Bài học chống Covid-19 của châu Á
Khi Alex Lam gõ “SARS” trên iPhone, biểu tượng mặt cười đeo khẩu trang lập tức xuất hiện. Đó là lời nhắc nhớ về khủng hoảng dịch SARS năm 2003.
“Mọi người ở đây đều nhớ về khoảng thời gian khó khăn năm 2003 và không muốn nó lặp lại”, Lam, người từng mắc hội chứng suy hô hấp cấp SARS, chia sẻ.
Khi nCoV xuất hiện, anh lập tức đeo khẩu trang lúc ra ngoài, rửa tay thường xuyên và tránh các đám đông. Anh chủ động dừng tới thăm người mẹ ngoài 80 tuổi của mình để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ của các đại dịch, được hình thành nhờ kinh nghiệm quá khứ khi đối đầu với SARS và các dịch bệnh khác, được xem là một trong những lý do khiến phần lớn châu Á chống Covid-19 tốt hơn nhiều quốc gia phương Tây.
Châu Âu và Mỹ chiếm tới 3/4 trong hơn 3,9 triệu ca nhiễm nCoV toàn cầu. Trong khi đó, trung bình cứ 15 ca nhiễm được ghi nhận trên thế giới thì có một ca ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu, dù một số quốc gia châu Á chỉ xét nghiệm một phần dân số.
Người dân Hong Kong đều đeo khẩu trang trên phố Wan Chai, hôm 6/5. Ảnh: Bloomberg.
Tuần này, đặc khu Hong Kong, Trung Quốc, đã trải qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong khi Đài Loan đã ba tuần không báo cáo trường hợp lây nhiễm nội bộ. Hàn Quốc, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đầu tiên, đã nới các biện pháp cách biệt cộng đồng hôm 6/5, sau khi kết thúc tháng 4 với số ca nhiễm mới rất ít, so với ngày ghi nhận số ca kỷ lục 909. Thái Lan và Việt Nam đã tránh được các đợt bùng phát lớn.
Ngay cả ở Singapore và Nhật Bản, nơi bất ngờ bùng phát các ổ dịch vào tháng trước, Covid-19 cũng không vượt tầm kiểm soát hoặc tấn công toàn bộ dân số, phần lớn bởi cách phản ứng với dịch bệnh và ý thức tự giác hạn chế đi lại của người dân.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, dường như đã kiểm soát được nCoV khi chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm từ hôm 3/5, mặc dù thành công này đòi hòi nhiều biện pháp hà khắc hơn các quốc gia khác, bao gồm một trong những cuộc phong tỏa cộng đồng lớn nhất trong lịch sử loài người.
Tất cả những nơi này đều đối mặt với nguy cơ về các đợt lây nhiễm mới, đặc biệt khi các quốc gia nới phong tỏa và nối lại các hoạt động kinh tế – xã hội. Một số quốc gia trong khu vực, như Indonesia, vẫn ghi nhận số ca nhiễm tăng.
Video đang HOT
Nhiều quốc gia châu Á có chung những đặc điểm mà các chuyên gia cho rằng có thể giúp họ đối phó với Covid-19 tương đối tốt cho đến nay, bao gồm xu hướng phản ứng nhanh ngay khi phát hiện những dấu hiệu sớm nhất của dịch và sự ủng hộ rộng rãi cho các biện pháp hạn chế xã hội.
“Hành động nhanh. Đó chính là bài học lớn nhất”, Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, cho hay.
Các quốc gia châu Á đã thực hiện nhiều bước đi chính xác khác nhau. Một số dựa vào phong tỏa hoặc chiến lược theo dõi lịch sử tiếp xúc và giám sát nghiêm ngặt, điều khó có thể áp dụng ở các quốc gia phương Tây. Một số khác ưu tiên xét nghiệm và cách ly.
Nhưng hầu hết quốc gia đều có kế hoạch đối phó với sự cố bất ngờ tốt trước khi đại dịch xảy ra và các công dân đều có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh như cúm gia cầm, H1N1 và SARS.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người bị chỉ trích vì phản ứng chậm chễ, tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào ngày 16/4, nhưng nhiều người dân đã đeo khẩu trang từ nhiều tuần trước đó. Biểu tình phản đối các hạn chế của chính phủ, giống như từng thấy ở một số bang của Mỹ, là chuyện hiếm thấy ở châu Á.
Vị trí địa lý gần Trung Quốc có thể cũng mang tới những lợi thế ngoài mong đợi. Do ở gần nơi khởi phát đại dịch, nhiều quốc gia châu Á đã nhanh chóng ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc, để hạn chế lây lan. Nhiều quốc gia khác còn cấm du khách châu Á, giúp giảm nguy cơ một công dân bị nhiễm bệnh ở nơi khác và sau đó mang trở lại quê nhà.
