Bài học SARS giúp Hong Kong đương đầu Covid-19
Hong Kong trả giá đắt khi dịch SARS bùng phát năm 2003, nhưng cũng thu được những kinh nghiệm quý giá để chủ động ứng phó Covid-19.
Hong Kong là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch SARS cách đây 17 năm. Thời điểm đó, Hong Kong được ví như một “bệnh viện khổng lồ” với 7 triệu “bệnh nhân” đeo khẩu trang để phòng nguy cơ lây nhiễm SARS, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 299 người ở thành phố này.
“Hầu như mọi người ở đây đều có kinh nghiệm ứng phó với dịch. Họ cũng biết rõ về hậu quả của nó”, Keiji Fukuda, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Mỹ và là trợ lý Tổng giám đốc WHO, chuyên phụ trách về an ninh sức khỏe, nói. Ông thêm rằng dịch SARS và các đợt dịch khác đã cho đặc khu hành chính Hong Kong nhiều bài học để áp dụng hiện nay.
Khi Covid-19 lây lan khắp thế giới, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ cần học hỏi cách tiếp cận tượng tự, theo Fukuda. Mỹ đến nay ghi nhận hơn 1.700 ca nhiễm nCoV, trong khi Hong Kong, thành phố có 16 cửa khẩu với Trung Quốc đại lục, chỉ báo cáo khoảng 130 ca nhiễm và 3 người tử vong.
Hai người phụ nữ đeo khẩu trang ở Hong Kong ngày 25/3/2003 khi dịch SARS bùng phát. Ảnh: AFP.
Chính quyền Hong Kong đã sớm nhận ra rủi ro sau khi có những thông tin đầu tiên về các ca nhiễm ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đại lục, và đã phát cảnh báo từ ngày 4/1. Những lo ngại này của họ sau đó cho thấy là hoàn toàn đúng đắn. Thành phố ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào 23/1, cùng ngày Trung Quốc đại lục tuyên bố phong tỏa Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19.
Fukuda, hiện là người đứng đầu Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết thành phố này đã xem nCoV là mối đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều người ở đây quen sống trong lo sợ dịch bệnh truyền nhiễm.
“Một điều khá phổ biến ở Hong Kong là mọi người luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, thậm chí khi không có dịch, bởi họ lo mình bị ốm và không muốn lây bệnh cho người khác”, Fukuda nói.
Những thói quen giúp kiểm soát dịch bệnh khá quen thuộc với nhiều người ở Hong Kong. Người dân ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, khó có thể đạt được cấp độ ý thức phòng dịch cao như vậy.
“Tôi nghĩ đó chính là những điều Mỹ và nhiều quốc gia có thể học hỏi từ đặc khu Kong Kong, nhưng áp dụng nó có lẽ là rất khó với họ”, Fukuda nhận định.
Hong Kong đã đầu tư để cải thiện hệ thống y tế sau dịch SARS, đầu tư cho các biện pháp chống dịch mới và xây dựng chương trình lớn về phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, theo Fukuda.
Cuộc điều tra về dịch SARS vào năm 2004 đã buộc người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong khi đó, ông Yeoh Eng-kiong, phải từ chức. Nhưng lần này, chính quyền thành phố đã đưa ra kế hoạch ứng phó tốt hơn từ trước khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện.
Sau nhiều tháng biểu tình hỗn loạn, các lãnh đạo Hong Kong sẵn sàng đưa ra những biện pháp mạnh tay từ rất sớm, như thông báo đóng cửa trường học từ cuối tháng 1 và khuyến nghị công dân duy trì khoảng cách an toàn với người khác khi tới các địa điểm công cộng.
Theo tiến sĩ Pak Leung-ho, người đứng đầu Trung tâm Bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong, với ý thức đeo khẩu trang khi ra ngoài cùng sự cảnh giác cao độ của người dân, số ca nhiễm nCoV ở thành phố đã không tăng đột biến như những gì đang xảy ra ở Iran và Italy.
Thế giới đang điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Tại châu Á, một số quốc gia đã ban bố biện pháp hạn chế nhiều hoạt động thường ngày trong hai tháng. Trung Quốc áp lệnh phong tỏa với nhiều tỉnh thành để ngăn Covid-19. Bất chấp những tổn thất nặng nề về kinh tế, giới chức Trung Quốc đại lục khuyến nghị nhiều quốc gia nên làm theo cách của họ trong cuộc chiến với nCoV.
Fukuda cũng tin rằng quyết định phong tỏa Vũ Hán là một động thái quan trọng của chính quyền Trung Quốc để ngăn nCoV lây lan, nhưng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của chiến lược này khi áp dụng ở các nước phương Tây.
“Tôi không thể tưởng tượng nổi bạn có thể áp lệnh phong tỏa đối với 50 triệu người ở Mỹ như thế nào”, ông nói.
Tại Hàn Quốc, nơi hiện ghi nhận gần 8.000 ca nhiễm nCoV, việc xét nghiệm hơn 10.000 người mỗi ngày giờ được xem là bình thường. Một lý do khiến Hàn Quốc phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm hàng loạt đó chính là ám ảnh về Hội chứng Suy hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Dịch MERS đã khiến 33 người chết ở Hàn Quốc khi quốc gia này thất bại trong việc xét nghiệm để có thể kiểm soát dịch lây lan.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang gặp vấn đề trong công tác xét nghiệm. Jeremy Konyndyk, người chịu trách nhiệm giám sát phản ứng quốc tế với dịch Ebola dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cho biết việc xét nghiệm nCoV ở Mỹ rất chậm chạp.
