Bài phát biểu có thể châm ngòi căng thẳng Đài Loan của ông Tập Cận Bình
Giới phân tích nhận định mọi nỗ lực kiến tạo hòa bình xuyên eo biển Đài Loan dường như đang lâm vào bế tắc và có thể dẫn tới nguy cơ xung đột cận kề hơn sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây.
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) dự sự kiện kỷ niệm 40 năm công bố “Thư gửi đồng bào tại Đài Loan” tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 2/1. (Ảnh: Reuters)
“Thư gửi đồng bào ở Đài Loan” do Bắc Kinh công bố ngày 1/1/1979 được cho là đã mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai bờ eo biển Đài Loan sau nhiều thập niên căng thẳng. Bức thư này không chỉ thông báo việc chấm dứt các đợt pháo kích thường xuyên của Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan, mà còn đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận cơ bản đối với hòn đảo này, từ mục tiêu “giải phóng” (với nguy cơ sử dụng vũ lực) sang “thống nhất hòa bình”.
Tuy vậy, bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/1 vừa qua trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày công bố “Thư gửi đồng bào ở Đài Loan” làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mở ra cánh cửa xung đột giữa hai bờ eo biển.
Các bài báo trên khắp thế giới đều chạy những dòng tiêu đề “ nóng” như “Liệu Trung Quốc có tuyên chiến với Đài Loan không?” hay “Quân đội Đài Loan đã thực sự sẵn sàng để đối đầu với Trung Quốc hay chưa?”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình dường như định nghĩa lại Đồng thuận 1992, một thỏa thuận không chính thức giữa các đại diện của Bắc Kinh và Đài Bắc cách đây 27 năm. Đồng thuận 1992 khẳng định chỉ có “một Trung Quốc”, tuy nhiên mỗi bên lại có những cách giải nghĩa của riêng mình về điều gì cấu thành khái niệm “Trung Quốc” như vậy.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi Đài Loan chấp nhận thực tế rằng, hòn đảo này “phải và sẽ được” thống nhất với đại lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” do Bắc Kinh đưa ra. Trong khi đó, mô hình này hoàn toàn không được ủng hộ tại Đài Loan.
Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thúc đẩy sự đoàn kết hiếm thấy giữa các đảng trong hệ thống chính trị tại Đài Loan. Không chỉ lãnh đạo đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một đảng vốn ủng hộ Đài Loan độc lập, mà cả Quốc dân đảng, đảng đối lập thân Bắc Kinh, cùng 3 đảng đối lập khác đều phản đối đề xuất của ông Tập Cận Bình.
Video đang HOT
Cả ông Ngô Đôn Nghĩa và Mã Anh Cửu, lần lượt là đương kim và cựu chủ tịch Quốc dân đảng, đều lên tiếng phản bác bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Mã, người từng có cuộc gặp lịch sử với ông Tập hồi năm 2015, trả lời phỏng vấn qua đài phát thanh rằng không có chỗ cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại Đài Loan. Trong nhiệm kỳ lãnh đạo Đài Loan từ năm 2008-2016, ông Mã Anh Cửu đã thực thi chính sách “ba không” với Bắc Kinh, gồm không tái thống nhất, không độc lập và không chiến tranh.
Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 27-28/12/2018 cho thấy 81,2% số người Đài Loan được hỏi cho biết họ không chấp nhận Đồng thuận 1992. Trước đó, một cuộc khảo sát khác được Đại học Chengchi công bố hồi tháng 8 cũng cho thấy phần lớn người dân Đài Loan muốn duy trì bản sắc riêng của họ và chỉ có 3% nói rằng họ muốn thống nhất với Trung Quốc đại lục ở thời điểm hiện tại.
Căng thẳng trở lại?
Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khách sạn Shangri La ở Singapore năm 2015. (Ảnh: Sputnik)
Đồng thuận 1992 đã xây dựng nền tảng chính trị cho các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Quốc dân đảng khi đồng thuận này được đưa ra trong giai đoạn Quốc dân đảng cầm quyền tại Đài Loan. Đồng thuận 1992 thừa nhận có bất đồng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan, song vẫn nhất trí duy trì mối quan hệ mơ hồ nhằm cho phép hai bên tiếp tục đối thoại.
Tuy nhiên, khi ông Tập Cận Bình định nghĩa lại Đồng thuận 1992 trong bài phát biểu gần đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đóng lại cánh cửa đàm phán với Quốc dân đảng nếu đảng này được bầu trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử tại Đài Loan vào năm 2020.
Theo nhà phân tích Cary Huang của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây đã tìm cách thống nhất Đài Loan với đại lục, tuy nhiên chưa có ai nôn nóng như ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã mô tả nỗ lực thống nhất Đài Loan là “yêu cầu không thể tránh khỏi” cho chương trình chính trị “chấn hưng dân tộc” đầy tham vọng của ông.
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “vấn đề Đài Loan” không thể để lại cho thế hệ sau và kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng tham gia “những trận chiến” quyết liệt để bảo vệ “từng tấc đất” lãnh thổ.
Mặc dù Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã tăng cường các hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư, văn hóa và giao lưu nhân dân, song sự bất đồng về chủ quyền vẫn đe dọa trì hoãn vô thời hạn các cuộc đàm phán về vấn đề chính trị giữa hai bờ eo biển.
Cây bút Cary Huang cho rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dường như cho thấy sự mất niềm tin của Bắc Kinh vào triển vọng tìm kiếm một giải pháp hòa bình với Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan cũng mất niềm tin vào Bắc Kinh và Quốc dân đảng từng tuyên bố việc thống nhất chỉ có thể diễn ra dưới hệ thống dân chủ cho cả hai bên.
Theo Cary Huang, với việc tuyên bố kịch bản thống nhất là không thể tránh khỏi và đe dọa sử dụng vũ lực đối với các phong trào “ly khai” hoặc can thiệp từ bên ngoài vào vấn đề Đài Loan, ông Tập Cận Bình có thể đã làm hồi sinh một cuộc xung đột nội bộ.
Thực tế cho thấy, 40 năm nỗ lực của Bắc Kinh và Đài Bắc không những không thu hẹp được khoảng cách chính trị tại khu vực eo biển dài 180km, mà còn nới rộng thêm hố sâu ngăn cách. Điều này khiến Đài Loan vẫn là một trong những điểm nóng xung đột nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Thành Đạt
Theo Dantri /SCMP
Tướng Trung Quốc cảnh báo sắc lạnh Mỹ về vấn đề Đài Loan
Tướng quân đội Trung Quốc hôm 15.1 kêu gọi tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không tha thứ "bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào" trong vấn đề Đài Loan.
Tướng Trung Quốc Li Zuocheng.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), tướng Li Zuocheng, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson tại Bắc Kinh.
Đô đốc Richardson đang có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc. Đô đốc Mỹ dự kiến sẽ có mặt ở Nam Kinh, trụ sở của bộ tư lệnh chiến khu miền đông Trung Quốc.
Hai lãnh đạo quân đội đã cùng trao đổi về các vấn đề nóng, bao gồm cả Đài Loan và Biển Đông. Tướng Li cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá.
"Đài Loan là vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc... Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài". Ông Li nói. "Nếu có ai đó muốn chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia, giống như bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc".
Ông Li cũng nhấn mạnh, quan hệ quân sự cũng là yếu tố then chốt trong quan hệ Mỹ-Trung, do vậy kêu gọi hai bên tăng cường trao đổi, liên lạc. "Quan hệ Mỹ-Trung trong 40 năm qua đã có nhiều sóng gió, nhưng lợi ích cốt lõi vượt hoàn toàn so với sự khác biệt và hợp tác là lựa chọn đúng đắn nhất".
Dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã tăng cường hỗ trợ Đài Loan, nối lại các thương vụ bán vũ khí, tăng cường hoạt động trao đổi giữa giới chức hai bên. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng này tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực trong vấn đề thống nhất Đài Loan
Đây là lần thứ hai Đô đốc Richardson có chuyến thăm đến Trung Quốc kể từ khi trở thành tư lệnh hải quân Mỹ vào năm 2015. Lần đầu tiên ông đến Trung Quốc là vào năm 2016.
Theo Danviet
Nội dung hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên Truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin chính thức về cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh. Tân Hoa Xã xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh ngày 8/1 và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo...