Bác sĩ Việt Nam: ‘Liệu pháp miễn dịch là tiến bộ đột phá trong chữa ung thư’
Liệu pháp miễn dịch giành giải Nobel 2018 đã ứng dụng ở Việt Nam, được bác sĩ đánh giá là chữa khỏi ung thư nếu bệnh nhân đáp ứng tốt.
Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch chữa ung thư được Bộ Y tế cấp phép ứng dụng gần một năm nay, triển khai tại nhiều bệnh viện như Ung bướu TP HCM, Bệnh viện K Hà Nội, Chợ Rẫy, Bình Dân… Liệu pháp đang được sử dụng cho bệnh nhân bị ung thư hắc tố melanoma, phổi, bàng quang…
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, giải thích về cơ chế, các tế bào T của hệ miễn dịch tuần tra liên tục trong cơ thể tìm dấu hiệu bệnh tật hoặc nhiễm trùng để tấn công tiêu diệt. Khi tế bào T bắt đầu tấn công, hệ miễn dịch tăng cường sản xuất một loạt phân tử nhằm tránh làm hại các mô bình thường. Các phân tử này là các chốt kiểm soát miễn dịch (immune checkpoints). Mới đây người ta biết được các tế bào ung thư dùng các chốt kiểm miễn dịch này để thoát khỏi sự tấn công của tế bào T. Do đó nếu ức chế được chốt kiểm, tế bào T có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Hai nhà khoa học vừa được trao giải Nobel 2018 là James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ đã tiên phong phát hiện những chốt kiểm miễn dịch như CAL4, PD1, PD-L1. Từ đó các nhà nghiên cứu bắt tay điều chế được những loại kháng thể đơn dòng nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Phương pháp điều trị này gọi là liệu pháp miễn dịch.
Năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận loại thuốc miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố melanoma. Những năm sau, các thuốc miễn dịch điều trị ung thư phổi và thận, Hodgkin lymphoma, bàng quang được đưa vào sử dụng. Nhiều loại thuốc miễn dịch khác đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trước khi ứng dụng.
Giáo sư Hùng đánh giá: “Liệu pháp miễn dịch là tiến bộ mang tính đột phá trong điều trị một số loại ung thư”. Bệnh nhân nếu đáp ứng tốt với liệu pháp này thường khỏi bệnh lâu dài. Liệu pháp có tác dụng như vắcxin với cơ thể. Tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể điều trị được bằng phương pháp này.
“Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch”, giáo sư Hùng nói. Ngoài ra, hiện nay kết quả điều trị lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân nào có chốt kiểm miễn dịch khi dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng đều hiệu quả. Thực tế hiện mới khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch có kết quả tốt.
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện đã áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Nhiều bệnh nhân bị ung thư bàng quang, đầu cổ… đang tham gia làm tình nguyện viên thử nghiệm thuốc ức chế miễn dịch trong những dự án nghiên cứu đa quốc gia.
“Liệu pháp này còn mới nên chi phí điều trị rất tốn kém, nhiều tình huống lâm sàng phải phối hợp với hóa trị và xạ trị để tăng hiệu quả”, tiến sĩ Tuấn Anh cho biết.
Video đang HOT
Cơ chế trị ung thư của liệu pháp miễn dịch.
Các bác sĩ nhận định liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích… không còn hiệu quả. Theo sự tiến bộ của y học, các phương pháp điều trị ung thư ngày càng đa dạng, phong phú. Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo khoảng 18 triệu người phát hiện mắc ung thư trong năm 2018, gần 10 triệu trong số này tử vong. Ung thư có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển.
Việt Nam đứng 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người). Số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Hàng năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày.
Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch, còn gọi là liệu pháp miễn dịch. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Hy vọng chữa khỏi ung thư từ liệu pháp miễn dịch giành giải Nobel Y học
Bằng cách kích thích hệ miễn dịch, nghiên cứu của James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) mang lại hy vọng đẩy lùi hoàn toàn ung thư.
Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể, còn gọi là liệu pháp hệ miễn dịch điểm kiểm tra. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel.
Năm 1990, giáo sư Allison tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là điểm kiểm tra (checkpoint) trong hệ miễn dịch. Ông chứng minh rằng nhả phanh giúp giải phóng các tế bào miễn dịch chống ung thư, từ đó đem đến kết quả tích cực trong điều trị ung thư ở chuột.
