Bác sĩ Việt khám bệnh tại Lào và nỗi xót xa:’10 trẻ thì hết 9 suy dinh dưỡng’
Chuyến đi vượt ngàn cây số khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo tỉnh Champasak, Lào đọng lại trong lòng đội ngũ bác sĩ Việt nhiều nỗi niềm, mà hơn cả là nỗi xót xa về sức khỏe của những đứa trẻ tại đây.
Từ ngày 28/6-2/7, 25 y bác sĩ thuộc Hội thầy thuốc trẻ TPHCM đã lên đường mang theo thuốc men, dụng cụ y tế vượt hàng ngàn cây số để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 2000 người dân tại các huyện Khong, Soukhoma,Bachiang và Champasak thuộc tỉnh Champasak, Lào.
Nhìn chung, những hộ dân tại đây chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, thu nhập thấp lại cách xa trung tâm nên không có điều kiện khám, chữa bệnh.Những đứa trẻ được sinh ra trong điều kiện sống vô cùng vất vả, thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo về sinh hoạt do đó khi bị bệnh thường được phát hiện rất trễ thậm chí khi trẻ qua đời gia đình vẫn không hề biết nguyên nhân bệnh.
Bệnh nhi Pheng bị tan máu bẩm sinh nhưng gia đình không hay biết để điều trị.
Sáng ngày 29/6, sau khi vượt qua đoạn đường dài lỏm chỏm đá, ổ voi, phải “trung chuyển” bằng xe lôi vì đường không thể di chuyển bằng xe lớn, đoàn bác sĩ đã đến được ngôi chùa nhỏ nằm tại một xã nghèo thuộc huyện Khong- nơi có hơn 500 bệnh nhân nghèo đang ngồi chờ đến lượt khám.
Những đứa trẻ vô tư bò ra đất.
Khuôn mặt lấm lem, gầy nhom của trẻ em tại địa phương vì điều kiện sống, sinh hoạt khó khăn.
Mang chiếc bụng to tướng ngồi vào bàn khám bệnh, bệnh nhi Pheng khiến bác sĩ Đỗ Quang Thành- Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Tiền Giang chốc giật mình khi biết bé đã 14 tuổi nhưng cân nặng chỉ bằng một đứa trẻ 7 tuổi. Sau khi tiến hành thăm khám cho bé và khai thác bệnh sử gia đình, bác sĩ Thành nhận định bé gái đã mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đã vào giai đoạn nặng. Tuy nhiên, khi được hỏi, gia đình bé hoàn toàn không biết tình trạng này.
Cứ 10 trẻ thì hết 9 trẻ tại đây bị suy dinh dưỡng mức độ nặng.
Video đang HOT
“Tôi có tổng cộng 6 người con, 4 người con đã mất trước đó cũng có dấu hiệu tương tự như bé này. Bé đầu tiên sinh ra 2 tháng tuổi đã mất, các bé sau thì 2 tuổi, 3 tuổi, 5 tuổi đều có những dấu hiệu tương tự. Khi khám ở bệnh viện thì các bác sĩ nói bé bị lách to, vì không có tiền mua thuốc nên cũng không điều trị thêm nữa”, bà Năng Bôn, 45 tuổi, mẹ của bé Pheng nói.
Bác sĩ Đỗ Quang Thành đang thăm khám cho bệnh nhi.
Bác sĩ Đinh Hương Quỳnh đang thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm đường hô hấp.
Các bác sĩ tiếp nhận và thăm khám cho nhiều bệnh nhi.
Theo Bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó Giám đốc BV Cư Kuin, Đăk Lak, ngoài suy dinh dưỡng, trẻ tại địa phương còn mắc các bệnh lí về da và đường hô hấp.
Ngoài trẻ em, các BS còn khám và kê đơn thuốc cho các bệnh nhân lớn. Trong hình: BS Huỳnh Trần Đức Lợi, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 đang thăm khám cho một bệnh nhân bị cao huyết áp.