Phản ứng nhanh chóng của Hàn Quốc được rút kinh nghiệm từ việc thiếu chuẩn bị trong đợt bùng phát dịch suy hô hấp Trung Đông (MERS) cách đây 5 năm. Khi số ca nhiễm gia tăng vào giữa tháng 2, chính phủ đã có thể thực hiện chiến dịch xét nghiệm đồng loạt, cách ly những ca nhiễm nặng khỏi những người có triệu chứng nhẹ và chia sẻ thông tin để cảnh báo cộng đồng.
Nhân viên y tế Hàn Quốc thực hiện xét nghiệm trên xe ở Goyang, thủ đô Seoul, hôm 29/2. Ảnh: AFP.
Các biện pháp cách biệt cộng đồng cũng được thực hiện ở Hong Kong rất sớm sau khi Trung Quốc đại lục ban bố những lệnh phong tỏa đầu tiên hồi tháng 1. Giới chức thành phố đã đóng cửa trường học và yêu cầu hàng nghìn công chức làm việc tại nhà từ cuối tháng 1. Đường phố cũng nhanh chóng trở nên vắng vẻ khi các hoạt động kinh doanh tư nhân triển khai những biện pháp hạn chế riêng.
Giới chức Hong Kong đã thành lập đội phản ứng bao gồm nhiều ban ngành và đưa ra các quy định nghiêm ngặt về theo dõi lịch sử tiếp xúc và cách ly ca nghi nhiễm, sử dụng các khu cắm trại và nhà công cộng bỏ không để làm trung tâm cách ly.
Những chiến lược đối phó này của Hong Kong được rút ra từ bài học về dịch SARS năm 2003. Một năm sau cuộc khủng hoảng đó, Hong Kong đã thành lập Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe để đối phó với các dịch bệnh bùng phát. Việc đo thân nhiệt đã trở thành một hoạt động bình thường ở nhiều địa điểm công cộng. Cư dân hình thành thói quen đeo khẩu trang, điều mà nhiều chuyên gia toàn cầu tin rằng giúp ngăn người nhiễm virus lây bệnh cho người khác.
“Hơn 15 năm qua chính là thời bình của chúng tôi và đó là khoảng thời gian mà chúng tôi chuẩn bị mọi thứ. Giờ chúng tôi đã sẵn sàng với cuộc chiến này”, Ben Cowling, trưởng khoa thống kê sinh học và dịch tễ học tại Trường Y tế Cộng đồng, thuộc Đại học Hong Kong, cho hay. Khoa dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm này là đơn vị cố vấn cho chính quyền về cách đối phó với Covid-19.
Hong Kong đã chứng kiến đợt bùng phát nCoV thứ hai vào tháng 3 khi nhiều người từ nước ngoài trở về. Làn sóng ca nhiễm “ngoại nhập” đã khiến chính quyền thành phố ban hành một lệnh phong tỏa mạnh tay hơn trong 6 tuần, yêu cầu đóng cửa phòng gym, viện thẩm mỹ, quán bar và nhiều địa điểm giải trí khác, trong khi cấm tụ tập quá 4 người. Những biện pháp hạn chế này phần lớn được nới lỏng trong tuần này.
Chiến lược “phong tỏa và nới phong tỏa”, được điều chỉnh phụ thuộc vào từng giai đoạn của dịch, sẽ được duy trì trong nhiều tháng tới, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói hôm 5/5.
Tại Đài Loan, chuyên gia y tế cộng đồng tin rằng các biện pháp tương tự đã giúp tỷ lệ nhiễm thấp, bao gồm ý thức tự giác dùng khẩu trang và hạn chế đi lại dù không có lệnh phong tỏa của chính phủ, cùng với việc theo dõi lịch sử tiếp xúc nghiêm ngặt và quy định cách ly 14 ngày tại nhà với bất kỳ ai tới đây.
Tại Việt Nam, quốc gia đã ghi nhận 288 ca nhiễm, giới chức đã đóng cửa trường học, đại học gần như ngay lập tức sau ca nhiễm đầu tiên, dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, gửi tin nhắn cung cấp thông tin và hướng dẫn y tế cho người dân.
Khi Covid-19 đã lan tới châu Âu và Mỹ, giới chức tiếp tục dừng gần như toàn bộ chuyến bay quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng mở rộng các biện pháp theo dõi lịch sử tiếp xúc, cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả ca nhiễm hoặc từng tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm. Khả năng xét nghiệm cũng nhanh chóng được tăng cường trên cả nước, mặc dù hầu như chỉ tập trung vào nhóm người phải cách ly.
Nhân viên phun khử trùng ở sân bay quốc tế Taoyuan, Đài Loan, hôm 22/1. Ảnh: AFP.
