Bài 2: Ám ảnh sinh viên dùng nước bẩn vệ sinh vùng kín
Không chỉ là nỗi kinh hoàng, nhà vệ sinh bẩn ở nhiều trường ĐH khiến sinh viên rơi vào tình cảnh “buồn mà phải nhịn”, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của sinh viên.
Từ chuyện dùng nước bẩn rửa vùng kín
Với các sinh viên nam, nhà vệ sinh bẩn thì có thể “nhịn” hoặc tìm cách “đi nhờ” những chỗ vắng vẻ. Còn với các sinh viên nữ, chuyện vào nhà vệ sinh đôi khi là bắt buộc, vì vào những ngày “đèn đỏ” các em phải thay băng, vệ sinh vùng kín thường xuyên.
Thế nhưng ở nhiều trường ĐH, chưa nói đến việc nhà vệ sinh đầy đủ tiện nghi, chỉ nói đến việc nước sạch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.
Biết là nước bẩn sẽ dễ bị viên nhiễm vùng kín, nhiều sinh viên nữ vẫn phải sử dụng vì “hoàn cảnh bắt buộc”
N. Q (sinh viên một trường ĐH ở quận Cầu Giấy) phải rùng mình khi nhớ lại “chuyện để đời” xảy ra trong nhà vệ sinh cách đây chưa lâu. Hôm ấy, Q. đang “bị” nên vào nhà vệ sinh của trường để thay “đồ”. Ai ngờ nhà vệ sinh hết nước, Q. đành phải “vét” nốt số nước đục ngầu còn lại trong bể chứa để “rửa tạm”.
Khi được hỏi rằng Q. có biết rằng dùng nước bẩn như thế để rửa sẽ dễ bị viêm nhiễm vùng kín, Q. đắng lòng: “Biết chứ sao không, nước bẩn như thế kiểu gì về nhà chả bị ngứa, nhưng mà hoàn cảnh bắt buộc, đành cắn răng làm liều thôi”.
“Hôi thối, buốc mùi thì còn cố nín mà “đi” được. Chứ thường xuyên mất nước như thế này thật khổ cho con gái tụi mình”, Q. nói thêm.
Nhu cầu rửa vùng kín và thay băng vệ sinh hàng giờ trong thời kỳ kinh nguyệt rất cần thiết đối với sinh viên nữ. Các bác sĩ phụ khoa khuyến cáo, nên thay băng vệ sinh ít nhất 3 lần một ngày (sáng ngủ dậy, buổi trưa, buổi tối), nếu ra kinh nhiều thì thay nhiều hơn. Vệ sinh vùng kín, rửa bộ phận sinh dục sau mỗi lần thay băng vệ sinh. Việc để băng vệ sinh lâu hay dùng nước bẩn để rửa vùng kín sẽ khiến vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Đến chuyện “nhịn” và bệnh
Ám ảnh nhà vệ sinh nên nhiều sinh viên cố gắng uống thật ít nước để giảm số lần đi tiểu tiện ở trường. Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long trả lời trong một bài báo về vấn đề này cho rằng, nước nhiều khi còn quan trọng hơn thức ăn. Nó giúp lưu thông khí huyết, lọc và đào thải các chất độc. Cơ thể thiếu nước sẽ làm giảm khả năng thải độc, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút.
Video đang HOT
Thiếu nước cũng khiến các loại sỏi dễ hình thành hơn. Chứng viêm đường tiết niệu và táo bón cũng khó cải thiện hơn khi không được cung cấp nước đầy đủ.
Ám ảnh nhà vệ sinh, nhịn đại tiểu tiện dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa.
Tình trạng nhà vệ sinh quá bẩn còn khiến nhiều người cố nhịn đi đại tiểu tiện. Cứ tưởng tượng xem có nhu cầu mà không thể giải quyết bạn sẽ thế nào, cực kỳ khó chịu và không thể tập trung làm việc gì. Các bác sĩ cũng khuyến cáo đây là một thói quen nguy hiểm bởi có thể dẫn đến nhiều bệnh như trĩ, nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận…
Cùng với nhịn uống nước, nhịn tiểu tiện là một thói quen rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Nếu nhịn lâu, nước tiểu bị ứ đọng dễ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là bàng quang. Việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt. Một tác hại nữa của thói quen này làm ta căng thẳng, khó tập trung vào học tập.
Còn nếu nhịn đại tiện, sẽ nhanh chóng gây táo bón. Táo bón lâu ngày là một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn đến bệnh trĩ. Do đó, các bác sĩ khuyên nên tìm cách đáp ứng nhu cầu đại tiện ngay khi có nhu cầu.
