Bài 11 vụ cụm dân cư ngập trong ô nhiễm: “chìa khóa” nằm ở UBND quận Ba Đình
Tiếp tục thông tin vụ 12 hộ dân ngập trong ô nhiễm, xú uế, lãnh đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1 khẳng định quận Ba Đình là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cống nước thải từ nhà dân đấu nối hệ thống cống chung nên “chìa khóa” giải quyết thuộc về quận Ba Đình.
Như thông tin đã đưa, đại diện các hộ dân đang sinh sống tại số nhà 146 Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến báo Dân trí phản ánh: Từ tháng 7/2013 đến nay, 12 hộ dân thuộc số nhà 146 phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng do đường thoát nước thải sinh hoạt có nhiều chục năm của khu dân cư chảy ra hệ thống thoát nước ở phố Đặng Dung bị chặn lại. Do không có đường thoát, khi trời mưa cả khu dân cư chìm sâu trong nước thải, nước bể phốt, đến ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trong gần 2 năm chịu cảnh ô nhiễm, xú uế, cụm dân cư gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến UBND phường Quán Thánh, quận Ba Đình, nhưng đến nay người dân chưa thoát khỏi tình trạng ô nhiễm.
Tình trạng ngập lụt trong nước thải, nước bể phốt kéo dài suốt gần 2 năm ở số nhà 146 Quán Thánh.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Dân trí ngày 9/4/2015, đại diện lãnh đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1 ( Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết, phía Xí nghiệp chỉ quản lý hệ thống cống thoát nước chung của thành phố nằm trên phố Đặng Dung – Quán Thánh, hiện hệ thống này hoạt động ổn định. Hệ thống cống nhánh đấu nối từ các hộ dân ra cống chung, trong đó có nhà 146 Quán Thánh do UBND quận Ba Đình quản lý nên Xí nghiệp không có hồ sơ, việc truy tìm nguyên nhân và xử lý thuộc trách nhiệm của quận Ba Đình. Theo xác nhận của Xí nghiệp Thoát nước số 1, từ tháng 7/2013 trở về trước, khu dân cư 146 Quán Thánh không xảy ra tình trạng ngập úng, hệ thống thoát nước số nhà luôn hoạt động tốt.
Theo lời lãnh đạo Xí nghiệp Thoát nước số 1, kiểm tra hiện trường vào tháng 10/2013, cho thấy không có cống nước thải nào nối từ nhà 146 Quán Thánh ra hệ thống cống chung của thành phố trên đường Quán Thánh. Hiện trạng thoát nước số nhà 146 Quán Thánh dốc vào phía cuối ngõ và chảy qua cống nhựa D200 đến nhà ông Minh ( số 5 Đặng Dung) thì bị ùn tắc không tiêu thoát. Kiểm tra khu vực phố Đặng Dung cho thấy, dưới vỉa hè nhà số 5 Đặng Dung có 1 đường cống loại D300 đấu nối với hệ thống cống của thành phố có nước chảy rất ít, nhưng chưa đủ bằng chứng kết luận đây là cống thoát nước của số nhà 146 Quán Thánh. Muốn tìm nguyên nhân ùn ứ nước thải ở khu vực nhà 146 Quán Thánh chỉ có cách duy nhất là đào khảo sát thực địa khu vực vỉa hè phố Đặng Dung.
Ngày nắng nóng cả khu dân cư nồng nặc mùi hôi thối, xú uế.
