Bài học từ hình mẫu đối phó với tình trạng suy giảm dân số ở Trung Quốc
Giá trị gia đình sâu sắc cùng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ chính là động lực chính giúp Quảng Đông, tỉnh rộng lớn ở phía nam Trung Quốc, dẫn đầu về tỷ lệ sinh cả nước.
Nhân viên y tế in dấu chân kỷ niệm của một em bé sơ sinh tại một bệnh viện ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tia sáng về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc
Cô Julia Chen, 28 tuổi ở Quảng Châu, chưa tìm được người đàn ông lý tưởng, nhưng cô vẫn muốn sinh con và hy vọng sẽ có một cặp sinh đôi một trai một gái. Thu nhập eo hẹp mỗi tháng của nhân viên bán lẻ mỹ phẩm không thể ngăn cản mong ước làm mẹ của cô.
“Những người không giàu có vẫn có cách nuôi dạy con cái riêng của họ. Thay vì cung cấp hỗ trợ vật chất, bạn có thể cung cấp kiến thức và giúp hình thành nhân cách của chúng, điều mà tôi nghĩ là quan trọng hơn”, Chen chia sẻ và cho biết gia đình luôn bên cạnh luôn hỗ trợ cô. Chen hy vọng cô sẽ kết hôn trước khi bước sang tuổi 30.
Trong 4 năm liên tiếp, Quảng Đông là tỉnh duy nhất ở Trung Quốc ghi nhận trên 1 triệu ca sinh mới mỗi năm. Theo số liệu mới nhất, tỉnh này đã đạt kỷ lục tỷ lệ sinh toàn quốc trong 6 năm liên tiếp. Số liệu này được đưa ra một năm sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con, sau đó tăng lên 3 con vào năm 2021.
Quảng Đông đã ghi nhận 1,03 triệu ca sinh vào năm ngoái, với tỷ lệ sinh ở mức 8,12 ca/1.000 người đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc, bỏ xa con số 695.000 của tỉnh đứng thứ hai là Hà Nam. Xếp sau là Sơn Đông, Tứ Xuyên và Quý Châu.
Đây là một tia sáng cho Trung Quốc, quốc gia ghi nhận mức sinh thấp kỷ lục là 6,39 ca sinh/1.000 người vào năm 2023, giảm so với con só 6,77 của năm trước.
Trong khi Trung Quốc đang vật lộn với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục với dân số giảm 2,08 triệu người – xuống còn 1,4 tỷ người vào năm ngoái, các nhà quan sát cho biết Quảng Đông đang ở vị thế thuận lợi để ngăn chặn xu hướng này.
Những yếu tố đưa Quảng Đông trở thành hình mẫu
Tiến sĩ Zhao Litao, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng dòng người di cư tới khu vực này chính là yếu tố then chốt. Ông nói: “Quảng Đông đang ở vị thế tốt nhất để đối phó với tình trạng suy giảm dân số trên toàn quốc trong tương lai gần”.
Là nơi sinh sống của hơn 120 triệu người, Quảng Đông là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Theo cuộc điều tra dân số toàn quốc mới nhất năm 2020, có khoảng 44,5 triệu người 20 – 34 tuổi sinh sống ở tỉnh này.
Các nhà phân tích cho rằng sức mạnh kinh tế của tỉnh là sức hút lớn thu hút những người trẻ tuổi từ các vùng khác đến đây sinh sống. Là “công xưởng” sản xuất của Trung Quốc, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Quảng Đông đã vượt 13,57 nghìn tỷ nhân dân vào năm ngoái, đứng đầu danh sách quốc gia trong năm thứ 35 liên tiếp.
Video đang HOT
“Kết quả, tỉnh này đã thu hút một lượng lớn người di cư trẻ tuổi từ các tỉnh nội địa đang trong độ tuổi sinh đẻ đến sinh sống”, Tiến sĩ Zhao cho biết.
Ông Chen Huang, kỹ sư xây dựng 46 tuổi, người gốc Quảng Châu, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói rằng trong nhiều năm qua, nhiều công nhân nhập cư trẻ đã đến kiếm sống ở thành phố này.
“Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Quảng Đông mang lại nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ”, ông lưu ý.
Ống cũng nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cũng thúc đẩy các cặp đôi đang có kế hoạch lập gia đình.
Tại Quảng Đông, 22 bệnh viện đứng trong top 100 bệnh viện công tốt nhất đất nước, 50 bệnh viện xếp hạng A trở lên.