Kiềm chế giải quyết nhu cầu cá nhân hay uống ít nước do lo sợ thiếu nhà vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến công việc học tập trên lớp mà còn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh viên, nguyên nhân của không ít bệnh dịch nguy hiểm. Việc “giải quyết” là một nhu cầu cơ bản của con người nó diễn ra tự nhiên và cần thiết trong cuộc sống, vậy mà ở môi trường đại học nó lại trở thành nỗi hãi hùng của sinh viên.
Theo VietNamNet
Bài 1: Thảm cảnh SV xé sách vở dùng thay giấy vệ sinh
Đối với Nam (SV ĐH Xây dựng Hà Nội), việc đi vệ sinh ở trường đại học là một nỗi ám ảnh. Toilet cáu bẩn, bốc mùi, không nước, không giấy, không xà phòng... là một thảm cảnh có thật trong rất nhiều trường ĐH ở Việt Nam.
LTS: Điều gì đang diễn ra trong nhà vệ sinh của một số trường đại học ở Việt Nam? Những nhà vệ sinh xập xệ, cáu bẩn, luôn trong tình trạng bốc mùi. Những nhà vệ sinh không giấy, không xà phòng, không nước, sinh viên phải xé sách vở dùng thay giấy vệ sinh. Bệnh phụ khoa, bí tiểu, thận yếu tăng vọt xuất phát từ thói quen "nhịn" đại, tiểu tiện của sinh viên. Không có thói quen lau chùi, giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, một số đông người trẻ Việt Nam đang biến hệ thống nhà vệ sinh công cộng nước nhà thành thảm hoạ, giống như cách họ đã hành xử với những nhà vệ sinh bẩn trong trường học. Chuyên đề "Thảm hoạ nhà vệ sinh bẩn" trong trường ĐH của VietNamNet hy vọng sẽ nhận được nhiều tiếng nói, giải pháp "cứu" nhà vệ sinh của độc giả đối với câu chuyện tưởng nhỏ mà rất lớn này.
Bẩn như nhà vệ sinh
Qua khảo sát của chúng tôi, tại nhiều trường đại học ở Hà Nội: ĐH Xây Dựng, ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp..các nhà vệ sinh thường xuyên không có giấy, xà phòng rửa tay sau khi vệ sinh, một số trường còn không có nước dùng trong nhà vệ sinh. Nhiều trường nhà vệ sinh quá bẩn, không được dọn dẹp thường xuyên nên bốc mùi rất khó chịu, các thiết bị nhà vệ sinh hỏng lâu ngày không được sửa chữa. Nhà vệ sinh khu giảng đường H1 (ĐH Xây dựng) không có biển báo nhà vệ sinh nam hay nữ.
Nhà vệ sinh tại trường ĐH Xây dựng.
Tại khu nhà thí nghiệm của trường ĐH Xây dựng, có khá nhiều những nhà vệ sinh luôn trong tình trạng khóa cửa và bẩn. Khi chúng tôi đến đây thì gặp một toán các bạn nữ đang vội vàng đi tìm nhà vệ sinh. Th. D, một bạn nữ trong nhóm bạn này chia sẻ: "Bọn tớ phải chạy từ tầng 1 lên tầng 4 mới tìm được nhà vệ sinh."
Theo ghi nhận của PV chiều ngày 28/10 tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hầu hết các nhà vệ sinh dành cho sinh viên ở đây đều không có giấy vệ sinh, không có xà phòng rửa tay. Đặc biệt tại nhà vệ sinh nữ khoa Văn, nhà vệ sinh nữ khoa Lịch sử, nhà vệ sinh nam khoa Vật lý của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mùi khai bốc lên nồng nặc, sàn nhà nhơ nhớp và đang bị mất nước.
Một nữ sinh tên T. Khoa Lịch sử cho biết nhà vệ sinh thường xuyên nhơ nhớp, chỗ vệ sinh thì cáu bẩn, bồn rửa mặt thì không có nước bao giờ.
Bể chứa nước trong nhà vệ sinh ĐH Sư phạm.
Trong khi phần lớn các nhà vệ sinh nữ ở đây vẫn dùng phương thức cổ điển - múc nước từ bể để dội sau khi đi vệ sinh. Vào những hôm mất nước, không có nước dội thì "chiến trường" sau khi "giải quyết" vẫn còn nguyên nên mùi hôi khai bốc lên nồng nặc.
"Đi vệ sinh xong không có nước xả tự động mà phải tự múc nước từ bể dội. Nếu ai không có ý thức thì rất bẩn, người vào sau phải tự dọn cho người trước", T. Nói.
