Bài toán dung hòa hậu bầu cử ở Israel
Với thắng lợi áp đảo dành cho liên minh cánh hữu đối lập, cuộc bầu cử ngày 1/11 tại Israel đã đánh dấu sự trở lại đầy bất ngờ của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đồng thời mở ra một chính phủ mới đậm chất cánh hữu, có thể tác động tới các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước Do Thái.
Cựu Thủ tướng Israel, lãnh đạo đảng Likud Benjamin Netanyahu phát biểu trước những người ủng hộ sau khi bỏ phiếu tổng tuyển cử, tại Jerusalem ngày 2/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng, dù còn phải đợi công nhận chính thức mang tính thủ tục, đã mang lại cho liên minh của ông Netanyahu 64 trên tổng số 120 ghế trong quốc hội Israel ( Knesset), trong khi liên minh của Thủ tướng Yair Lapid chỉ đạt được 51 ghế. Sự chênh lệch này giúp ông Netanyahu tự tin sẽ được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo luật định, quy trình có thể kéo dài nhiều tháng nếu gặp khó khăn, nhưng dự báo chính phủ liên minh lần này sẽ được thành lập rất nhanh. Không giống như chính phủ liên minh trước, bao gồm 8 đảng thành viên có sự khác biệt lớn về đường lối và chương trình nghị sự, liên minh cánh hữu lần này chỉ gồm 4 thành phần và khá đồng nhất. Nếu các cuộc đàm phán phân chia các vị trí trong nội các và bộ máy chính quyền kết thúc sớm, chính phủ mới có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Knesset trong chưa tới 1 tháng.
Video đang HOT
Thắng lợi mà liên minh ủng hộ ông Netanyahu có được là nhờ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 70%, được coi là rất cao trong bối cảnh Israel vừa trải qua 4 kỳ bầu cử liên tục. Trong khi tỷ lệ đi bầu ở khối cử tri gốc Arab đạt thấp, lực lượng cử tri ủng hộ các đảng cực hữu và đảng của người Do Thái chính thống (Haredi) tỏ ra nhất quán và kiên định hơn hẳn. Điều này đã giúp cho đảng Phục quốc tôn giáo vươn lên ngoạn mục, thêm 8 ghế so với 6 ghế trong Knesset nhiệm kỳ trước, trở thành đảng về đích thứ ba. Bên cạnh đó, sự phân tán của khối cánh tả đã khiến đảng Lao động theo đường lối xã hội và dân chủ chỉ giành được 4 ghế, mất 3 ghế về phe cánh hữu. Thậm chí, đảng Meretz theo đường lối ôn hòa, kỳ trước có 6 ghế, kỳ này đã bị loại khỏi Knesset do không đủ ngưỡng tối thiểu. Các đảng đại diện cho người Arab cũng vậy, kỳ trước có 10 ghế, lần này chỉ còn 4 ghế, bất chấp người gốc Arab chiếm tới 20% dân số Israel.
Mặc dù xu thế các đảng thiên hữu mạnh lên và các đảng thiên tả yếu đi đã diễn ra suốt 20 năm qua, nhưng sự trỗi dậy của các đảng cực hữu và tôn giáo trong lần bầu cử này khiến giới phân tích không khỏi ngạc nhiên, đồng thời lo ngại chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo sẽ trở thành dòng chảy chính trong chính trường Israel. Với một chính phủ mới đậm chất bảo thủ, các chính sách đối nội và đối ngoại của Israel trong thực tế sẽ bị tác động.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel, Tiến sĩ Emmanuel Navon, giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Tel Aviv, nhận định: “Ví dụ các hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab vùng Vịnh hồi năm 2020 mà ông Netanyahu đã ký khi đang là thủ tướng. Để các thỏa thuận này được ký, ông Netanyahu phải chấp nhận hoãn hoặc hủy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây. Giờ đây, một số đối tác trong liên minh có thể sẽ nêu lại đề nghị sáp nhập một phần hoặc toàn bộ Bờ Tây. Nếu vậy ông Netanyahu sẽ đối mặt với tình thế khó xử”.
Các đảng Phục quốc tôn giáo, Shas và UTJ đều là những đảng của người Do Thái Haredi chính thống và bảo thủ. Trước đó, các đảng này đều đã lên kế hoạch đảo ngược một số chính sách cải tổ do chính phủ khóa trước thực hiện, đồng thời đề ra một số định hướng mới nhằm củng cố sự kiểm soát của người Do Thái chính thống trong đời sống tôn giáo tại Israel. Hai trong số các chính trị gia theo đường lối cứng rắn là Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich đang đàm phán để được giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc phòng của Israel. Nếu vậy, họ có thể sẽ khiến chính sách của Israel với người Palestine thêm cứng rắn và ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Là một chính trị gia chủ trương đề cao dân tộc Do Thái, mở rộng các khu định cư và bài xích cộng đồng đồng giới, cá nhân ông Ben Gvir không có mối quan hệ tốt với chính quyền Mỹ. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội như giải quyết tranh chấp dân sự hoặc cấp giấy phép tiêu chuẩn thực phẩm Kosher có thể sẽ bị các đảng vận động để chịu sự can thiệp nhiều hơn của hệ thống tòa án và hành chính tôn giáo.
