Bài thuốc chữa viêm xoang nhiễm khuẩn
Viêm xoang cấp tính thường xuất hiện sau khi có nhiễm virus (cảm cúm), do dị ứng hoặc nhiễm nấm đường hô hấp.
Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở một hay nhiều xoang (xoang hàm, xoang sàng và xoang trán). Màng nhày các xoang viêm và sưng khiến dịch không thoát ra được. Nếu không điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi hoặc tiến triển thành viêm xoang mạn tính.
Đông y chia viêm xoang làm 2 loại: Viêm xoang dị ứng và viêm xoang nhiễm khuẩn. Viêm xoang nhiễm khuẩn do phong nhiệt, nhiệt độc gây ra. Có 2 thể: cấp tính và mạn tính. Sau đây là một số bài thuốc trị viêm xoang nhiễm khuẩn.
Viêm xoang cấp tính
Khi bệnh mới phát, người bệnh ngạt mũi, chảy nước mũi màu vàng có mủ, xoang hàm và xoang trán đau, viêm hốc mũi kèm theo sợ lạnh, sốt, nhức đầu. Phương pháp chữa là thanh phế, tiết nhiệt, giải độc. Dùng bài thuốc:
Bài 1 – Tân di thanh phế ẩm gia giảm: tân di 12g, hoàng cầm 12g, tri mẫu 12g kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, mạch môn 12g, dấp cá 12g, thạch cao (sắc trước) 40g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu người bệnh nhức đầu, sợ lạnh, sốt thì bỏ hoàng cầm, mạch môn; thêm ngưu bàng tử 12g, bạch hà 8g.
Bài 2: kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, chi tử 8g, mạch môn 12g, hy thiêm 16g, diếp cá 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Viêm xoang cấp tính nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm tai giữa, viêm phế quản phổi hoặc tiến triển thành viêm xoang mạn.
Video đang HOT
Viêm xoang mạn tính
Bệnh kéo dài, người bệnh thấy đau khi ấn vào xương hàm và xương trán; thường chảy nước mũi có mủ và hôi, khứu giác giảm, nhức đầu thường xuyên. Phương pháp chữa là dưỡng âm, nhuận táo, thanh phế, giải độc. Dùng bài thuốc:
Bài 1: sinh địa 16g, huyền sâm 12g, đan bì 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, ké đầu ngựa 16g, tân di 8g, hoàng cầm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2 – Bột cam xanh: Dùng theo phương pháp điều trị cam mũi trong hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc dùng lọ nước NaCl 0,9% rửa mắt và mũi 10ml, đổ bỏ 1/2 hoặc 1/3, cho bột thuốc của 1 ống cam xanh vào, lắc đều, nhỏ mỗi bên mũ 2 -3 giọt.
Món ăn thuốc hỗ trợ trị bệnh
Canh trứng tân di bạc hà ty qua đằng: ty qua đằng (dây mướp) 60g, tân di 10g, trứng gà 2 quả, bạc hà tươi 10g. Ty qua đằng cắt đoạn rửa sạch, cùng tân di và trứng cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu. Khi trứng gần chín, lấy ra bóc bỏ vỏ cho vào nồi, cho bạc hà vào nấu thành canh. Ăn trứng và uống nước. Ngày ăn một lần, đợt dùng 5 – 10 ngày. Món này rất tốt cho người viêm mũi xuất tiết, đờm đặc vàng, niêm mạc mũi sung huyết sưng nề, đau đầu, đau vùng cánh mũi chân má.
Canh tân di trứng gà: tân di 9g, trứng gà 2 quả, nấu thành canh ăn. Dùng tốt cho người bị viêm mũi, viêm xoang.
Canh tân di phổi lợn: phổi lợn 300g, tân di 10g, thương nhĩ tử 20g, bạch truật 15g, phục linh 15g. Phổi lợn rửa sạch thái lát, các dược liệu cùng cho trong túi vải xô, cùng cho vào nồi, đổ nước nấu nhừ, bỏ túi bã dược liệu, thêm gia vị làm canh. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 5 – 10 ngày. Món này thích hợp cho người bị tắc mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, quên lẫn, niêm mạc mũi sưng nề tiết dịch nhày.
Lợi đàm trà: chi tử 20g, bạc hà 6g, thương nhĩ tử 12g, tân di 12g. Dược liệu cùng tán vụn, pha hãm cùng với chè, uống ngày 1 ấm. Đợt dùng 7-20 ngày. Dùng tốt cho người bị viêm mũi xuất tiết, đờm đặc vàng, niêm mạc mũi sung huyết sưng nề, đau đầu, đau vùng cánh mũi chân má.
Dưa hấu xào cà rốt: vỏ dưa hấu 300g, cà rốt 200g, gừng tươi 12g. Vỏ dưa cạo bỏ lớp mỏng ngoài, thái lát; cà rốt thái lát; gừng tươi đập giập. Tất cả cùng xào với dầu thực vật, thêm gia vị. Ăn trong bữa phụ hoặc trong bữa chính. Ngày một lần, đợt dùng 7-10 ngày. Thích hợp cho người bị viêm xoang, tắc ngạt mũi tiết đờm vàng đục có thể lẫn tia huyết.
BS. Phương Thảo
Theo suckhoedoisong
Lý do 'không thể ngờ' khiến căn bệnh viêm tai giữa tái phát
Trẻ đã có tiền sử viêm tai giữa hoặc những người lớn viêm mũi xoang không được đi khám kịp thời mà vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị chưa thích hợp, đặc biệt là xịt rửa và xì mũi thường xuyên thì viêm tai giữa sẽ tái diễn khó kiểm soát..
Viêm tai giữa hay tái phát là do rửa mũi không đúng cách.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào (BV ĐH Y Hà Nội) cho biết, viêm tai giữa là hiện tượng phần niêm mạc của tai giữa, bao gồm hòm tai, vòi tai (đường thông mũi tai), xương chũm bị viêm.
"80% là do biến chứng của viêm mũi họng, hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Một số khác xuất phát từ viêm mũi xoang điều trị không đúng, xì mũi. Cũng có trường hợp có các khối u vùng vòm mũi họng chèn ép hoặc xâm lấn vùng vòi tai. Cũng có thể do gián tiếp qua chấn thương do áp lực tác động vào vùng vòi tai khi đi máy bay, lặn...", PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh.
Trường hợp con chị H., (Cống Vị, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Cô con gái lên 4 tuổi của chị, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng gần đây nhưng đã tới 2 lần bị viêm tai giữa.
Nguyên nhân do "mẹ tự làm bác sĩ" khi mỗi lần con sổ mũi chị H. lại vật con ra tự rửa mũi. Mỗi lần như thế, mẹ con chị H. lại đánh vật với nhau, vì bé giãy giụa chống đối khiến cho chị H. không thể hút sạch mũi bẩn. Vậy là, mũi thì không những không hết mà còn đẩy sang ống tai. Vi khuẩn "lan sang" gây viêm tai giữa lúc nào không hay.
Theo vị chuyên gia tai mũi họng đến từ BV ĐH Y, khi bị viêm tai giữa biểu hiện đầu tiên là sốt, đau tai, nghe kém... Đặc biệt đối với trẻ vị viêm tai giữa rất hay kèm theo rối loạn tiêu hóa.
Vậy, viêm tai giữa có nguy hiểm không?. PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay, đây là câu hỏi được nhiều bố mẹ đặt ra cho thầy thuốc tai mũi họng khi đưa con đi khám và được chẩn đoán là viêm tai giữa.
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Bích Đào cho rằng, đại đa số các trường hợp viêm tai giữa không nguy hiểm tới tính mạng, tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới một số chức năng của tai như sức nghe giảm nhưng không nhiều.
"Tuy nhiên, một số trường hợp viêm tai giữa gây biến chứng nội sọ có thể nguy hiểm tới tính mạng. Cũng có trường hợp viêm tai giữa biến chứng viêm màng não, áp xe não,... Biến chứng này thường xảy ra ở trẻ em do hiện tượng chưa liền của một số khớp nằm ở trần hòm tai, nơi tiếp xúc với nội sọ, viêm nhiễm có thể lan vào màng não, não. Trong khi đó, cũng có trường hợp viêm tai giữa do lao, viêm tai giữa sau sởi... cũng có thể biến chứng vào nội sọ", PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh.
Vì thế để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào lưu ý, với những trường hợp có sốt (có trường hợp sốt cao rét run) kèm theo đau đầu dữ dội, trẻ em sẽ quấy khóc, bỏ ăn; nôn vọt, thường không liên quan đến bữa ăn; thường xuyên nằm ở tư thế cò súng... người bệnh cần khám bác sĩ tai mũi họng ngay để có chẩn đoán xác định.
"Chúng ta biết được viêm tai giữa nguyên nhân chính do viêm mũi họng điều trị chưa đúng phương pháp hoặc chưa kịp thời. Vì vậy, trẻ đã có tiền sử viêm tai giữa hoặc những người lớn viêm mũi xoang không được đi khám kịp thời mà vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị chưa thích hợp, đặc biệt là xịt rửa và xì mũi thường xuyên thì viêm tai giữa sẽ tái diễn khó kiểm soát.", PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh.
Theo infonet
Viêm tai giữa- vì sao hay tái phát? Viêm tai giữa thường có nguyên nhân do viêm mũi họng điều trị chưa đúng phương pháp hoặc điều trị chưa kịp thời, có thể biến chứng nguy hiểm. Viêm tai giữa là hiện tượng phần niêm mạc của tai giữa, bao gồm hòm tai, vòi tai (đường thông mũi tai), xương chũm bị viêm. Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa 80%...