“Họ đang đánh mất nhiều thời gian quý giá không thể bù đắp được. Bạn không thể lấy lại 6 tuần Mỹ chậm chân trong ứng phó với dịch”, ông nói.
Hong Kong không phải nơi duy nhất đưa ra biện pháp ứng phó mạnh tay từ sớm. Singapore, quốc gia từng ghi nhận ca tử vong vì SARS, có thể giữ số ca nhiễm nCoV ở mức thấp nhờ sự giám sát và theo dõi chặt chẽ.
“Singapore công khai tất cả ca nhiễm và công bố những cuộc điều tra dịch tễ gần với thời gian thực một cách chi tiết”, Jennifer Nuzzo, giáo sư của Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, đánh giá.
Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm ở Hong Kong hôm 25/1. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, trước một dịch bệnh mới mẻ như Covid-19, chính quyền Hong Kong vẫn không tránh khỏi những lúng túng, thiếu sót. Nhiều y tá ở đặc khu đã đình công vì cho rằng chính quyền Hong Kong quá chậm chạp trong việc đóng cửa các cửa khẩu với Trung Quốc đại lục.
Fukuda cho rằng rất khó để so sánh hành động của một thành phố 7 triệu dân với Mỹ, một đất nước hơn 300 triệu người. Nhưng giống như những gì Hong Kong học được từ dịch SARS, Mỹ có lẽ sẽ phải rút ra nhiều kinh nghiệm từ Covid-19.
“Mỹ được cho là đang sở hữu hai trong số những tổ chức y tế mạnh nhất thế giới nhưng ngân sách hoạt động của các cơ quan này tăng giảm thất thường”, Fukuda nói, đề cập tới Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Viện Y tế Quốc gia.
Ông thêm rằng không rõ trong hai cơ quan này, bên nào chịu trách nhiệm dẫn dắt chiến dịch ứng phó Covid-19 và ai sẽ chi trả cho các biện pháp chống dịch, trong đó có chi phí xét nghiệm. Trong khi ở Hong Kong, chính quyền đặc khu sẽ trang trải tất cả chi phí này.
“Covid-19 có thể lây lan nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ phản ứng của Mỹ”, ông nhận định.
Hong Kong chi hơn 3 tỷ USD đối phó virus corona Hong Kong đóng 10 cửa khẩu với Trung Quốc đại lục Y tá Mỹ bất bình vì nCoV Người Mỹ ‘ngồi trên đống lửa’ vì Covid-19 208
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Theo vnexpress.net
Nhiều nước lơ là phòng dịch, WHO cảnh báo Covid-19 chẳng chừa ai
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch Covid-19 là mối đe dọa cho mọi quốc gia, cả giàu lẫn nghèo.
Video: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trả lời họp báo
Ngày 5/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo có quá nhiều quốc gia không thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
Người đứng đầu WHO lo ngại rằng một "danh sách dài" các quốc gia không thể hiện đủ "cam kết chính trị" cần thiết để đương đầu với "mối đe dọa mà tất cả chúng ta phải đối mặt".
"Đây không phải là một cuộc diễn tập", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.
Mặc dù tốc độ lây nhiễm dịch Covid-19 ở Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, song dịch bệnh này đã lan rộng ra nhiều nước, biến thành dịch nghiêm trọng ở Hàn Quốc, Iran, Italy...
"Dịch Covid-19 là mối đe dọa cho mọi quốc gia, cả giàu lẫn nghèo", Tedros nói, cảnh báo rằng "ngay cả những nước có thu nhập cao cũng cần chuẩn bị cho những trường hợp bất ngờ".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters)
Tổng giám đốc WHO đánh giá, nhiều quốc gia dường như không coi dịch Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, đẩy việc xử lý khủng hoảng cho Bộ Y tế của nước họ. Ông Tedros khẳng định cách tiếp cận đó là "sai".
Đồng thời, người đứng đầu WHO chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi thành phần trong xã hội, kêu gọi "cách tiếp cận của tất cả chính phủ các nước". Ông nhấn mạnh rằng những người đứng đầu chính phủ ở mọi quốc gia cần phải chịu trách nhiệm trong việc "điều phối tất cả các lĩnh vực".
Mặc dù chỉ trích các quốc gia chưa đủ cam kết với việc chống dịch Covid-19, song Tổng giám đốc WHO cũng phủ nhận việc dịch Covid-19 đã đạt mới mức "đại dịch".
"Dịch chưa ở mức đó", ông Tedros nói và cho biết việc kiểm soát dịch bệnh vẫn còn khả thi, và các chính phủ cần xem đó là ưu tiên trong việc phản ứng, có những chuẩn bị tích cực.
Đến ngày 5/3, dịch Covid-19 lây nhiễm hơn 95.000 người và khiến hơn 3.200 người đã chết. Covid-19 lan đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm virus corona chủng mới đã vượt qua mốc 6.000 người, 40 người thiệt mạng. Trong khi đó, Italy đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu khi có 148 người chết và số ca nhiễm là 3.296.
KÔNG ANH (Nguồn: Straitstimes)
Theo vtc.vn
Tổng giám đốc WHO báo tin vui từ Hàn Quốc Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có "những dấu hiệu đáng khích lệ" liên quan đến dịch Covid-19 đang nổi lên ở Hàn Quốc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp báo ở Geneva hôm 5/3. Ông nhấn mạnh...