Những quốc gia châu Á này đã không đánh giá thấp mối nguy hiểm của Covid-19, theo Ali H. Mokdad, từng là nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và hiện là giáo sư về khoa học đo lường sức khỏe tại Đại học Washington.
“Bạn đóng cửa nhanh thì mở cửa càng nhanh hơn”, Mokdad khẳng định.
Reuters thắng thể loại ảnh tin tức của Giải báo chí Pulitzer
Các phóng viên ảnh Reuters đã giành thắng lợi ở thể loại Ảnh tin tức của Giải báo chí danh tiếng Pulitzer 2020.
Đây là lần thứ 8, hãng tin hàng đầu của Anh đoạt giải thưởng Pulitzer kể từ năm 2008 và đã là lần thứ 5 trong vòng 3 năm qua. Bức ảnh đoạt giải năm 2020 của Reuters mô tả cuộc biểu tình của người dân Hong Kong (Trung Quốc) hồi năm 2019.
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Reuters.
Trong khi đó, ở thể loại báo chí Phục vụ cộng đồng, tờ Anchorage Daily News của Alaska và ProPublica - tổ chức phi chính phủ chuyên đào tạo các nhà báo điều tra - đã giành chiến thắng với loạt bài về thực trạng 1/3 các ngôi làng ở Alaska không có cảnh sát bảo vệ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân bản địa đã bị xâm hại tình dục trong khi các cơ quan thực thi pháp luật tại đây "gần như không tồn tại".
Tờ Courier-Journal ở Louisville, Kentucky giành giải thưởng ở thể loại Tin nóng về việc Thống đốc Matt Bevin công bố lệnh ân xá cho hàng trăm người trước khi từ chức.
Trong khi đó, tờ New York Times giành thắng lợi ở hạng mục Điều tra với thông tin phơi bày cuộc đời của nhiều tài xế taxi ở New York bị hủy hoại khi trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi.
Tờ New York Times còn đạt thêm 2 giải thưởng nữa trong đó có giải thưởng trong hạng mục Bình luận cho bài viết của Nikole Hannah-Jones về Dự án 1619 trong đó "nêu bật nỗ lực chấm dứt tình trạng nô lệ người châu Phi trong đời sống nước Mỹ".
Ở hạng mục Tin tức trong nước, tờ Seattle Times đoạt giải với loạt bài phơi bày lỗi thiết kế của chiếc máy bay Boeing 737 Max dẫn đến 2 vụ rơi máy bay khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tờ Washington Post giành giải Báo chí diễn giải cho loạt bài tư liệu về hàng loạt các địa điểm trên thế giới có nhiệt độ tăng thêm 2 độ C do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - mức tăng được coi là có thể gây thảm họa nếu xảy ra trên toàn cầu.
Ban Giám khảo Pulitzer cũng dành sự tôn vinh đặc biệt cho Ida B. Wells, nữ nhà báo điều tra và nhà hoạt động xã hội châu Phi. Bà từng sinh ra trong một gia đình nô lệ tại Mississippi vào năm 1862 trước khi đi xuống phía Nam để viết những bài báo lên án việc đàn áp người da màu tại Mỹ.
2020 là lần đầu tiên, Ban Giám khảo Pulitzer trao giải "Thông tin phát thanh" cho chương trình phát thanh This American Life và các phóng viên của Los Angeles Times và Vice News cho phóng sự truyền thanh lý giải chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với người tỵ nạn Mexico khiến hàng nghìn người trong số này đang bị kẹt lại tại khu vực phía Nam biên giới Mỹ-Mexico.
Thông thường, giải Pulitzer sẽ được công bố tại Đại học Columbia ở New York. Tuy nhiên, năm nay, do đại dịch Covid-19, việc công bố các giải thưởng được tiến hành trực tuyến.
Bà Dana Canedy, người đại diện công bố giải Pulitzer nhấn mạnh: "Thật trùng lặp, giải thưởng Pulitzer đầu tiên được công bố vào tháng 6/1917- chưa đầy một năm trước đại dịch Cúm Tây Ban Nha. Trong mùa dịch chưa từng có tiền lệ về những điều đầy bất trắc, có một điều chúng tôi có thể chắc chắn đó là báo chí sẽ không bao giờ ngừng lại".
Cặp gấu trúc lần đầu giao phối 'nhờ' Covid-19 Gấu trúc Ying Ying và Le Le lần đầu giao phối sau hơn 10 năm nhờ có khoảng thời gian riêng tư vì sở thú đóng cửa do dịch bệnh. Gấu Ying Yng và Le Le ở sở thú Ocean, Hong Kong. Ảnh: AFP. Hai con gấu trúc Ying Ying và Le Le đã ở công viên sở thú Ocean từ 2007, đủ...