Bác tin chi 1 triệu USD sơn lại tàu Cát Linh – Hà Đông
Ban quản lý dự án Đường sắt khẳng định không có chuyện chi 1 triệu USD để sơn lại tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị người lạ vẽ bậy.
Liên quan đến tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị vẽ trộm, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đang tích cực truy tìm người đột nhập trái phép vào công trường.
Hiện, trên một số trang mạng xã hội có thông tin tổng thầu EPC Trung Quốc đề nghị Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) chi 1 triệu USD để sơn lại toa tàu. Theo đó, tổng thầu sẽ sơn lại toa tàu bị vẽ bậy từ ngày 5.1 đến 5.2 bằng loại sơn đặc biệt, cao cấp và chuyên dụng.
Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị vẽ trộm. Ảnh: Trần Anh.
Sáng 2.1, trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Hồng Phương, Phó ban quản lý dự án Đường sắt, khẳng định chưa nhận được văn bản của tổng thầu về vấn đề này.
Theo ông Phương, trách nhiệm và chi phí sơn lại toa tàu bị vẽ trộm thuộc về tổng thầu EPC Trung Quốc.
Phó ban quản lý chia sẻ đã yêu cầu tổng thầu mời nhà sản xuất tàu từ Trung Quốc sang để nghiên cứu phương án khắc phục. Màu xanh trên tàu được dán nên sẽ được thay thế, đảm bảo thẩm mỹ và nguyên trạng.
Vị này cho biết thêm chi phí khôi phục lại toa tàu bị vẽ bậy không đến 1 triệu USD như những thông tin trên mạng.
Ngày 26.12, nhiều công nhân đang thi công công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại khu vực ga Cát Linh bất ngờ phát hiện đoàn tàu cao tốc bị sơn, vẽ bậy chằng chịt lên phần thân và đầu đoàn tàu.
Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết không có chuyện chi 1 triệu USD sơn lại toa tàu. Ảnh: Trần Anh.
Đoàn tàu bị người lạ vẽ bẩn là HN01104. Vụ việc xảy ra khi tàu này đậu tại khu vực tầng 3 nhà ga Cát Linh.
Sau khi phát hiện sự việc, tổng thầu đã có công văn gửi Công an Hà Nội, công an các quận có dự án chạy qua hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt xem xét trách nhiệm, quy trình quản lý của tổng thầu. Tại sao người khác vào vẽ trộm mà đơn vị này không phát hiện ra.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13km, gồm 12 ga đi trên cao. Sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án chính thức khởi công năm 2011, tổng số vốn lên đến hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).Mới đây, Ban quản lý Đường sắt cho biết dự kiến tàu sẽ được chạy thử vào 2.9.2018 và tiến hành khai thác thương mại vào cuối năm 2018.
Theo Văn Chương (Zing)
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại từ cuối năm 2018
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên dự án phải được khai thác trong năm 2018.
Tại cuộc họp Ban quản lý dự án đường sắt sáng 29.12, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã đốc thúc việc thực hiện các hạng mục đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngân hàng Eximbank Trung Quốc hôm qua thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung 250 triệu USD cho dự án Cát Linh - Hà Đông.
"Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa. Chúng tôi nói với phía Trung Quốc là dự án đường sắt Cát Linh đã trải qua ba đời bộ trưởng, phía bạn phải đẩy nhanh tiến độ. Bộ Giao thông đang tập trung cho dự án", ông Đông nói.
10 trong số 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã được nhập về Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Nhấn mạnh phải đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2018, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc trong các khâu như lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin tín hiệu, đóng điện... và chủ động hướng dẫn Tổng thầu thực hiện, giám sát chứ không nói đó là việc của Tổng thầu. Nếu có vướng mắc, Ban cần báo cáo ngay với Bộ Giao thông để không làm mất thời gian.
Trong tháng 1, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ chốt tiến độ.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%. Do vướng mắc các thủ tục gia hạn vốn vay nên từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, dự án chỉ giải ngân được hơn 10 triệu USD. Đây là nguyên nhân chậm tiến độ dự án trong năm nay. Hiện nay vướng mắc này cơ bản đã giải quyết xong, ngày 28/12, hiệp định vay vốn 250 triệu USD bắt đầu có hiệu lực.
Ban quản lý dự án cho biết đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ. Ngoài ra, Ban quản lý yêu cầu Tổng thầu thay thế nhà thầu phụ yếu kém và kiến nghị Bộ Giao thông xếp hạng nhà thầu năng lực yếu nếu làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Theo tiến độ của Tổng thầu Trung Quốc, đầu tháng 9.2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án sẽ khai thác thương mại.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Theo Đoàn Loan (VNE)
Một công nhân rơi từ công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông Sự việc xảy ra vào lúc 18h10 ngày 16/10, tại công trường thi công khu vực nhà ga Văn Quán, thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Một công nhân đã bị rơi từ trên cao xuống đất sau khi hết ca làm. Hình ảnh công nhân nằm dưới lòng đường sau cú ngã (Ảnh...