Chuyện nhà vệ sinh trong trường học mới nghe có vẻ như là "chuyện nhỏ" nhưng thật không hề nhỏ chút nào. Nhu cầu đi vệ sinh là nhu cầu tối thiểu của con người, trong khi các cô giáo vẫn luôn dạy học sinh "vỡ lòng" phải rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh thì ở chính môi trường đào tạo những cô giáo ấy lại chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Năm 2009, chình ình ngay tại khu nhà D, vốn là khu ký túc xá cũ được cải tạo lại làm giảng đường của trường Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là nhà vệ sinh chật hẹp, ẩm thấp, thiếu điện nước... Nền nhà cáu bẩn, cửa cánh xập xệ, sàn tường bong trốc, rêu xanh phủ kín, mùi khai thối bốc lên nồng nặc, nhà vệ sinh là địa ngục trần gian đối với SV. Thứ mùi khai khằm còn trở thành "cực hình" đối với các lớp học gần đó.
Nhà vệ sinh ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Ai có thể nghĩ đây là nhà vệ sinh của một trường ĐH lớn giữa Thủ đô?
Ông Nguyễn Ngọc Khương, cán bộ phòng HS - SV cho rằng, chính sự vô ý thức của SV "thường xuyên đóng cửa uỳnh uỳnh và gây mùi" khiến nhà trường phải đóng cửa nhà vệ sinh ở các tầng nhà, và nay chỉ mở hai khu ở hai đầu giảng đường. Và hàng nghìn sinh viên đã phải sống chung với một thảm hoạ vệ sinh kinh hoàng như vậy.
Đã quá quen với thảm cảnh này nên sinh viên coi đó là chuyện bình thường. Khi được hỏi tại sao không phản ánh tình trạng này lên nhà trường để tìm cách khắc phục, hầu hết các sinh viên đều lắc đầu ngao ngán: "trường nào mà chẳng thế, kêu cũng chẳng ích gì".
"Nhịn" không nổi thì phải xé!
Giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay được coi là "đồ xa xỉ" ở nhà vệ sinh dành cho sinh viên của nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Chuyện đi vệ sinh xong không có giấy chùi, không có xà phòng rửa tay, thậm chí không có nước dội là "chuyện thường ngày" ở trường.
M. (sinh viên một trường ĐH trên đường Cầu Giấy) muối mặt kể lại tình cảnh dở khóc dở cười của mình: "Dù rất "dị ứng" với nhà vệ sinh ở trường nhưng bị đau bụng đột xuất nên vẫn phải vào để "giải quyết". Ai dè "đi" xong mới phát hiện nhà vệ sinh không có giấy, may còn mang cặp theo, đành xé mấy trang sách để dùng tạm".
Tình trạng xé sách vở làm giấy vệ sinh là "chuyện thường ngày" ở trường.
"Kể ra thì thấy xấu hổ chứ có lần thằng bạn mình "đi nặng", không mang theo gì cả, cũng không có giấy. Thế là cu cậu đành nhắn tin cho mình mang quyển vở vào cho "mượn vài trang". Chuyện xé vở thay giấy vệ sinh là chuyện thường ngày ở trường", M nói thêm.
Theo khảo sát của PV, hầu hết các nhà vệ sinh khu H1 (ĐH Xây dựng) đều không có giấy, xà phòng cho SV rửa tay sau khi đi vệ sinh. Hưng (SV khoa Môi trường) nói thêm: Tình trạng mất nước ở nhà vệ sinh xảy ra thường xuyên. Hầu như SV đi vệ sinh xong không có nước để rửa tay, thậm chí còn không có nước để xả nhà vệ sinh".
Trong ngày 28/10, theo quan sát của PV, các vòi nước để rửa tay trong các nhà vệ sinh từ tầng 1 đến tầng 5 ở khu nhà H1 đều không có nước. Mỗi phòng chỉ có một chậu nước nhưng đa phần là rất bẩn, có chậu thì nước đục như nước vôi, có chậu thì rất nhiều cặn lắng từ lâu...
Bao giờ VN có nhà vệ sinh công cộc sạch khi SV còn đối xử với nhà vệ sinh trường học như thế này?
Lê Anh, SV lớp Xây Dựng, cầm chiếc bánh mỳ vừa ăn vừa nhồm nhoàm nói: "Đi vệ sinh xong không được rửa tay nhưng đến trưa, rất nhiều sinh viên phải học cả hai ca sáng và chiều lại ra quán trà đá, quán xôi hay cơm bụi ở ngay cổng sau của trường để ăn uống. Bọn tôi "ở bẩn" quen rồi".
Không biết đến bao giờ, chuyện nhà vệ sinh có đủ giấy, đủ nước dội và xà phòng rửa tay không còn là ước mơ xa xỉ đối với sinh viên ở những ngôi trường này.
Theo VietNamNet
Leo xuống giếng, ba người chết vì khí độc Chiều 13-5, trong lúc leo xuống giếng 2,5m để kéo máy bơm nước giếng khoan bị hỏng lên sửa, ông Phạm Ngũ Mạnh (60 tuổi) thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện - Gia Lai ngất tại chỗ, không leo lên được. Nghe vợ ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Tý kêu cứu, ông Đặng Văn Bình (57 tuổi) ở...