Đến năm 1992, giáo sư Tasuku Honjo tìm ra điểm kiểm tra thứ hai. Liệu pháp miễn dịch dựa trên khám phá của ông cũng chứng tỏ hiệu quả trong việc đẩy lùi ung thư.
Trên thực tế, ý tưởng huy động hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, đến thời giáo sư Allison và giáo sư Honjo, ý tưởng mới trở thành điều trị lâm sàng.
Mô phỏng hệ thống phanh của hệ miễn dịch. Ảnh: Twitter.
Ông Klas Krre, thành viên ủy ban Nobel nhận định công trình của giáo sư Allison và giáo sư Honjo tạo nên bước ngoặt lớn, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận về điều trị ung thư. Thay vì tập trung vào khối u, liệu pháp do hai nhà khoa học sáng tạo hướng đến hệ miễn dịch, do vậy phù hợp điều trị nhiều dạng ung thư khác nhau.
Các loại thuốc từ công trình nghiên cứu của giáo sư Allison và giáo sư Honjo được gọi là chất ức chế điểm kiểm tra cho thấy kết quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết. Chúng gây ra tác dụng phụ song không nghiêm trọng và có thể đảo ngược được.
"Nhờ liệu pháp này, chúng ta có thể chữa khỏi ung thư", ông Krre nói.
Theo The Guardian, sau khi biết tin mình đoạt giải Nobel, giáo sư Alisson đang ở "trạng thái sốc" vì đạt được "giấc mơ của mọi nhà khoa học". Tại Nhật Bản, giáo sư Honjo ăn mừng với các đồng nghiệp Đại học Kyoto. Cả hai sẽ cùng chia đôi phần thưởng trị giá 9 triệu kronor (khoảng 1,1 triệu USD).
Giáo sư Allison sinh năm 1948, hiện công tác tại Trung tâm Ung thư Anderson thuộc Đại học Texas. Ông từng có nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển, kích hoạt thụ thể tế bào T và cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.
Giáo sư Allison mất mẹ từ năm 10 tuổi vì bà ung thư hạch bạch huyết. Lớn lên, việc chứng kiến người bệnh đau đớn vì hóa trị, xạ trị càng thôi thúc ông tìm ra cách điều trị ung thư. Dù từng tuyên bố bản thân chỉ là một nhà khoa học đơn thuần muốn tìm hiểu hoạt động của tế bào T, giáo sư Allison cũng thừa nhận những gì đã xảy ra "luôn nằm trong đầu tôi".
Giáo sư Allison (áo trắng) ăn mừng cùng gia đình và bạn bè. Ảnh: Twitter.
Giáo sư Honjo sinh năm 1942. Ông bắt đầu nghiên cứu ung thư sau khi một người bạn học qua đời vì ung thư dạ dày. Giáo sư Honjo nổi tiếng với công trình về protein PD-1 và phát hiện một loại enzyme AID có vai trò thiết yếu trong quá trình tái tổ hợp gene kháng thể và siêu đột biến. Từ năm 1984 đến nay, giáo sư Honjo làm việc tại Đại học Kyoto.
Giáo sư Honjo (áo xanh, vest xanh) ăn mừng cùng đồng nghiệp. Ảnh: Twitter.
Dù đều đã bước qua tuổi 70, cả giáo sư Allison lẫn giáo sư Honjo đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc để đem đến hy vọng cho bệnh nhân ung thư. "Tôi muốn những người bị ung thư ngoài kia biết rằng chúng tôi vẫn đang nỗ lực", giáo sư Allison bày tỏ.
Giáo sư Honjo thì chia sẻ: "Một người bạn chơi golf đã đến cảm ơn tôi rằng nhờ công trình của tôi, ông ấy đã khỏi ung thư phổi. Những lời như vậy quý giá hơn bất cứ giải thưởng nào. Tôi sẽ không dừng lại để liệu pháp hệ miễn dịch cứu được thật nhiều bệnh nhân".
Minh Nguyên
Theo Vnexpress
62 triệu đồng một lọ thuốc miễn dịch chữa ung thư Bệnh nhân sử dụng liệu pháp miễn dịch phải truyền 2 lọ thuốc miễn dịch cho một lần điều trị, với chu kỳ 3 tuần một lần. Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết Bộ Y tế cuối năm 2017 đã cấp visa lưu hành thuốc điều trị theo liệu pháp miễn...