“Bác sỹ vứt xác” thoát tội giết người
Giám đốc thẩm mỹ viện làm chết người đã được đổi quyết định khởi tố từ tội danh có khung tử hình sang khung 15 năm tù.
Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 – Công an TP. Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) về 2 tội danh: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể”.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố Đào Quang Khánh (17 tuổi, nhân viên bảo vệ) về tội “xâm phạm thi thể”.
Như vậy, với quyết định khởi tố này, cựu bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đã thoát tội danh giết người. Nếu ra tòa với cáo buộc tội “giết người”, ông Tường có thể nhận mức án hai mươi năm, tù chung thân hoặc cao nhất là tử hình. Còn mức án cao nhất đối với tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” là 15 năm tù. Mức án cao nhất của tội “xâm phạm thi thể” cũng chỉ 5 năm tù.
Trước đó, khi vụ án vừa xảy ra, Đại tá Dương Văn Giáp (Trưởng Phòng PC45 – Hà Nội) cho biết, tạm thời ra quyết định khởi tố ông Tường về tội “giết người”. Mọi quyết định chính thức phụ thuộc vào việc tìm kiếm và khám nghiệm thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, cuộc tìm kiếm xác nạn nhân vẫn chưa có kết quả. Do đó, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh khởi tố đối với bác sỹ Tường.
Nguyễn Mạnh Tường thực nghiệm dừng lại trên cầu Thanh Trì ném xác bệnh nhân
Video đang HOT
Xung quanh vụ án, nhiều luật sư và nhà nghiên cứu luật cũng cho rằng, khởi tố giám đốc thẩm mỹ viện về tội giết người là không có cơ sở. Tuy nhiên, hầu như không luật sư nào cho rằng, ông Tường chỉ bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Phần lớn các luật sư nhận định, trong trường hợp không tìm thấy thi thể nạn nhân, bác sỹ Tường sẽ phải đối mặt với tội danh “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Như đã đưa tin, PC45 – Công an TP. Hà Nội đang điều tra vụ án “thẩm mỹ viện làm chết khách hàng rồi phi tang”. Nạn nhân là chị L.T.T.H. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đến trung tâm thẩm mỹ của ông Tường để nâng ngực. Theo kết quả điều tra bước đầu, ngày 19/10, sau khi được bác sỹ Tường cùng một số nhân viên ở Thẩm mỹ viện Cát Tường hút 11 ống mỡ ở bụng (loại 50cc), bơm lên ngực, chị H. đã tử vong. Sau đó, ông Tường cùng một nhân viên bảo vệ mang xác chị H. đưa lên cầu Thanh Trì rồi ném xuống sông Hồng phi tang.
Cơ quan chức năng cùng gia đình nạn nhân đã nỗ lực tìm kiếm thi thể người xấu số hơn 10 ngày qua nhưng vẫn chưa có kết quả.
Điều 242. BLHS quy định về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”: Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm. Điều 246. BLHS về tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Điều 99. BLHS về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
Theo Khampha
Nạn nhân Thẩm mỹ Cát Tường có thể không bao giờ nổi?
Vụ việc bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang thi thể bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền đang có sự tranh cãi trái chiều về chuyện vì sao đã hơn 10 ngày nạn nhân chưa nổi. Khi chưa tìm thấy thi thể bệnh nhân thì vụ án gần như bế tắc.
Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Nguyễn Văn Tân - nhân viên nhà tang lễ bệnh viện bạch mai nhận định: "Nếu thi thể của con người có sự tác động của dao kéo làm rách da thịt thì cũng rất khó nổi trong thời gian ngắn".
Ông Tân lấy ví dụ, với người chết đuối cũng giống như quả bóng, bên trong có chứa không khí. Quá trình ngấm nước, da thịt phân hủy sẽ làm cho nó trương và khí ở trong người vì thế mà nổi lên.
Nhưng với người đã tử vong trước khi chưa rơi xuống nước mà lại có sự tác động của giao kéo thì không khác gì quả bóng bị rách thì sẽ rất khó nổi.