Bên cạnh dòng người đang xếp hàng chờ khám bệnh là 2 đứa trẻ nhỏ độ chừng vài tháng tuổi đang bò trên đất, thỉnh thoảng chúng còn thản nhiên bốc vài ngụm cát cho vào miệng. Lâu sau, chị Dom (mẹ bé) mới phát hiện ra con và bế con vào để Bác sĩ khám vì đã tới lượt. “Tôi chia tay chồng khi 2 bé mới vừa tròn 2 tháng, nay đã được hơn nửa năm rồi. Vì không có nghề nghiệp ổn định nên ai kêu gì làm nấy, bệnh cũng không có tiền đi khám bệnh. Nay nghe có đoàn bác sĩ Việt đến khám nên từ sáng sớm đã ẳm 2 con đến chờ. Con tôi dạo này ít bú sữa, hay tiêu chảy và sốt”, chị Dom cho biết.
Trong những ngày tiếp theo, đoàn bác sĩ đã tiếp nhận thăm khám, phát thuốc miễn phí cho hơn 1.500 bệnh nhân ở một số huyện còn lại của tỉnh Champasak. Lần đầu tham gia vào hoạt động khám bệnh từ thiện tại nước bạn, bác sĩ Diệp Thế Bảo Trâm cho biết chị xót xa khi nhìn vào những đứa trẻ tại Lào. “Cứ 10 trẻ là hết 9 trẻ bị suy dinh dưỡng, nhiều bé 14-15 tuổi mà cân nặng chỉ bằng một đứa trẻ mới lên 7. Điều kiện sống khó khăn, việc chăm sóc, vệ sinh cho trẻ không tốt khiến cho trẻ dễ bị nhiễm giun, sán và suy dinh dưỡng rất nặng, nhiều trường hợp còn bị tiêu chảy cấp. Đối với những trường hợp này, chúng tôi thường kê thuốc xổ giun kèm thêm vitamin, men tiêu hóa cho trẻ”, bác sĩ Trâm nói.
Người dân tại Lào chờ đến lượt khám.
Nhìn những ánh mắt ngây thơ của trẻ em Lào được mẹ địu trên vai hay ẵm trên tay ngồi vào bàn khám bệnh, Bác sĩ Đỗ Quang Thành không khỏi trầm ngâm: “Việc sử dụng thuốc chỉ là phương án tạm thời, quan trọng phải thay đổi được lối sống cũng như sinh hoạt của người dân. Nhưng không trách được vì điều kiện sống tại đây quá khó khăn, người dân còn không đủ ăn, huống gì chữa bệnh”.
YẾN NHI
Theo Tiền phong
Bé trai 2 tuổi suy dinh dưỡng, nôn ói liên tục vì bệnh lý hiếm gặp
Ngày 27/6, Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết, vừa cấp cứu thành công bé 25 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng, nôn ói liên tục vì bệnh lý hiếm gặp.
Bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật.
Trường hợp nói trên là bé H.M.P, 25 tháng tuổi, ở Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An chỉ nặng vỏn vẹn 7kg, thường xuyên nôn ói từ lúc mới sinh. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn từ khi bé bắt đầu ăn dặm và dần chuyển sang thức ăn thô. Dù cha mẹ đã đưa bé đi khám nhiều nơi (kể cả ở Hà Nội) những vẫn không tìm ra nguyên nhân.
Ngày 14/6/2019, bé P. nhập viện trong tình trạng thể trạng suy dinh dưỡng nặng, nôn ói nhiều, thậm chí nôn ra thức ăn của ngày hôm trước. Ba mẹ của bé rất lo lắng vì đã khám nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được bệnh cho bé.
Sau khi được bác sĩ ngoại Nhi thăm khám, kết hợp với chụp X -quang ổ bụng không chuẩn bị có hình ảnh bóng hơi kép, chụp lưu thông ruột kết quả dạ dày giãn to đến đoạn DII tá tràng, thuốc vẫn xuống tận đại tràng.
Hình ảnh chụp X- quang dạ dày giãn lớn.