Cử tri Israel bỏ phiếu tại điểm bầu cử Quốc hội ở thành phố Bnei Brak, gần Tel Aviv ngày 1/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính phủ mới sẽ khó có thể biến Israel trở thành một nhà nước cực hữu, thần quyền. Đảng Likud theo đường trung – hữu vẫn chiếm nhiều ghế nhất trong Knesset và ông Netanyahu giữ chức thủ tướng sẽ là các yếu tố dung hòa. Mặt khác, mặc dù hệ thống bầu cử của Israel dựa trên nguyên tắc tỷ lệ, tức đảng nào giành được bao nhiêu phần trăm phiếu bầu sẽ chiếm một tỷ lệ tương ứng trong quốc hội, song trên thực tế, điều này chưa hẳn đã đúng, do tỷ lệ cử tri đi bầu có sự chênh lệch giữa các khối và do nguyên tắc dồn phiếu dư giữa các đảng. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, phe của ông Netanyahu mặc dù giành được 64 ghế nhưng tỷ lệ cử tri ủng hộ chỉ là 49,55%.
Hơn nữa, bản thân các đảng cực hữu dù muốn nhưng sẽ không dám lạm dụng sức ép tôn giáo để đẩy các chính sách đi quá xa. Giám đốc Trung tâm chính sách Do Thái và Nhà nước thuộc Viện nghiên cứu Shalom Hartman, ông Tani Frank đánh giá mặc dù chiếm đa số trong quốc hội, việc thông qua một điều luật nào đó đều đòi hỏi nhượng bộ chính trị, khiến các đảng cực hữu sẽ phải cân nhắc. Ví dụ, đảng của người Do Thái chính thống sẽ phải nhượng bộ để các cơ sở đào tạo tôn giáo được nhận thêm ngân sách tài trợ, người Do Thái chính thống được trợ cấp sinh đẻ kể cả trong trường hợp thất nghiệp hay được bãi bỏ một số loại thuế bất lợi.
Là một chính trị gia lão luyện, dù đang đối mặt với một số cáo buộc hình sự, ông Netanyahu đã khôn khéo tranh thủ sự sơ hở của phe cánh tả và chấp nhận bắt tay với hai đảng cực hữu để trở lại nắm quyền. Những tình tiết này cho thấy các tuyên bố khi tranh cử, chẳng hạn sẽ rút lại thỏa thuận phân định biên giới và khai thác khí đốt tự nhiên trên biển mà Israel vừa ký với Liban, có thể sẽ không diễn ra sau khi ông Netanyahu lên nắm quyền. Thỏa thuận này một phần chịu sức ép từ Mỹ và châu Âu khi thị trường năng lượng thế giới đang gặp khủng hoảng, nhưng cũng mang lại một nguồn thu xuất khẩu đáng kể cho Israel để bù đắp tình trạng lạm phát trong nước. Với một chính phủ bao gồm các thành phần cực hữu, thách thức trước mắt của ông Netanyahu là làm cách nào để giữ được sự cân bằng cho một nhà nước đồng thời mang hai bản sắc vừa thống nhất vừa đối lập: Israel – Do Thái.
Bắt đầu bầu cử Quốc hội tại Israel
Ngày 1/11, cử tri tại Israel đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội (Knesset), với hy vọng phá vỡ bế tắc chính trị trong suốt hơn ba năm qua.
Cử tri tại Israel đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh: Reuters
Theo truyền thông tại địa phương, các điểm bỏ phiếu được mở từ lúc 5h00 sáng 1/11 (giờ GMT, tức 12h00 giờ Việt Nam) và đóng cửa lúc 20h00 cùng ngày. Đây cuộc bầu lần thứ 5 của Quốc hội Israel kể từ năm 2019. Hơn 6,8 triệu cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải cho các cá nhân.
Để trở thành Thủ tướng sắp tới của Israel, đương kim Thủ tướng Yair Lapid, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoặc các chính trị gia khác sẽ phải tập hợp một liên minh kiểm soát tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế. Nếu không thể thực hiện thành công điều này, Israel sẽ tiếp tục phải tiến hành cuộc bầu cử khác vào đầu năm 2023.
Dự kiến, kết quả chính thức của cuộc bầu cử sẽ được công bố sau ngày 2/11, trong khi quá trình thành lập chính phủ liên minh mới có thể kéo dài trong nhiều tuần sau đó.
Bầu cử Israel: Đảng nào sẽ đưa cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu trở lại nắm quyền? Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử trung ương Israel chốt danh sách các đảng đăng ký tham gia cuộc bầu cử Quốc hội (Knesset) khóa 25 hôm 15/9, các cuộc thăm do dư luận cho thấy phe đối lập do đảng Likud của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu sẽ giành được 60 ghế, thiếu một ghế để có thể thành...