Như vậy, “chài khóa” để giải quyết “điểm nóng” kéo dài gần 2 năm qua tại số nhà 146 Quán Thánh vẫn nằm ở UBND quận Ba Đình. Nếu chính quyền địa phương chậm “giải cứu”, 12 hộ dân sẽ phải tiếp tục sống “ngụp lặn” trong nước thải, xú uế và đối mặt với những rủi ro khó lường về mặt sức khỏe. Về vụ việc này, trong Văn bản thông báo kết luận cuộc họp liên ngành ngày 3/4/2015, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Đỗ Viết Bình đã đề nghị Sở Xây dựng giao cho Công ty Thoát nước áp dụng các phương tiện và biện pháp nghiệp vụ truy tìm ra nguyên nhân ùn ứ trước ngày 15/4, từ đó UBND quận Ba Đình sẽ lên phương án giải cứu.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài tại số nhà 146 Quán Thánh, ngày 6/4/2015, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng đã ban hành Văn bản số 2189/UBND – BTCD, gửi Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình yêu cầu khẩn trương xác định nguyên nhân, xử lý dứt điểm vụ việc, đồng thời làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ, có báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/4/2015.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh ( Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết: “Việc chậm chễ trong việc kiểm soát môi trường đã vi phạm nghiêm trọng “nguyên tắc bảo vệ môi trường” theo quy định của pháp luật và không tuân thủ các chính sách của Nhà nước, thậm chí còn có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền về bảo vệ môi trường. Đặc biệt môi trường khu dân cư 146 Quán Thánh trong tình trạng ô nhiễm đã kéo dài đến hai năm thì có thể xem xét là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Việc cần thiết và cấp bách ngay lúc này là chính quyền sở tại, UBND phường Quán Thánh, UBND quận Ba Đình cần ngay lập tức quyết liệt ứng phó, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây theo đúng quy định tại Điều 109, Điều 112, Điều 143 Luật bảo vệ môi trường”.
Luật sư Vi Văn Diện: “Pháp luật đủ chế tài để chính quyền xử lý dứt điểm”.
Video đang HOT
Luật sư Vi Văn Diện nhận định: “Sự ô nhiễm nghiêm trọng như vậy sẽ dễ gây ra các bệnh tật cho người dân, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bà con cụm dân cư, đặc biệt là người già và trẻ em. Chính quyền sở tại phải công khai thông tin về trách nhiệm xử lý môi trường đến cộng đồng dân cư và dư luận xã hội.Để xác định rõ nguyên nhân trong việc gây ùn ứ xú uế, nước thải ô nhiễm môi trường trong trường hợp này sẽ không khó khăn gì đối với các cơ quan chuyên ngành nhưng vấn đề là trách nhiệm xử lý, chúng ta có đủ các cơ sở, căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề này thì chẳng có lý do gì khiến người dân phải chịu ô nhiễm suốt 2 năm qua tại cụm dân cư 146 Quán Thánh.
Nếu đã xác định được đối tượng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì lý do gì không xử lý trách nhiệm, thậm chí yêu cầu bồi thường thiệt hại, xử lý nghiêm minh để răn đe. Như thông tin đã đưa, cơ quan liên ngành đã vào cuộc và xác định được nguyên nhân ù ứ chất thải do bị tắc, bịt đường thoát tại vỉa hè nhà số 5 Đặng Dung thì các cơ quan chức năng cần đào, khơi thông lại đường thoát nước thải để trả lại đường thoát nước cho cụm dân cư, không thể vì một cá nhân mà có thể bỏ qua quyền và lợi ích hợp pháp của cả cụm dâm cư và cần phải xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Tôi khẳng định việc thông thoáng đường nước thải trong trường hợp này là hợp pháp, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ, khắc phục và phục hồi môi trường chung theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường…”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Anh Thế – Ngọc Cương
Theo Dantri
Hà Nội: Một phụ nữ chết bất thường sau khi tới trụ sở UBND phường
Cơ quan công an đang điều tra, làm rõ việc bà Nguyễn Hồng Lương (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) tử vong bất thường vào ngày 2/4 sau khi tới trụ sở UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình).
Trụ sở UBND phường Điện Biên - nơi xảy ra việc.
Tự thiêu?
Theo báo cáo của UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội), khoảng 9 giờ ngày 1/4, bà Nguyễn Hồng Lương (số 9, ngách 55/37 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) đi xe đạp một mình tới UBND phường Điện Biên. Khi đến nơi, bà Lương gặp ông Trần Thanh Bình (bảo vệ UBND phường) để xin gặp Chủ tịch UBND phường Điện Biên Trần Mạnh Quân.
Báo cáo cho rằng, vì ông Quân không có mặt ở trụ sở UBND phường nên bà Lương đã xin vào nhà vệ sinh nữ để đi vệ sinh. Khi đó bà Lương có đeo một túi xách.