Bên cạnh đó, ông rất băn khoăn: "Không biết chị Huyền có bị ông bác sĩ Tường phẫu thuật rạch ở ngực hay không. Nếu như thế, quả thật rất khó có thể nổi lên và có thể hiến hình dạng trước khi cơ quan chức năng tìm thấy".
Nếu thi thể có đụng đến dao kéo rất khó có thể nối sớm được
Trong kinh nghiệm gần 30 năm làm việc trong coi tử thi ở nhà tang lễ, ông Tân cho biết: "Những nạn nhân bị vứt xuống nước, khi bị ngấm nước và chịu tác động từ môi trường nước chảy, va đập thì sẽ bị phân hủy nhanh hơn. Nếu không sớm tìm thấy trong thời gian tới thì e chừng càng về sau sẽ càng khó tìm hơn".
Cùng chung nhận định này, ông Vũ Ngọc Hướng - nhân viên trông coi nhà xác ở bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết: "Thông tin về BS Nguyễn Mạnh Tường phi tang thi thể bệnh nhân được tôi theo dõi trong suốt ngày qua. Có thông tin cho rằng, bác sĩ này đã tiêm thuốc gì đó vào người bệnh nhân để che giấu việc tìm xác nhưng theo tôi thì không phải. Bởi vì, khi bệnh nhân đã tử vong thì việc tiêm thuốc vào người gần như vô hiệu vì không thể truyền đi khắp cơ thể được".
Đồng thời, ông Hướng cũng nhận định: "Có thể thi thể của chị Huyền sẽ nổi trong thời gian tới khi mà đã có sự ngấm nước và trương lên. Nhưng sợ rằng chờ đến lúc đó thì phần thi thể ấy sẽ bị phân hủy từ môi trường bên ngoài khiến cho nó tan rã nhanh, việc tìm kiếm sẽ vô cùng khó khăn".
Không có chuyện rạch
Nhưng theo quan điểm của bác sĩ Trần Thiết Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Saint Paul) thì nếu làm đúng kỹ thuật thì không phải rạch bụng ra, chỉ làm 2 hoặc 3 lỗ nhỏ rồi đưa que hút vào bên trong thành bụng, tiến hành hút. Sau khi phẫu thuật xong thì sẽ tiến hành khâu hết các lỗ đó lại, nên cơ thể không thể có lỗ hở được.
Ông Sơn khẳng định: "Quy trình của việc phẫu thuật nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân đầu tiên là tiêm dung dịch đặc biệt vào trong thành bụng làm cho mỡ loãng ra sau đó dùng ống hút để hút mỡ thừa ra, sau đó sẽ tách tế bào mỡ loại bỏ nước, các thành phần khác và tế bào mỡ chết ra rồi bơm lên ngực bằng cách chọc 1 đường rất nhỏ qua da rồi bơm mỡ hút được vào tuyến vú".
Nói về những rủi ro của phẫu thuật này thì ông Sơn khẳng định rằng: "Phẫu thuật gây mê thì độ rủi ro cũng giống như các phẫu thuật thẩm mỹ khác, nếu kiểm soát tốt thì tỉ lệ thành công cao, khó có các biến chứng".
Còn theo quan điểm của ông Sơn thì chuyện bệnh nhân phẫu thuật xong mà tử vong rơi xuống nước có nổi lên được hay không thì ông không dám khẳng định.
Đến nay đã hơn 10 ngày, các cơ quan chức năng cùng gia đình đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm xác chị Lê Thị Thanh Huyền nạn nhân bị Nguyễn Mạnh Tường ném xác xuống sông Hồng. Hàng chục km sông đã được "bới" tung lên với rất nhiều những biện pháp khác nhau, từ lặn xuống mò đáy sông, dò sào, dò lưỡi câu cho đến ngoại cảm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, xác chị Huyền vẫn bặt vô âm tín.
Theo Đất Việt
Giám đốc Công an Hà Nội: Phải tìm bằng được xác bị phi tang Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, từ tự thú của bác sĩ Tường và lời khai của nhân chứng độc lập, đủ căn cứ nhận định nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã bị ném xuống sông. Ngày 29/10, sau một tuần tìm kiếm trong vô vọng xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, người bị ném xuống sông Hồng theo...