Bài 2: Đánh chặn “mầm độc”
Xác định nguy cơ và chủ động các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của tội phạm ngoại tỉnh, từ năm 2000, Công an Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 20, trong đó phân định rõ trách nhiệm của công an cơ sở, và có sự phối hợp giữa Hà Nội với 16 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Một nhóm trộm 4 đối tượng tỉnh ngoài bị CAQ Long Biên bắt giữ
Ghi nhận những kết quả
Video đang HOT
Thượng tá Nguyễn Viết Chức – Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Hà Nội cho biết, Kế hoạch 20 được Công an Hà Nội xây dựng và triển khai cách đây đã hơn 10 năm, nhưng những biện pháp của nó rất khoa học để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ngoại tỉnh. Trong nhiều năm qua, Công an Hà Nội đã thiết lập được “bộ” cơ chế khá linh hoạt giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố về thông tin tội phạm hai chiều, đa chiều; quản lý đối tượng trọng điểm; cơ chế phối hợp điều tra các vụ trọng án, các ổ nhóm tội phạm; có cơ chế gọi hỏi, răn đe, giáo dục, quản lý đối tượng “nổi”.
Riêng trong năm 2010, 153 đối tượng tỉnh ngoài trốn truy nã đã bị Công an Hà Nội bắt và vận động đầu thú; Công an Hà Nội cũng đã phối hợp cùng công an các địa phương truy bắt 47 đối tượng là công dân Hà Nội trốn ở tỉnh ngoài. Riêng Phòng CSHS bắt giữ, xử lý 82 ổ nhóm – 179 đối tượng tỉnh ngoài, với các tội danh giết người, giết cướp, hủy hoại tài sản, cướp tài sản…
Nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến đối tượng tỉnh ngoài đã được khám phá bằng sự phối hợp đồng bộ giữa Hà Nội và các địa phương, như vụ Nguyễn Đức Nghĩa sát hại bạn gái ở căn hộ trong khu đô thị mới Yên Hòa; vụ giết người xảy ra tại ngã tư Ngô Quyền – Hai Bà Trưng, hung thủ là 2 đối tượng quê quán Hòa Bình và Thanh Hóa. Hay mới đây là vụ ổ nhóm 4 đối tượng, gồm 2 tên ở Hà Nội cấu kết với 2 đối tượng Nam Định và Bình Dương đi đòi nợ thuê, xảy ra ở xã La Phù, huyện Hoài Đức…
Tháo gỡ tồn tại
Đúng như phân tích của chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, công tác phòng ngừa, đấu tranh hoạt động của tội phạm ngoại tỉnh chỉ có thể hiệu quả nếu lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ công tác nắm bắt, quản lý chặt chẽ đôi tượng tại cơ sở, và sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên về đối tượng, băng nhóm “nổi” giữa công an các tỉnh, thành phố.
Ở cấp cơ sở như phường, xã, thị trấn công tác – trách nhiệm nắm tình hình, nắm đối tượng được xác định đối với CSKV hay công an phụ trách xã. Việc tăng cường tuần tra kiểm soát địa bàn công cộng; nắm người, nắm việc, sâu sát công tác tạm trú, tạm vắng ở các địa bàn có nhà nghỉ, nhà trọ… nếu đươc làm tốt, tội phạm ngoại tỉnh sẽ giảm và khó có cơ hội gây án. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có những phường, xã, công tác tuần tra công khai hay nắm người, nắm đối tượng chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Có những đối tượng trốn truy nã, dùng chứng minh nhân dân giả thuê nhà trọ và buôn bán ma túy cả tháng trời không bị phát hiện. Lại có ổ nhóm đối tượng tỉnh ngoài về cấu kết hoạt động với tội phạm ở Hà Nội, di chuyển nhà nghỉ, nhà trọ liên tục mà không gặp phải sự kiểm tra, phát hiện nào.
Dẫn chứng là vụ án Lưu Công Hoàng (SN 1991), HKTT tại xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, gây ra vụ án mạng tại quận Long Biên hôm 22 tháng Chạp. Suốt quá trình đến chơi và tá túc ở một nhà trọ, Hoàng không hề làm thủ tục khai báo tạm trú nhưng không bị phát hiện, xử lý. Và khi vụ án xảy ra, CQĐT đã phải hết sức vất vả để lần ra tung tích kẻ phạm tội, khi y đang lẩn trốn ở Thanh Hóa.
Một tồn tại khác được chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Hà Nội nhìn nhận, là sự chậm trễ hoặc thiếu đầy đủ trong việc trao đổi thông tin tội phạm giữa các tỉnh, thành phố. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối tượng tỉnh ngoài lang thang, hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn, thường xuyên thay đổi chỗ ở.
Trung tá Nguyễn Hồng Khanh – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH CAQ Long Biên nêu một dẫn chứng sinh động về sự cần thiết trong công tác trao đổi thông tin tội phạm giữa công an các đơn vị, địa phương; đó là chuyên án trinh sát giữa CAQ với công an tỉnh Hải Dương.
Từ một vụ cướp xe máy SH xảy ra ở Khu đô thị Việt Hưng, CAQ Long Biên nắm tình hình và trao đổi thông tin với địa bàn giáp ranh Hải Dương, từ đó phát hiện một ổ nhóm gây án với thủ đoạn tương tự hoạt động ở Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh. “Chắp nối các thông tin, khoanh vùng đối tượng, lực lượng công an đã xác định và bắt giữ được ổ nhóm này. Và điều chúng tôi rút được bài học trong chuyên án này là sự trao đổi thông tin kịp thời giữa Hà Nội và Hải Dương”, Trung tá Khanh nhấn mạnh.
“Tăng cường rà soát, phát hiện và phối hợp lực lượng đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm đối tượng phạm tội có tổ chức, các ổ nhóm tội phạm tỉnh ngoài hoạt động lưu động”, là một trong những nội dung quan trọng tiếp tục thực hiện Kế hoạch 20 của Công an Hà Nội.
Song để mục tiêu ấy đạt hiệu quả, để những “ mầm độc” bị đánh chặn, nhất định phải nhìn nhận và khắc phục được những tồn tại trong công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Phải chấm dứt được tình trạng tội phạm ngoại tỉnh trà trộn trong các khu nhà trọ, nhà nghỉ; chấm dứt được sự thiếu thông tin tội phạm giữa các đơn vị, địa phương; và quan trọng không kém là sự đồng bộ, quyết liệt ở các tỉnh, thành phố. Nơi nào địa phương còn buông lỏng quản lý người tỉnh ngoài, tội phạm tỉnh ngoài, nơi đó khó tránh được sự ảnh hưởng xấu đến ANTT.
Theo ANTD