"Khoảng 5 phút sau, phát hiện có cháy, mùi khét trong nhà vệ sinh nên anh Bình cùng một số cán bộ UBND phường Điện Biên đẩy cửa vào nhà vệ sinh nữ, thấy bà Lương đã dùng xăng đổ xuống nền nhà đốt và đập đầu vào bồn vệ sinh tự thương. Mọi người đã dùng chăn dập lửa và gọi xe cấp cứu đưa bà Lương cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn nhưng do vết bỏng quá nặng nên bà Lương đã tử vong vào lúc 4 giờ 15 phút ngày 2/4" - báo cáo của UBND phường Điện Biên viết.
Văn bản báo cáo sự việc của UBND phường Điện Biên.
Xuất phát từ khiếu nại lấn chiếm đất
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trước đây gia đình bà Lương sinh sống trong khu 139 đường Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình).
Toàn bộ diện tích nhà đất tại khu 139 Nguyễn Thái Học trước đây thuộc Khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt Hà Nội. Năm 2004 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy hoạch lại trụ sở cơ quan Cục Thương binh liệt sỹ và Người có công, đồng thời bố trí lại nhà ở cho các gia đình thương binh và cán bộ, công chức của cơ quan để làm nhà ở ổn định.
Ông Nguyễn Tiến Khởi (chồng bà Lương) là thương binh hạng 1/4, hỏng 2 mắt, tỷ lệ thương tật 91% được phân nhà đất tại đây và đã được UBND quận Ba Đình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (sổ đỏ). Năm 2011 vợ chồng bà Lương, ông Khởi bán nhà và chuyển đến sinh sống tại số 9, ngách 55/37 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình).
Trong khu vực 139 Nguyễn Thái Học có Trạm bơm nước và bể nước với diện tích 35,1 m2. Trước đây trạm bơm này do Khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt Hà Nội sử dụng, sau đó để không. Từ năm 1998 gia đình ông Khởi và một gia đình hàng xóm đã quản lý, sử dụng trạm bơm bỏ không này. Sau đó cả hai gia đình đã bàn bạc, đồng ý bàn giao toàn bộ diện tích khu vực trạm bơm này cho phường Điện Biên xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay Nhà văn hóa địa bàn dân cư số 5 đã "mọc" lên trên phần đất của trạm bơm nước này.
Chính vì thế nên khi phát hiện gia đình ông Đ.S.N lấn chiếm vào phần đất công này, ông Khởi và bà Lương đã có đơn khiếu nại gửi UBND phường Điện Biên.
"Chúng tôi gửi đơn ngay khi phát hiện gia đình ông N. xây dựng lấn chiếm phần đất này nhưng UBND phường Điện Biên đã "ngâm" đơn của chúng tôi 61 ngày không giải quyết gì. Tới khi họ gọi chúng tôi lên phường để giải quyết hòa giải thì gia đình ông N. đã hoàn thành việc xây dựng và lấn chiếm diện tích của trạm bơm rồi"- ông Khởi nói.
Trong khi đó, UBND phường Điện Biên cho biết ngày 30/10/2014 bà Lương có mang đơn đến gửi UBND phường đòi lại đất. Văn phòng UBND phường đã mời bà Lương vào phòng tiếp dân để giải quyết nhưng do đơn của bà Lương không có giấy tờ chứng minh kèm theo nên không nhận. "Bà Lương đã làm ầm lên, Văn phòng UBND đã báo cáo Chủ tịch UBND phường Điện Biên. Chủ tịch UBND phường Điện Biên đã cùng cán bộ địa chính phường tiếp và giải quyết cụ thể theo hiện trạng và hồ sơ quản lý địa chính lưu giữ. Sau khi giải thích xong bà Lương liên tục chửi bới rồi bỏ đi, để lại đơn ở phường"- báo cáo của UBND phường Điện Biên cho biết.
Đến ngày 15/11/2014, UBND phường Điện Biên đã ban hành văn bản số 168 trả lời gia đình bà Lương: Theo hồ sơ địa chính lưu tại phường, phần diện tích đất bà Lương đòi lại là 1/3 lối đi vào trạm bơm nước là thuộc phần diện tích đã được UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho gia đình ông Đ.S.N.