Các nhà phân tích lưu ý một lợi thế khác của Quảng Đông là khoảng cách địa lý gần với trung tâm chính trị Bắc Kinh, nơi có bản sắc mạnh mẽ và duy trì các hệ thống gia đình và gia tộc vững mạnh hơn.
Tiến sĩ Zhao tại EAI cho rằng một số tỉnh khác như Phúc Kiến và Chiết Giang cũng có vị thế tốt để học hỏi kinh nghiệm từ Quảng Đông, xét đến điều kiện tương tự. Cả hai tỉnh này đều nằm dọc bờ biển và nằm trong top 10 tỉnh theo GDP.
Chất lượng quan trọng hơn số lượng
Học sinh chơi trò chơi trong giờ nghỉ giải lao tại một trường tiểu học ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều biện pháp hỗ trợ tăng dân số. Giới chức đã cam kết tăng cường chế độ phúc lợi thai sản, chính sách thuế nhà ở, nguồn lực giáo dục và môi trường để hỗ trợ cho việc sinh con và việc làm.
Năm ngoái, nước này đã tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh lên 2.000 nhân dân tệ/tháng. Ngoài ra, hơn 10 tỉnh đã khởi xướng trợ cấp chăm sóc trẻ em. Trong đó, Bắc Kinh và Quảng Tây đã mở rộng bảo hiểm y tế để chi trả cho nhiều dịch vụ sinh sản hơn.
Các học giả Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến hiệu suất dân số của Quảng Đông, cho rằng cần phải thay đổi trọng tâm để các tỉnh khác có thể học hỏi được thành tích của tỉnh này.
Giáo sư Dong Yuzheng, nghiên cứu viên tại Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết cần phải chuyển hướng chú ý sang việc tạo dựng nhân tài thay vì quy mô dân số. Ông đã đưa ra một số dữ liệu – tỷ lệ giáo dục, phúc lợi và năng lực. Giáo sư Dong cũng đề xuất thúc đẩy phát triển toàn diện ở mọi nhóm tuổi và thiết lập nhiều cơ sở thân thiện với việc sinh con hơn.
Thách thức của Trung Quốc
Song ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực cải thiện năng suất và chất lượng của người dân, các nhà phân tích cho rằng dân số giảm vẫn là một vấn đề rõ ràng và đang hiện hữu.
Điều này làm tăng thêm các vấn đề nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt – từ lực lượng lao động suy giảm đến xã hội già hóa – khiến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch càng trở nên khó khăn hơn.
Giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh đến việc giải quyết các điểm yếu như chi phí sinh đẻ và chăm sóc trẻ em cao, cũng như khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Nhưng thực tế, nhiều phụ nữ cảm thấy việc hy sinh để sinh con chưa được bù đắp thỏa đáng.
Trẻ em tham gia cuộc thi bò tại trung tâm mua sắm ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa vào tháng 2 nêu rằng phụ nữ nghỉ thai sản có thể bị đối xử bất công tại nơi làm việc – bao gồm bị chuyển sang các bộ phận khác, bị cắt giảm lương hoặc bỏ lỡ cơ hội thăng tiến.
Phụ nữ cũng thường phải đối mặt với các câu hỏi về kế hoạch hóa gia đình trong các cuộc phỏng vấn xin việc hoặc bị từ chối các vai trò. Những người rời bỏ lực lượng lao động để nuôi con cảm thấy khó có thể quay lại và phụ nữ có con có thể chứng kiến mức lương giảm 12-17%.
Và cũng không phải mọi thứ đều tươi sáng đối với Quảng Đông – tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ sinh và dân số. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Phát triển Dân số Quảng Đông cho thấy hơn 30% những người sinh sau năm 2000 không muốn sinh con. Trong số những người được hỏi này, hơn 70% nêu lý do chính là không đủ khả năng chi trả chi phí nuôi dạy con cái.
Đối với ông Chen, mặc dù nhiều năm nữa các con ông mới đến tuổi trưởng thành, nhưng ông đã quyết định sẽ không gây áp lực buộc chúng phải sinh con – không phải vì chi phí mà là vì quyền tự do lựa chọn.
“Nếu con tôi không muốn sinh con, tôi sẽ để chúng tự lựa chọn”, ông nói.
Thượng Hải cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản theo bảo hiểm để thúc đẩy tỷ lệ sinh
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất đất nước, thành phố Thượng Hải đã đưa dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vào chương trình bảo hiểm y tế từ đầu tháng 6.
Người dân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/10/2020. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các cặp vợ chồng trong thành phố muốn sinh con bằng 12 loại công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể được giảm chi phí y tế lên tới 70%, nhờ chính sách mở rộng phạm vi bảo hiểm. Đây là một phần trong nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con theo chỉ thị của chính quyền thành phố được ban hành vào cuối tháng 5.
