Đến mùa xuân năm 2018, khi các tin đồn về lệnh trừng phạt bùng nổ, đồng rial bắt đầu trượt giá. Đến cuối tháng 8, 1 đồng USD đổi khoảng 110.000 rial, đồng tiền Iran mất giá khoảng 300%.
Video đang HOT
Sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng vào tháng 11/2018, tỷ giá dao động trong khoảng 110.000 rial đến 150.000 rial đổi 1 USD.
Đồng rial mất giá dẫn đến lạm phát tăng cao. Ảnh: Press TV.
Lạm phát tăng vọt khi tỷ giá sụp đổ bất chấp mọi nỗ lực che giấu của Tehran. Ngân hàng trung ương nước này đã ngừng báo cáo dữ liệu lạm phát công khai vào năm 2018. Vào lần công bố cuối cùng, tỷ lệ lạm phát tăng vọt hơn 200% trong vòng 6 tháng.
Trung tâm Thống kê Iran ước tính lạm phát tiêu dùng hàng năm xấp xỉ 40% trong tháng 12/2019. Trong danh mục bao gồm thực phẩm, tỷ lệ này là hơn 50%.
Tiến thoái lưỡng nan
Lạm phát cùng tình trạng bất ổn khiến người dân Iran tràn ra đường. Những người biểu tình đốt hàng trăm ngân hàng ở Iran, chính phủ cũng phản ứng dữ dội làm 1.500 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Điều kiện kinh tế hiện tại buộc các nhà lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo phải lựa chọn giữa bạo lực ở nước ngoài và an ninh trong nước. Nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, người dân chỉ càng thêm bất mãn. Điều này đe dọa đến tương lai của chế độ.
Tuy nhiên, bất cứ hành động trả đũa nào cho cái chết của tướng Soleimani cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ngoại hối của Iran.
Trả đũa thông qua các cuộc khủng bố ở nước thứ ba hoặc leo thang bạo lực qua đại diện nước ngoài đều cần chi tiêu ngoại tệ.
Thêm vào đó, bạo lực diễn ra ở nước ngoài cũng gây tác động lên ngoại tệ, cụ thể là đồng tiền châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc – những quốc gia được tiếp tục mua bán với Iran sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Các lựa chọn trả đũa của Iran không chỉ bị giới hạn bởi lạm phát. Báo cáo vào tháng 2/2019 chỉ ra khoản thâm hụt ngân sách trung ương là 10,7 tỷ USD. Hồi tháng 11/2019, chính phủ thừa nhận con số này đã lên đến 30 tỷ USD.
Không giống các quốc gia khác, Iran không thể chuyển sang thị trường trái phiếu quốc tế bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Thêm vào đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng không có nguồn thu để tài trợ cho kế hoạch trả đũa Mỹ. Tổ chức này có cơ cấu kinh tế giống mafia, chủ yếu thu lợi từ buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác.
3 tổng thống Mỹ cùng nhắm đến tướng Iran nhưng chỉ một người trong số họ “bóp cò”. “Ông ấy đã đưa ra một câu trả lời khác. Vì sao? Đó là yếu tố kinh tế”, Foreign Policy khẳng định.
Phương Thảo
Theo news.zing.vn
'Mãnh hổ Trung Đông' gục ngã trước tên lửa Mỹ, kết thúc cuộc đời oanh liệt
Sau hàng chục năm chiến đấu, rút cuộc thì Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds, Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng gục ngã.
Ông thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq rạng sáng 3-1-2020.
Qasem Soleimani là một vị tướng nổi tiếng tại khu vực Trung Đông. Thái độ cứng rắn với phương Tây, tài chỉ huy đỉnh cao đã khiến ông luôn là cái gai trong mắt Mỹ và Israel.
Một tờ báo Kuwait từng tiết lộ "âm mưu của Mỹ và Israel" nhằm loại bỏ một vị tướng quan trọng hàng đầu của Iran, hầu cắt đứt cánh tay nối dài của người Iran ở Trung Đông.
Động thái này được cho là ngăn chặn việc Iran kiểm soát các lực lượng dân quân người Shiite ở Syria và Iraq, cùng với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.
Theo đó, tờ báo Kuwait Al-Jarida đưa tin, Mỹ bị cáo buộc đã "bật đèn xanh" cho Israel vạch kế hoạch để ám sát tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm al-Quds, cánh tay hải ngoại của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Bài báo trích dẫn một nguồn tin giấu tên ở Tel Aviv nói rằng, "có một thỏa thuận Mỹ-Israel" rằng tướng Soleimani là mối đe dọa hàng đầu đối với lợi ích của hai nước trong khu vực.
Thực tế là cái gật đầu của Mỹ cho phép sát hại viên tướng hàng đầu của Iran lại diễn ra 3 năm sau khi chính nước này từng có một hành động ngăn cản nỗ lực của Israel nhằm ám sát ông Soleimani ở một địa điểm gần Damascus.
Vào thời điểm đó Mỹ đã cảnh báo Tehran về vụ ám sát vị tướng này có thể xảy ra, đồng thời cũng cho biết về việc người Israel đã theo dõi sát sao từng bước chân của tướng Soleimani, ở cả Syria lẫn Iraq.
Tờ báo không chỉ rõ nguyên nhân khi đó tại sao Mỹ lại ngăn cản Israel thực hiện kế hoạch ám sát viên tướng Iran, nhưng rất có thể là vào thời điểm cách đây 3 năm, chính quyền của Tổng thống Obama lo ngại vụ ám sát này sẽ khiến Tehran nổi giận và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không bao giờ được ký kết.
Tuy nhiên hiện nay, Tổng thống Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Ngoài việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran, mới nhất ông Trump đã ra lệnh cho không quân nước này không kích, giết hại viên tướng nổi tiếng của Iran vào rạng sáng nay (3-1).
Chính Lầu Năm Góc đã lên tiếng xác nhận cuộc tấn công, nói rằng hành động này được thực hiện "theo chỉ đạo của Tổng thống".
Cái chết của tướng Soleimani là một bước ngoặt đầy rủi ro ở Trung Đông và được dự đoán sẽ có sự trả đũa nghiêm trọng từ Iran và các lực lượng mà nước này ủng hộ trong trục đối đầu với Mỹ.
Không chỉ gây sóng gió cho mối quan hệ Mỹ-Iran, vụ việc cũng đã làm chấn động toàn cầu, khiến giá dầu tăng và khiến cho các quốc gia liên quan cảm thấy lo ngại về các bất ổn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc tướng Soleimani là "chủ mưu các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq và chống lại lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới".
Trong khi phía Iran tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả của "chủ nghĩa phiêu lưu" của nước này.
Các nhà phân tích đồng ý rằng Soleimani là một nhân vật độc nhất và có lẽ không thể thay thế đối với Iran, sau tin tức về cái chết của vị tướng này.
Trước đó, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng hòa cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani đã chuyển một thông điệp tới Bộ Tư lệnh lực lượng viễn chinh Mỹ tại Syria.
Đồng thời ông cũng khuyến cáo toàn bộ quân đội Mỹ nên rút lui khỏi Syria hoặc "cánh cửa địa ngục sẽ mở ra với lính Mỹ". Hiện tại Mỹ đã rút bớt sự hiện diện ra khỏi Syria, tuy nhiên quân số của họ vẫn đang hiện diện rất lớn xung quanh khu vực này, sẵn sàng can thiệp khi có yêu cầu.
Thiếu tướng Qasem Soleimani sinh ngày 11-3-1957, là sĩ quan cao cấp của quân đội Iran.
Ông Qasem Soleimani từng là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.
Vị tướng này nổi tiếng với với chiến lược ngoại giao cứng rắn và sự hỗ trợ quân sự hết mình cho các đồng minh có cùng hệ tư tưởng, trong đó có Syria.
Năm 2012, tướng Soleimani đã giúp củng cố chính phủ Syria, cũng như gửi quân và khí tài giúp quân đội nước này chống lại tổ chức khủng bố IS.
Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, khi còn trẻ, tướng Soleimani từng làm công nhân xây dựng trước khi trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Ngày 22-9-1980, khi Saddam Hussein phát động cuộc xâm lược của Iran kéo dài 8 năm, Suleimani nổi lên là vị chỉ huy trẻ tài năng và can đảm.
Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội. Trong cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1999 tại Tehran, tướng Soleimani cảnh báo Tổng thống Mohammad Khatami, nếu không dẹp được cuộc nổi loạn thì chính quân đội sẽ chống lại vị tổng thống này.
Tướng Soleimani được miêu tả là "nhà hoạt động mạnh mẽ duy nhất ở Trung Đông ngày nay và là nhà chiến lược và chiến thuật quân sự chính trong nỗ lực của Iran nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây".
Tổng thống Bashar al-Assad xoay chuyển được tình thế trong cuộc nội chiến Syria một phần lớn nhờ vào công của vị tướng người Iran này.
"Người Nga không chống lại sự hiện diện của Mỹ và có thể chấp nhận thực tế này sau khi xác định rõ nét ranh giới ngăn chặn xung đột không chủ ý giữa hai bên. Nhưng Iran có một quan điểm rõ ràng và kiên quyết không thay đổi, không để Tổng thống Syria một mình đối mặt với lực lượng quân đội Mỹ, nếu Washington quyết định duy trì sự hiện diện ở chiến trường Syria", Tướng Soleimani từng cho biết.
Việc vị tướng nổi tiếng Iran bất ngờ bị Mỹ ra tay sát hại chắc chắn sẽ làm cục diện Trung Đông nóng lên trong thời gian tới.
Một số quan chức Mỹ cũng như các nhà quan sát kỳ cựu của Iran, nói rằng cuộc tấn công là một động thái leo thang vượt xa những gì họ từng dự đoán.
Một chuyên gia về Iran cho biết, cuộc tấn công đã làm ngạc nhiên ngay cả một số thành viên của chính quyền Trump, thậm chí quyết định nhằm mục tiêu vào vị tướng của Iran chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian gần đây.
Một cựu quan chức Mỹ nói rằng cuộc tấn công đặc biệt đáng chú ý vì nó nhắm vào một nhân vật nằm trong bộ máy chính quyền Iran, trái ngược với các nhân vật phi nhà nước trước đây.
Một quan chức Trung Đông khác của Mỹ nói rằng một cuộc trả đũa của Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Các mục tiêu của Iran có thể là các quan chức Mỹ ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh và có thể là ở vùng Vịnh.
Việt Hùng (Tổng hợp)
Theo anninhthudo.vn
Press TV: Iran xác nhận tấn công căn cứ không quân Mỹ tại Iraq Kênh truyền hình Press TV viết trên Twitter rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận đã tấn công căn cứ không quân tại Iraq. Liên tiếp các vụ tấn công xảy ra sau khi Tướng Iran Soleimani bị sát hại. (Nguồn: AP) Kênh truyền hình Press TV viết trên Twitter rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng...