Bài Quốc Ca bị đánh bản quyền, gia đình cố NS Văn Cao bày tỏ: “Gia đình đã giao toàn bộ quyền cho Nhà nước. Bộ Văn hóa và Cục Bản quyền cần có ý kiến”
Sự việc bản Quốc Ca bị đánh bản quyền đang khiến dư luận bức xúc.
Ngày hôm nay, dư luận cả nước không khỏi bức xúc trước thông tin đơn vị BH Media nhận vơ về việc sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca – Quốc Ca do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Sự việc còn dấy lên nhiều bức xúc khi video Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu. Bản tin Chuyển động 24h của Đài Truyền hình VTV trưa ngày 4/11 đã lên án về hành động này của phía BH Media.
VTV lên án hành động đánh bản quyền ca khúc Tiến Quân Ca của BH Media tại bản tin Chuyển động 24h ngày 4/11
Ngoài ra một số tác phẩm dân gian như như ca khúc Quan họ Bắc Ninh – Giã Bạn hay vở cải lương “kinh điển” như Tiếng Trống Mê Linh, Nửa Đời Hương Phấn cũng được diễn viên Gia Bảo thể hiện sự bức xúc khi đây là tác phẩm do dòng tộc của anh đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên YouTube. Nhưng sau nhiều năm đột nhiên bị BH Media báo cáo vi phạm bản quyền. Dù sau đó, phía BH Media đã gỡ báo cáo vi phạm nhưng việc ngang nhiên nắm giữ bản quyền của đơn vị này đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Chiều 4/11 cùng ngày, chia sẻ với chúng tôi xoay quanh vấn đề ca khúc Tiến Quân Ca bị phía BH Media đánh bản quyền, Nhạc sĩ Văn Thao, con trai của cố Nhạc sĩ Văn Cao, đại diện gia đình cho biết:
“Gia đình đã giao bản quyền và toàn bộ quyền cho Nhà nước. Vấn đề này thì Bộ Văn hóa và Cục Bản quyền của Nhà nước cần có ý kiến chứ gia đình đã trao tặng toàn bộ ca khúc, xem như thuộc về Nhà nước, thuộc về Nhân dân rồi. Về bản quyền tác giả thì tôi nghĩ không thu tiền ca khúc ấy vì ca khúc ấy đã thuộc toàn quyền của Nhà nước.
Vấn đề này nên trao đổi với Bộ Văn hóa, gia đình không thể có ý kiến gì cả vì đã làm lễ bàn giao chính thức cho Nhà nước và cho nhân dân. Tất nhiên, quyền của tác giả thì vẫn là tên tuổi của cố NS Văn Cao nhưng mà thu tiền bản quyền sử dụng thì đơn vị nào thực hiện trái phép, không xin phép Nhà nước thì Bộ Văn hóa nên đứng ra”.
Trước đó, vào ngày 21/6/2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến Quân Ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Nghiêm Thúy Băng, với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến Quân Ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam từ 1945 đến nay.
Video đang HOT
Cố NS Văn Cao
Bản nhạc Tiến Quân Ca được NS Văn Cao hiến tặng cho Bảo tàng Cách Mạng
Nội dung bức thư đã được mở đầu: “Tôi là Nghiêm Thúy Băng, 80 tuổi, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao – tác giả quốc ca Việt Nam (đã mất từ 7/1995), đại diện cho gia đình đang thừa kế các tác phẩm âm nhạc của ông, xin trân trọng ngỏ lời hiến tặng công chúng, Đảng, Quốc hội và Nhà nước tác phẩm Tiến Quân Ca đang là Quốc ca Việt Nam từ năm 1946 đến nay là 64 năm”.
“Từ ngày 1/7/2006, tác phẩm này đã chính thức được Nhà nước bảo hộ đầy đủ vô thời hạn về các quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, quyền liên quan đến tác giả có thời hạn bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết” (Điều 27.2.b Luật Sở hữu trí tuệ)… không phụ thuộc vào việc có trình diễn hay không trình diễn như mọi tác phẩm khác”.
Bà Nghiêm Thúy Bằng, vợ của cố NS Văn Cao
Đến tháng 8/2015, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam đề xuất thu phí bản quyền khi được sử dụng để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật. Ngày 15/8, trong chương trình Hát Mãi Khúc Quân Hành tại Nhà hát Tuổi trẻ và chương trình Tự Hào Tổ Quốc Tôi ngày 17/8, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam đã thu tiền bản quyền tác phẩm Tiến Quân Ca, sự việc tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Ngày 26/8/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đến trung tâm này đề nghị dừng việc thu tiền bản quyền tác phẩm Tiến Quân Ca vì lời hiến tặng của vợ cố nhạc sĩ Văn Cao và cũng là tâm nguyện của ông khi còn sống
Ngày 15/7/2016, gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao đã chính thức hiến tặng ca khúc Tiến Quân Ca cho “nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”. Lễ tiếp nhận được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Chủ tịch nước truy tặng Nhạc sĩ Văn Cao Huân chương Hồ Chí Minh.
Bà Nghiêm Thúy Bằng được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để ghi nhận những nỗ lực của bà trong việc bảo tồn các tác phẩm của nhà soạn nhạc.
Buổi lễ diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội vào chiều 15/7/2016
Theo thông tin chính thức từ Cục Bản quyền tác giả, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến Quân Ca quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan về bản quyền.