Thượng Hải, thành phố gần 25 triệu dân, đã công bố tỷ lệ sinh tổng thể thấp kỷ lục ở mức 0,6 vào năm 2023. Điều này là trung bình, mỗi phụ nữ chỉ sinh 0,6 con trong suốt cuộc đời của mình. Trong khi đó, tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ mới được coi là mức sinh thay thế, đây là tiêu chuẩn để đảm bảo dân số ổn định trên diện rộng.
Tỷ lệ sinh ở Thượng Hải - thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đại lục bước vào xã hội già hóa khi tỷ lệ ngừoi dân từ 65 tuổi trở lên đạt 14% vào năm 2017 - thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, quốc gia được biết đến là có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là 0,72 con /phụ nữ vào năm ngoái.
Giới chức Trung Quốc không công bố tổng tỷ lệ sinh vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính con số này ở khoảng 1 con/phụ nữ. Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng Trung Quốc có tổng tỷ lệ sinh là 1,3 con/phụ nữ khi công bố kết quả điều tra dân số năm 2020.
Theo Viện nghiên cứu dân số Yuwa có trụ sở tại Bắc Kinh, vấn đề tỷ lệ sinh thấp sẽ đẩy nhanh quá trình già hóa dân số của Trung Quốc. Điều này cũng làm tăng tỷ lệ phụ thuộc xã hội, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội, đẩy nợ công lên cao và gây tổn hại đến sự đổi mới xã hội và tinh thần kinh doanh trong nền kinh tế vốn đã chững lại.
Các nữ y tá chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Hu Zhan, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Phúc Đán, cho biết: "Đây là hậu quả mà chúng ta phải hứng chịu trong nhiều thập kỷ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề là, ngay cả khi tỷ lệ sinh tăng, vẫn sẽ có ít trẻ sơ sinh hơn vì chúng ta đang có số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm do chính sách một con nhiều năm trước".
Năm 2022, dân số Trung Quốc đã chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên sau 60 năm khi số ca tử vong vượt quá số ca sinh. Xu hướng này vẫn xảy ra vào năm ngoái, khi các báo cáo cho thấy nước này đã mất vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ.
Sự sụt giảm nhanh chóng số lượng trẻ sơ sinh cũng ảnh hưởng đến các trường mầm non trên khắp Trung Quốc. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Giáo dục Sunglory có trụ sở tại Bắc Kinh, số lượng giáo viên mẫu giáo đã giảm hơn 170.000 vào năm ngoái, đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 2010.
Ông Zhang Shouli, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Giáo dục Sunglory, nhận định: "Sự suy giảm số lượng trẻ em diễn ra quá nhanh đến nỗi mang lại trải nghiệm đầy biến động cho ngành giáo dục mầm non".
Ông dự đoán số lượng trẻ em tại các trường mầm non từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ giảm một nửa so với năm 2020.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập, Trung Quốc đã thay thế chính sách một con đã có từ năm 1980 bằng chính sách 2 con phổ quát vào năm 2016. Từ năm 2021, mỗi cặp vợ chồng ở nước này được phép sinh 3 con.
Nhưng sự thay đổi chính sách này dường như không có tác dụng, vì ngày càng có nhiều người trẻ không muốn kết hôn và vẫn do dự về việc sinh con trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, lối sống đa dạng và chủ nghĩa nữ quyền trỗi dậy.
Ông Hu tại Đại học Phúc Đán cho biết thêm khi văn hóa truyền thống ca ngợi tình mẫu tử và tình yêu dành cho trẻ em ngày càng mai một, Trung Quốc cần một môi trường xã hội thân thiện hơn cho các gia đình có trẻ nhỏ.
"Việc nới lỏng chính sách và các ưu đãi sinh sản sẽ không thể mang lại sự thay đổi lớn về số lượng tuyệt đối trong các ca sinh. Vấn đề là xã hội cần phải khoan dung hơn đối với các bà mẹ và trẻ em. Do đó, cuộc 'hạ cánh mềm' cho sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ có thể xảy ra", ông bình luận.
Hàng trăm thị trấn Nhật Bản có nguy cơ biến mất do thiếu người sinh nở Hơn 700 khu vực tại Nhật Bản đang đối mặt với việc số lượng phụ nữ ở độ tuổi sinh con giảm mạnh trong những năm qua. Một công viên trống ở Tokyo. Hơn 40% đô thị ở Nhật Bản có nguy cơ biến mất vào năm 2050 do số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg Một...