Bài học đi chậm mà chắc của người Thái
Lên chuyên nghiệp từ năm 1996, sớm hơn Việt Nam 4 năm, nhưng thực trạng Thai League bây giờ khác chúng ta một trời một vực.
Các sân bóng của Thái Lan nhỏ, chỉ khoảng 10.000 chỗ, nhưng luôn đông khán giả và hiện đại. Ảnh: AFF.
Giống Việt Nam, những ngày đầu của Thai League rất khó khăn. Họ không có nhà tài trợ chính. Điều kiện vật chất của các CLB không đồng đều, có nơi thậm chí không đạt chuẩn. Giải đấu cũng trải qua bao phen chìm nổi, từ 18 đội ban đầu, tụt xuống còn 12, rồi 10 đội trong suốt vài năm.
Tới tận 2003, thu nhập của cầu thủ Thái vẫn ở mức thấp. Theo lời những cựu tuyển thủ như Kiatisuk, Thonglao khi sang V-League, nếu ở lại quê nhà chơi bóng, mức lương trung bình của một cầu thủ thuộc dạng khá chỉ vào khoảng 1.500 đến 2.000 USD một tháng. Với cầu thủ ngôi sao, con số này cao hơn, có thể lên tới 4.000 USD. Đó cũng là lý do mà Kiatisuk nhanh chóng nhận lời bầu Đức sang HAGL chơi bóng, dù chưa một lần nghe tên CLB, chỉ bởi mức lương hấp dẫn 10.000 USD.
Với một nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, người Thái không hề thiếu tiền làm bóng đá. Họ cũng từng trải qua những bước y hệt chúng ta như xã hội hóa, mời doanh nghiệp đỡ đầu. Cái khác nằm ở cách dùng số tiền này. Trong khi Việt Nam gần như chi toàn bộ cho việc nâng lương, thưởng cầu thủ, thì người Thái dàn trải số tiền đầu tư. Họ xây sân tập hiện tại, xây dựng bài bản các đội trẻ cho mỗi CLB, nâng cấp sân vận động. Cuối cùng, khi các CLB tự sống được trên đôi chân, họ mới bỏ tiền vào lương cầu thủ.
So với Thai League, V-League có nhà tài trợ chính sớm hơn nhiều. Ngay từ giữa thập niên 2000, chúng ta đã chèn những nhà tài trợ như Kinh Đô, Eurowindow, Petro vào cạnh tên giải đấu – điều người Thái phải tới 2013 mới làm được với Toyota. Tuy nhiên, trong khi các nhà tài trợ chỉ đồng hành với V-League trong một vài năm rồi rút lui sau khi hưởng đủ quyền lợi, Toyota cam kết với Thái Lan suốt 7 năm qua, và tiếp tục rót ngân sách cho giải đấu trong nhiều năm nữa.
Vấn đề ở đây là tính chuyên nghiệp. Mỗi trận đấu Thai League, các CLB đều có nguồn thu ổn định từ tiền bán vé (khoảng 4.000 lượt mỗi trận), bản quyền truyền hình. Các đội cũng chơi cống hiến, dù không còn mục tiêu cụ thể ở giai đoạn cuối mùa. Những vấn nạn như dàn xếp tỷ số hay đá lỏng chân nhường điểm đều bị người Thái xử lý nghiêm.
Đến năm 2020, ĐTQG của Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí có lúc vượt trên Thái Lan, nhưng chất lượng giải VĐQG thì không được cải thiện. Các đội vẫn sống dựa chủ yếu và ngân sách tỉnh hoặc tiền túi các ông bầu. Trong khi tại xứ Chùa vàng, những đội mạnh thậm chí có sân riêng và trực tiếp hưởng nguồn thu từ việc kinh doanh hoặc cho thuê sân bóng.