Ngày 18/11/2014, UBND phường Điện Biên đã mời bà Lương và ông Khởi tới làm việc để bàn giao văn bản trả lời nhưng khi sau khi nghe xong nội dung vợ chồng bà Lương không nhận văn bản.
"UBND phường đã lập biên bản về sự việc không nhận văn bản trả lời, có ký nhận của bà Lương và ông Khởi. Từ đó đến khi xảy ra sự việc bà Lương không có đơn nữa, nhưng vẫn liên tục đến UBND phường gây rối và chửi bới, lăng mạ, vu cáo cán bộ địa chính phường"- văn bản của UBND phường Điện Biên nêu.
Gãy 5 xương sườn
Đáng chú ý, chỉ khoảng 40 phút sau khi bà Lương rời nhà, đi xe đạp tới trụ sở UBND phường Điện Biên, gia đình ông Khởi đã nhận được điện thoại của tổ trưởng dân phố thông báo việc bà Lương bị tai nạn và đã được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu.
Khi chị Nguyễn Thanh Hiền (24 tuổi, con gái bà Lương) vào Bệnh viện Xanh Pôn thì thấy bà Lương đang nằm ở khoa cấp cứu, toàn thân bị bỏng nặng, có máu chảy trên người và tay chân...
Ông Nguyễn Tiến Khởi (chồng bà Lương) - Thương binh hạng 1/4, hỏng 2 mắt, khẳng định có rất nhiều bất thường trong cái chết của vợ mình.
"Gia đình chúng tôi tới bệnh viện thì khu vực đó có công an gác trong gác ngoài không cho tiếp xúc. Lúc đó nhà tôi còn tỉnh nhưng họ nhất quyết không cho ai vào. Tới khi nhà tôi hôn mê sâu thì mới cho vào gặp nên không nói được lời nào nữa về sự việc đã xảy ra trước đó như thế nào"- ông Khởi kể lại.
Đến rạng sáng ngày 2/4, bà Lương tử vong. Sau đó thi thể bà Lương được chuyển qua nhà xác Bệnh viện quân đội 354 để tiến hành khám nghiệm tử thi.
"Bác sĩ khám nghiệm đã nói với hàng chục người có mặt ở đó rằng nhà tôi bị gãy 5 xương sườn, có vết thương tụ máu ở phần đầu"- ông Khởi nói.
Ông Khởi cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi cho thấy sự mâu thuẫn trong văn bản của UBND phường Điện Biên: "Tại sao nhà tôi lại mang được một số lượng lớn xăng vào trụ sở UBND phường dễ dàng như thế được? Nếu chỉ mang một lượng nhỏ khoảng nửa lít thì có thể gây bỏng nặng như vậy được không? Họ nói nhà tôi đổ xăng ra sàn nhà vệ sinh nữ rồi châm lửa đốt thì có những ai chứng kiến việc đó? Nếu có người đập cửa vào nhà vệ sinh để kéo nhà tôi ra ngoài thì tại sao bà ấy lại gãy 5 xương sườn và bầm tím nhiều chỗ trên người?".
Theo ông Khởi, việc khiếu nại lên phường chuyện lấn chiếm đất công của gia đình ông N. cũng chỉ vì lợi ích chung cho khu dân cư 139 Nguyễn Thái Học. "Gia đình chúng tôi không có mâu thuẫn gì, hai đứa con đều ngoan ngoãn. Chúng tôi chỉ khiếu nại đòi lại công bằng thôi, làm gì tới mức vợ tôi cực đoan để tự thiêu như họ nói thế được"- ông Khởi bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND phường Điện Biên cho biết đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo UBND quận Ba Đình. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà Lương hiện đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Thế Kha
Theo Dantri
Năm 2016, TPHCM nhận bàn giao đoàn tàu điện ngầm hoàn chỉnh Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, nhà khoa học, cơ quan đơn vị và người dân thành phố sẽ có 1 tháng để tham quan và đóng góp ý kiến cho đoàn tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố, bắt đầu từ 16/3 đến hết 15/4. Điều chỉnh theo đông đảo ý kiến người dân Ngày 3/3, trao đổi...