Chụp MSCT 128 dãy phát hiện dạ dày bệnh nhi giãn to có chứa nhiều thức ăn mặc dù đã cho bé nhịn ăn từ chiều hôm trước. Với kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bé P. được chẩn đoán tắc tá tràng không hoàn toàn do màng ngăn niêm mạc. Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật giải phóng màng ngăn niêm mạc.
Vì thể trạng yếu nên trước khi phẫu thuật, bé được điều trị hồi phục điện giải và bổ sung dinh dưỡng. Ngày 21/6/2019, thể trạng được cải thiện và tiến hành phẫu thuật. Cuộc mổ diễn ra trong vòng 60 phút, bác sĩ xác định dạ dày và tá tràng của bé bị giãn to, tiến hành cắt bỏ màng ngăn tá tràng và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.
Sau 2 ngày phẫu thuật, bé đã có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau 5 ngày. Để đánh giá khả năng tình trạng phục hồi một cách hoàn thiện, bé được hẹn tái khám sau 1 tháng.
Hình ảnh MSCT dạ dày giãn lớn chứa nhiều thức ăn và gấp khúc.
Tắc tá tràng là dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa làm bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng (đoạn đầu của ruột non), màng ngăn nằm ở đoạn D2 chiếm 85 - 90% các dị tật màng ngăn.
Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/6000 ở trẻ mới sinh, bé trai thường mắc bệnh nhiều hơn bé gái và thường kết hợp 1 số dị tật khác như: Dị tật tim, hội chứng Down và các dị tật khác đường tiêu hóa.
Hình ảnh màng ngăn niêm mạc được các bác sĩ phẫu thuật thành công.
BSCKI Nguyễn Văn Tuấn có nhiều kinh nghiệm trong chuyên khoa ngoại Nhi, trực tiếp phẫu thuật cho biết: "Bệnh lý tắc tá tràng hoàn toàn là một cấp cứu ngoại khoa ở trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trẻ bị tắc đường tiêu hóa, ói mất dịch, sụt cân, rối loạn điện giải, sốc, co giật và có thể dẫn đến tử vong.
Với thể bệnh tắc tá tràng không hoàn toàn ở giai đoạn sơ sinh và trước ăn dặm, trẻ có thể có nôn trớ nhiều hơn so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, đến tuổi ăn dặm trở đi, sự xuất hiện nôn trớ sau ăn tăng lên về số lần và số lượng, bụng chướng nhiều vùng thượng vị, lúc này trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi cọc và suy kiệt. Và các bà mẹ nên thực hiện siêu âm toàn diện ở 3 tháng cuối thai kỳ để tầm soát và can thiệp sớm cho bé ngay sau sinh".
Thông tin thêm về bệnh lý:
Tá tràng nguyên thủy là ống rỗng từ tuần thứ 4 của thai kỳ, nút liên bào phát triển mạnh, làm ống tá tràng đặc lại, đến tuần 8 - 10 xảy ra quá trình không bào hóa, khối liên bào hình thành các khoang rỗng, các khoang rỗng này sau đó nối lại với nhau làm tá tràng thông lại. Mọi khiếm khuyết trong quá trình "thông hóa" ngừng lại sẽ gây ra màng ngăn tá tràng.
Nôn, trướng bụng là dấu hiệu sớm và là lý do bố mẹ cần đưa trẻ đi khám. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng.
Nguyễn Phê
Theo Dân trí
Nước đậu đen: Đồ uống lý tưởng trong những ngày nắng nóng cực điểm nhưng khi uống cần lưu ý! Mặc dù nước đậu đen rất tốt cho sức khỏe của bạn vào những ngày nắng nóng nhưng giới chuyên gia nhấn mạnh không vì thế mà lạm dụng. Đậu đen nấu thành chè hay đậu đen rang rồi hãm thành nước uống thay nước lọc trong những ngày nắng nóng hiện nay rất được ưa chuộng. Đây không phải món đồ uống...