Khi đại dịch Covid-19 kéo đến, nhiều đội V-League than khó. Ban tổ chức cũng đôi ban lần cân nhắc phương án hủy giải. Nhưng người Thái lại coi đây là cơ hội đổi mới. Tổng giám đốc Benjamin Tan quyết định đổi lịch thi đấu Thai League theo kiểu châu Âu, kéo dài từ mùa thu năm nay đến mùa hè sang năm. Mục đích là để giảm các trận đá vào mùa mưa, cũng như thu hút thêm những ngoại binh tốt, vốn chỉ xuất hiện vào kỳ chuyển nhượng mùa hè.
Đời sống của cầu thủ Việt từng có lúc là mơ ước của các đồng nghiệp bên Thái, nhưng việc sung túc quá sớm phải đánh đổi bằng sự bấp bênh, nếu các nhà tài trợ “rút ống thở”.
Thái Lan có Bunmathan, Việt Nam sở hữu Văn Hậu
Với giới mộ điệu khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là CĐV Việt Nam và Thái Lan, hai nền bóng đá luôn có sự cạnh tranh với nhau, từ giải đấu V-League tới Thai League hay những tài năng hai nước đều luôn được đặt lên bàn cân để so sánh.
Bóng đá Thái Lan cất cánh nhờ V-League?
Nếu bóng đá Việt Nam phải chờ đợi đến triều đại HLV Park Hang Seo mới có chức vô địch AFF Cup thứ 2 trong lịch sử năm 2018, thì Thái Lan đã no nê danh hiệu ở các giải đấu khu vực như SEA Games và AFF Cup. Và đó cũng là một phần nguyên nhân giúp cầu thủ Thái Lan có thể xuất ngoại và nâng cấp nền bóng đá theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Trường hợp của những Bunmathan, Chanathip, Dangda, Kawin giúp bóng đá Thái Lan phải quen với "nhịp sinh học" "FIFA Days", tức Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) không thể tuỳ tiện gọi cầu thủ tập trung ĐTQG nếu không phải thời điểm mà FIFA lựa chọn. Nó cũng giúp các CLB từ chối chấp nhận cho quân lên ĐTQG một thời gian dài để tránh nguy cơ chấn thương.
Bóng đá Thái Lan đã từng chứng kiến làn sóng cầu thủ xuất ngoại ồ ạt sang V-League trong khoảng chục năm (từ 2000 đến 2010) với gần như tất thảy những cái tên danh tiếng nhất như Kiatisuk, Dusit, Tawan, Chaiman, Sakda, Thonglao, Nirut...
V-League khi đó thực sự là miền đất hứa với nhiều tuyển thủ xứ Chùa Vàng khi họ kiếm được khoản tiền vài tỷ/mùa khi chơi bóng ở đây.
Nhưng có vẻ không muốn thua kém về đẳng cấp so với bóng đá Việt Nam, Thai League đã ra đời và hoạt động theo hình mẫu ngoại hạng Anh. Từ động lực của V-League, Thai League đã cải tổ toàn diện và phát triển mạnh mẽ trông thấy.
Cầu thủ Thái Lan không còn xuất ngoại sang Việt Nam chơi bóng khi ở quê nhà, mỗi tuyển thủ chơi ở Thai League 1 có thể bỏ túi hơn 10.000 USD/tháng. Ngoại binh Brazil, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng giúp giải VĐQG Thái Lan nâng tầm.
Hơn một nửa trong số những ngoại binh đắt giá nhất ASEAN hiện tại đều chơi ở Thai League với mức lương từ hơn 1 tỷ đồng/tháng. Trường hợp của tiền đạo Diogo là điển hình khi cầu thủ này có giá trị khoảng 20 tỷ đồng chuyển nhượng và Buriram United đã phải trả cho cầu thủ Brazil 3,1-3,9 tỷ đồng/tháng trước khi Diogo quyết định chuyển sang Johor Darul Tazim (Malaysia) với khoản tiền được nhận gấp đôi ở Thái Lan.
Dông dài về Thai League để thấy khi nâng tầm giải VĐQG, chỉ sau hơn 5 năm tính từ lúc đội trưởng Thonglao từ HAGL về Thai League chơi cho "đại gia" Muangthong United (CLB này đã trả cho HAGL 200.000 USD để mua lại hợp đồng của Thonglao), nền bóng đá nước này đã xuất hiện những tài năng kiệt xuất.
Bước tiến bộ của bóng đá Thái Lan cũng là lúc những ngôi sao lớn nhất xứ Chùa Vàng được tiến những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp khi sang Nhật Bản hay Bỉ đầu quân. Trường hợp của Kiatisuk từng đến giải hạng Hai của Anh thi đấu chỉ là cá biệt trước đó. 5 năm gần nhất, Thái Lan đã xuất khẩu 4 ngôi sao lớn nhất của bóng đá nước này là Bunmathan, Chanathip, Kawin và Dangda sang giải VĐQG hàng đầu châu Á - Nhật Bản.
Tài năng của họ được ghi nhận như truyền thông Thái Lan tiết lộ mức lương của cầu thủ "bèo" nhất của thủ thành Kawin cũng vào khoảng nửa tỷ đồng/tháng. Với Chanathip và Dangda được đồn đoán hơn 600 triệu đồng/tháng và Bunmathan vào khoảng gần 1 tỷ đồng/tháng.
Bunmathan thậm chí được mua đứt với giá hơn 1,1 triệu USD. Còn Chanathip sau khi lọt vào đội hình tiêu biểu J-League 1 năm ngoái được định giá 2,4 triệu Euro (bằng 12 lần Công Phượng).
Văn Hậu (phải) và Bunmathan là những hậu vệ trái hàng đầu Đông Nam Á hiện tại. Ảnh: Hoàng Linh
Thái Lan có Bunmathan, Việt Nam có Văn Hậu
Hai nền bóng đá lớn của khu vực ASEAN luôn so kè với nhau trong "nhất cử nhất động". Và khi CĐV Thái Lan trưng lên tấm băng-rôn tự hào ở khắp các khán đài "Nhà Vua của ASEAN", CĐV Việt Nam có lý do để đổ ra đường ăn mừng khi thầy trò HLV Park Hang Seo vô địch AFF Cup 2018.
Chiếc Cúp vô địch thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam và sau đó là tấm HCV SEA Games 30 (loại U22 Thái Lan từ vòng bảng) đã thực sự khiến CĐV Việt Nam vui mừng sau những năm tháng dài chứng kiến sự thống trị của người Thái trên sân cỏ lẫn khán đài.
Bóng đá Thái Lan có sự phát triển đáng kể ngoài núi tiền của các ông chủ đổ về Thai League, còn là sự mạnh dạn của các CLB Thái Lan khi tấn công ra các đấu trường châu lục. Điều trùng hợp giữa 4 cái tên đang chơi ở giải VĐQG Nhật Bản hiện tại như đã kể trên chính là việc họ đều trưởng thành từ Muangthong United và Buriram United - 2 gã khổng lồ của bóng đá Thái Lan đã quá quen với sân chơi hàng đầu châu Á như AFC Champions League.
Theerathon Bunmathan và Chanathip Songkrasin thậm chí còn gây tiếng vang với hơn 1 tỷ CĐV châu Á bằng những bàn thắng đẹp bậc nhất giải đấu vừa được AFC công bố. Đây là bước đệm giúp họ được các CLB hàng đầu châu lục mời chào đến thi đấu với mức lương đáng kể.
Cầu thủ xuất sắc nhất Thái Lan 2019 Theerathon Bunmathan là niềm tự hào của người Thái khi là cầu thủ đầu tiên xứ Chùa Vàng VĐQG Nhật Bản. Nhưng CĐV Việt Nam hiện tại cũng có cơ sở để buộc người Thái dè chừng ngoài những bước tiến của thầy trò HLV Park Hang Seo, còn có Văn Hậu được sang Hà Lan đầu quân.
So với J-League, Eredivisie ở đẳng cấp cao hơn hẳn và mức lương của những Dangda, Kawin, Chanathip cũng chỉ bằng 2/3 so với lương của Văn Hậu.
Điều khá trùng hợp là cả Văn Hậu lẫn Bunmathan đều là những "kèo trái" dị biệt nhất mà nền bóng đá sản sinh ở vị trí hậu vệ trái. Văn Hậu cũng có những bàn thắng quan trọng cho bóng đá Việt Nam không kém Bunmathan ở Thái Lan.
Năm 2015, chính Bunmathan là người xát muối vào nỗi đau của CĐV Việt Nam bằng trận thắng 3-0 của Thái Lan ở Mỹ Đình, thì Văn Hậu là người lập cú đúp ở chung kết SEA Games giúp bóng đá Việt Nam có HCV lịch sử sau 6 thập kỷ chờ đợi.
Bunmathan ở tuổi 30 đang trong đỉnh cao sự nghiệp nhưng sẽ chững lại những năm tới thì Văn Hậu còn hơn chục năm để phấn đấu. Rất nhiều chỉ dấu cho thấy Văn Hậu có khả năng làm được những điều lịch sử khác cho bóng đá Việt Nam, và sẽ còn khiến người Thái Lan buộc phải theo dõi sát hành trình của hậu vệ gốc Thái Bình.
Từ trường hợp của Văn Hậu so sánh với Bunmathan, bóng đá Việt Nam cho thấy có rất nhiều cơ sở để không bị người Thái bỏ xa trong nhiều mặt trận, điển hình như xuất khẩu cầu thủ.
Vấn đề là hiện tại, lãnh đạo các CLB và bản thân cầu thủ Việt Nam cần ý thức thoát khỏi vỏ bọc an toàn của sân chơi quốc nội để mạnh dạn tiến xa hơn. Cựu HLV Calisto từng gửi Công Vinh, Việt Thắng sang Bồ Đào Nha để thử việc vì như thế sẽ giúp ích cho bóng đá Việt Nam.
Cựu HLV U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định cần có hàng tá cầu thủ như Văn Hậu, Văn Lâm sang những nền bóng đá mạnh chơi bóng, giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam mới không là phi thực tế.
Cuối cùng, Văn Hậu hay Bunmathan, chỉ là những cá nhân đại diện cho 2 nền bóng đá hàng đầu ASEAN hiện tại. Về lâu dài, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những Văn Hậu, trước tiên để các đối thủ Đông Nam Á phải nể trọng và sau đó là cú hích mạnh mẽ nhằm tiến xa hơn, bền vững hơn.
Sau những kỳ tích có được ở sân chơi châu lục trong 2 năm qua, người hâm mộ đang tin tưởng rằng bóng đá Việt Nam đã ở vị thế khác, đã vượt tầm khu vực. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí HLV Mai Đức Chung có những quan điểm thẳng thắn về vấn đề này: ""Việt Nam chưa vượt được cái tầm Đông Nam Á đâu. Chúng ta đang giống Thái Lan cách đây chục năm về trước. Họ cũng đã từng suy nghĩ như chúng ta hiện tại khi muốn bỏ thành tích ở Đông Nam Á để tập trung hướng đến sân chơi châu lục nhưng không làm nổi. Chúng ta cần tránh quan điểm sai lầm tương tự".
Cũng theo ông Mai Đức Chung: "Thái Lan đã có những cầu thủ xuất ngoại và thành công. Còn đến giờ, cầu thủ Việt Nam vẫn đang loay hoay chuyện ra nước ngoài. Muốn vươn tầm, Việt Nam phải có một chân đế tốt, thật mạnh mẽ thì mới tự tin để đi lên. Chứ chỉ 1-2 giải đấu khu vực đạt thành công mà nghĩ đã vươn tầm, tôi nghĩ là chưa được".
Nhà báo Thái Lan kể về lần đầu Kiatisuk đến với đội bóng của bầu Đức Trước khi Kiatisuk lần thứ hai sang Việt Nam, nhận lời của bầu Đức trong nỗ "lột xác" HA Gia Lai, nhà báo Somruek Isarangkun kể về kỷ niệm của lần đầu tiên "Zico Thái" gặp bầu Đức ở Gia Lai. Trong một đoạn hồi ký ngắn được nhà báo Somruek, người đang làm việc cho tờ Siam Sport của Thái Lan, đồng...