'Chiếc gậy' của BH Media, nhận vơ và sự trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số
Từ các ca khúc nhạc sĩ sáng tác, tự bỏ tiền ra sản xuất cho đến Quốc ca, nhạc dân gian, các vở tuồng cải lương... rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đang bị khai thác trái phép.
Trong tuần qua, nhiều phóng sự của VTV đã được thực hiện mà ở đó, nội dung tập trung vào tình trạng các nhạc sĩ đang gặp vấn đề về bản quyền khi đăng tải chính những đứa con mình sáng tác lên Youtube. Thế nhưng, không chỉ có những sản phẩm âm nhạc của các tác giả bị sở hữu trái phép mà còn rất nhiều sản phẩm nghệ thuật dân gian hoặc của nhà nước cũng đang âm thầm bị khai thác trên nền tảng số.
Điển hình như các ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc nhưng lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Hay tác phẩm quan họ Bắc Ninh Giã bạn, khi đăng tải lên Youtube bị BH Media khiếu nại bản quyền và thậm chí, Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên VTV1 cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên Youtube...
Tiến Quân Ca (Thu thanh trước 1975) - một trong số những tác phẩm BH Media nhận vơ quyền sở hữu.
Diễn viên Gia Bảo cũng từng bức xúc khi các vở cải lương như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn do dòng tộc của anh đặt hàng sáng tác và hiện cho phát miễn phí trên Youtube. Nhưng sau nhiều năm đột nhiên bị BH Media báo cáo vi phạm bản quyền. Mặc dù sau đó BH Media đã gỡ báo cáo vi phạm nhưng điều này vẫn cho thấy, nếu không có ai phát hiện ra và lên tiếng thì đơn vị này vẫn sẽ cứ âm thầm khai thác các tác phẩm mà mình không được quyền sở hữu.
Quay lại với câu chuyện của BH Media, thời gian qua, đơn vị này đã bị nhiều Youtuber tố là nhận vơ các tác phẩm, tự ý đăng ký quyền sở hữu trên Youtube rồi từ đó báo cáo vi phạm các bên khác, thậm chí với chính người đã sáng tác ra tác phẩm ấy. BH Media am hiểu về công nghệ nên đã đi trước 1 bước, đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm qua hệ thống Content ID - một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.
Tuy nhiên, nếu những video không thuộc quyền sở hữu của BH Media nhưng đơn vị này lại là người đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm thì đã vô hình trục lợi trái phép các tác phẩm nghệ thuật. Và với những người thường xuyên làm nội dung trên youtube thì Content ID không còn xa lạ gì. Đây là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình và thu tiền quảng cáo từ Youtube.
Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nói: Khi có bất kỳ bản ghi nào đó ra đời thì người chủ sở hữu sẽ đăng ký với công ty chủ của Facebook và Youtube rằng tôi đang sở hữu 1 bài hát này và tôi muốn đăng ký content ID là 1 dãy số để tôi có thể dựa vào dãy số này dùng những thuật toán, tool để truy quét những sai phạm về vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên chính sách này cũng nêu rõ: Bạn chỉ được tạo tài sản cho những mục mà bạn sở hữu quyền, chẳng hạn như hãng nhạc không được tạo tài sản Phần sở hữu trong bản sáng tác khi không có hợp đồng thích hợp và nhà xuất bản âm nhạc không được tạo tài sản Bản ghi âm thanh.
Anh Nguyễn Hồ Hải Long - Phụ trách bản quyền, VieEnt Music Distributor: Để sử dụng công cụ content ID này thì mạng đa kênh phải cam kết rằng tất cả sản phẩm mà mình đăng ký trên content ID bắt buộc là sản phẩm độc quyền. Lúc này người dùng chỉ cần upload 1 đoạn video sử dụng từ 5 - 15s trùng lặp với tác phẩm đã đăng ký thì ngay lúc này hệ thống content ID sẽ tự động gửi thông báo đến người dùng rằng họ đang sử dụng 1 sản phẩm có bản quyền trên Youtube.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, những đơn vị như BH Media có quan hệ trực tiếp với các nền tảng xuyên biên giới Youtube hay Facebook sẽ có rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, nếu sản phẩm mà họ đăng kí Content ID thực chất không thuộc quyền sở hữu của họ thì lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Phan Vũ Tuấn - Văn phòng Luật sư Phan Law VietNam: Khi họ sử dụng lợi thế đó thì họ vượt quá giới hạn bảo vệ bản quyền, chuyển qua 1 giới hạn khác là lạm dụng các thủ tục bảo vệ quyền gây thiệt hại cho người khác. Đôi khi anh còn không có quyền đó mà bảo vệ, anh đang khai thác nó chứ không phải bảo vệ nó. Dẫn đến việc những đơn vị kia có thể bị ảnh hưởng, bị gỡ content, thậm chí trong 1 số trường hợp còn bị thất thu khoản thu mà đáng ra mình được hưởng.
Cho đến thời điểm này, không rõ BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm và khai thác chúng từ bao giờ. Chỉ biết có rất nhiều tác phẩm mà đơn vị này không hề có quyền sở hữu nhưng lại đang âm thầm thu về dòng tiền bất chính.
Lùm xùm bản quyền 'Giấc mơ trưa': Giáng Son và BH Media, ai sai? Ngày 27/10, BH Media - đơn vị vừa bị nhạc sĩ Giáng Son tố "đánh" bản quyền ca khúc của chính mình tổ chức họp báo về "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số". Theo BH Media, vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son thực ra rất đơn giản, chỉ giải quyết trong vòng "một nốt nhạc" nhưng nhạc sĩ Giáng Son...